Bài viết của Hương Tử, một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 1-4-2017] Từ lúc thấy trang web Minh Huệ đăng “Thông tri kêu gọi gửi bài kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2017”, tôi đã muốn khích lệ các đồng tu hãy cầm bút và viết ra những kinh nghiệm tu luyện của bản thân.

Kinh nghiệm tu luyện của bản thân chỉ cho tôi thấy rằng việc viết về hành trình tu luyện của chúng ta không chỉ giúp chúng ta thấy và loại bỏ những chấp trước ẩn sâu của mình, mà còn cho phép chúng ta học hỏi từ các đồng tu khi giúp nhau hoàn thành các bài chia sẻ. Nói chung, đó là một quá trình rất hữu ích cho tu luyện của chúng ta. Tôi nhận thấy rằng mình có thể giữ bình tĩnh khi đối mặt với các mâu thuẫn.

Ví dụ, đêm trước tôi có thảo luận với chồng mình về việc chuẩn bị đám cưới cho con gái. Dù chúng tôi không đồng ý kiến với nhau, tôi vẫn giữ được bình tĩnh. Trước đây, tôi có lẽ đã làm ầm ĩ lên rồi.

Tôi cảm thấy mình được khích lệ lớn khi bài thơ “Đạo trung” (Hồng Ngâm) của Sư phụ xuất hiện trong tâm trí mình sáng nay:

Đạo Trung

Tâm bất tại yên – Dữ thế vô tranh.

Thị nhi bất kiến – Bất mê bất hoặc.

Thính nhi bất văn – Nan loạn kỳ tâm.

Thực nhi bất vị – Khẩu đoạn chấp trước.

Tố nhi bất cầu – Thường cư đạo trung.

Tĩnh nhi bất tư – Huyền diệu khả kiến.

Diễn nghĩa:

Ở trong đạo

Tâm chẳng để nơi này — chẳng tranh đấu với đời.

Thị (nhìn) mà chẳng kiến (thấy) — chẳng mê chẳng hoặc (nghi).

Thính (nghe) mà chẳng văn (nghe thấy) — tâm này khó mà rối loạn được.

Thực (ăn) mà chẳng [theo] vị — miệng dứt hết chấp trước.

Làm [công chuyện] mà chẳng mong cầu — mãi luôn ở trong Đạo.

Tĩnh mà chẳng tư (nghĩ ngợi) — có thể thấy/chứng được những điều huyền diệu.

Khích lệ các đồng tu

Năm ngoái, khi đọc được “Thông tri kêu gọi gửi bài tham dự Pháp hội Trung Quốc lần thứ 13”, tôi hỏi mỗi học viên mình gặp rằng: “Pháp hội sắp bắt đầu. Bạn có định gửi bài chia sẻ không?”

Một vài người nói rằng họ không biết cách viết một bài chia sẻ như thế nào. Tôi nói: “Tôi có thể giúp.”

Một vài người nói rằng họ không có nhiều điều để viết. Tôi nói: “Sư phụ không nhìn vào việc bạn viết bài chia sẻ tốt như thế nào hay dài bao nhiêu. Sư phụ chỉ nhìn tâm và sự chân thành của bạn.”

Tôi cũng bắt đầu viết bài chia sẻ của mình, nhưng tôi không biết bắt đầu từ đâu. Ngồi ở đó một lúc, đột nhiên một ý tưởng nảy lên trong tâm tôi. Tôi viết ra bất cứ điều gì xuất hiện trong tâm, và sau đó sắp xếp theo cấu trúc. Không lâu sau, bài chia sẻ của tôi đã sẵn sàng.

Trong lúc viết bài chia sẻ, tôi thấy mình có thể dễ dàng bị người khác kích động. Quá trình viết bài giúp tôi giải thể những vật chất xấu này trong tâm. Sau đó, tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Khi tôi đi thăm các học viên khác để xem sự tiến bộ của họ, họ luôn [có mặt] ở đó. Một vài lần, tôi đến ngay sau khi họ vừa trở về nhà.

Tôi hỏi các học viên xem họ cảm thấy thế nào sau khi viết bài chia sẻ. Nhiều người nói: “Mọi chuyện đã hoàn toàn khác sau khi viết bài chia sẻ.”

Tôi nhớ rằng mình đã hứa chỉnh sửa bài chia sẻ cho một học viên. Thực ra, trước đây tôi không viết nhiều, nhưng tôi kiên định nói với cô rằng: “Tôi sẽ giúp bạn!” Tôi biết Sư phụ ở phía sau mình và Sư phụ sẽ giúp tôi.

Thêm tự tin qua việc viết bài chia sẻ

Năm nay, khi tôi đọc “Thông tri kêu gọi gửi bài kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2017,” tôi cảm thấy tự tin hơn. Tôi đã viết về những khổ nạn giữa mình và em dâu. Tôi thấy mình đã không từ bi với cô ấy, sau đó, tôi có thể cảm thấy từ bi của mình khởi lên.

