Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Đại lục

[MINH HUỆ 12-2-2017] Gần đây tôi đã hai lần lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm, một lần bị sở cảnh sát gián tiếp can nhiễu, một lần bị người không hiểu chân tướng tố cáo. Sau khi hướng nội tìm nguyên nhân, tôi thấy rằng bản thân còn thiếu sót ở hai phương diện: tâm làm việc thái quá; hai là thiếu từ bi.

Sư tôn đã rất nhiều lần giảng rằng cứu người là trách nhiệm của đệ tử Đại Pháp. Là đệ tử Đại Pháp thì tôi phải đi cứu người, bởi vậy tôi tự đặt ra cho mình mỗi ngày (ngoại trừ tình huống đặc thù) tối thiểu phải ra ngoài giảng chân tướng trực diện và phát được 40 tài liệu chân tướng. Theo đó, hàng ngày tôi đều ra ngoài, vừa giảng chân tướng vừa phát tài liệu. Thời gian trôi qua, dần dần mục đích cứu người của tôi xem ra đã phai nhạt dần, sa vào hình thức. Sau này, mỗi ngày ra ngoài như thể chỉ là để tôi hoàn thành nhiệm vụ cá nhân, chứ không phải là đang đi cứu người; tâm không đặt trên cơ điểm cứu người, mà là làm công tác; mục đích cứu người ngày càng mờ nhạt, mang tính hình thức. Mỗi ngày đều đi ra ngoài như là việc phải thế, chứ không phải là mỗi ngày nỗ lực để cứu người hiệu quả.

Sư phụ giảng:

”Trọng điểm của Phật gia rơi vào tu Thiện của Chân Thiện Nhẫn. Vì tu Thiện có thể tu xuất tâm đại từ bi; một khi xuất hiện tâm từ bi, thì [thấy] chúng sinh rất khổ, do vậy phát sinh nguyện vọng muốn phổ độ chúng sinh.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra rằng để phổ độ chúng sinh thì người tu luyện phải tu xuất thiện tâm, rồi từ nội tâm phát xuất ra nguyện vọng muốn cứu người, đây là động lực cứu người ở bên trong nên sẽ không chịu sự can nhiễu từ bên ngoài. Đoạn thời gian này của tôi không được như vậy, tôi là vì Sư tôn nhiều lần giảng rằng đệ tử Đại Pháp cần phải hoàn thành sứ mệnh của bản thân nên thấy rằng nhất định mình phải đi cứu người, tôi cần phải đi cứu người, bằng không tôi sẽ không xứng làm đệ tử Đại Pháp. Đây chính là áp lực đến từ bên ngoài. “Nhất định phải đi”, “cần phải đi” này chính là động lực bên ngoài khiến tôi ngày ngày đi ra ngoài làm việc, chứ không phải là cảm thấy rằng hiện tại con người thế gian đều đang ở trong tình cảnh nguy hiểm, không phải là tự thân phát ra thiện niệm thấy rằng cần phải đi cứu họ, vậy nên không khỏi xuất hiện vấn đề.

Sau khi tìm ra được hai nguyên nhân chủ yếu này, tôi liền chú trọng vào phương diện tu, đặc biệt là phải tu xuất tâm từ bi, cần tự trong tâm chân thành hy vọng điều tốt lành sẽ đến với người khác, mong muốn người khác được tốt, dù ở đâu làm gì cũng đều nghĩ cho người khác. Phóng hạ tự ngã, vị tha, trong tâm luôn nghĩ đến chúng sinh. Con người thế gian thiện-ác đồng tại, cần phải nhìn nhiều vào mặt thiện, và xem nhẹ mặt ác của người khác, làm như vậy, trong tâm sẽ không khi nào cảm thấy ghét người khác, bài xích người khác; càng nhìn nhiều vào mặt thiện của người khác thì càng dễ hiểu và cảm thông với họ; còn phải tu bỏ tâm tật đố, thấy người khác gặp chuyện tốt, thấy người khác được thành công, thì trong tâm chớ cảm thấy chua chát; còn phải tống khứ tâm lý hả hê trước bất hạnh của người khác, mong người khác gặp xui xẻo được che giấu tinh vi. Đây là một tâm vô cùng bất hảo hung ác, chỉ có lôi những “khối u ác tính” này ra khỏi cơ thể, quẳng chúng đi, thì mặt thiện của bản thân mới hiển lộ ra, mới thực sự tự mình làm chủ chính mình, đó mới là thiện chân chính.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/3/3/162372.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/2/12/342980.html
Đăng ngày 12-5-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share