Bài viết của Ngũ Ái Liên, một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở California, Mỹ quốc

Con xin kính chào Sư phụ!

Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi bắt đầu theo bố mẹ luyện công khi lên 5 tuổi. Bố mẹ tôi di cư đến nước Mỹ khi họ mới 10 và 11 tuổi. Tôi và ba người em trai, em gái đều sinh ra ở khu vực vịnh San Francisco. Gia đình chúng tôi sáu người đều tu luyện. Bố tôi đắc Pháp đầu tiên, ông cảm thấy rất tốt, và một cách tự nhiên chúng tôi cũng học theo.

Khi còn nhỏ tuổi, tôi không có khái niệm gì về tu luyện cả. Thời điểm đó, một vị đồng tu thường tổ chức lớp Minh Huệ tại nhà vào các cuối tuần. Có một số bạn nhỏ, như là đồng tu A và đồng tu B, cùng năm sinh với tôi, họ đã có thể đọc được sách Chuyển Pháp Luân tiếng Trung với sự giúp đỡ của người lớn; một số bạn nhỏ còn có thể tự đọc sách. Cả nhà chúng tôi đều nói tiếng Anh, nếu muốn nói tiếng Trung thì chỉ nói tiếng Quảng Đông với bà nội. Tôi không biết đọc sách tiếng Trung, lại cũng không hiểu người khác đang đọc cái gì.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên cầm quyển sách tiếng Trung lên, thì cảm thấy giống như là đang nhìn vào rất nhiều chấm đen được in trên giấy trắng. Thậm chí cầm sách hướng nào tôi cũng không biết. Lúc đó tôi không cảm thấy khó khăn, chỉ cảm thấy bản thân mình có vấn đề, ngoại hình thì giống người Trung Quốc mà lại không biết tiếng Trung. Khi nhìn các bạn nhỏ khác đọc, tôi cũng rất muốn học để đọc được. Nội hàm của tiếng Trung rất sâu, hơn nữa lại là Pháp của Sư phụ, tôi chỉ hy vọng rằng một ngày nào đó tôi có thể tự đọc hiểu được. Lúc đó, tôi cũng không biết còn có bản giản thể và phồn thể. Tôi thấy một cuốn sách có các chấm đen được sắp xếp đẹp hơn cuốn kia một chút, vậy là tôi đã chọn đọc cuốn Chuyển Pháp Luân phồn thể.

Một hôm, bố tôi có được một bản Chuyển Pháp Luân tiếng Anh. Tôi cầm được cuốn sách thì rất vui mừng, vì cuối cùng thì tôi cũng đã hiểu được cuốn sách mà mọi người tuần nào cũng đọc. Vì để hiểu được nguyên văn, tôi thường xem bản tiếng Trung và tiếng Anh luân phiên nhau. Có chỗ nào không hiểu thì tôi hỏi bố ý nghĩa đại khái là gì. Tôi cũng cảm thấy Pháp này là dựa vào bản thân mà ngộ, mỗi người có lý giải không giống nhau. Tôi nghĩ rằng lúc nhỏ tôi có hoàn cảnh tu luyện như vậy nên mới có thể đi cho đến ngày hôm nay.

Con đường vũ đạo

Năm tôi 9 tuổi, người lớn trong nhà hy vọng chúng tôi học một chút văn hoá truyền thống Trung Quốc, nên kiến nghị mấy người con gái chúng tôi đi học múa Trung Quốc. Tôi thấy ở ngoài dán các tấm ảnh các bạn nhỏ mặc trang phục múa rất vui tươi, nên cũng muốn thử một lần. Lúc đó, tôi không nghĩ được rằng sẽ phải luyện tập rất thống khổ. Ngay buổi học đầu tiên, chúng tôi đã phải tập xoạc thẳng chân, nhưng tôi đã không thể xoạc nổi. Đồng tu B học múa trước tôi một chút, bạn ấy đứng bên phải của tôi và xoạc chân một cách rất nhẹ nhàng, bạn ấy động viên tôi rằng lúc mới bắt đầu bạn ấy còn không xoạc tốt bằng tôi. Lúc đó, tôi cảm thấy mình không thể làm được, tôi đau đến mức nói không ra lời, vậy mà bạn ấy còn vừa ép chân vừa nói chuyện với đồng tu A một cách rất vui vẻ.

