Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 24-7-2016] Bà Đường Bang Ngọc là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên, nơi mà cuộc bức hại Pháp Luân Công diễn ra đặc biệt tàn khốc.

Kể từ khi Giang Trạch Dân, cựu Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Đường đã bị bắt và bị tra tấn nhiều lần. Thậm chí bà còn bị các quan chức chi bộ Đảng địa phương đánh đập dã man bằng một thanh kim loại.

Chồng bà phải chịu áp lực ly dị bà. Do vậy, bà phải một mình nuôi cậu con trai. Chồng bà vẫn sống độc thân.

Bà Đường chưa bao giờ từ bỏ niềm tin của bà vào Pháp Luân Công cho dù phải chịu đựng nhiều năm bị bức hại. Bà Đường đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân vào tháng 6 năm 2015.

Tóm lược đơn kiện của bà Đường

1999: Bị bắt, bị giam giữ, bị tịch thu và bị giám sát

Khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, chúng tôi các học viên đã bị gọi là “kẻ thù số 1” và “lực lượng phản cách mạng” của Trung Quốc mặc dù chúng tôi chỉ đơn giản là cố gắng trở thành người tốt bằng cách làm theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Công. Tôi không hiểu được tại sao chúng tôi bị bức hại.

Không bao giờ tôi từ bỏ môn tu luyện này. Tôi đã lo sợ rằng những vấn đề sức khỏe trước đây của tôi sẽ quay trở lại. Tôi tiếp tục luyện công tại nhà, nhưng tôi vẫn không thể tránh bị bức hại.

Cảnh sát ở Đồn cảnh sát Tiểu Ngọc Đổng đã tới nhà tôi cuối tháng 7 năm 1999 và tịch thu tất cả sách Pháp Luân Công của tôi và các bức ảnh của Sư phụ Lý.

Sau đó cảnh sát bắt tôi vào tháng 12 năm 1999 và đưa tôi tới đồn cảnh sát. Chồng và con trai tôi đã tới đồn cảnh sát vào tối hôm đó và yêu cầu thả tôi. Mặc dù tôi được thả vào tối hôm đó, nhưng tôi bị quản thúc chặt chẽ cả ngày lẫn đêm.

2000: thỉnh nguyện ôn hòa: Bị bắt, bị giam giữ, bị tra tấn và bị tống tiền

Tôi đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện ôn hòa cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công cùng các đồng tu vào đầu tháng 4 năm 2000. Chúng tôi đã bị bắt khi đến Quảng trường Thiên An Môn, bị đưa tới Đồn cảnh sát Tiền Môn, và bị chuyển về văn phòng chi nhánh tỉnh Tứ Xuyên tại Bắc Kinh.

Chúng tôi bị lục soát và tịch thu. Một sỹ quan cảnh sát đẩy chúng tôi úp mặt vào tường một cách thô bạo và đá chúng tôi. Khi chúng tôi khóc, anh ta đã đánh chúng tôi tàn bạo.

Ba ngày sau, tôi bị hộ tống đưa trở về thành phố Bành Châu, bị giam giữ trong Trại tạm giam thành phố Bành Châu và bị tống tiền 3.000 Nhân dân tệ. Số tiền này đã bị khấu trừ vào tiền lương tháng của tôi 300 Nhân dân tệ mỗi tháng mặc dù lương tháng của tôi chỉ có 420 Nhân dân tệ. Tôi được thả vào cuối tháng 5.

Cảnh sát địa phương đã bắt tôi vào ngày 15 tháng 11 năm 2000. Tôi bị đưa tới Đồn cảnh sát Tiểu Ngọc Đổng và bị đưa tới trại tạm giam Bành Châu 3 ngày sau đó. Tôi được thả sau đó 1 tuần.

2001: Bị bắt và bị đánh đập dã man

Đàm Kim Ưu, bí thư chi bộ của thị trấn và Lê Ôn Hoành, phó bí thư chi bộ cùng hai thanh niên trẻ đã đánh đập tôi tàn bạo trong 4 tiếng đồng hồ ngày 3 tháng 1 năm 2001. Đàm đánh vào lưng tôi bằng roi kim loại dài 3 tấc và rộng 3 cm. Có người đã đề xuất lột áo khoác của tôi trước khi họ tiếp tục đánh tôi.

Họ bắt tôi phải quỳ xuống nhưng tôi từ chối. Cây roi thép đã bị cong oằn và Đàm đã kiệt sức, vì vậy Lê cầm lấy roi thép và tiếp tục vừa đánh vừa chửi rủa tôi. Tay anh ta bị roi thép cứa vào đến chảy máu, vì vậy anh ta bắt đầu tát vào mặt tôi. Trong suốt thời gian bị đánh, tôi nhắm chặt mắt và im lặng. Tôi cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Mặc dù tôi cảm thấy đau nhưng tôi chịu đựng được.

