Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 23-11-2016] Một số học viên Pháp Luân Đại Pháp gần đây bị bắt trong khi học Pháp tại nhà một học viên. Khi biết việc này, tôi không động tâm như trước đây. Tôi không tập trung vào việc họ sẽ bị bức hại hay sinh thù oán cảnh sát.

Tôi bình tĩnh phát chính niệm để tăng cường chính niệm cho những học viên bị bắt, hy vọng họ sẽ thanh lọc bản thân, đột phá bất kỳ can nhiễu nào, và giảng chân tướng cho cảnh sát.

Bất kể là có thiếu sót gì, chúng ta không được để cựu thế lực lợi dụng sơ hở và huỷ hoại chúng sinh. Tôi chỉ tâm niệm rằng các học viên sẽ không bị bức hại. Thay vào đó, những học viên này có lẽ sẽ giúp cảnh sát hiểu về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại.

Nạn nhân thật sự là những người tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Sinh mệnh của họ mới chính là đang gặp nguy hiểm. Sư phụ đã giảng:

“… đã là đệ tử Đại Pháp mà xét, đã là một người tu luyện mà xét, tôi nói rằng người tu luyện là không có kẻ địch; chư vị chỉ có vai trò độ nhân, không có vai trò dùng phương cách của con người và dùng cái lý của con người để trừng trị con người cũng như phán quyết con người.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội Chicago [2005]”)

Tôi chia sẻ suy nghĩ của mình với các học viên khác để cùng đề cao nhận thức, thay đổi niệm đầu của chúng tôi, và không cho phép cực thế lực lợi dụng chúng tôi để huỷ hoại chúng sinh.

Mọi sinh mệnh đều tới vì Đại Pháp, và chúng tôi nên làm điều Sư phụ yêu cầu chúng tôi. Sư phụ đã giảng:

“Trong tu luyện, dù chư vị gặp phải sự việc hay hay sự việc dở, đó đều là việc tốt cả, bởi vì chính là chư vị tu luyện rồi thì [chúng] mới xuất hiện.” (“Gửi Pháp hội Chicago”, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Ngay khi minh bạch về Pháp lý, chúng tôi phát chính niệm mạnh mẽ để phủ nhận can nhiễu, và mọi thứ thay đổi rất nhanh khi chúng tôi tìm cách cứu các học viên.

Hiểu lầm gây nên xung đột

Hai hôm sau, cô Anh (bí danh), một người họ hàng của một học viên bị bắt, đã tới tìm tôi. Cô kể về các học viên bị bắt và nói cô còn chút tâm oán hận.

Tôi lắng nghe cô ấy, trong tâm vẫn bình tĩnh. Tôi không trách, cũng không động tâm gì trước những chấp trước của cô, mà vẫn vui vẻ chia sẻ suy nghĩ của tôi về vụ bắt giữ đó. Lúc đó, tôi nhận ra chấp trước hiển thị về sự hiểu biết của mình.

Tôi đề cập tới Mai (bí danh) và bảo rằng cô ấy và tôi có nhận thức khác nhau về tình huống này. Lúc đó, tôi nghĩ chúng tôi chỉ chia sẻ suy nghĩ của mình. Tôi nhắc cô Anh hướng nội, xả bỏ tâm oán hận và cái tình của cô, phát chính niệm cho các học viên bị bắt giữ, và phủ nhận cuộc bức hại. Tôi không nhận ra thiếu sót của mình và cũng không hướng nội.

Hôm sau, Mai quay lại và phàn nàn. Cô ấy nói: “Tôi không biết ai nói với cô Anh. Cô ấy quay ngoắt 180 độ và giờ không đồng ý với tôi.”

Cô ấy ám chỉ rằng tôi chính là kẻ khơi mào.

Tôi không buồn, cũng không giải thích gì, nhưng Mai vẫn than phiền. Tôi bắt đầu hết kiên nhẫn và bảo cô ấy nên nói thẳng ra điều cô ấy nghĩ. Sau đó, tôi phát hiện ra cách hành xử của tôi không dựa trên Pháp, nên tôi đã thay đổi thái độ và nhẹ nhàng giải thích với cô ấy.

Mai bình tâm lại và bắt đầu nói về quan điểm của mình về những học viên đã bị bắt. Trong lúc trao đổi, tôi lại nhận ra những điều khác nữa.

Tôi nói: “Thôi ta đừng nói về việc này nữa. Tôi nghĩ chúng ta đều sai. Chúng ta không nên nói về vấn đề của các học viên khác.”

Cô ấy hiểu ra điều tôi nói và rời đi.