Tuần tiếp theo, tôi nói với các dì của tôi rằng tôi không muốn đi học nữa, bởi vì vũ đạo không phù hợp với tôi. Kỳ thực là tôi sợ chịu khổ. Lúc rất đau thì tôi không chịu được, không muốn kiên trì. Các dì nói với tôi rằng chịu khổ là việc tốt, người tu luyện chúng ta cần tiêu nghiệp tích đức, đây là cơ hội tốt. Các bạn A và B có thể nhảy được tốt là vì họ đã nỗ lực luyện tập, coi khổ là vui. Tôi đọc thuộc bài thơ “Khổ kỳ tâm chí“ rất nhiều lần, mới ngộ được tầng ý nghĩa này. Nếu như lần này tôi để lỡ mất cơ hội thì nhất định sau này sẽ hối hận. Khổ thì khổ vậy, ít nhất thì chúng tôi sẽ cùng chịu khổ.

Mỗi cuối tuần chúng tôi luyện múa vài giờ. Trước tiên, chúng tôi ép chân và khởi động ở trên xà ngang. Tiếp theo, chúng tôi dựa vào gương để tập trồng cây chuối. Sau đó là tập xoạc chân, đá chân, nhào lộn, v.v. Các giáo viên đều giảng bằng tiếng Trung, do vậy tôi phải nhờ các bạn trong lớp múa phiên dịch giúp. Mỗi tuần tôi chỉ tập luyện một lần, nhưng sau đó thì toàn thân tôi đau mỏi tới vài ngày, dường như vừa hết đau thì lại phải tới lớp. Tôi học múa ở trường này hai năm, phát hiện ra rằng vũ đạo cũng là tu luyện. Tôi muốn múa được tốt thì nhất định phải chịu khổ, không mất thì không được.

Tham gia lớp học múa đã giúp tôi phát hiện ra rất nhiều tâm chấp trước của mình, bao gồm tâm tật đố, tâm hiển thị, tâm hoan hỉ, tâm tranh đấu, v.v. Chấp trước lớn nhất của tôi là tâm sợ hãi: sợ khổ, sợ bị thương, sợ mệt. Tôi đã luôn coi đồng tu A và B là mục tiêu vươn tới của mình và muốn được như họ: thông minh, hiểu được lời giáo viên, và múa tốt. Tôi không có được thiện tâm và dũng khí như họ. Tôi cho rằng nghiệp lực của họ ít hơn tôi nên mới học nhanh và dễ dàng như vậy. Quay đầu nhìn lại, giờ tôi hiểu ra rằng đó là do tôi chưa có được nỗ lực như họ. Sau mỗi lần luyện vào cuối tuần, tôi chỉ muốn nghỉ ngơi, trong khi họ sẽ luyện thêm ở nhà. Tôi còn cho rằng con đường tu luyện của ba chúng tôi sẽ giống hệt nhau. Nhưng tu luyện không chỉ là luyện thân thể, còn phải tu bản thân. Tôi nhất định phải bắt đầu từ việc cải biến tư tưởng mới có thể có được tiến bộ và đề cao thực sự.

Khó khăn khi tu tâm tính

Bố tôi muốn tôi tận dụng được tốt vũ đạo đã học. Bố bảo chúng tôi chuẩn bị một số tiết mục, khi có các hoạt động Đại Pháp thì biểu diễn, nhân tiện sẽ dạy cho em trai, em gái và con của các đồng tu khác. Chúng tôi đã cùng nhau tham gia vô số cuộc diễu hành. Rất nhiều người thường đã đứng vây quanh chúng tôi và cười. Phía sau chúng tôi có các lá cờ của Đại Pháp và các tấm biểu ngữ, chúng tôi cũng có cơ hội biểu diễn, nhất cử lưỡng đắc. Bố tôi cảm thấy hiệu quả rất tốt, nên đã cho chúng tôi tham gia nhiều hoạt động khác nữa.

