Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 7-9-2017] Ngày 1 tháng 9 năm 2017, tại Trại tạm giam Bình Độ ở Thanh Đảo, cô Lý Lệ, 45 tuổi, một học viên Pháp Luân Công tỉnh Sơn Đông đã bị Tòa án Phổ Đông xét xử phi pháp. Trong phiên tòa kéo dài hai giờ đồng hồ, cô Lý quả quyết rằng tu luyện Pháp Luân Công không phải là bất hợp pháp. Luật sư của cô thay mặt cô không nhận tội và yêu cầu thả cô ngay lập tức.

Ngày 11 tháng 4 năm 2017, cô Lý bị bắt giữ vì sử dụng máy vi tính và máy in để sản xuất các tài liệu Pháp Luân Công. Nhà cô đã bị nhân viên đồn Cảnh sát đường Thái Sơn ở thành phố Bình Độ lục soát. Kể từ đó, cô bị giam giữ ở trại tạm giam.

Trước đây, sau khi Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, cô Lý đã bị bắt giữ và cầm tù vài lần với tổng thời hạn tù là 10 năm. Cô đã bị đuổi việc vì tín ngưỡng của mình. Cô bị giam giữ ở bệnh viện tâm thần khoảng bốn tháng, bị đưa đến trại lao động cưỡng bức khoảng hai năm và hai lần bị kết án, mỗi lần là bốn năm tù giam.

Pháp Luân Công đã cải biến tôi thành một người tốt

Khi bước vào phòng xét xử với đôi tay bị còng, cô Lý đã hô: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Hãy chấm dứt bức hại Pháp Luân Công!”

Gia đình cô hô lớn: “Đừng chỉ hô hào thôi! Hãy nói với họ mình đã trở thành một người tốt như thế nào.”

Sau đó, cô Lý đã mô tả mình đã thay đổi như thế nào.

“Trước khi tu luyện, tôi không bao giờ làm bất cứ việc nhà nào. Ở nơi làm việc, tôi nổi tiếng là một kẻ gây rối. Tôi không làm việc chăm chỉ. Tôi thường tranh cãi với quản lý về việc đến muộn về sớm của mình. Tôi ngủ gật khi làm việc. Thỉnh thoảng tôi lấy đồ ở nơi làm việc mang về nhà dùng.”

“Sau khi bắt đầu tu luyện, tôi hành xử chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi bắt đầu nấu ăn, giặt quần áo và làm những việc nhà khác. Tôi hết lòng chăm sóc tốt cho bố mẹ chồng.”

“Tôi báo cáo công việc đúng giờ và không còn ngủ gật khi làm việc nữa. Tôi lặng lẽ mang trả lại những thứ mà mình đã lấy mang về nhà nhưng chưa sử dụng đến và trả tiền cho những thứ đã sử dụng rồi. Khi có mâu thuẫn với đồng nghiệp, tôi không tranh cãi với họ. Tôi chiểu theo những gì Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, dạy chúng tôi và bắt đầu hướng nội tìm thiếu sót ở bản thân mình trước. Tôi luôn trung thực cho dù lợi ích cá nhân của mình có bị ảnh hưởng thế nào đi nữa.”

“Các quản lý và đồng nghiệp đã khen ngợi tôi. Các đồng nghiệp tìm đến tôi khi họ có tranh cãi. Trong cuộc họp tuần, các lãnh đạo thường lấy tôi làm hình mẫu cho các đồng nghiệp.”

Công tố viên không thể đưa ra bằng chứng hợp lệ

Khi phiên xét xử bắt đầu, công tố viên Mã Hiểu Đông đã cáo buộc cô Lý phân phát tài liệu Pháp Luân Công vào ngày 31 tháng 1. Nhưng ông ta không thể đưa ra được bất cứ bằng chứng nào để chứng minh cho cáo buộc này.

Sau đó, công tố viên đưa ra lời khai của nhân chứng Dương Khai Phong, nhưng người này không xuất hiện ở phiên xét xử để làm chứng. Nhân chứng này quả quyết rằng cô Lý đã đưa cho anh ta cuốn tài liệu Pháp Luân Công và sau đó treo thứ mà anh ta nghĩ là các cuốn tài liệu Pháp Luân Công vào cửa nhà người dân vì chúng trông giống như cuốn tài liệu mà anh ta đã nhận. Anh ta nói rằng mình đã thấy những cuốn tài liệu giống như thế trong túi xách của cô Lý.

Luật sư của cô Lý nghi ngờ tính chính xác của lời khai vì trong những thứ được liệt kê làm vật chứng trước tòa thì ngoài các cuốn tài liệu ra còn có cả các sách Pháp Luân Công và những chiếc bùa hộ mệnh.

Những cáo buộc không có cơ sở pháp lý

Công tố viên đã cáo buộc cô Lý “sử dụng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một tội danh vô căn cứ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường sử dụng để biện minh cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Luật sư của cô Lý lập luận rằng cáo buộc này không vững vàng về pháp lý, vì trong danh sách các tổ chức tà giáo mà Bộ Công an đưa ra không có Pháp Luân Công. Luật sư cũng hỏi cô Lý đã tổ chức tà giáo như thế nào và cô Lý đã phạm luật nào hay quy định hành chính nào. Công tố viên đã không trả lời được.

Luật sư tiếp tục chỉ ra rằng cô Lý có quyền tự do tín ngưỡng được Hiến pháp bảo vệ và do đó bất cứ luật nào khác hạn chế tự do tín ngưỡng đều là bất hợp pháp và không có hiệu lực. Ông nói rằng cô Lý vô tội và phải được thả ra ngay lập tức.

Không có phán quyết

Trước những lập luận chặt chẽ của luật sư, công tố viên chỉ đọc bản thảo đã in ra trước và yêu cầu tòa án kết án cô Lý từ ba đến bảy năm tù.

Luật sư biện hộ chỉ ra rằng: “Thân chủ của tôi là một người có đức tin kiên định và một người tu luyện chân chính. Thậm chí cả hơn mười năm tù cũng không làm cô từ bỏ đức tin của mình đối với Pháp Luân Công. Cô Lý không vi phạm luật. Cô ấy không hề phá hoại việc thực thi pháp luật.”

“Thưa quý tòa, thân chủ tôi là một người tốt. Đưa một người tốt vào tù là vô trách nhiệm. Tất cả các vị đều biết rằng một nhân viên tư pháp có trách nhiệm pháp lý, ngay cả khi người đó đang làm theo mệnh lệnh của cấp trên. Tôi hy vọng các thẩm phán trong ban hội thẩm tôn trọng quyền công dân theo hiến pháp và đưa ra phán quyết công tâm. Cô Lý là vô tội.”

Không có phán quyết nào được đưa ra. Phán quyết cuối cùng sẽ do ban hội thẩm quyết định.

Những người chịu trách nhiệm bức hại cô Lý:

Mã Hiểu Đông, công tố viên Viện kiểm sát Bình Độ: +086-13953295191

Đại Ngọc Cương, phó Phòng 610: +086-532-87309201

Thôi Tục Vĩ, nhân viên đồn Cảnh sát Thái Sơn: +086-13370818885

Thang Long Văn, trưởng Phòng Cảnh sát Phổ Đông: +086-13606306367

Lưu Minh Vĩ, giám đốc Phòng 610 Phổ Đông: +086-18678977969


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/9/7/353449.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/9/16/165433.html

Đăng ngày 22-9-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share