Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-1-2017] Tằng Hoạn Hâm, phó giám đốc Phòng Công an huyện Ngũ Hoa, thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông kiêm trưởng Phòng 610 huyện đã ép gia đình học viên Pháp Luân Công – bà Ôn Sính Linh phải từ bỏ việc thuê hai luật sư biện hộ cho bà, và tước quyền tự bào chữa hợp pháp của bà trong phiên tòa diễn ra ngày 23 tháng 12 năm 2016.

Bà Ôn Sính Linh, 66 tuổi, bị bắt giữ vào trưa ngày 23 tháng 8 năm 2016 tại nhà riêng ở thị trấn Mai Lâm, huyện Ngũ Hoa. Chung Hồng Tùng đã dẫn theo hơn 10 cảnh sát vũ trang của Đội An ninh Nội địa huyện Ngũ Hoa đột nhập vào nhà bắt giữ bà. Chồng bà Ôn là ông Ngụy Thế Kiệt, ngoài 70 tuổi, cũng bị bắt giữ. Ông đã được thả ra ngay trong buổi chiều ngày hôm đó.

Ngày 24 tháng 8, bà Ôn bị đưa tới Trại tạm giam Đại Bộ và sau đó bị chuyển tới Khu tạm giam huyện Ngũ Hoa. Lệnh bắt giữ chính thức bà Ôn được ban hành vào ngày 29 tháng 9 năm 2016.

Các học viên Pháp Luân Công ở thành phố Mai Châu đã gửi thư đến tất cả các cơ quan liên quan ở huyện Ngũ Hoa để thông tin về việc bà Ôn bị bức hại. Tuy nhiên, cảnh sát đã trả đũa họ. Một số học viên đã phải rời khỏi nhà để tránh bị bắt giữ.

Tằng Hoạn Hâm đã trắng trợn vi phạm pháp luật khi lèo lái bộ máy hành pháp tham gia bức hại bà Ôn. Hiện bà đang đối mặt với việc bị kết án tù.

Tằng Hoạn Hâm công khai ra lệnh trục xuất các luật sư biện hộ của bà Ôn

Ngày 11 tháng 11 năm 2016, luật sư biện hộ Phạm Tiêu Văn, do chồng bà Ôn thuê đã gặp bà tại Khu tạm giam huyện Ngũ Hoa. Khi Tằng Hoạn Hâm hay tin, ông ta đã ngay lập tức gọi điện cho Liêu Húc Huy, phó bí thư thị trấn Mai Lâm, ra lệnh cho Liêu bằng mọi giá ép luật sư của bà Ôn phải từ bỏ vụ án.

Ngay lập tức Liêu lái xe đến nhà bà Ôn và dùng mọi thủ đoạn lừa dối và đe dọa chồng bà.

Liêu nói: “Vợ ông đã quyết định không thuê luật sư nữa rồi. Ông nên thuận theo ý kiến của bà ấy và ký tên vào tờ giấy này để hủy bỏ việc thuê luật sư. Trưởng phòng Tằng còn nói rằng vợ ông sẽ không bị kết án tù. Bà ấy có thể về nhà và chăm sóc cho ông. Nếu ông làm theo điều mà giám đốc Tằng đề nghị, vợ ông sẽ chỉ bị tuyên án một năm thay vì ba năm. Nếu ông không nghe theo, thì rất khó để nói rằng điều gì sẽ xảy ra…”

Ông Ngụy Thế Kiệt đã nhượng bộ và ký tên vào lá thư đó. Kết quả, luật sư Phạm Tiêu Văn đã nhận được thông báo rằng chồng bà Ôn đã hủy bỏ tư cách luật sư biện hộ của ông. Sau đó, người thân và bạn bè của bà Ôn đã bàn bạc về việc này và nhận ra rằng đó là trò bịp bợm, và vi phạm pháp luật.

Tháng 12 năm 2016, con gái của bà Ôn đã gọi cho Tòa án huyện Ngũ Hoa để hỏi xem ai là người chịu trách nhiệm về vụ án của mẹ cô, và hỏi về ngày xét xử. Họ trả lời cô rằng vẫn chưa có quyết định. Tuy nhiên, ngày 20 tháng 12 năm 2016, khi cô gọi điện lại một lần nữa, họ lại nói với cô rằng phiên xét xử sẽ diễn ra vào sáng ngày 23 tháng 12.

Khi cô hỏi họ rằng họ có thông báo về phiên xét xử cho cha cô hay không, thì câu trả lời là không. Rõ ràng tòa án vi phạm thủ tục pháp lý vì hai ngày trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình cô vẫn không hề nhận được bất kỳ thông báo nào.

Ngay lập tức, các con của bà Ôn liền thuê luật sư Lưu Chính Thanh ở thành phố Quảng Châu. Chồng bà lâm bệnh nằm trên giường, và ông đã ký giấy ủy thác cho luật sư Lưu toàn bộ quyền bào chữa cho vợ ông.

Luật sư Lưu cùng với hai con của bà Ôn đến Khu tạm giam huyện Ngũ Hoa lúc 2 giờ chiều ngày 22 tháng 12 năm 2016.

