Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Vân Nam

[MINH HUỆ 28-6-2017] Hai phụ nữ ở thành phố Côn Minh đã bị kết án mỗi người ba năm tù và bị phạt 10.000 nhân dân tệ vì tội “sử dụng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ phổ biến do Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để định tội và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Ngày 22 tháng 11 năm 2016, bà Hứa Xuân Phượng và bà Trương Thanh Tú đã bị tố giác với công an khi đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà Hứa đã bị đưa đến trại tạm giam vào ngày hôm sau, và bà Trương Thanh Tú, 60 tuổi, đã bị bắt giữ tại nhà vào ngày 5 tháng 12.

Hai học viên Pháp Luân Công đã bị đưa ra xét xử vào ngày 19 tháng 5 năm 2017. Ba luật sư của họ đã biện hộ vô tội cho họ. Các luật sư lập luận rằng không có luật nào ở Trung Quốc cấm Pháp Luân Công, và thân chủ của họ không nên bị bức hại vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng và tự do báo chí theo hiến pháp.

Các luật sư cũng bác bỏ bằng chứng truy tố và đề nghị thả bổng thân chủ của họ. Các chánh án đã kết án hai học viên vào ngày 1 tháng 6.

Cả bà Hứa và bà Trương đều bày tỏ mong muốn kháng cáo khi họ gặp các luật sư vào ngày 8 và ngày 21 tháng 6.

Các chánh án và công tố viên vi phạm quy trình pháp luật

Ngày 19 tháng 5, bà Hứa và bà Trương đã bị đưa đến Tòa án huyện Lộc Khuyến để đối mặt với phiên xử, do các chánh án Viên Gia Hồng và Vương Nhạn đồng chủ trì.

Phiên xử được tổ chức trong một phòng xử án với chỉ 10 ghế cho khách, và một số người ủng hộ bà Hứa và bà Trương không thể tham dự.

Ngay khi phiên xử bắt đầu, các luật sư thấy rằng nhân chứng, người đã tố giác thân chủ của họ với công an, không có mặt. Sau khi đọc những lời khai mâu thuẫn của các nhân chứng trong bản cáo trạng, các luật sư ngay lập tức nộp một đơn yêu cầu nhân chứng phải có mặt tại tòa để đối chứng

Yêu cầu bị bác bỏ, và các luật sư đã chất vấn các chánh án làm thế nào để bảo đảm một phiên xử công bằng khi không có nhân chứng và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng.

Các chánh án đã ngưng phiên xử trong vài phút. Khi trở lại, họ thông báo với các luật sư rằng đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng của luật sư bị từ chối.

Các luật sư lại phản đối quyết định của chánh án. Theo luật, yêu cầu đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng phải do các tổng chánh án xem xét.

Các chánh án đã ngưng phiên tòa lần hai, và quay trở lại với cùng một quyết định.

Sau đó công tố viên Vương Tuyết Hải được yêu cầu trình bày bằng chứng truy tố của mình. Theo luật, với mỗi bằng chứng, luật sư phải có thời gian để chất vấn và xác minh tính xác thực và hợp lệ của nó. Tuy nhiên, Vương chỉ đưa ra nhiều bằng chứng cùng một lúc mà không cho các luật sư cơ hội nói.

Các luật sư đã phản đối, và cuối cùng các chánh án đã cho họ vài phút để chất vấn với mỗi bằng chứng do Vương đưa ra.

Các luật sư đã phát hiện nhiều tuyên bố mâu thuẫn của Vương, nhưng các chánh án đã làm ngơ yêu cầu loại trừ bằng chứng truy tố của họ.

Vương đã kết thúc phần trình bày của mình bằng cách đề nghị bản án ba đến bốn năm tù cho mỗi học viên.

Bà Hứa và bà Trương sau đó đã tự bào chữa cho mình và lập luận rằng họ không vi phạm pháp luật khi nói chuyện với mọi người rằng Pháp Luân Công đang bị bức hại phi pháp. Họ đề nghị được tha bổng, và chưa đầy hai tuần sau đã bị kết án.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/6/28/350319.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/7/4/164524.html

Đăng ngày 16-7-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share