Bài viết của một học viên tại Bỉ

[MINH HUỆ 9-9-2017] Ngày 2 và 3 tháng 9, các học viên Pháp Luân Công đã tham dự Lễ hội Hòa bình thường niên (Vredefeesten) do chính quyền thành phố Sint-Niklaas, Bỉ tài trợ.

Lễ hội Hòa bình được tổ chức vào cuối tuần đầu tiên của tháng 9 từ năm 1948 cho tới nay để kỷ niệm sự chấm dứt của Đại chiến Thế giới II. Trong những năm qua, sự kiện thường niên này đã phát triển thành một trong những lễ hội nổi tiếng nhất thế giới trong khi vẫn lưu giữ được chủ đề cơ bản của lễ hội là hòa bình và tự do.

Năm nay có một hoạt động đặc biệt dành cho trẻ em tại quảng trường Heymanplein mang tên “Tất cả chúng ta cùng trên con đường chống lại sự bất công”. Ý tưởng là cho trẻ em đến thăm các quầy thông tin khác nhau để tìm hiểu về các vấn đề nhân quyền trên toàn thế giới, bao gồm cả hoàn cảnh của người tị nạn.

Mỗi quầy trưng bày nội dung phù hợp với mức độ hiểu biết của trẻ, và khi em nào trả lời chính xác ba câu hỏi về một vấn đề cụ thể, em đó sẽ nhận được một phần thưởng nhỏ và một thẻ đặc biệt có đóng dấu.

Tại quầy thông tin Pháp Luân Công, các học viên đã trưng bày hai bức họa của các học viên. Hai bức họa đó mô tả những em nhỏ đã bị ảnh hưởng bởi cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, một cuộc đàn áp dã man đã cướp đi hàng ngàn sinh mạng và làm tan nát vô số gia đình kể từ năm 1999.

Ba câu hỏi dành cho các em suy nghĩ là: Chân-Thiện-Nhẫn, nguyên lý chỉ đạo của Pháp Luân Công nghĩa là gì? Tại sao bé gái trong bức tranh lại trở thành trẻ mồ côi? Và Pháp Luân Công đã bị bức hại ở Trung Quốc từ bao giờ?

5ff3212728ddd26c07bfc8f27986cfb0.jpg

Thảo luận về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc với các em nhỏ tại Lễ hội Hòa bình ở Sint-Niklaas

0d02e69d1078bf45127dae0b266cc111.jpg

Giới thiệu Pháp Luân Công cho khách tham quan lễ hội

Các học viên đã nói về môn thực hành tu luyện cổ xưa của Trung Quốc – Pháp Luân Công và thảo luận về các bức họa. Họ giải thích rằng những em nhỏ trong các bức tranh bị mất cha mẹ vì cha mẹ các em đã dũng cảm theo đuổi đức tin của mình, ngay cả khi họ phải đối diện với cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các em nhỏ cùng các vị phụ huynh dừng chân tại quầy thông tin đã lắng nghe một cách cẩn thận. Mỗi em được tặng một bông hoa sen giấy gấp thủ công rất đẹp do các học viên tự làm. Trong văn hóa Trung Quốc, hoa sen là biểu tượng của sự thuần tịnh dù sinh ra trong nghịch cảnh.

Một cậu bé dừng chân tại quầy thông tin cùng với bố và hỏi cậu cần học hỏi điều gì để có thể nhận được phần thưởng. Một học viên chỉ vào một trong những bức tranh và hỏi cậu bé đã nhìn thấy gì.

“Một bạn gái ạ!”

“Cháu thấy gì về bạn gái đó?”

“Nước mắt trên mặt bạn ấy ạ?”

“Cháu có biết tại sao bạn ấy lại khóc không? Bởi vì bạn ấy đã trở thành trẻ mồ côi.”

“Trẻ mồ côi là sao ạ?”

“Trẻ mồ côi là những bạn nhỏ mất đi cha mẹ. Bạn ấy đeo gì quanh cổ vậy cháu?”

“Một chiếc chìa khóa.”

“Đúng rồi. Đó là chìa khóa ngôi nhà của bạn ấy. Cháu thấy đấy, cánh cửa đã bị khóa. Bạn ấy có chìa nhưng không thể vào trong được, bởi vì những người xấu đã niêm phong nhà của bạn ấy. Bạn ấy trở thành vô gia cư rồi.”

Người học viên sau đó đã cho hai bố con cậu bé biết nhiều hơn về cuộc bức hại Pháp Luân Công 18 năm ở Trung Quốc, cũng như cuộc kháng nghị ôn hòa toàn cầu của các học viên.

Nhiều du khách bày tỏ sự lo lắng về bản chất tàn bạo của cuộc bức hại. Họ chụp ảnh các bảng trưng bày và ảnh các học viên Pháp Luân Công đang biểu diễn các bài công pháp. Nhiều người cũng ký tên vào bản thỉnh nguyện lên án nạn thu hoạch tạng của các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, trong đó phần lớn nạn nhân là các học viên Pháp Luân Công.

Ngoài việc nâng cao nhận thức về cuộc bức hại ở Trung Quốc, các học viên còn cung cấp các thông tin chung về pháp môn tu luyện truyền thống cả tâm lẫn thân này. Một số khách tham quan đã quan tâm đến việc học Pháp Luân Công và hỏi thông tin chi tiết về các cuộc hội thảo, trang web, và các điểm luyện công.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/9/9/165343.html

Đăng ngày: 17-9-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share