Loại bỏ nhưng chấp trước ẩn sâu

Sau khi Mai đi khỏi, tôi ngộ ra một Pháp lý. Bấy giờ, tôi vẫn nghĩ là tôi không chấp trước vào các vấn đề của các học viên khác và tôi khá nhẫn với họ. Tôi từng nghĩ là tôi không còn hướng ngoại, không than phiền nữa, mà đã biết phải tu như thế nào rồi.

Nhưng đến hôm đó, tôi mới nhận ra vẫn còn một tầng chấp trước mà tôi cần loại bỏ. Tôi vẫn giữ “quan niệm và suy nghĩ” về các học viên. Chúng được hình thành khi tôi hướng ngoại trước cách hành xử của các học viên khác khi không phù hợp với nhận thức của tôi về Pháp. Những niệm này vẫn tồn tại trong tâm tôi. Chúng được ẩn sâu và rất khó phát hiện. Tuy nhiên, tôi phải điều chỉnh bản thân. Các học viên khác đã đề cao trong tu luyện và không còn hành xử hoặc suy nghĩ như trước đây nữa.

Tôi cũng nhận ra rằng “quan niệm và suy nghĩ” của chúng ta về các học viên khác có thể can nhiễu nghiêm trọng tới sứ mệnh cứu độ chúng sinh.

Chẳng hạn, ngay khi những quan niệm đó khởi lên, chúng lập tức tạo ra gián cách giữa các học viên. Hoặc khi các học viên cần chúng tôi phát chính niêm cho họ, những quan niệm này có thể trở thành rào cản, khiến chúng tôi nhăm nhăm vào thiếu sót và vấn đề của các học viên khác, thay vì hướng nội và dùng niệm thuần tịnh để giúp các học viên. Thực chất, chúng ta đang hành xử giống cựu thế lực.

Khi phát chính niệm với những quan niệm đó, chúng ta cũng phát ra những vật chất dinh dính màu đen về phía các học viên đang cần trợ giúp. Đó là lý do vì sao việc phát chính niệm của chúng tôi thường không phát huy hiệu quả giải cứu các học viên.

Đột phá an bài của cựu thế lực

Tôi nhớ lại một số điều một học viên đã chia sẻ mấy ngày trước đó. Một học viên khác ở thành phố chúng tôi có nghiệp bệnh nghiêm trọng. Hơn 30 học viên phát chính niệm và liên tục chia sẻ nhận thức. Học viên đó đã qua đời dù mọi người đã nỗ lực.

Các học viên có nhiều nghi vấn, mà tôi lại không có câu trả lời. Chúng tôi không tìm ra được điều gì không dựa trên Pháp lý. Hiện giờ, tôi hiểu rằng nó chính là vật chất loại này đã ngăn cản chúng tôi đạt tới tiêu chuẩn của tầng Pháp đó. Do đó, chúng tôi không thể đề cao tới tầng đó và phủ nhận an bài của cựu thế lực.

Tôi hiểu rằng “quan niệm” là một trong những an bài của cựu thế lực và bị cựu thế lực khống chế. Do đó, tôi phải đột phá tất cả các tầng quan niệm không phù hợp với Pháp! Tôi phải đột phá các quan niệm về học viên, xả bỏ chấp trước vào bản thân, và coi các vấn đề của đồng tu như của mình. Sư phụ giảng:

“…việc của bạn cũng là việc của mình, việc của mình cũng là việc của bạn.” (“Giảng Pháp tại Pháp hội Washington DC năm 2002”)

Khi tầng nhận thức của tôi đề cao lên, tôi cảm thấy việc gì cũng là hảo sự. Khi tôi xem xét mọi việc dựa trên Pháp lý, thậm chí cả “việc xấu” cũng là “việc tốt”. Đó là những bước giúp tôi đề cao lên, chỉ là chúng ta có muốn đề cao hay không thôi.

Không có những “mâu thuẫn” này, làm sao chúng ta có thể phát hiện ra thiếu sót mà chính lại bản thân mình?

Tôi đã ngộ ra ý nghĩa của chữ nhẫn. Nếu không nhẫn mà cứ hướng ngoại, nếu không tu khẩu mà chỉ than phiền, tranh luận, thì chúng ta sẽ tạo ra gián cách giữa các học viên và tạo điều kiện cho cựu thế lực lợi dụng sơ hở của mình. Theo đó mà cựu thế lực có thể cản trở nỗ lực của chúng ta trong việc giải cứu các đồng tu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/11/23/337968.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/1/16/161145.html
Đăng ngày 23-3-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share