Có một năm, dạ hội mừng năm mới của Đài truyền hình Tân Đường Nhân sẽ đến San Francisco diễn xuất. Để quảng bá cho sự kiện này, bố tôi đã sắp xếp cho chúng tôi đi khắp nơi biểu diễn. Mỗi cuối tuần, chúng tôi biểu diễn trước công chúng tại các địa điểm khác nhau: trên đường, trên vỉa hè, tại các trung tâm mua sắm, các khu vui chơi, thư viện, v.v. Lúc mới bắt đầu, tôi thấy rất thích thú, nhưng càng về sau thì tôi càng cảm thấy mệt. Mỗi lần ra ngoài, bố cho chúng tôi cùng ngồi trên xe chở các đạo cụ vũ đạo, phục trang và dụng cụ âm thanh. Chúng tôi biểu diễn vài giờ, sau khi kết thúc thì thu dọn rồi trở về nhà. Mỗi khi đến một nơi nào đó, chúng tôi đều phải cân nhắc địa điểm, điều kiện và hoàn cảnh để biểu diễn. Có lúc mặt đất không bằng phẳng, rất bẩn, hoặc là rất trơn, vì đảm bảo an toàn nên chúng tôi phải đổi động tác múa vào phút cuối. Sau khi múa được một nửa mà trời mưa thì chúng tôi vẫn phải tiếp tục múa.

Một lần, chúng tôi bay đến New York để biểu diễn vào mùa đông. Lúc đó, trên mặt đất đã có tuyết, nhưng chúng tôi vẫn mặc quần áo mỏng để múa. Tôi còn nhớ, một lần vào trước ngày Giáng sinh, chúng tôi đã múa 8 giờ đồng hồ tại một quảng trường ở San Francisco, suốt từ buổi trưa đến 8 giờ tối. Đó là lần chúng tôi múa lâu nhất, khi đói thì bèn ăn đồ ăn nhanh. Lúc đó, diễn viên nhỏ nhất của chúng tôi là em gái 2 tuổi của tôi. Mặc dù múa lâu, nhưng người xem cứ liên tục cổ vũ chúng tôi; sau khi chúng tôi hồi phục thể lực thì lại tiếp tục múa. Kỳ thực, mỗi người chúng tôi đều hiểu rất rõ ràng chúng tôi đang làm gì. Nếu như không ôm giữ chính niệm mà biểu diễn, thì có khi chúng tôi chỉ khởi tác dụng ngược mà thôi. Do vậy, chúng tôi dù có mệt đến mấy cũng phải nghĩ cách để vui vẻ lên.

Tôi cảm thấy lúc tôi tu tâm tính nhiều nhất là khi nhìn con của người thường cuối tuần được đi chơi vui vẻ với bạn bè. Mỗi cuối tuần, nếu như tôi không đi hồng Pháp và giảng chân tướng, thì cũng đến lớp học; cuối tuần bận rộn xong rồi thì hôm sau lại phải đi học bình thường. Đến kỳ nghỉ, trong khi những bạn trẻ khác được đi du lịch, ăn uống, vui chơi, thì tôi hàng ngày vẫn phải học tập rất nhiều, hoặc là đi quảng bá Shen Yun. Tôi biết rõ rằng những gì tôi làm là rất vĩ đại, nhưng khi thấy người khác được sống những ngày tháng vui vẻ, thì vẫn dẫn khởi cái tâm của tôi. Mỗi lần cảm thấy muốn buông bỏ, thì tôi lại nghĩ tới những đồng tu bị bức hại ở Trung Quốc. Họ vẫn luôn giảng chân tướng trong một hoàn cảnh mà tôi không tưởng tượng nổi. Trong khi đó, tôi ở nước Mỹ rất an toàn, lại có thể đường đường chính chính tự do ngôn luận, tôi hạnh phúc hơn họ rất nhiều. Do vậy, tôi tự nhủ với bản thân rằng mình không có tư cách để kêu khổ.