Họ thay phiên nhau đánh tôi. Một thanh niên trẻ nhắm vào vai và mặt tôi mà đánh. Thấy tôi vẫn có thể đứng được, anh ta đã đá tôi khiến tôi ngã nhào về phía trước. Tôi nhanh chóng đứng dậy và cương quyết sẽ không để ngã lần nữa.

Tôi được thả ra ngày hôm đó. Lưng tôi bị một vết thương dài 10 cm và rộng cỡ một đốt ngón tay. Tôi đến nhà chị gái ở và quay trở lại làm việc 5 ngày sau đó.

2002: Bị bắt và được thả sau khi tuyệt thực

Vì tôi đã viết lên tường hàng chữ: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân – Thiện – Nhẫn hảo!”, tôi đã bị bắt vào ngày 19 tháng 5 năm 2002 và bị đưa tới Đồn cảnh sát Bạch Thủy Hà. Cảnh sát tát vào mặt tôi và sốc điện tôi bằng dùi cui điện. Tôi từ chối viết cam kết từ bỏ Pháp Luân Công.

Phó giám đốc cơ quan tôi đã tới đồn cảnh sát vào khoảng 10 giờ tối và viết cam kết thay tôi, sau đó ông đưa tôi về nhà.

Tôi bị cảnh sát ở Đồn cảnh sát Bạch Thủy Hà và nhân viên thị trấn Tiểu Ngọc Đổng bắt ở nơi làm việc vào ngày 30 tháng 7 năm 2002. Tôi bị đưa tới trại tạm giam Bành Châu và được thả sau khi tôi tuyệt thực 5 ngày.

2004: Bị bắt và bị đánh đập

Tôi bị bắt tại nhà vào tối ngày 15 tháng 9 năm 2004. Cảnh sát từ Đồn cảnh sát Bạch Thủy Hà và Sở cảnh sát thành phố Bành Châu đưa tôi tới đồn cảnh sát. Họ trùm kín đầu tôi bằng một cái túi, lái xe đưa tôi tới một nơi xa và thay phiên nhau đánh tôi. Tôi bị nhốt trong một căn phòng tối vào đêm đó.

Tối hôm sau, có hai người phụ nữ đến. Họ đánh tôi bằng một cuộn giấy báo. Khi cuộn giấy báo rách, họ làm một cái khác và tiếp tục đánh tôi. Họ bỏ cuộc sau khi đã mệt nhoài.

Vào đêm thứ ba, Vương Ấu Bình, một quan chức chính phủ đã đánh tôi bằng một thanh kim loại màu xanh lá cây từ 10 giờ tối tới 8 giờ sáng hôm sau. Thanh kim loại bị hư hỏng và toàn thân tôi tím tái.

Một thanh niên trẻ khác đến vào buổi chiều. Anh ta tiếp tục tát vào mặt tôi cho tới khi anh ta mệt nhoài. Sau khi nghỉ ngơi, anh ta tiếp tục đánh tôi.

Tôi bị đưa tới trại tạm giam thành phố Bành Châu vào đêm đó. Tôi bị thẩm vấn mỗi ngày. Các lính canh ép tôi viết cam kết từ bỏ tu luyện. Tôi cương quyết từ chối.

Một tháng sau đó, tôi được thả vô điều kiện.

Trở nên khỏe mạnh sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp

Tôi bị thấp khớp nặng trước khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 8 năm 1997. Các khớp của tôi sưng tấy. Tôi không thể chạm vào nước lạnh và thường không thể ngủ vì đau đớn. Tôi đã thử đủ mọi kiểu chữa trị, cả Đông y lẫn Tây y, và đã tiêu tốn toàn bộ thu nhập của mình cho việc chữa bệnh. Tuy nhiên, tình hình hoàn toàn vô vọng.

Tôi mắc chứng loét dạ dày và chỉ có thể ăn các đồ ăn lỏng. Bất cứ khi nào tôi ăn một chút thức ăn cứng hay ngon, tôi sẽ phải bị đau đớn khủng khiếp. Tôi cũng bị mắc bệnh phụ khoa, bị chóng mặt và các bệnh mãn tính khác. Tôi bước đi chậm chạp và thường phải xin nghỉ phép vì ốm.

Tuy nhiên, tất cả các bệnh tật của tôi đã biến mất sau 20 ngày tu luyện Pháp Luân Công, và gia đình tôi cùng bạn bè và đồng nghiệp đã được chứng kiến sự phục hồi của tôi.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã gạt bỏ ý kiến của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, mà phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 17 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/24/ 331706.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/8/19/158326.html

Đăng ngày 29-8-2016; Bản dịch có thể được hiệu schỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share