Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-06-2017]

Bà tôi là một Phật tử tín tâm. Bà theo giới luật của đạo Phật, không ăn thịt vào những thời gian nhất định hàng năm, bà đi khắp nơi thắp hương cúng Phật. Khi tôi còn nhỏ, bà kể cho tôi rất nhiều câu chuyện thể hiện tấm lòng tín Thần kính Phật của bà.

Bà thường đi lên núi Mộc Lan cùng vài người bạn để thắp hương ở một ngôi chùa. Trước mỗi chuyến đi, các nữ Phật tử chỉ ăn đồ chay trong nhiều ngày và tắm gội sạch sẽ vào hôm trước ngày khởi hành. Họ rời đi trước lúc bình minh và trở về sau khi trời đã tối.

Núi Mộc Lan cách ngôi làng của bà khoảng 15 dặm lại chưa có đường cái dẫn đến đó. Với bàn chân từng bị bó, bà tôi đã đi bộ 30 dặm trong một ngày để có thể tới thắp nhang trước một bức tượng Phật trên núi. Đó quả là một hành trình gian nan.

Sau khi lên nắm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ngăn cấm các hoạt động tín ngưỡng vì coi đó là mê tín. Nhưng bà tôi cùng những người bạn vẫn duy trì đức tin và nghi lễ của mình.

Bà nói với tôi rằng, sau chiến dịch “Đại nhảy vọt” (một trong những chiến dịch của Đảng diễn ra vào năm 1958), thực phẩm trở nên khan hiếm và mọi người chỉ có duy nhất cháo để ăn. Một ngày, trong khi đang lên kế hoạch cho chuyến đi lên núi Mộc Lan, bạn của bà tôi, bà Công đã hỏi bà liệu có thể tìm thấy nhà vệ sinh trên đường đi không bởi vì chỉ ăn cháo thì hay phải đi vệ sinh.

Bà tôi nói với bà Công không nên nghĩ đến những việc đó khi chuẩn bị đi thắp hương cúng Phật. Trên đường tới núi Mộc lan, bà Công thường xuyên phải đi vệ sinh nhưng bà tôi không cần đi trong suốt cả ngày hôm đó. Về sau, bà Công bảo bà tôi giải thích làm thế nào bà làm được như vậy. Bà tôi trả lời: “Nhân hữu thành tâm, Thần hữu cảm ứng” (“Khi người ta thành tâm, sẽ cảm động đến Thần.”)

Vài năm sau, tôi vẫn còn nhớ trải nghiệm của bà. Mặc dù tôi còn nhỏ nhưng những lời của bà đã để lại trong tôi ấn tượng vô cùng sâu đậm.

Mặc dù bà tôi chưa từng đi học, bà thường nói với tôi những cụm từ có ý nghĩa sâu sắc, chẳng hạn: “nhãn bất kiến tâm bất phiền” (mắt không thấy tâm không phiền), hay “nhượng nhân phi ngã nhược” (chịu khuất phục không nhất định là thua kém). Lúc bấy giờ tôi tuy tuổi còn nhỏ, chưa hiểu lắm về những câu này, nhưng cũng đã gieo lên trong tâm tôi một loại tâm kính Thần.

Người xưa rất thành tâm khi đối đãi với Thần. Họ thường xuyên chế ước việc ăn uống, tắm gội và thắp hương để thể hiện lòng thành kính của mình. Đức tin được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của họ. Các tích truyện như: “Trình môn lập tuyết” (Đợi Trình lão sư trong bão tuyết); “Tam cố mao lư” (Lưu Bị ba lần ghé lều cỏ của Gia Cát Lượng); “Trương Lương bán dạ đẳng Hoàng Thạch Công” (Trương Lương đợi Hoàng lão sư tới nửa đêm) là tất cả những điển cố về lòng tận tâm của người xưa.

Sư phụ giảng:

“Nhân loại đối với biểu hiện của Đại Pháp tại thế gian có thể thể hiện ra sự thành kính và tôn trọng thích đáng, thì sẽ mang đến hạnh phúc hay vinh diệu cho người, dân tộc hoặc quốc gia.” (Luận ngữ – Chuyển Pháp Luân)

Là những đệ tử Đại Pháp, chúng ta không truy cầu hạnh phúc hay vinh diệu. Chúng ta muốn theo bước Sư phụ. Do vậy, chúng ta nên thể hiện lòng tôn trọng và kính ngưỡng hơn nữa đối với Đại Pháp.

Tuy nhiên, do tuyên truyền của Đảng, một số học viên đã thiếu sự tôn kính cơ bản đối với Sư phụ và tu luyện.

Tôi còn nhớ, vài năm trước khi tôi là một học viên mới, tôi đã đưa bản photo một bài giảng mới cho một đồng tu. Anh ta cầm lấy, liếc qua và bỏ vào túi quần trước khi tiếp tục công việc của mình.

Tôi đã bị sốc trước thái độ tùy tiện của anh và nghĩ: “Sao anh ấy có thể làm như vậy được?”

Một số học viên đang có trạng thái tu luyện không tốt, cũng là có quan hệ đến tâm thành kính của họ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/6/21/349974.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/7/16/164672.html

Đăng ngày: 5-8-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share