Bài viết của một học viên ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-3-2017] Tôi đã tìm kiếm từ “nghiêm túc” và “uy nghiêm” trong các bài giảng Pháp và thấy rằng hai từ này đã xuất hiện trong ít nhất 85 bài giảng của Sư phụ, đôi lúc xuất hiện nhiều hơn một lần trong cùng một bài giảng. Tôi nhận ra rằng chúng ta có thể sẽ học được một vài điều qua việc này.

Tất cả chúng ta đều biết rằng tu luyện là rất nghiêm túc, nhưng đôi khi tôi cũng quan sát những tình huống mà chúng ta có thể làm tốt hơn. Dưới đây là một vài ví dụ.

Lối sống

Chúng ta đều minh bạch về ba việc mà Sư phụ yêu cầu chúng ta làm. Nhưng một số học viên không làm tốt trong các vấn đề khác. Ví dụ, một vài người nuôi thú cưng, một số lại trồng hoa và sau đó họ tìm lý do để bao biện cho những chấp trước này. Sư phụ đã giảng cho chúng ta câu chuyện về một người tu luyện chấp trước vào một con nai và sau đó bị chuyển sinh thành nai. Không phải chúng ta nên ghi nhớ điều này và cảnh giác sao?

Tôi biết một vài học viên dành khá nhiều thời gian để xem TV và không thể khắc chế bản thân được. Một học viên nói với tôi rằng Sư phụ không hề cấm chúng ta xem TV và rằng cô ấy không bị ảnh hưởng bởi các chương trình đó. Thực tế là, nếu bạn không thể hạn chế việc xem TV và thay vào đó hàng ngày đều bị cuốn vào cái tình của người thường, thì bạn sẽ loại bỏ các chấp trước và tiến bước trên con đường tu luyện như thế nào đây?

“Bất nhị pháp môn”

Một số học viên xung quanh tôi biết rằng Sư phụ đã dạy chúng ta về “bất nhị pháp môn”, nhưng họ vẫn quan tâm đến chiêm tinh, các cung hoàng đạo hoặc lễ bái. Kỳ thực, Sư phụ đã đề cập đến những vấn đề này trong các bài giảng Pháp và chúng ta nên lưu tâm đến những gì mà Sư phụ đã giảng.

Tôi biết nhiều học viên khá quan tâm đến thảo dược Trung Quốc và thực phẩm chức năng. Họ chọn những thực phẩm chuyên để ăn vào mùa hè và các đồ uống riêng biệt vào mùa đông theo như các lý thuyết từ Trung y. Điều này dường như là bình thường, nhưng nếu chúng ta suy nghĩ sâu hơn về động cơ ẩn sau điều này, thì chúng ta có thể làm khác đi.

Theo thể ngộ của tôi, “bất nhị pháp môn” có nội hàm sâu hơn nếu chúng ta đặt tiêu chuẩn cao hơn cho bản thân mình.

Buông bỏ chấp trước

Sư phụ đã giảng:

“Cho nên Pháp là nghiêm túc, mỗi đệ tử Đại Pháp trong mỗi một cảnh giới sở tại ắt phải đạt được tiêu chuẩn, điều này là nghiêm túc. Trong quá trình tu luyện những điều nên bỏ thì phải loại bỏ đi, không thể nào hàm hồ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Trung Mỹ Quốc [1999])

Rõ ràng là các học viên chúng ta cần phải luôn nghiêm khắc với bản thân và cố gắng hết sức, có như vậy chúng ta mới có thể tiến về phía trước.

Nhưng một vài học viên không nghĩ như thế. Có học viên nói rằng mình được phép giữ lại những chấp trước ấy để có thể sống trong xã hội người thường. [Có người nói]: “Lúc tu luyện của tôi kết thúc, Sư phụ sẽ gỡ bỏ chúng đi. Vì vậy bây giờ tôi không cần lo lắng về chúng.”

Thực tế là, nếu một người không minh bạch tu luyện là gì hoặc không chân chính thực tu, thì làm sao người đó có thể đạt viên mãn? Với tâm an dật như vậy, tương lai là không thể chắc chắn.

Lợi ích cá nhân

Trong Giảng Pháp tại Pháp hội Úc châu [1999], Sư phụ giảng rằng:

“Chỉ vì chút đỉnh lợi ích mà làm hại người khác, vui buồn chỉ vì chút lợi nhỏ nhoi, vì thế mà ăn không ngon, ngủ không yên, cả thân thể thật tàn tạ, chư vị sống thật mệt mỏi! Con người tồn tại ở thế gian chỉ vì thế thôi sao?” (Giảng Pháp tại Pháp hội Úc châu [1999])

Nhưng nhiều học viên vẫn chấp trước vào lợi ích cá nhân. Họ có thể đối đãi nghiêm túc trước lợi ích tiền tài lớn, nhưng lại làm không tốt với cái lợi nhỏ. Một vài học viên thậm chí còn mặc cả từng xu với những người bán hàng rong trong khi những người khác thì thích nhận những món quà nhỏ.

Trong tu luyện không có khuôn mẫu nào để làm theo cả. Nhưng cách chúng ta nghĩ và điều chúng ta làm sẽ quyết định chúng ta là ai và chúng ta đang hướng đến đâu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/3/14/344187.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/4/1/162697.html
Đăng ngày 2-5-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share