Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-7-2017] Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp và là một kỹ sư điện. Kể từ khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi bắt đầu chiểu theo tiêu chuẩn Chân–Thiện–Nhẫn tại nơi làm việc. Nhờ vậy mà tôi có thể hoà nhập tốt với quản lý và các đồng nghiệp tại nơi làm việc.

Thay đổi môi trường làm việc

Tôi làm việc trong viện nghiên cứu năng lượng và chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho các nhà máy điện. Khi được đề bạt làm vị trí này, tôi chỉ vừa mới tốt nghiệp và chưa có nhiều kinh nghiệm.

Một số đồng nghiệp của tôi người thì chơi trò chơi điện tử người thì làm cách này cách khác để giết thời gian. Đại khái là họ không chú ý nhiều đến công việc của họ, điều này khiến tôi tự hỏi mình cần làm gì.

Sư phụ giảng:

“Thế nào gọi là người tốt đây? Ở chỗ nào chư vị cũng đều là người tốt. Chư vị kiếm được chỗ lương đó của ông chủ, chư vị lại không làm tốt công việc cho ông chủ, tôi nói thế thì người ta cũng sẽ không nói chư vị là người tốt, chư vị lấy không tiền của người ta mà.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu)

Lời dạy của Sư phụ đã giúp tôi ngộ ra trách nhiệm của mình. Tôi phải làm tốt công việc này, để không cảm thấy có lỗi khi nhận lương. Tuy nhiên, trước tiên tôi cần hiểu yêu cầu công việc của mình.

Tôi tận dụng toàn bộ thời gian rảnh rỗi để học và tham gia các khoá đào tạo. Khi không chắc chắn về cách giải quyết vấn đề nào đó, tôi sẽ hỏi ý kiến của những đồng nghiệp có kinh nghiệm.

Khi một số đồng nghiệp mới thấy tôi tiến bộ, họ đã nhờ tôi dạy họ. Dần dần, tôi thấy họ bắt đầu đối đãi nghiêm túc hơn với công việc của mình.

Tu Chân

Hầu hết các khách hàng của chúng tôi đều là những nhà máy điện nằm tại các vùng nông thôn, chúng tôi phải thường xuyên đi công tác. Bất cứ khi nào phải chịu trách nhiệm làm báo cáo công tác phí, tôi đều sẽ viết ra mọi chi tiết ở trong cuốn sổ nhỏ của mình.

Khi thanh toán những chi phí này, hầu hết mọi người đều chấp nhận mà không có bất kỳ tranh luận nào vì họ biết tôi tu luyện Đại Pháp và vì thế ai cũng tin tưởng tôi.

Viện của chúng tôi có những khách sạn được ưu đãi và đã định sẵn mức công tác phí. Một số đồng nghiệp cảm thấy điều kiện sinh hoạt ở những khách sạn này không được tử tế và muốn ở nơi đắt tiền hơn. Tôi đã giải thích với đoàn của mình rằng chúng ta phải làm đúng quy định nếu như không muốn gặp rắc rối với phòng kế toán.

Bất cứ khi nào có ai đó yêu cầu ăn gian một số ngày công tác, tôi liền bảo họ rằng chúng ta không thể lừa phòng kế toán. Họ có thể dễ dàng phát hiện ra qua việc xem vé xe lửa và vé máy bay. Dần dần mọi người bắt đầu làm theo quy định.

Đề cao qua việc hướng nội

Theo hệ thống đào tạo của viện, một nhân viên có kinh nghiệm sẽ kèm một nhân viên mới khi cung cấp dịch vụ cho các nhà máy điện.

Sự khen ngợi của mọi người theo thời gian khiến tôi bắt đầu đánh giá cao bản thân. Tuy nhiên, tôi cũng thấy mình thường đưa ra các quyết định mà không suy xét cẩn thận. Các giải pháp của tôi luôn bị các kỹ sư có kinh nghiệm yêu cầu cân nhắc giải pháp thay thế. Nhờ xử lý tình huống theo chỉ dẫn của họ, nên các vấn đề đã được giải quyết dễ dàng.

Tôi bắt đầu hướng nội. Sư phụ đã giảng:

“Họ tưởng rằng mình cao minh hơn những người khác, mình thật xuất sắc.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi chợt bừng tỉnh. Thực ra tôi đã bị rơi vào bẫy khi tự đề cao bản thân. Nếu cứ chấp vào cách của riêng mình, thì liệu tôi có thể đề cao được không? Chỉ khiêm tốn và hướng nội mới có thể giúp tôi đề cao.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/7/13/350871.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/8/4/164901.html

Đăng ngày 19-8-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share