Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở hải ngoại

[MINH HUỆ 25-8-2016] Cách đây một vài năm, khi trở về Trung Quốc, tôi đã bị người từ Cục An ninh Quốc gia sách nhiễu. Nhiều chấp trước của tôi, đặc biệt là chấp trước vào tình, đã được phơi bày.

Sau khi trở về nhà, hầu như ngày nào tôi cũng khóc. Tôi tự nhủ từ nay trở đi mình nên làm gì: Tôi nên từ bỏ hay tiếp tục tu luyện? Sau ba tháng dằn vặt, tôi đã quyết định tiếp tục tu luyện.

Củng cố đức tin của mình, trở thành một phần của chỉnh thể

Tâm trạng của tôi rất không tốt khi từ Trung Quốc trở về. Vì lo lắng cho các anh chị em và người thân của mình ở Trung Quốc, tôi đã viết một cam kết (gửi nhân viên An ninh Quốc gia) rằng tôi sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động nào của Pháp Luân Đại Pháp ở hải ngoại nữa. Tôi cũng tiết lộ tên của một số bạn đồng tu. Mỗi ngày tôi đều cảm thấy rất tội lỗi và đau lòng.

Đó là một vết nhơ lớn trên con đường tu luyện và cuộc đời của tôi. Tôi thậm chí còn khóc trong những giấc mơ. Tôi cảm thấy mình như một cái vỏ trống rỗng.

Dù có khó khăn thế nào, tôi vẫn tiếp tục học Pháp. Dần dần, tôi lấy lại được chính niệm và tôi liên tục nhẩm Pháp của Sư phụ:

“Tâm sợ hãi sẽ khiến người ta làm điều sai lạc, tâm sợ hãi sẽ khiến người ta mất đi cơ duyên, tâm sợ hãi là một ‘cửa tử’ [trên con đường] từ người trở thành Thần.” (Vượt qua cửa tử, Tinh tấn yếu chỉ III)

Vì tâm sợ hãi, tôi đã phạm sai lầm. Tôi không nên vì nó mà đánh mất thêm bất kỳ cơ duyên nào nữa. Tôi biết mình phải vượt qua cửa tử này.

Hai tháng sau, tôi muốn tham gia một nhóm học Pháp, nhưng chồng của tôi đã ngăn cản.

Ông nói: “Bà có thể học Pháp ở nhà. Nếu bà đi, thì đừng quay về đây nữa.”

Tôi rất sợ hãi và đã không đi nữa.

Khi học Pháp nhiều hơn, chính niệm của tôi được tăng cường. Tôi cũng cảm thấy sợ hãi khi không giỏi tiếng Anh. Sau đó tôi nghĩ: Nhiều học viên, thậm chí cả những người không tu luyện, cũng không biết tiếng Anh, nhưng họ vẫn xoay sở để làm tốt công việc. Ít nhất mình còn biết một chút tiếng Anh. Mình không có khả năng như họ sao?

Tôi quyết định tham gia nhóm học Pháp. Khi chồng tôi nói lại câu nói trước: “Nếu bà đi thì đừng quay về đây nữa,” tôi đã nói với ông ấy rằng tôi biết mình làm gì. Khi tôi trở về nhà, ông ấy không nói một lời nào và tôi biết mình đã vượt qua khảo nghiệm này.

Chính lại những sai lầm của mình và biến việc xấu thành hảo sự

Điều đầu tiên tôi làm sau khi từ Trung Quốc trở về là xin lỗi những học viên mà tôi đã tiết lộ thông tin về họ. Tôi cần can đảm để thừa nhận những sai lầm mà mình đã phạm phải, nhưng tôi biết mình không nên che đậy chúng thêm nữa.

Các học viên không phàn nàn gì tôi; mà thay vào đó, họ lại an ủi tôi. Tôi rất xúc động bởi lòng từ bi của họ. Một học viên ở ngoài thành phố thường xuyên gọi điện cho tôi và động viên tôi hãy vui lên. Cô ấy đã động viên tôi rất nhiều.

Ba tháng sau, tôi đăng tải lời tuyên bố rằng mọi thứ tôi đã viết khi ở Trung Quốc là vô giá trị và tôi chỉ đi theo con đường mà Sư phụ đã an bài cho mình.

Nhưng mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Khi vừa từ Trung Quốc trở về, tôi luôn suy nghĩ về việc vãn hồi những sai lầm của mình. Một ngày, một học viên đã gọi cho tôi và hỏi xem liệu tôi có muốn tham gia kênh truyền thông mà cô ấy đang làm việc không. Không một chút lưỡng lự, tôi nói rằng tôi muốn tham gia. Tuy nhiên, vài ngày sau, người điều phối của hạng mục truyền thông này đã lịch sự từ chối. Lòng tôi nặng trĩu.

