Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-7-2017] Mười công dân ở thành phố Đức Huệ, tỉnh Cát Lâm, đã bị kết án vì không ngừng nói chuyện với mọi người về cuộc đàn áp Pháp Luân Công do chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động. Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Cảnh sát đã giám sát 10 học viên này trong nhiều tháng trước khi bắt giữ toàn bộ 10 người trong vòng 12 giờ đồng hồ, từ ngày 21 đến 22 tháng 9 năm 2016. Không ai trong số các học viên được phép thuê luật sư để bảo vệ cho quyền tự do tín ngưỡng của mình. Các luật sư do toà án chỉ định đã được chỉ đạo nhận tội thay cho họ.

Ngày 24 tháng 3 năm 2017 là ngày đầu tiên các học viên xuất hiện tại toà án. Khi phiên toà tiếp tục vào ngày 18 tháng 7, thẩm phán Vương Vinh Phú đã tuyên án họ có tội và đưa ra các bản án như sau:

Bà Lý Thụy Phong: 7 năm

Ông Vương Thành Thuận: 5 năm

Ông Thôi Đào: 4 năm

Bà Lý Thiệu Trân và bà Hách Kiệt: mỗi người 3.5 năm tù

Bà Trương Phượng Thu, cô Dương Kim Ngọc và Mã Bảo Phang: mỗi người 3 năm

Bà Hồ Ba: 2 năm

Cô Dương Kim Phượng (chị của cô Dương Kim Ngọc): 1 năm

Cô Dương Kim Phượng cũng bị phạt 5.000 nhân dân tệ, còn những người khác mỗi người 10.000 nhân dân tệ.

Tất cả các học viên đã nộp đơn kháng cáo.

Bố mẹ già bị đưa ra khỏi phòng xử án

Trong phiên xử lần thứ hai diễn ra vào ngày 18 tháng 7, công tố viên Tôn Dũng Siêu đã phỉ báng Pháp Luân Công như cách ông ta đã làm trong phiên xử đầu tiên. Bà Vương Tú Cần, mẹ của chị em cô Dương, nói rằng: “Cả hai cô con gái của tôi đều là người tốt! Tôi là người may mắn nhất khi có được những người con tốt như vậy. Pháp Luân Công là tốt! Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là tà và nó sẽ không còn tồn tại được lâu nữa đâu!”

Khoảng năm nhân viên chấp pháp đã kéo bà Vương ra, khiến hai cánh tay của bà bị bầm tím.

Chồng bà Vương, đã ngoài 70 tuổi, cũng bị đưa ra khỏi phòng xử án không lâu sau đó.

Gia đình đệ đơn kiện các thủ phạm

Ngày trước khi diễn ra phiên xét xử thứ hai, vợ chồng bà Vương cùng người thân của chín học viên khác đã đệ đơn kiện Viện kiểm sát thành phố Đức Huệ và Toà án thành phố Đức Huệ lên Viện kiểm sát Trung cấp thành phố Trường Xuân.

Họ cáo buộc Viện kiểm sát thành phố Đức Huệ và Toà án thành phố Đức Huệ đã buộc tội và xét xử những người thân của họ mà không có bất cứ cơ sở pháp lý nào. Vì không có luật nào ở Trung Quốc cấm Pháp Luân Công, đáng lẽ các học viên không nên bị bắt giữ.

Các gia đình cũng cáo buộc công tố viên Tôn và cảnh sát địa phương đã hăm doạ và đánh đập những người thân của các học viên. Công tố viên Tôn đã chỉ đạo cảnh sát giam giữ bà Vương, mẹ của chị em cô Dương, khi bà đề nghị trả tự do cho các con gái mình. Bà đã bị giam trong 10 ngày.

Vợ của ông Thôi Đào, 60 tuổi, đã bị cảnh sát tát vào mặt khi bà hỏi về chồng mình.

Trưởng một phòng ban của Viện kiểm sát Trung cấp thành phố Trường Xuân đã thừa nhận với người thân của các học viên rằng việc cảnh sát đánh bất kỳ ai là sai, và yêu cầu họ tố cáo việc này lên Văn phòng Khiếu nại thuộc Viện kiểm sát Trung cấp.

Triệu Dũng Lượng ở văn phòng khiếu nại đã giúp các gia đình điền một tờ đơn, nhưng từ chối giúp họ nộp đơn khiếu nại.

Sau đó các gia đình đã đến Văn phòng Khiếu nại của Viện kiểm sát Tỉnh Cát Lâm. Nhân viên lễ tân cho biết anh không dám nhận vụ việc của họ vì sợ bị mất việc. Anh bảo họ gửi yêu cầu lên Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ tiêu diệt Pháp Luân Công và có quyền cao hơn hệ thống tư pháp.

Bố mẹ của chị em cô Dương đã gửi một đơn khiếu nại khác tố cáo công tố viên Tôn sau phiên toà ngày 18 tháng 7, lần này đơn khiếu nại đã được gửi lên Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/7/25/351632.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/7/29/164833.html

Đăng ngày 11-8-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share