Mỗi người có con đường tu luyện riêng

Năm 2007, khi tôi 13 tuổi, tôi cùng đồng tu A và B lên núi để thi vào Shen Yun. Lúc đó, điều kiện đối với nữ là cao trên 1m60. Kỳ thực, ba chúng tôi đều chưa đạt được chiều cao tiêu chuẩn, nhưng các giáo viên thấy chúng tôi đã từng được huấn luyện vũ đạo nên cho phép chúng tôi gia nhập và lưu lại. Mỗi ngày chúng tôi luyện vũ đạo, tập diễn xuất, luyện công tập thể, học Pháp, và lên lớp học văn hoá. Đây là lần đầu tiên tôi được thể nghiệm một môi trường tốt như vậy, tu luyện và vũ đạo cũng có thể dung hợp lại với nhau tốt như vậy. Trước đây, tôi luyện tập một cách gián đoạn, do vậy tiến bộ rất chậm. Hiện giờ, ngày nào cũng luyện từ sáng đến tối, còn có Sư phụ đích thân đến chỉnh lại động tác, mỗi người đều tiến bộ rất nhanh. Tôi thường thấy các chị nỗ lực luyện đến mức đau vô cùng rồi mà vẫn không từ bỏ, vì vậy mà cảm động đến rơi nước mắt. Tôi cũng có thể cảm thấy được rằng Sư phụ giúp tôi thanh lý thân thể từng bước từng bước một. Mọi người luôn giúp đỡ, quan tâm, cổ vũ lẫn nhau trong môi trường như vậy. Các từ như “mệt, cực khổ, từ bỏ”, là những từ không nên nói, đó cũng tương đương với nói lời dơ bẩn. Thời gian tôi ở đây càng lâu, thì càng cảm thấy hiện tại mới là sự thật, dường như đã tỉnh ngủ vậy. Ký ức ở trong trường học của người thường đã biến thành một giấc mộng.

Điều tôi thể hội sâu sắc nhất là lần đầu tiên luyện tập diễn xuất tiết mục. Các thầy cô giáo ngồi ở phía trước, Sư phụ ngồi ở chính giữa. Tôi chỉ xuất hiện trong hai tiết mục. Trong vở múa thứ nhất, tôi là một cô tiên cầm sáo, rất nhanh đã diễn xong. Nhưng trong vở múa cuối cùng, khi tôi phải diễn Quan Âm nghìn tay, đột nhiên tôi căng thẳng đến mức quên mất động tác. Do chúng tôi được xếp theo chiều cao, tôi thấp nhất nên được sắp xếp ở vị trí trên cùng. Quan Âm nghìn tay là ở vị trí chính giữa phía sau của sân khấu, cũng là đến cuối cùng thì mới bắt đầu chuyển động. Tôi cố gắng hết sức bảo trì nét mặt từ bi nhìn về phía trước, nhưng Sư phụ cũng ở vị trí đó, do vậy tôi bắt đầu căng thẳng. Các anh chị ở phía trước tôi diễn Tiên tử, Phật, Đạo sĩ. Đến khi chúng tôi cần phải động, thì họ cùng nhìn về phía tôi và những người diễn Quan Âm phía sau tôi. Tôi không thấy được những người phía sau, nên cảm thấy ngay lập tức tất cả ánh đèn, ánh mắt, chúng sinh, cả Sư phụ nữa, đều đồng thời nhìn về phía một mình tôi. Tâm sợ hãi của tôi nổi lên, khiến tôi căng thẳng và run, và đã không chuyển động cùng lúc với những người phía sau. Tôi rất muốn khóc, nhưng khi nhìn thấy Sư phụ thì chính niệm lại khởi lên. Tôi ngộ được rằng chúng ta tu luyện thì luôn có rất nhiều Thần ở các tầng thứ khác nhau đang nhìn, khi làm việc sai thì họ rất dễ nhìn thấy. Tôi cũng cảm thấy được có rất nhiều chúng sinh cũng đang đợi tôi đến cứu. Mười năm nay, tôi vẫn luôn nhớ trong tâm.

Tôi đã học được rất nhiều, tiếng Trung của tôi cũng đột nhiên tiến bộ không ít. Khi Sư phụ và các thầy cô giáo nói thì tôi có thể hiểu được phần lớn nội dung. Nếu như tôi có thể ở lại luyện cùng mọi người, cùng nhau đi diễn xuất thì thật tốt. Không đầy 2 tháng sau, một giáo viên cho mọi người ăn kem, sau đó gọi tôi và bạn B qua một bên và nói rất thận trọng rằng, bố mẹ chúng tôi sẽ đến đón chúng tôi về nhà, bạn A có thể ở lại vì bạn ấy cao hơn hai chúng tôi, nhưng chúng thì không được. Tôi thấy B minh bạch gật đầu một cách rất đơn giản, còn tôi thì cắn răng hết sức để cố gắng không khóc. Nhưng lần này tôi đã chịu đến cực hạn rồi, nước mắt không ngừng rơi, dường như trái tim tôi tan nát mất. Hai tuần sau, mẹ của bạn B đến đón chúng tôi về nhà. Chúng tôi cáo biệt mọi người, tôi biết tương lai nếu muốn quay lại sẽ rất khó. Bạn B muốn an ủi tôi, nhưng suốt trên đường tôi chỉ khóc và ngủ.