Yêu cầu được tham gia vào e-mail của nhóm cũng bị từ chối. Các học viên giữ khoảng cách với tôi. Tôi cảm thấy rất áp lực. Tôi có thể vượt qua khảo nghiệm này thế nào đây? Sao tôi có thể vẫn tiếp tục tuân theo những yêu cầu của Pháp? Tôi bình tâm và nghĩ về những điều đó.

Sư phụ đã giảng:

“Là học viên mà nói, khi các học viên khác không tin tưởng chư vị thì sao, thì đừng cố làm, tránh né một chút cũng đâu có sao, như vậy áp lực tâm lý của hai bên cũng nhẹ hơn.

Không cho làm việc này, thì chư vị có thể xuống phố phát tư liệu mà, cũng đồng là cứu độ chúng sinh, tới lãnh sự quán phát chính niệm, làm những lĩnh vực khác cũng có thể làm được mà, tại sao lại quá chấp trước ở một phương diện? Chư vị càng chấp trước, các học viên khác càng suy nghĩ xấu hơn về chư vị, không phải vậy sao?” (Giảng Pháp trong buổi họp mặt học viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương)

Tôi tự nhủ rằng mình không nên phàn nàn về các học viên và nên cố gắng để hiểu họ. Họ đang nỗ lực để có trách nhiệm với Pháp và với các hạng mục mà họ tham gia. Họ không có bất kì vấn đề cá nhân nào với tôi. Thậm chí nếu có, thì tôi cũng nên bỏ qua những vấn đề đó. Tôi nên lấy lại niềm tin của họ bằng hành động của mình.

Ngay sau đó, tôi nhận được lời mời tham gia hạng mục giảng chân tướng cho người Trung Quốc qua điện thoại. Tôi nhận ra đây là vị trí của mình. Vì tôi chiểu theo các yêu cầu của Pháp, họ đã nhanh chóng chấp nhận tôi.

Vượt qua rất nhiều khảo nghiệm, tôi nhận ra rằng, dù cho khảo nghiệm hay khó khăn lớn đến mức nào, chỉ cần tôi tuân theo những yêu cầu của Pháp và hướng nội, tôi chắc chắn sẽ vượt qua chúng.

Sư phụ đã giảng:

“Trong tu luyện, dù chư vị gặp phải sự việc hay hay sự việc dở, đó đều là việc tốt cả, bởi vì chính là chư vị tu luyện rồi thì [chúng] mới xuất hiện.” (Gửi Pháp hội Chicago, Tinh tấn yếu chỉ III)

Vứt bỏ tâm sợ hãi

Tâm sợ hãi là cửa tử đối với các học viên và tôi mang đầy tâm sợ hãi khi tôi từ Trung Quốc trở về. Khi tôi nghĩ về việc làm thế nào để vứt bỏ tâm sợ hãi này, tôi đã quyết định đến Đại sứ quán Trung Quốc và khu phố Tàu một tuần một lần để giảng chân tướng cho mọi người.

Tôi rất lo lắng khi đứng ở lối đi đối diện Đại sứ quán Trung Quốc. Nếu không nhắm chặt mắt lại thì tôi sẽ tìm kiếm xem camera lắp đặt ở chỗ nào trên tường. Khi tôi nhìn thấy những người Trung Quốc, tôi càng lo lắng hơn. Tôi nghi ngờ rằng họ từ đại sứ quán. Tôi lo lắng trong mỗi giây.

Tôi chia sẻ với một học viên về tâm sợ hãi của mình. Cô ấy khuyên tôi đừng sợ và cô nói rằng cô sẽ đi cùng tôi khi lần sau đến đại sứ quán. Tâm sợ hãi của tôi dần dần giảm bớt và tôi đã tự đi một mình.

Một ngày, một người đàn ông Trung Quốc chụp ảnh giá treo tài liệu giảng chân tướng của chúng tôi. Anh nói anh hiểu chân tướng về Pháp Luân Công hơn tôi. Tôi bảo anh đừng tham gia bức hại các học viên. Anh rời đi mà không nói lời nào.

Một hôm, tôi đến khu phố Tàu từ sớm. Tôi bắt đầu phát ấn phẩm đặc biệt Cửu Bình. Tôi nhìn thấy khoảng tám người mặc đồ vest màu đen từ nhà hàng bước ra. Tôi biết một số họ rất gần gũi với đại sứ quán. Tôi nhắc mình đừng sợ và phải giữ bình tĩnh.

Trong số đó, có một người đàn ông đeo một chiếc camera trên cổ tiến lại phía tôi và tôi đã phát cho anh một bản tài liệu. Sau đó, tôi phát một bản nữa cho một người đàn ông khác và nói: “Tôi biết các anh là đặc vụ, nhưng tôi vẫn muốn các anh biết chân tướng.” Anh ấy cầm lấy rồi vội vàng rời đi.