Khi đến trại giam để gặp mặt thân chủ, ông Lưu liền bị đưa đến một căn phòng, ở đó ông không thể gọi hay nhận được điện thoại trong vòng hơn hai giờ đồng hồ. Ông không được phép gặp mặt bà Ôn, cũng không được phép rời đi. Đến tận sau 4 giờ chiều, khi ông được phép rời đi, ông mới biết được những chuyện xảy ra trong thời gian ông phải chờ đợi.

Khi Tằng Hoạn Hâm biết rằng gia đình bà Ôn đã thuê luật sư mới, ông ta chỉ thị cho Liêu ép chồng bà Ôn phải loại bỏ luật sư. Ông ta cũng đe dọa Liêu, rằng nếu ông ta không thể khiến ông Ngụy sa thải luật sư đó, thì ông ta cũng sẽ bị mất chức phó bí thư.

Măc dù ông Ngụy phải nằm liệt giường và bị bệnh động mạch vành hành hạ, song Liêu vẫn đe dọa ông và nói rằng lệnh này là do giám đốc Tằng trực tiếp chỉ đạo.

Để ép ông Ngụy từ bỏ luật sư, Liêu đã gọi em trai của ông đến. Em trai của ông đang là hiệu trưởng của Trường Tiểu học Tam Nhạc ở thị trấn Mai Lâm.

Liêu nói với ông Ngụy: “Nếu ông không từ bỏ vị luật sư mới này, tôi sẽ mất chức phó bí thư và chiếc ghế hiệu trưởng của em trai ông cũng khó giữ …”

Họ đã gây áp lực với ông Ngụy trong hơn 2 giờ đồng hồ. Cuối cùng, ông Ngụy đã gọi điện cho các con ông đang đợi luật sư ở trong trại giam, vừa khóc vừa tuyệt vọng gào lên: “Bố sắp chết rồi, chỉ còn cách làm theo lời bọn họ thôi.”

Sau khi luật sư Lưu được phép rời khỏi trại giam, ông được biết về những gì đã xảy ra và việc Tằng đã lợi dụng công quyền đe dọa phó chủ tịch thị trấn làm trái pháp luật, ức hiếp người chồng đau ốm của bà Ôn. Lần này, luật sư Lưu đã ngay lập tức viết thư khiếu nại với tiêu đề “Vi phạm nghiêm trọng việc thực thi pháp luật” và gửi chuyển phát nhanh đến Tòa án huyện Ngũ Hoa.

Phiên xét xử hình thức

Cả hai luật sư của bà Ôn đều vắng mặt trong phiên tòa bắt đầu lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 23 tháng 12 năm 2016 tại Tòa án huyện Ngũ Hoa. Tằng đã có mặt ở tòa án và thao túng mọi thứ.

Hơn 14 người họ hàng của bà Ôn đã đến tham dự phiên xét xử, nhưng chỉ năm người trong số họ được phép vào phòng xử án. Tằng cho phép thêm một người được vào sau khi họ phản kháng mạnh mẽ.

Họ đều bị khám người và không được phép mang bất cứ thứ gì vào phòng xử án. Sáu cảnh sát trang bị súng ngắn vây quanh họ. Tuy nhiên, 40 người tham dự khác, trong đó phần lớn là cảnh sát mặc thường phục, lại được phép tự do ra vào. Ngoài ra, còn có hơn 30 cảnh sát mặc cảnh phục ngồi kín cả phòng xét xử.

Tham dự phiên tòa có hai công tố viên và ba thẩm phán. Bốn nhân chứng ở thị trấn Mai Lâm cũng xuất hiện ở phiên tòa. Chủ tọa Trương Chí Quyền tuyên bố rằng tất cả nhân chứng đều nhìn thấy bà Ôn dán biểu ngữ có nội dung “Pháp Luân Đại Pháp hảo.”

Thẩm phán Lưu Đông tuyên bố rằng số tài liệu ở trong nhà bà Ôn là chống phá đảng. Công tố viên họ Chu nhắc lại lời tuyên truyền của ĐCSTQ về Pháp Luân Công và thậm chí còn tuyên bố rằng học viên Pháp Luân Công không là đối tượng được hưởng quyền tự do tín ngưỡng theo Điều 36 của Hiến pháp.

Chủ tọa Trương Chí Quyền cuối cùng hỏi bà Ôn: “Bà có đồng ý với những gì vừa được nêu ra không?”

Bà Ôn khẳng định rằng không. Nhưng khi bà Ôn tự bào chữa, thẩm phán đã ngắt lời bà. Sau đó ông ta ra lệnh cho chuyển nội dung khác, và hoàn toàn tước đoạt quyền tự bào chữa của bà Ôn.

Các bên tham gia bức hại:

Tằng Hoạn Hâm, phó giám đốc Phòng Cảnh sát huyện Ngũ Hoa, +86-753-4185141

Chung Hồng Tùng, đội trưởng Đội An ninh Nội địa, +86-753-4185350, +86-13802367123

Lưu Đông, thẩm phán Tòa án huyện Ngũ Hoa: +86-13826624325

Liệu Húc Huy, phó bí thư thị trấn Mai Lâm, +86-13826605912

Trương Phàm, giám đốc Khu tạm giam huyện Ngũ Hoa: +86-753-4313289


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/1/15/340881.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/1/31/162010.html
Đăng ngày 24-4-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share