Sáng hôm sau, khi tôi đọc Chuyển Pháp Luân, tôi đọc được các câu Pháp của Sư phụ giảng rằng:

“Người ta trong quá trình tu luyện cần phải tống khứ các loại dục vọng, tâm chấp trước của con người.”

“Nếu sau khi có thể vứt bỏ cái tâm ấy rồi, thì những thứ vật chất kia tự bản thân nó không có tác dụng gì; còn điều thật sự can nhiễu đến người ta chính là cái tâm ấy. Do đó các cao tăng trong quá khứ cũng thấy rằng vấn đề người ta ăn thịt không phải là vấn đề then chốt nào hết; vấn đề then chốt là có thể vứt bỏ cái tâm kia hay không; [nếu] không có tâm chấp trước thì ăn gì cho đầy bao tử cũng được.”

Tôi đột nhiên ngộ được rằng: “Tốt hay xấu không quan trọng; điều thực sự quan trọng là nhân tâm. Nếu chúng ta không có chấp trước, dù thứ tốt hay xấu cũng sẽ không ảnh hưởng chúng ta được.”

Tôi đi chuẩn bị bữa sáng. Những lời giảng Pháp của Sư phụ liên tục hiện lên trong tâm tôi:

“Còn tu luyện chân chính phải tu cái tâm ấy; chỉ khi chư vị đề cao tâm tính, thì tâm chư vị mới có thể đạt được vô vi thanh tịnh; chỉ khi chư vị đề cao tâm tính, thì mới đồng hoá với đặc tính vũ trụ chúng ta; vứt bỏ các chủng dục vọng, tâm chấp trước và những thứ bất hảo của con người, thì chư vị mới bài xuất khỏi thân thể chư vị những thứ không tốt, chư vị mới có thể nổi lên trên. Không chịu ước chế của đặc tính vũ trụ nữa, thì loại vật chất đức của chư vị mới có thể chuyển hoá thành công, nó chẳng phải tương phụ tương thành là gì? Đây chính là đạo lý!” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi vui mừng đến nỗi đã chép lại đoạn Pháp. Sau đó, tôi đột nhiên hiểu tại sao Sư phụ lại an bài con đường tu luyện [cho chúng ta] trong xã hội người thường.

Tôi đã đến một điểm học Pháp khác và chia sẻ kinh nghiệm của mình về việc viết bài chia sẻ. Tôi trở lại đó một tuần sau, có hai học viên ở đó đã hoàn thành các bài chia sẻ của họ rồi.

Tôi muốn khích lệ các đồng tu viết ra câu chuyện và nhận thức của mình, như đã được nêu trong “Thông tri kêu gọi gửi bài kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2017.” Bằng việc viết ra chi tiết những câu chuyện chân thực và xúc động, chúng ta sẽ chứng thực Pháp và giúp thêm nhiều người thụ ích từ Chân-Thiện-Nhẫn. Bằng cách này, Phật quang sẽ chiếu sáng khắp nơi.

Việc viết bài chia sẻ tự nó là một quá trình buông bỏ những vật chất xấu và chấp trước. Khi tâm tính của chúng ta đề cao, chúng ta sẽ nhìn các việc từ góc độ hoàn toàn khác. Những vật chất xấu sẽ không thể can nhiễu chúng ta nữa.

Vì vậy, đừng bị trở ngại bởi quan niệm rằng “Tôi không biết cách viết” hay “Tôi chỉ có ít học thức”. Đó là những quan niệm của người thường. Chúng ta đang học Pháp của vũ trụ!

Tôi muốn kết lại bài chia sẻ của mình bằng hai bài thơ của Sư phụ trong tập Hồng Ngâm II:

Chấn Nhiếp

Thần bút chấn nhân yêu

Khoái đao lạn quỷ tiêu

Cựu thế bất kính Pháp

Huy hào diệt cuồng đào

Tạm diễn nghĩa:

Chấn Nhiếp

Ngọn bút thần khiến yêu quái mang hình người khiếp sợ

Gươm bén khiến lạn quỷ bị tiêu trừ

Cựu thế lực không kính trọng Pháp

Huơ bút lông tiêu diệt sóng lớn cuồn cuộn

Sư Đồ Ân

Cuồng ác tứ niên bão

Ổn đà hàng bất mê

Pháp đồ kinh ma nạn

Trọng áp chí bất di

Sư đồ bất giảng tình

Phật ân hóa thiên địa

Đệ tử chính niệm túc

Sư hữu hồi thiên lực

Tạm diễn nghĩa:

Ơn Thầy Trò

Tà ác điên cuồng như bốn năm gió bão

Nắm vững bánh lái dẫn thuyền đi không lạc hướng

Đồ đệ Đại Pháp trải qua ma nạn

Dưới áp lực [bức hại] nặng nề mà ý chí vẫn không lay chuyển

Giữa Sư phụ và đệ tử không giảng tình [nghĩa]

[Mà là] ơn của Phật biến hóa cả trời đất

Đệ tử chính niệm mà đầy đủ

Thì Sư phụ sẽ đủ sức đưa trở về trời


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/4/1/345017.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/4/11/162799.html

Đăng ngày 11-6-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share