Họ đã chụp ảnh khi cách tôi chừng năm hoặc sáu mét. Tim tôi bắt đầu đập nhanh hơn. Tôi cảm thấy bất lực và đơn độc. Tôi đã mong các học viên khác ở bên cạnh để tăng cường chính niệm cho mình.

Cuối cùng một học viên khác đã đến. Tôi kể cho cô ấy những gì vừa xảy ra. Cô ấy an ủi tôi và nói tạm thời tôi nên ở nhà. Tôi bảo cô: “Không, tôi sẽ không ở nhà. Tôi phải vứt bỏ tâm sợ hãi của mình khi nó xuất hiện. Nếu tôi ở nhà, có nghĩa là tôi đang che đậy tâm sợ hãi của mình.” Do đó, tôi tiếp tục đi tới khu phố Tàu để giảng chân tướng.

Vứt bỏ tâm sợ hãi và khởi kiện Giang Trạch Dân

Mặc dù tôi biết tầm quan trọng của việc khởi kiện Giang Trạch Dân, nhưng ban đầu tôi đã ngần ngại. Tôi chia sẻ với những học viên khác, và một số họ đã khởi kiện mà không một chút do dự. Tôi biết rằng tôi đã thụt hậu phía sau. Tôi nhẩm Pháp của Sư phụ để tăng cường chính niệm của bản thân.

Sư phụ đã giảng:

“Gốc của tôi gắn trên vũ trụ, ai có thể động tới chư vị, người ấy có thể động đến tôi; nói thẳng ra, người ấy có thể động đến vũ trụ này.“ (Chuyển Pháp Luân)

Việc khởi kiện Giang Trạch Dân đã được Sư phụ đồng ý; bởi vậy, cựu thế lực không dám bức hại các học viên làm việc này. Tôi tự nhủ: “Vì mục đích gì và với tâm lý gì mà mình nên khởi kiện Giang Trạch Dân?” Tôi nhận ra rằng kiện Giang Trạch Dân bắt nguồn từ một sự thay đổi trong vũ trụ, việc này các học viên cần phối hợp với nhau. Làn sóng kiện Giang Trạch Dân cũng thức tỉnh con người thế gian.

Tôi sớm viết xong đơn khởi kiện của mình. Quy định yêu cầu tôi phải gửi bản sao hộ chiếu Trung Quốc của tôi cùng với đơn kiện. Tâm sợ hãi của tôi lại nổi lên. Tất cả những thông tin cá nhân của tôi đều có trong đó. Tôi nhắc bản thân mình không sợ hãi. Khi viết lên bì thư, tôi phải viết cả địa chỉ của tôi lên đó. Tâm sợ hãi lại xuất hiện. Tôi tự nhủ phải loại bỏ nó vì nó không phải là chân ngã của tôi.

Tôi phải đợi một tuần mới nhận được biên lai xác nhận. Tuy nhiên, trong suốt khoảng thời gian đó, tâm sợ hãi của tôi liên tục xuất hiện. Thỉnh thoảng, tôi thậm chí còn mong đơn kiện của mình không đến đích được. Ngay lập tức, tôi cố gắng phủ nhận những suy nghĩ vô ích đó. Sau đó tôi bảo trì suy nghĩ rằng phòng ban liên quan sẽ nhận được và bất kì ai đọc được cũng sẽ biết về cuộc bức hại. Cuối cùng, thư xác nhận cũng đến.

Trên đây là một số trải nghiệm của tôi trong những năm gần đây. Tôi nhận ra rằng tâm sợ hãi của mình xuất phát từ tình. Tôi cảm thấy rằng tình là một cửa tử đối với tôi trong suốt 17 năm tu luyện. Khi vừa bắt đầu tu luyện, tôi phải đối mặt với khảo nghiệm về tình với chồng của tôi. Sau khi rời Trung Quốc, tôi vấp ngã trong tu luyện vì quá chấp trước vào tình đối với các thành viên trong gia đình ở Trung Quốc. Tôi không kiểm soát được tâm tính của mình vì tình dành cho con của tôi. Tình khiến cho cuộc sống của tôi vô cùng đau đớn.

Sư phụ giảng:

“Chấp trước vào tình thân quyến, ắt sẽ vì thế mà luỵ, mà dày vò, mà ma, tơ vương tình cảm mà nhiễu cả một đời, tuổi đời qua đi, thì hối hận đã muộn rồi.” (Người tu cần tránh, Tinh tấn yếu chỉ)

Tôi sẽ luôn ghi nhớ những lời của Sư phụ và cố gắng tu bỏ cái tình. Tôi sẽ tu luyện tinh tấn hơn trên con đường trở về nhà của mình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/8/5/332410.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/9/20/159226.html

Đăng ngày 23-10-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share