Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp Trung Quốc

[MINH HUỆ 3-7-2016]

Vào ngày 5 tháng 6 năm 2016, 18 học viên Pháp Luân Công cao tuổi đã bị bắt giữ phi pháp tại một điểm học Pháp ở địa phương của tôi.

Mười ba người trong số họ đã bị “tạm giam hình sự“, trong khi những người còn lại đã được thả vì tuổi cao. Bị tạm giam hình sự thường dẫn đến các bước tiếp theo sẽ được thực hiện trước khi chính thức bắt giam và bức hại.

Sau khi nghe tin, chúng tôi đã kịp thời huy động một nhóm để giải cứu họ, chúng tôi đến các đồn cảnh sát và sở cảnh sát để nói chuyện với người ở đó về Đại Pháp và cuộc bức hại. Họ không nên tin lời dối trá và tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về môn tu luyện và ngừng tham gia vào cuộc đàn áp đồng thời thả các học viên bị giam giữ.

Chúng tôi đã tiến hành các nỗ lực giải cứu với chính niệm mạnh mẽ và tâm thái đường hoàng.

Một số học viên bắt đầu thu thập các tài liệu phù hợp và soạn thảo một lá thư khiếu nại chính thức đưa ra lý do tại sao những người bị bắt giữ phải được thả. Một số đã đi đến các gia đình học viên bị bắt để thuyết phục họ ký tên vào lá thư và để thỉnh nguyện cuộc đàn áp bất công.

Các học viên địa phương cũng đến phát chính niệm cự ly gần tại các đồn cảnh sát và sở cảnh sát.

Chúng tôi đã đến đồn cảnh sát để tìm người chịu trách nhiệm vụ bắt giữ vào sáng sớm ngày 8 tháng 6 nhưng được cho biết rằng người đó đã đến sở cảnh sát. Khi chúng tôi đến đã có rất nhiều học viên ở đó đang phát chính niệm.

Không ngờ, ở lối vào đã có rất nhiều cảnh sát và cảnh sát mặc thường phục. Nhiều người trong số họ đi lại xung quanh kiểm tra chứng minh thư của mọi người và ghi hình.

Áp lực lúc đó vô cùng lớn, là người điều phối việc giải cứu, tôi ngay lập tức nghĩ rằng điện thoại di động của mình có thể đã bị nghe trộm, và điều đó đã dẫn đến tình huống bất ngờ này.

Các đồng tu đã nhắc nhở tôi phải cẩn thận với điện thoại di động nhưng tôi đã nghĩ rằng mình có chính niệm và không chú ý tới vấn đề an toàn.

“Chúng tôi nên làm gì? Đi vào trong đó hay không?” Tôi tự hỏi bản thân mình.

Tôi nhớ lại vào sáng hôm đó có người báo với tôi rằng bốn đặc vụ từ Cục An ninh đã đến đơn vị làm việc của tôi. Tôi quyết định rằng chúng tôi không nên thụ động chờ đợi để bị bức hại, và cần chủ động để tiến hành kế hoạch giải cứu những người bên trong.

Những bức thư khiếu nại có chữ ký của các thành viên gia đình được để sang một bên và thay bằng một lá đơn mới với chữ ký của riêng tôi. Sau đó tôi đã dẫn các thành viên trong gia đình của các học viên bị giam tiến đến lối vào của Sở cảnh sát, nhưng bảo vệ chỉ cho phép một mình tôi vào.

Nhiều cảnh sát bao vây tôi ngay khi tôi bước vào tòa nhà. Tôi nói nghiêm khắc: “Tôi tự nguyện đến đây để gửi thư khiếu nại.”

Tôi bị đưa đến một văn phòng nơi có một người có vẻ như quan chức cao cấp, ông ta chỉ tay vào mặt tôi và hét lên: “Anh là thứ tồi tệ, mục ruỗng tận gốc rồi. Anh dám chống lại ĐCS. Anh dám dẫn nhiều người biểu tình trước trụ sở cảnh sát. Anh là kẻ cầm đầu ở vùng này. Hôm nay anh rơi vào lưới của chúng tôi. Anh có thể quên việc về nhà được rồi đấy.”

