Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-2-2017] Ông Quan Long Sơn bị kết án bốn năm tù vì liên quan tới các học viên Pháp Luân Công treo biểu ngữ vào ngày 13 tháng 5 năm 2015. Ông là một trong số sáu học viên bị đưa ra xét xử vào ngày 14 tháng 4 năm 2016. Bà Vương Lập Khiêm, chị dâu của ông Quan, cũng bị kết án năm năm tù tại cùng phiên tòa.

Các biểu ngữ và biển hiệu có nội dung “Chúc mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới” và “Thế giới nỗ lực đưa Giang Trạch Dân ra trước công lý” được treo ở khắp mọi nơi và xung quanh thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc vào ngày 13 tháng 5 năm 2015, ngày kỷ niệm lần thứ 16 Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới.

Để đáp trả, cảnh sát đã bắt giữ hàng chục học viên và người thân của họ, bao gồm ông Quan Long Sơn, anh trai ông là Quan Long Ngạn, chị dâu Vương Lập Khiêm, chị gái Quan Long Mai và người cha 74 tuổi của ông.

Ông Quan Long Sơn bị bắt giữ vào ngày 19 tháng 6 năm 2015, tại nhà của cha ông. Cảnh sát mặc thường phục đã xông vào khi cha ông mở cửa cho một cháu trai. Cụ già bị đẩy ngã xuống sàn bê tông. Cảnh sát đã còng tay ông Quan, cha ông và chị ông trước khi đưa họ tới đồn cảnh sát.

Ông Quan bị giam giữ ở trại tạm giam trước phiên xét xử. Ông hiện đang bị giam giữ tại Nhà tù Vĩnh Đăng trong một khu vực xa xôi của tỉnh Cam Túc. Rất khó để gia đình có thể thăm ông, vì không có giao thông công cộng trực tiếp từ Lan Châu đến đó.

Chị gái ông Quan, bà Quan Long Mai, được thả sau một giờ đồng hồ thẩm vấn. Tuy nhiên, cha ông, đã bị trói vào ghế sắt hơn 14 giờ đồng hồ trước khi được thả. Khi trở về nhà, ông phàn nàn rằng ngực ông bị thương nặng. Không được các con chăm sóc đúng và kịp thời, sáu tháng sau cha của ông Quan đã qua đời vào ngày 17 tháng 1 năm 2016.

Anh trai mất việc, chị dâu bị kết án tù

Anh trai và chị dâu của ông Quan phải cố thủ trong căn hộ của mình suốt ba tuần để tránh bị bắt giữ, trước khi cảnh sát đột nhập vào căn hộ tầng bốn của họ qua cửa sổ vào ngày 13 tháng 7 năm 2015. Họ đã bị cảnh sát ngược đãi trong khi giam giữ. Nhà của họ bị lục soát. Hai ngày sau, anh của ông Quan được thả. Chị dâu của ông, bà Vương Lập Khiêm, bị đưa tới trại tạm giam và bị kết án năm năm tù tại Nhà tù nữ Cam Túc sau phiên xét xử.

Sau thời gian thử thách, anh của ông Quan trở lại với công việc, nhưng được thông báo rằng ông đã bị đuổi việc. Hiện giờ, ông sống cùng cha và chị gái, chăm sóc cho hai con đang độ tuổi đi học và mẹ đẻ của ông. Tháng 12 năm 2016, ông và mẹ vợ đã đến thăm vợ ông trong tù, nhưng chính quyền đã từ chối cho phép họ gặp bà vì bà nhất quyết không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.

Người mẹ suy sụp sau khi chồng qua đời

Ông Quan Long Sơn có một gia đình lớn. Cả mẹ, chị gái Quan Long Mai, anh trai và chị dâu của ông đều tu luyện Pháp Luân Công. Họ liên tục bị bức hại vì đức tin của mình trong suốt 17 năm qua.

Năm 2007, mẹ của ông Quan, bà Lộ Quế Cần, bị đưa tới trung tâm tẩy não vì tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó bà đã bị bí mật kết án bốn năm tù. Lúc gia đình phát hiện ra thì thời gian kháng án đã hết.

Trong một năm bị giam cầm, bà Lộ đã mất thị lực ở cả hai mắt và bị rối loạn tâm thần vì bị tra tấn tàn bạo. Cuối cùng, bà đã được thả vào tháng 8 năm 2010 để điều trị y tế. Kể từ đó, bà Lộ dựa vào chồng mình để chăm sóc cho bà vì bị liệt nửa người.

Kể từ khi chồng bà qua đời vào tháng 1 năm 2016, tình trạng của bà Lộ xấu đi. Bà không đáp lại khi nói chuyện và bị khó ngủ. Bà được đưa tới bệnh viện và ảnh chụp CT cho thấy có ba chỗ bị tắc nghẽn trong não bà.

Lịch sử bị bức hại của bà Quan Long Mai

Chị của ông Quan, bà Quan Long Mai, 47 tuổi, bị đưa tới trại lao động cưỡng bức hai lần, trung tâm tẩy não một lần và bị giam ít nhất ba lần trong 17 năm qua vì tu luyện Pháp Luân Công. Do áp lực, chồng bà đã ly dị bà khi con gái chỉ mới một tuổi.

Tháng 7 năm 1999, dưới thời Giang Trạch Dân, chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công. Giống như nhiều học viên khác, bà Quan Long Mai đã lên Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã lên Bắc Kinh vào tháng 7 năm 2000 và một lần khác vào tháng 12 năm 2000. Mỗi lần, bà đều bị đưa về Lan Châu và bị đưa vào trại tạm giam, ở đó bà bị đánh đập và tra tấn thể xác cho đến khi mắt bà không nhìn được màu nữa. Lưng bà trở nên thâm tím.

Tháng 2 năm 2001, một vài ngày sau khi trở về nhà từ trại tạm giam, cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà. Họ cướp con gái bà ngay trên tay và bảo bà hãy đến nói chuyện ở đồn cảnh sát.

Bà Quan bị đưa tới Trại lao động cưỡng bức Bình An Đài chiều hôm đó. Bà bị kết án một năm lao động cưỡng bức. Trong lúc bị giam giữ, bà thường bị đánh đập và trói tay treo lên và chỉ để ngón chân chạm đất.

Không lâu sau khi trở về nhà, bà lại bị bắt giữ và bị đưa tới trung tâm tẩy não và chỉ trở về nhà vào tháng 5 năm 2002.

Tháng 8 năm 2002, bà Quan lại bị bắt giữ tại nhà của một học viên khác, bà bị kết án một năm rưỡi tại Trại lao động cưỡng bức Bình An Đài. Ngay cả khi trở về nhà vào tháng 4 năm 2004, cảnh sát địa phương vẫn giám sát bà chặt chẽ ở mọi nơi và thường xuyên sách nhiễu bà.

Kể từ khi cha bà qua đời, bà Quan dành toàn thời gian để chăm sóc cho mẹ mình.

Các bài viết liên quan:

Một phụ nữ 69 tuổi bị tra tấn đến mù lòa trong “trường học pháp chế”

Cảnh sát bắt giam và tra tấn các học viên


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/2/12/342995.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/2/25/162304.html
Đăng ngày 17-3-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share