Sau khi quay về vài tháng, tôi vẫn không nghĩ được thông là vì sao, cảm thấy không chỉ là vấn đề chiều cao. Có phải là chuyện tôi diễn Quan Âm? Hay là do tôi tu luyện chưa tốt? Tôi vất vả luyện múa lâu như vậy, cuối cùng tìm được con đường mà tôi cho là con đường tu luyện của mình, nhưng cuối cùng vẫn không đúng. Ngày ngày trước khi đi ngủ, tôi lại dằn vặt khóc. Tôi cho rằng bố mẹ sẽ không lý giải được, cũng không giúp được tôi, do vậy tôi đã không để cho họ biết. Sau này, tôi nhớ lại được một câu Sư phụ giảng trong sách Chuyển Pháp Luân:

“chư vị thấy rằng mình làm gì cũng được, [nhưng] mệnh của chư vị không có [nó]; anh ta làm gì cũng không nên, [nhưng] mệnh của anh ta có [nó], nên anh ta sẽ làm lãnh đạo.”

Kỳ thực, tôi cũng chưa phóng hạ được tình thân. Khi ở New York thì tôi nhớ người nhà, khi phải về nhà thì tôi lại lưu luyến người trên núi. Vô tình tôi đã coi họ là gia đình mới của mình. Tôi đã quá tham làm, quá cố chấp, cũng quên mất mục đích ban đầu khi đi lên núi của mình. Là đệ tử Đại Pháp, chúng ta phải làm tốt ba việc. Mỗi lần tôi vứt bỏ tâm chấp trước, ngộ được một chút, là tôi đề cao lên một chút. Khi Shen Yun đến San Francisco là tôi có cơ hội dự thi. Tuy nhiên, mỗi năm thì tôi lớn thêm một chút, yêu cầu của Shen Yun lại cao hơn một chút, đến năm thứ ba thì tôi biết tôi không theo kịp nữa. Con đường của mỗi người là không giống nhau, do vậy tôi không nên nghĩ rằng tôi nhất định phải đi theo Shen Yun mới được. Tiểu đệ tử nào cũng gia nhập Shen Yun là điều không thể, cũng có thể tương lai tôi sẽ có an bài khác.

Khảo nghiệm tâm tính

Lên đại học, tôi đã chọn ngành thiết kế, ngành này rất thích hợp với tôi. Vì để học được nhiều môn hơn và tốt nghiệp sớm hơn một chút, bố tôi đã cho tôi đi học cả vào kỳ nghỉ hè. Sau một thời gian, bố lại muốn tôi đồng thời học tâm lý học, nói là để bồi dưỡng tư tưởng thiết kế. Tuy không thực sự nguyện ý, nhưng tôi vẫn nghe lời bố. Tôi nói với bố rằng sau khi tốt nghiệp thì tôi muốn nghỉ ngơi một lát, tôi muốn đi du lịch rồi mới đi tìm việc. Chưa đến ba năm sau thì tôi tốt nghiệp với hai bằng đại học.

Sau khi tốt nghiệp chưa đầy ba ngày, bố tôi đã thu xếp cho tôi đi phỏng vấn với người quản lý Đại Kỷ Nguyên ở San Francisco. Tôi đã nỗ lực là để có thời gian nghỉ ngơi một chút, tôi không muốn phải đi làm ngay. Thậm chí tôi còn chưa tham gia lễ tốt nghiệp, vội gì chứ?! Tôi biết đây là do tâm an dật của tôi tạo thành. Bố nói tôi chỉ đi giúp một tháng thôi, vậy là tôi đi làm vào thứ Hai. Tôi cảm thấy giống như lập tức bị ném vào Trung Quốc. Báo giấy và quảng cáo đều bằng tiếng Trung, học Pháp bằng tiếng Trung, thư từ viết bằng tiếng Trung, họp hành trao đổi bằng tiếng Trung, ngay cả phần mềm mà tôi dùng cũng là bản tiếng Trung. Phần mềm dịch Google đã trở thành người bạn thân thiết nhất của tôi.