“Ông thật đáng thương”, tôi trả lời. “Những gì ông nói không quan trọng. Chỉ những gì Sư phụ của tôi nói mới được tính.”

Ông ta gọi lính canh có vũ trang đưa tôi đến phòng thẩm vấn dưới hầm để “tiến hành một cuộc thẩm vấn ngay lập tức”. Bốn, năm lính canh sau đó kéo tôi ra khỏi văn phòng.

Tôi hét lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Cảnh sát đang bắt cóc người tốt!” Tiếng hét của tôi khiến rất nhiều người chú ý, họ nhanh chóng chạy đến để xem tình hình nhưng họ không thể giúp tôi.

Tôi bị trói vào ghế hổ trong phòng thẩm vấn, chân tay và cả người tôi bị còng chặt. Tôi nhắm mắt lại và nằm xuống để phát chính niệm.

Hai viên cảnh sát đứng trước mặt tôi, một người nói: “Chúng tôi ở đây để hỏi anh một số câu hỏi theo luật. Anh có nghĩa vụ phải trả lời thành thật.”

Tôi nói với họ rằng họ không đủ tư cách để chất vấn tôi về bất cứ thứ gì, vì họ đang hành xử bất hợp pháp và đang phạm tội. Tôi nói: “Tôi đến đây để nộp một lá đơn khiếu nại với tư cách quyền công dân được quy định trong Hiến Pháp số 41, nhưng lại bị bắt cóc và khống chế. Giờ tôi hỏi các ông theo luật thì tôi phạm tội gì?”

Cảnh sát cúi đầu và không trả lời. Người cảnh sát còn lại sau đó lên tiếng. Về sau tôi mới biết rằng anh ta đến từ Phòng 610. Anh ta nói: “Đừng kích động, hãy bình tĩnh nói chuyện với nhau.”

Tôi bảo anh ta tháo còng cho tôi. Nên anh ta đã ra lệnh cho lính canh tháo còng tay cho tôi.

Khi tôi hỏi về những chỗ còng khác, anh ta trả lời: “Đó là tất cả những gì tôi có quyền làm.”

Tôi nói với họ: “Hôm nay chúng ta ở đây trong một tình huống đặc biệt này và có một mối liên hệ đặc biệt. Mặc dù tình huống không tốt đẹp gì, nhưng tôi vẫn coi đây là một mối liên hệ tích cực. Hãy nghĩ kỹ về những điều mà tôi sắp nói sau đây.”

Tôi bắt đầu nói chuyện với họ một cách nghiêm túc: “Cả hai anh đều tham gia vào vụ bắt giữ ngày 5 tháng 6, phải không? Chẳng phải những người các anh bắt giữ chỉ là một nhóm người già, những người chỉ cùng nhau đọc sách và trao đổi với nhau? Liệu họ có phải đã thực sự vi phạm Điều 300 của bộ luật hình sự, ‘lợi dụng’ một tổ chức tôn giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật? Hai anh nên đi kiểm tra kỹ lại các điều luật của chúng ta. Không có luật nào định nghĩa Pháp Luân Công là một tà giáo.”

Tôi tiếp tục: “Chính Giang Trạch Dân, cựu độc tài, đã gọi Pháp Luân Công là tà giáo. Khi phát động một cuộc vận động chính trị trong quá khứ, những lời của người đứng đầu luôn được coi như là “Luật” để được tiến hành, kết quả là vô số những sai lầm ở đất nước chúng ta, mang lại những tai họa bất tận và đau khổ.

