Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-6-2017] Do lớn lên ở Trung Quốc, nên tôi đã bị những tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đầu độc rất nặng. Tôi đã ôm giữ những chấp trước như: suy nghĩ cực đoan, tâm sợ hãi, nghi ngờ, tranh đấu và đặc biệt là tâm tật đố.

Nhận được lợi ích từ Đại Pháp khi đề cao

Năm 1998, tôi đã thu xếp với chồng mình để anh thay tôi chăm sóc cho con, nhờ vậy tôi có thể đến công viên luyện công và nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Đại Pháp. Tuy nhiên, anh ấy đã đổi ý trước khi tôi chuẩn bị rời đi. Tôi đã giận đến nỗi đóng sầm cửa lại rồi bỏ đi mà không buồn nghe anh ấy giải thích.

Ngay sau khi ra khỏi cửa, tôi biết mình đã sai và cảm thấy hối hận vì đã nổi giận. Trong khi ngồi trên xe buýt và nghĩ về điều đã làm mình nổi giận, Pháp của Sư phụ đã hiện ra trong tâm tôi:

Sư phụ giảng:

“Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công.” (Cảnh giới, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi nhận ra vấn đề của mình là do tâm tật đố gây ra và đây là một chấp trước cần phải bỏ.

Khi đề cao tâm tính của mình, tôi thấy hai chân của mình không còn bị đau trong khi ngồi đả tọa ở công viên nữa.

Nóng giận là do tâm tật đố gây ra

Tôi đã bị bức hại vì tu luyện Đại Pháp. Chồng tôi không thể chịu nổi áp lực và đã ly dị tôi vào năm 2000. Khi thẩm phán khuyên chúng tôi tái hợp, tôi đã tức giận đáp lại rằng: “Không bao giờ!”

Nhiều năm sau, tôi nhận ra mình nói điều này là vì vẫn chưa buông bỏ được cái tình, tính ích kỷ và tâm tật đố. Kết quả là, tôi đã không thể giúp chồng cũ nhận thức Đại Pháp.

Khi nhận ra tâm tật đố mạnh mẽ của mình, tôi bắt đầu tìm cách thoát khỏi việc bị nó khống chế.

Năm 2003, dưới tai trái của tôi xuất hiện một khối u. Lúc đầu, tôi không mấy lo lắng vì nó không gây ngứa hay đau gì cả. Nhưng sau vài năm, khối u bắt đầu lớn dần lên, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng và cố gắng hướng nội.

Năm ngoái có một đồng nghiệp nói rằng: “Tâm tật đố khiến khối u tăng trưởng và dẫn đến ung thư.” Tôi đã ngạc nhiên và chợt nhận ra rằng việc khối u tăng trưởng là do tâm tật đố.

Sau đó, tôi nhận ra ở môi trường làm việc có nhiều lần tâm nóng giận của tôi bị phơi bày. Tôi cảm thấy mình bị bạc đãi và cơn nóng giận đã khiến tôi phản ứng thái quá. Bây giờ, tôi đã hiểu ra rằng cơn nóng giận của mình xuất phát từ tâm tật đố.

Thay đổi quan niệm về tâm tật đố

Theo như bài chia sẻ có nhan đề Vứt bỏ tâm tật đố được đăng trên trang Minh Huệ vào ngày 15 tháng 7 năm 2016, trong đó có đoạn: “Trần Kế Đình, một nhà tư tưởng học triều nhà Minh, nói rằng một người đàn ông có hai sự sỉ nhục lớn: đó là khoe khoang những bộ quần áo của mình và bao che những thiếu sót của bản thân. Ông cũng nói rằng một người đàn ông còn có hai tật xấu: đố kỵ đối với năng lực của người khác và lan truyền sự kém cỏi của người khác.”

Tôi đã xúc động khi đọc bài chia sẻ vì tôi thật sự có cả hai cái tâm đáng xấu hổ này. Tôi nhận ra rằng mình không thể loại bỏ tâm tật đố vì tôi chưa cải biến quan niệm về nó.

Có lần tôi mơ thấy Sư phụ giảng câu: “…Phật A Di Đà giảng về việc mang theo nghiệp khi vãng sinh.” (Chuyển Pháp Luân) Tôi đã hiểu ra sau khi thức dậy rằng Sư phụ đang muốn điểm hóa cho tôi về tâm tật đố.

Sư phụ giảng:

“Có một quy định, rằng trong tu luyện nếu người ta không vứt bỏ được tâm tật đố thì không đắc chính quả, tuyệt đối không đắc chính quả. Trước đây có thể chư vị đã nghe thuyết rằng Phật A Di Đà giảng về việc mang theo nghiệp khi vãng sinh; [nhưng] nếu tâm tật đố không bỏ thì không được. Nếu phương diện khác còn kém chút ít, mang theo đôi chút nghiệp vãng sinh, rồi tu tiếp, điều ấy có thể được, nhưng nếu tâm tật đố không bỏ thì tuyệt đối không thể. Hôm nay tôi giảng [điều này] với những người luyện công, chư vị chớ có chấp mê bất ngộ như thế; nếu chư vị muốn đạt mục đích tu luyện lên cao tầng, thì tâm tật đố nhất định phải vứt bỏ. Do vậy chúng tôi giảng riêng về phần này như vậy.” (Chuyển Pháp Luân)

Đoạn Pháp đã nhắc tôi phải thật sự cố gắng để loại bỏ tâm chấp trước này.

Tìm ra những chấp trước khác để đề cao trong tu luyện

Tâm tật đố rất xấu và không tốt. Tuy nhiên, tôi biết rằng mình còn có những tâm chấp trước khác nữa mà tôi phải hướng nội mới có thể tìm ra được. Bên cạnh tâm tật đố, tôi phát hiện mình còn có những tâm khác nữa như: phàn nàn, chỉ trích, hận thù, kiêu ngạo, ghen tị, và còn nhiều tâm khác nữa.

Sư phụ giảng:

“Hoa Đà thấy trong não của Tào Tháo có khối u, cần mở não để làm thủ thuật bỏ khối u. Tào Tháo nghe vậy liền tưởng rằng Hoa Đà muốn lấy đầu của mình, [nên] bắt Hoa Đà giam lại, kết quả Hoa Đà chết trong nhà ngục. Khi Tào Tháo mắc bệnh, nghĩ đến Hoa Đà, tìm đến Hoa Đà, thì Hoa Đà đã chết rồi.” (Chuyển Pháp Luân)

Pháp của Sư phụ nhắc tôi việc luôn cảnh giác và nghi ngờ cũng là những chấp trước mà tôi phải loại bỏ.

Ngoài ra, tôi không hiểu được mối quan hệ giữa Sư phụ, Đại Pháp và các đồng tu. Nhưng tôi ngộ ra rằng mình đã không đặt việc học Pháp lên vị trí hàng đầu. Tôi có chấp trước vào làm các việc. Khi gặp mâu thuẫn, tôi không nghĩ đến Sư phụ và Đại Pháp trước.

Thay vào đó, tôi đã sử dụng tư duy của con người để phân tích các vấn đề. Tôi học từ người khác thay vì Pháp. Tôi đã dành nhiều thời gian để lướt web hơn là học Pháp. Tôi đã hướng ngoại thay vì hướng nội khi gặp phải vấn đề, và nhiều chấp trước của tôi nổi lên do tôi không đạt được tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/6/26/350226.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/8/16/165048.html

Đăng ngày 8-9-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share