Mỗi ngày, thời gian đi lại của tôi mất 3 giờ đồng hồ. Buổi sáng tôi đến công ty, luyện công và học Pháp. Buổi chiều thì tôi làm thiết kế quảng cáo. Tôi rời công ty lúc 5 giờ 30 và về đến nhà lúc 7 giờ. Sau khi ăn cơm xong, tôi phải sắp chữ cho bản tin ngày hôm sau và đi ngủ vào lúc nửa đêm. Một tuần thì năm ngày đều như vậy. Mỗi lần họp vào tối thứ 2 hàng tuần, đầu tôi đau đến mức muốn nứt ra. Tôi cho rằng đó là vì cả ngày tôi ở trong môi trường của người Trung Quốc. Tuy nhiên, sau này tôi đã hiểu ra rằng, có lúc cuối tuần tôi đã buông lơi, chính niệm cũng không đủ nên mới tạo thành như vậy.

Một tháng đó đã kéo dài thành ba tháng thực tập. Người quản lý khuyên tôi ở lại, nhưng tôi chưa sẵn lòng. Bố tôi muốn tôi rời tờ báo để đi thể nghiệm công việc của người thường, tôi liền rất tức giận. Tôi cảm thấy bố luôn coi tôi là công cụ hoặc thử nghiệm của ông. Tôi không chịu được, bèn đồng ý với người quản lý và ký hợp đồng nhân viên một năm. Đến nay, tôi đã làm ở Đại Kỷ Nguyên được hai năm, cũng vẫn còn quan tâm tính với bố, nhưng không còn nghiêm trọng như lúc đầu.

Sư phụ giảng:

“người người kết duyên, rồi sau ngày viên mãn quay trở về, chư vị dẫu muốn gặp lại thì cũng hầu như không thể được; do đó chư vị nên biết quý cái duyên phận này. Ngoài ra duyên phận đó của chư vị cũng là cái duyên khác nhau tương hỗ giao hoà qua nhiều đời mà kết thành; thật chẳng dễ dàng gì. Vậy nên làm điều gì cũng phải phối hợp cho tốt; sự việc của mỗi đệ tử Đại Pháp đều là sự việc của mọi người. Mỗi cá nhân cũng không nên chỉ vì vài việc nhỏ bé rồi sinh ra xa cách; thế không được, phải biết quý tiếc.” (Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York [2003] – Giảng Pháp tại các nơi III)

Bố tôi là một phụ đạo viên nên ông thường rất bận. Mỗi khi bố tôi cần giúp đỡ thì lương tâm của tôi không cho phép tôi từ chối ông. Khi “Luận ngữ“ mới được công bố, tôi đã thay hết “Luận ngữ” cũ trong sách Chuyển Pháp Luân giúp cả nhà tôi. Một hôm, sau khi nhóm học Pháp của chúng tôi học xong, bố đưa cho tôi một chồng sách Chuyển Pháp Luân để tôi thay “Luận ngữ”, bố nói rằng sách của điểm học Pháp của chúng tôi là do tôi phụ trách. Tôi lại giận sôi lên, bình thường tôi đã bận công việc rồi, giờ lại còn phải thay “Luận ngữ” cho sách của nhiều người như vậy. Bố chưa hỏi tôi mà đã nhận lời mọi người, mà mỗi người còn có đến mấy quyển sách. Nhưng đây cũng là tu luyện. Nếu tôi muốn có thời gian thay sách, thì công việc bình thường phải làm xong nhanh hơn. Sau đó, tay và mạch suy nghĩ của tôi đã trở nên nhanh hơn rất nhiều. Tôi cũng biết rằng thay “Luận ngữ” cho cuốn sách trân quý này cần phải tĩnh tâm, không thể mang theo niệm đầu không tốt, nếu không sẽ thay sai.

Chuẩn bị cho Pháp hội San Francisco

Gần đây, người đến dự Pháp hội ngày càng nhiều, nên chúng tôi phải chuẩn bị cho các hoạt động ngày càng sớm. Pháp hội San Francisco 2016, bố tôi đã chuẩn bị phương án diễu hành và nhạc diễu hành trước một tháng. Người nhà chúng tôi ban ngày thì bận đi làm hoặc đi học, buổi tối mới có thời gian chuẩn bị cho các hoạt động trong thời gian Pháp hội. Nửa đêm, bố tôi lại phải kiểm tra loa và chỉnh âm thanh của loa, tiếng loa rất to khiến chúng tôi không thể ngủ được. Thời gian đó, bố tôi phải đi công tác ở Nhật Bản, bố không biết liệu có thể về đúng lúc để tham gia các hoạt động hay không. Bố cũng không có thời gian dạy người khác, do vậy tối nào bố cũng bảo tôi và em trai lớn của tôi đến học.

