Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Israel

[MINH HUỆ 9-11-2017] Ngày 31 tháng 7 năm 2017, một học viên Pháp Luân Đại Pháp Israel đã phát sóng một chương trình trên Đài Phát thanh “Kol HaGalil” (Đài Tiếng nói Galilee). Đài Phát thanh “Kol HaGalil” là một kênh thông tin cộng đồng tại địa phương do và Đài Phát thanh Quốc gia Israel tài trợ.

Đài phát thanh này thông báo sẽ dành cơ hội duy nhất cho người dân trong khu vực phát sóng một chương trình hai giờ đồng hồ về một chủ đề tâm đắc nhất. Một học viên địa phương nhận thấy đây là cơ hội tuyệt vời để phát sóng một chương trình về Pháp Luân Đại Pháp và để mời mọi người trong khu vực của anh tham gia luyện công tại các điểm luyện công ở địa phương.

Sau khi giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công), học viên này nói: “Bản thân tôi cũng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và tôi cảm thấy việc tu luyện đã giúp tôi trở nên bình thản hơn… Nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn vô cùng quan trọng đối với tôi. Pháp Luân Đại Pháp đã giúp tôi trở nên tích cực hơn và buông bỏ được những tâm xấu như tật đố, tranh đấu, chỉ trích và nghĩ xấu về người khác cũng như bản thân mình,… Tôi nhận ra rằng không có gì tốt hơn Đại Pháp trong cuộc sống của tôi.”

“Hơn nữa, Pháp Luân Đại Pháp phù hợp với thời đại và lối sống hiện đại ngày nay. Một người có thể tu luyện chính mình ngay trong xã hội, trong các mối quan hệ với gia đình và bè bạn cũng như trong công tác của chính mình mà không hề phải từ bỏ bất cứ điều gì. Bạn chỉ cần nỗ lực đề cao bản thân và trở thành một người tốt hơn trong mọi mặt của cuộc sống.”

Trong chương trình phát sóng hai giờ đồng hồ này, học viên này đã phát sóng bản nhạc do các học viên Pháp Luân Đại Pháp từ khắp nơi trên thế giới sáng tác và biểu diễn. Anh còn phỏng vấn một số học viên khác. Cô Rachel bắt đầu tu luyện từ năm 18 tuổi. Giờ đây, cô đã là mẹ của một cậu bé 10 tuổi cũng đang tu luyện và là thế hệ thứ tư trong gia đình tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Rachel cho biết: “Môn tu luyện này giúp tôi tìm lại được sự nhẹ nhõm, thư thái.”

Một người được phỏng vấn khác cũng bắt đầu tu luyện ở tuổi 18 khi còn là một người lính trong quân đội. Anh cho biết việc tu luyện đã giúp anh rất nhiều trong những tình huống khó khăn cả khi ở trong quân ngũ cũng như trong việc học hành sau này của anh. Anh nói: “Pháp Luân Đại Pháp đã giúp tôi có nội tâm cần bằng và tĩnh lặng.”

Chương trình đã nói về cuộc bức hại mà môn tu luyện phải đối mặt ở Trung Quốc từ ngày 20 tháng 7 năm 1999. Phần lớn câu chuyện về cuộc bức hại được chuyển tải qua các bài hát như “Feels Like 1936 Again” (so sánh Thế vận hội Olympic 2008 tại Trung Quốc với Thế vận hội Munich năm 2006) và qua cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Israela Yablonka là người tham gia nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.

Tiến sỹ Yablonka cho biết, ngay từ đầu, Pháp Luân Công đã rất phổ biến ở Trung Quốc và thậm chí ngay cả chính phủ cũng khuyến khích người dân ra tập luyện tại các công viên công cộng để nâng cao sức khỏe.

Tuy nhiên, khi cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thấy có đến hàng chục triệu người tu luyện Pháp Luân Công, ông ta đã thành lập một cơ quan gọi là Phòng 610 có chức năng duy nhất là bức hại các học viên Pháp Luân Công. Đến nay, các học viên vẫn bị chính quyền tra tấn và tẩy não nhằm ép họ từ bỏ tu luyện.

Tiến sỹ Yablonka và những tình nguyện viên khác đã trình chiếu bộ phim Trung Quốc Tự do (Free China) và Lưỡi dao rỉ máu (The Bleeding Edge), trong đó phơi bày những tội ác tàn bạo nhắm vào các học viên ở Trung Quốc.

Tiến sỹ Yablonka cũng nói về việc chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn cho tội ác giết hại các học viên để lấy tạng, trong đó nhiều tạng được thu hoạch khi các học viên vẫn còn sống và sau đó cấy ghép cho những bệnh nhân trả giá cao.

Một người khác được phỏng vấn đã đưa ra dẫn chứng về việc cuộc bức hại đã vượt xa khỏi biên giới Trung Quốc.

Anh Zion Xiong là một người Irael gốc Hoa. Trong cuộc phỏng vấn, anh cho biết khi cuộc bức hại ở Trung Quốc bắt đầu, anh có tên trên website Pháp Luân Đại Pháp Israel với tư cách là một liên lạc viên. Đại sứ quán Trung Quốc tại Israel đã triệu tập anh để “nói chuyện” và đe dọa anh, bảo anh phải suy nghĩ cho kỹ nếu anh còn ý định trở lại Trung Quốc.

Lúc đó, anh đang làm việc cho một công ty nhập khẩu hàng Trung Quốc. Anh thường bay sang Trung Quốc hai tháng một lần để làm việc. Hai tháng sau, khi anh nộp đơn xin gia hạn visa Trung Quốc, Đại sứ quán đã từ chối. Điều này khiến anh khó mà tiếp tục công việc của mình.

Chị gái của anh Zion là Xiong Wei cũng tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi học tại Berlin, cô bắt đầu làm việc cho một công ty của Đức và được cử sang Trung Quốc làm việc. Năm 2002, cô bị cảnh sát bắt giữ khi đang nói chuyện với người dân Bắc Kinh về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Cô bị giam giữ tại trại lao động trong hai năm mà không qua bất kỳ thủ tục pháp lý nào.

Trong khi anh Zion đề nghị chính phủ Israel trợ giúp, những người bạn đại học Đức của cô Wei cũng tìm kiếm sự trợ giúp từ chính phủ Đức. Cô Wei được thả sau hai năm. Cuối cùng, cô cũng thoát khỏi Trung Quốc và được cấp thị thực lao động ở Đức.

Zion cho hay, ở Đức, chị gái của anh được tự do tu luyện Pháp Luân Công và không bị đe dọa bị giam giữ khi nói mọi người rằng Pháp Luân Công là tốt.

Anh Zion đã hỏi các thính giả: “Nền tảng của Pháp Luân Công là giá trị Chân – Thiện – Nhẫn. Nếu một người phản đối những giá trị này thì giá trị của người đó là gì?“


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/11/9/166332.html

Đăng ngày 14-11-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share