Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ19-3-2017] Cuộc đời của một học viên Pháp Luân Đại Pháp không nên bị lèo lái bởi tâm oán trách. Vì lý do này nên tôi đã học được cách luôn thực hiện ba bước mỗi khi gặp phải vấn đề nào đó.

Đầu tiên, tôi nhắc nhở mình rằng đây là cơ hội để tu luyện tâm tính. Sau đó, tôi hướng nội và luôn nhớ rằng không có việc gì là ngẫu nhiên, vì thế tôi không nên oán trách người khác. Cuối cùng, tôi cố gắng nghĩ cách để giải quyết vấn đề.

Dung nhẫn

Trong nhiều năm, tôi có xu hướng oán trách chồng mình và chị gái kể từ ngày chúng tôi sống chung với nhau. Tôi luôn có rất nhiều lý do để bao biện dung túng cho tâm oán trách này.

Khi chồng tôi mua về rất nhiều rau quả, tôi trách cứ anh ấy. Nếu anh đi làm về muộn, tôi thấy bực mình vì phải hâm lại đồ ăn cho nóng. Bằng cách này hay cách khác, tôi trách cứ về mọi điều mà họ làm.

Tu luyện dạy tôi phải nhẫn nhịn và biết tha thứ, vì thế tôi dần dần thôi không nói lời trách móc nữa, nhưng chúng vẫn đeo bám lấy tôi trong tâm trí vì tôi không chịu hướng nội.

Những lý do cho việc trách móc

Khi bắt đầu hướng nội xem vì sao tôi lại oán trách nhiều như vậy, tôi xem xét những lời trách móc của mình và nhận ra rằng tôi có một vài tâm chấp trước như: tâm truy cầu an dật, tâm chấp vào tình, sự sợ hãi và thiếu kiên nhẫn. Hướng nội sâu thêm nữa, tôi nhận ra rằng sự mong đợi của tôi đối với người khác là khá cao. Thậm chí tôi còn thấy bản thân mình đổ lỗi cho người khác vì chính lỗi của mình.

Tôi phát triển thói quen trách móc từ việc quan sát mẹ tôi. Khi còn bé, tôi nghe mẹ trách cứ bố bất cứ khi nào mẹ nghĩ rằng bố đã gây phiền toái cho mẹ, và bởi vì bố đã không cho mẹ đi làm kể từ ngày bắt đầu cưới nhau.

Tôi bắt đầu trách móc chồng ngay khi chúng tôi kết hôn; tôi còn trách móc nhiều hơn sau khi sinh được một cậu con trai. Trong mắt tôi, chồng tôi chẳng thể làm được điều gì đúng cả. Tôi trách móc về mọi điều mà không như sự mong đợi của mình, hoặc những điều mà gây khó chịu cho tôi. Oán trách đã trở thành một thói quen và nó liên quan đến việc chối bỏ trách nhiệm.

Đánh đồng việc trách móc với sự bất công

Sư phụ giảng: “Kẻ ác do tâm tật đố sai khiến, ích kỷ, nóng giận, mà tự thấy bất công.” (“Cảnh giới” – Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Đọc Pháp của Sư phụ, tôi nhìn lại bản thân mình. Đã tu luyện được tám năm rồi, nhưng tôi vẫn ôm giữ tâm oán trách và tôi đã bị rớt khá sâu. Tôi tự nhủ rằng tôi cần phải tu luyện tinh tấn.

Ngay sau đó tôi có một khảo nghiệm. Chị gái khuyên tôi mua một thứ mà khi đem về nhà thì tôi phát hiện ra bị lỗi. Tôi định trách chị ấy nhưng ngay lập tức nhận ra rằng Sư phụ đang chỉ cho tôi rằng tôi vẫn chưa bỏ được tâm oán trách này.

Sư phụ giảng:

“ Cái đúng là họ

Cái sai là mình

Còn tranh gì nữa” (“Thùy thị, thùy phi” – Hồng Ngâm III)

Tâm trí tôi trở nên bình tĩnh lại, và tôi cảm thấy hối hận vì đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tương tự để phát hiện ra và tu bỏ tâm oán trách này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/3/19/344470.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/4/28/163002.html

Đăng ngày 18-5-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share