Buổi tối, sau khi sắp chữ xong, tôi xuống phòng khách ở tầng dưới. Hễ thấy bố tôi bày ra một đống hỗn loạn trên mặt đất là tôi không muốn tới gần. Tuy nhiên, những cái loa, ăng ten và nhạc cụ này nhất định phải có người quản trong thời gian diễn ra các hoạt động Pháp hội, do đó chúng tôi bèn cố gắng học. Cảm tạ an bài của Sư phụ, bố tôi đã về trước mấy ngày, do đó hai chị em tôi không còn áp lực quá lớn nữa.

Những ngày Pháp hội, mọi người đều bận vô cùng. Ngày diễu hành, chúng tôi cần đến địa điểm sớm để chuẩn bị âm nhạc và xe trưng bày cuộc đàn áp. Sau khi cuộc diễu hành kết thúc, chúng tôi phải đi khắp nơi để tìm lại các loa lớn, loa bé mà mọi người mượn. Tìm được loa rồi, chúng tôi lại phải nạp điện để còn tiếp tục dùng chúng trong buổi thắp nến tưởng niệm vào tối hôm đó.

Vào ngày Pháp hội, chúng tôi cũng phải lắp đặt và kiểm tra loa từ trước. Lúc này, tôi cảm thấy rất mệt và rất buồn ngủ, nhưng nếu tôi được nghe Sư phụ giảng Pháp thì nhất định tôi sẽ tỉnh lại. Kết quả là lần này Sư phụ không đến, nên tôi cảm thấy thất vọng. Một số người nói rằng đó là do can nhiễu tạo thành, nhưng tôi thì cho rằng đó là một khảo nghiệm đối với tôi.

Dự báo thời tiết nói rằng ngày hôm sau sẽ có mưa vào lúc diễu hành. Tôi cũng không muốn tham gia. Kỳ thực, nếu tôi làm không tốt, tôi sẽ cảm thấy không còn mặt mũi nào nhìn Sư phụ. Pháp hội kết thúc lúc 6 giờ chiều, mọi người có thể ai đi đường nấy. Gia đình chúng tôi lại phải ở lại thu dọn. Tôi quyết định tham gia diễu hành vào ngày hôm sau. Tuy vẫn còn mệt, nhưng tôi rất vui bởi vì đã có rất nhiều người đứng xem; và trời cũng không có mưa.

Công việc an ninh cho hạng mục Đại Pháp

Shen Yun tới vào tháng 1 năm nay, đó cũng là lần đầu tiên tôi chính thức làm an ninh cho Shen Yun. Cùng thời gian này, một vị là nhân viên của Đài truyền hình Tân Đường Nhân ở New York mời tôi và một chú đồng tu tới thành phố Phoenix, bang Arizona biểu diễn, rồi ăn Tết Trung Quốc ở đó. Chị ấy nói năm ngoái giám đốc rất thích điệu mùa với dải lụa của tôi, cho nên năm nay muốn tôi quay lại đó diễn. Tôi đã không múa từ lâu lắm rồi, lại thêm cả ngày ngồi làm việc với máy tính, cho nên tôi cảm thấy tôi không múa được nữa, sẽ không đẹp mắt nữa. Tuy nhiên, chị ấy cứ nhấn mạnh rằng họ cần tôi tới, do vậy tôi đã nhận lời. Tôi nghĩ tôi không có thời gian luyện tập, hiện giờ là lúc bận làm Shen Yun, còn phải đi làm từ sáng đến tối, do vậy tôi đã không để tâm lắm.