“Hiện nay, chính phủ đang thúc đẩy một chính sách thi hành công lý mới, mà mỗi trường hợp sẽ được đăng ký và xử lý. Trong tương lai việc này có thể được sử dụng làm bằng chứng cho vụ kiện hình sự Giang Trạch Dân. 200.000 người đã đệ đơn khiếu nại hình sự đối với Giang Trạch Dân cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án tối cao. Khi Giang Trạch Dân bị đưa ra công lý, không ai có thể thoát khỏi trách nhiệm của họ. Tôi mạo hiểm mạng sống của tôi để đến đây vì lợi ích của các anh. Hãy xem xét cẩn thận bức thư khiếu nại của tôi.”

“Các anh phải giữ một cái đầu tỉnh táo và bàn tay sạch sẽ.” Tôi cảnh báo họ. “Đừng tự đưa bản thân mình vào con đường sai lầm. Đừng mù quáng bước theo Giang Trạch Dân để bức hại người tốt.”

Hai viên cảnh sát cúi đầu rời đi.

Tôi nhìn xung quanh và thấy một máy ghi hình. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người đang nghe những gì tôi nói.

Như hiểu biết của tôi, Sư phụ đã dùng tình huống này để cho tôi một cơ hội đặc biệt để khiến nhiều người hơn nữa biết về Đại Pháp và cuộc đàn áp. Lúc đó, chỉ có ba lính canh ở trong phòng với tôi.

Tôi nói với họ: “Anh bạn trẻ, tôi đã từng là một người lính. Chúng tôi được dạy rằng một người lính có trách nhiệm phải tuân thủ mệnh lệnh. Nhưng chúng ta cần phải phân tích từ đó nghĩa là gì. Nếu cấp trên lệnh cho chúng ta bắt kẻ giết người và phá hoại, tất nhiên chúng ta nên làm theo lệnh. Một vài ngày trước, các anh đã được lệnh bắt giữ một nhóm người tốt có độ tuổi như ông bà của các anh. Lương tâm của anh có yên ổn khi làm việc này?”

“Tôi hiểu, các anh không có lựa chọn khác mà phải hành động trái với lương tâm của mình vì lợi ích của cuộc sống. Đó là sự tà ác của ĐCSTQ. Nó không cho phép mọi người có lương tâm.”

Khi tôi nói, tôi bật khóc không kiểm soát được. Có lẽ đó là một biểu hiện của lòng từ bi trong trái tim tôi.

Tôi nhớ Sư phụ đã giảng:

“[Từ sau] khi tôi xuất sinh, rất nhiều chư Thần đều xuống theo. Từ lúc đó thì năm nào cũng có, Thần vẫn luôn hạ xuống. Đợi tới khi tôi truyền Pháp, những vị Thần đó cũng là đến đây như hoa tuyết rơi. Chính là nhiều như thế. Tôi tính tuổi [của họ], từ khi tôi truyền Pháp cho tới nay, vậy là những người trẻ khoảng 25 tuổi, quả thực còn có rất nhiều người chưa hề được cứu.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Tôi bình tĩnh lại và tiếp tục: “Chàng trai trẻ, tôi không khóc vì bản thân mình. Tôi khóc vì các anh. Các anh đã nghe tất cả những gì tôi nói ở đây hôm nay. Hãy nhanh chóng thoái đảng và các tổ chức liên đới của nó. Sau đó, các anh có thể có hy vọng về một tương lai tươi sáng.”

Một nhóm cảnh sát vũ trang rời đi và một nhóm khác đến. Trong mười giờ đồng hồ, tôi không đếm được số lượng người đến và đi. Có một điều, mỗi người trong số họ nói với nhau hãy lắng nghe cẩn thận lời mà tôi nói.

Thiên mục của tôi không khai mở, nhưng tôi có thể cảm thấy Sư phụ ở bên cạnh tôi, khuyến khích và ủng hộ tôi.

Càng nói tôi càng hùng hồn hơn, tâm tôi càng sáng hơn. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng không ai có thể bắt bớ hoặc làm hại tôi, và tôi sẽ được thả ra và trở về nhà.