Một buổi tối thứ Năm, người phụ trách an ninh đột nhiên bảo tôi rằng tối nay thiếu người làm. Tôi biết em trai tôi cũng đi, nên đã nhờ cậu ấy mang giúp tôi bộ vest đến nhà hát. Tôi sẽ nghỉ làm sớm rồi lái xe tới đó. Lúc xuống xe, do không cẩn thận nên tôi đã dẫm lên vết lõm trên đường và bị trật mắt cá chân. Niệm đầu tiên của tôi là: Tôi đã trở nên yếu nhược như vậy từ lúc nào? Trước đây, khi múa tôi đã bị ngã vô số lần, nhưng tôi chưa bao giờ bị trẹo chân như thế này. Tôi không tin rằng tôi không thể bước đi một cách bình thường, cũng không cho phép nó ảnh hưởng đến việc tôi làm an ninh. Mặc dù đau, tôi vẫn đứng ở cửa lớn trông coi việc ra vào của khán giả.

Sau khi về nhà, chân tôi ngày càng đau, tôi đã phải vừa đi vừa nhảy. Lúc ngồi xuống, tôi thấy chân mình đã sưng lên rất to. Tôi thông báo với người quản lý rằng ngày hôm sau tôi không thể đi làm, và sẽ ở nhà làm việc. Tôi đã nhận lời rằng hai tuần sau sẽ tới thành phố Phoenix để biểu diễn; hiện tại tôi bị thương, nên có lý do để từ chối không đi. Nhưng tôi biết suy nghĩ này không đúng, chúng tôi tới đó là để giới thiệu văn hoá truyền thống Trung Quốc và quảng bá Shen Yun. Chú đồng tu không biết tiếng Anh, nếu chú ấy đi một mình thì sẽ gặp khó khăn, Shen Yun cũng chưa diễn xong ở thành phố của chúng tôi, do vậy tôi nhất định phải khởi chính niệm lên. Sau đó, cuối tuần không đi làm thì tôi đến nhà hát. Buổi tối sau khi sắp chữ xong cho bản tin ngày hôm sau thì tôi bắt đầu luyện múa.

Việc múa một mình có ưu điểm là có thể đổi động tác bất cứ lúc nào, múa sai cũng không bị người khác phát hiện. Vào ngày diễn xuất, tôi và chú đồng tu đi ra sân bay từ sáng sớm. New York cũng có vài người tới. Hôm đó, tôi và chú đồng tu nửa đêm mới về đến nhà.

Shen Yun đến thành phố Phoenix biểu diễn vào tháng 3. Một người trong nhóm email của chúng tôi đã hỏi rằng vé ở thành phố đó còn hay không. Một người khác đã trả lời rằng vé đã bán hết trước đó một tháng rồi. Tôi ngộ được rằng, mỗi người đều rất quan trọng, không nên nhìn vào việc một địa phương nào đó có bao nhiêu người, quan trọng là mọi người mang theo chính niệm và cùng nhau phối hợp tốt.

Con đường tu luyện 18 năm rất dài, nhưng có lúc cũng cảm thấy rất nhanh. Có rất nhiều tiểu đệ tử như tôi đắc Pháp từ rất sớm, và cũng đã trở thành học viên lâu năm trẻ tuổi. Tôi hy vọng rằng, trong thời khắc quan trọng này, có nhiều thanh niên hơn nữa bước ra hoàn thành sứ mệnh của mình, kể cả bản thân tôi. Lúc thấy vô cùng khó khăn, thì học Pháp luyện công nhiều hơn. Mỗi lần gặp phải khó khăn, thì tôi bèn niệm “Khổ kỳ tâm chí”:

Khổ Kỳ Tâm Chí

Viên mãn đắc Phật quả,

Cật khổ đương thành lạc.

Lao thân bất toán khổ,

Tu tâm tối nan quá.

Quan quan đô đắc sấm,

Xứ xứ đô thị ma.

Bách khổ nhất tề giáng,

Khán kỳ như hà hoạt.

Cật đắc thế thượng khổ,

Xuất thế thị Phật Đà.

Tạm dịch:

Khổ kỳ tâm chí

Viên mãn đắc Phật quả,

Coi khổ như hỷ lạc.

Nhọc thân nào đáng mấy,

Tu tâm mới khó qua.

Cửa nào cũng phải qua,

Chốn nào cũng đầy ma.

Trăm khổ cùng giáng xuống,

Xem sống nổi ra sao.

Nếm đủ khổ trên đời,

Xuất thế chính Phật Đà.

Có chỗ nào không đúng, mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.

Con xin cảm tạ Sư phụ!

Cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài chia sẻ tại Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp New York 2017)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/5/18/348330.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/5/26/164005.html

Đăng ngày 25-10-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share