Nhân viên xử lý trường hợp của tôi xuất hiện vào khoảng 4 giờ chiều với một tập tài liệu kẹp dưới cánh tay. Ông thông báo rằng tôi đã bị bắt giữ hình sự. Ông cũng đưa kim tiêm và ra lệnh cho một lính gác vũ trang lấy máu của tôi để xét nghiệm.

Tôi lớn tiếng: “Tôi là đệ tử của Sư phụ Lý Hồng Chí. Không ai có quyền chạm vào tôi.” Người nhân viên dừng bước và nói rằng anh sẽ quay lại với còng tay. Tôi ngay lập tức giơ bàn tay phải của tôi ở trước ngực và phát chính niệm.

Ngay sau đó, chúng tôi nghe thấy một giọng phụ nữ la hét và khóc. Tôi nghĩ rằng đó là một học viên bị tra tấn, nhưng hóa ra là vợ tôi.

Một vài học viên đã đi tìm vợ tôi, cô vốn không phải là học viên, và nói với cô ấy những gì đã xảy ra với tôi. Ngay lập tức cô đã quyết định đi đến sở cảnh sát cùng người cha 93 tuổi của tôi trên chiếc xe lăn. Các học viên lái xe đưa họ tới.

Giám đốc Sở cảnh sát đe dọa bắt giam vợ tôi nếu cô ấy gây chuyện. Vợ tôi không sợ hãi. Cô duỗi tay ra và nói: “Làm đi, bắt giam luôn tôi đi. Suốt những năm qua cả nhà tôi đã bị quấy nhiễu không ngừng. Chúng tôi sống mà không có ngày nào yên ổn. Con trai tôi đã 30 tuổi và không thể nào yên ổn để có gia đình riêng, và bố chồng tôi thì ngồi xe lăn. Nếu anh muốn chuốc vạ vào thân thì đến đây và bắt tôi đi. Đây sẽ là sự giải thoát cho tôi.”

Người giám đốc nhanh chóng rút lui.

Cảnh sát dường như không biết phải làm gì, và đồng ý rút tất cả các cáo buộc hình sự chống lại tôi và cho tôi đi.

Các đồng tu đã chịu áp lực cực độ, nhưng tất cả đều luôn túc trực bên ngoài sở cảnh sát từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối cho đến khi tôi được thả ra.

Trên đường đi ra, người đứng đầu của sở cảnh sát và các nhân viên khác đến để bắt tay và tiễn tôi.

Qua trải nghiệm này tôi nhận ra rất nhiều chấp trước mà vẫn chưa tu bỏ được, ví dụ như chấp trước hư vinh.

Từ giây phút mà tôi được thả khỏi sở cảnh sát, tôi liên tục nghe thấy lời khen ngợi từ khắp nơi; về cách tôi tu luyện tốt và có chính niệm mạnh mẽ, làm thế nào mà tôi có thể an toàn ra khỏi đó, và ngay cả các thành viên gia đình của tôi thật phi thường làm sao, và những điều tương tự.

Cũng có những lời chỉ trích rằng tôi là một điều phối viên mà lại gây ra tình huống này.

Đáng buồn thay, tôi đã không xem đó như một khảo nghiệm để đề cao tâm tính.

Tôi cảm thấy hài lòng với bản thân mình, khi sự ngưỡng mộ diễn ra theo ý của tôi, và không hài lòng với những cá nhân không đồng ý với tôi, và tin rằng động lực của họ là vì tâm tật đố.

Ngoài ra tôi còn có tâm tự mãn.

Biểu hiện rõ của tâm tự mãn đó là tôi bỏ qua cảnh báo của các học viên về điện thoại di động của tôi, tôi tin tưởng vào chính niệm mạnh mẽ của mình và coi nhẹ những vấn đề về bảo mật và an toàn.

Tôi nhận ra rằng bất kỳ quan niệm người thường và chấp trước nào đều sẽ tạo ra sơ hở để cựu thế lực lợi dụng, và sử dụng chúng để “biện minh” cho việc bức hại chúng ta.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/7/25/157962.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/3/330396.html
Đăng ngày 9-11-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share