Bài viết của một học viên Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-6-2016] Trong những năm qua, có khá nhiều học viên đã qua đời vì có những chấp trước quá mạnh. Theo ý kiến của tôi, một chấp trước có vẻ như đã khiến nhiều người trong số những học viên này phiền muộn đó là chấp trước vào tình dành cho những người thân yêu.

Không vượt qua được chấp trước vào tình cảm gia đình này thường dẫn đến việc các học viên không thể vận dụng hết khả năng của mình để làm tốt ba việc. Họ chỉ thực hiện một cách hời hợt khi học Pháp, phát chính niệm hay giảng chân tướng cho mọi người.

cựu thế lực không mất nhiều thời gian để dùi vào sơ hở của những học viên này. Một số người bắt đầu trải qua nghiệp bệnh trong khi những người khác thì qua đời, không thể kịp thời chính lại bản thân họ.

Đó là một tổn thất lớn nếu chúng ta mất đi sinh mệnh và không thực hiện được thệ nguyện cứu chúng sinh của mình. Là người tu luyện, chúng ta không nên chấp trước vào tình của người thường. Thay vào đó, chúng ta nên trân quý duyên phận thiêng liêng mà chúng ta đã có với Đại Pháp. Chỉ bằng cách tu luyện tinh tấn chúng ta mới có thể tu bỏ được các chấp trước của bản thân và hoàn thành sứ mệnh của mình.

Chấp trước vào tình của người thường

Sư phụ đã giảng:

“Chấp trước vào tình thân quyến, ắt sẽ vì thế mà lụy, mà dày vò, mà ma, tơ vương tình cảm mà nhiễu cả một đời, tuổi đời qua đi, thì hối hận đã muộn rồi.” (Người tu cần tránh, Tinh tấn yếu chỉ)

Tình là gì? Như đã được miêu tả chi tiết trong một bài chia sẻ đăng trên trang web Minh Huệ, tình là một tiêu chuẩn của cảm xúc mà ở đó một người sẵn sàng hy sinh cuộc sống vì một điều gì đó hay một ai đó mà họ thích.

Đối với các học viên, coi trọng cảm xúc còn hơn cả Pháp thì sẽ rất nguy hiểm. Chúng ta nên tỉnh táo minh bạch rằng trở về nhà mới là nguyện ước cuối cùng của chúng ta. Do đó, một người tu luyện tinh tấn sẽ ưu tiên làm ba việc hơn bất cứ điều gì khác và vận dụng tất cả trí huệ và khả năng để làm tốt ba việc ấy.

Khi các học viên có chấp trước dai dẳng vào tình, họ có thể dễ dàng bị phân tâm bởi những chuyện vặt vãnh tầm thường. Cựu thế lực có thể lợi dụng sơ hở này để tấn công họ. Kết quả là, các học viên có thể trở nên lười biếng trong khi làm ba việc và gặp phải nghiệp bệnh.

Một số học viên có thể ngủ gật trong khi phát chính niệm. Một số học viên lớn tuổi ao ước có gia đình hạnh phúc và khao khát cuộc sống thoải mái của người thường có thể sẽ lãng quên tầm quan trọng của Pháp và mục đích của họ khi đến thế gian. Họ có thể không phát chính niệm nữa. Những người không bao giờ vượt qua được nỗi đau mất đi một đứa con có thể sẽ rơi vào bẫy do cựu thế lực sắp đặt.

Từ quan điểm về sự luân hồi, tình là thứ chỉ tồn tại trong một đời. Không kể bạn yêu thương và chăm sóc cho con cái nhiều như thế nào, bạn sẽ không là gì với họ khi bạn luân hồi trong đời tiếp theo. Vô vi đối với yêu và ghét mới có thể khiến một người tu luyện thoát khỏi những đau khổ trong quá trình luân hồi đằng đẵng.

Đừng trở thành nạn nhân của cựu thế lực

Sư phụ đã giảng cho chúng ta rằng:

“Liễu khước nhân tâm ác tự bại” (Biệt Ai, Hồng Ngâm II)

Tạm diễn nghĩa:

“Dứt đi được tâm người thường thì tà ác sẽ tự thất bại”

Để không trở nên tê liệt và bất cẩn trong tu luyện, chúng ta nên thường xuyên tự hỏi bản thân rằng liệu chúng ta có thực sự tin tưởng vào lời giảng đó của Sư phụ không.

Ẩn giấu đằng sau một chấp trước là rất nhiều sinh mệnh tà ác. Khi chúng ta tuân theo các bài giảng của Sư phụ để chính lại bản thân mình, tà ác sẽ không có bất cứ lý do gì để lớn mạnh, và bức hại sẽ tan biến ngay lập tức. Mặt khác, nếu chúng ta nhượng bộ những sinh mệnh tà ác này, cựu thế lực sẽ tăng cường những chấp trước của chúng ta và cuối cùng khiến chúng ta trở nên ốm yếu hoặc thậm chí là qua đời.

Khi Chính Pháp đang tiến đến giai đoạn cuối, những nhân tố tà ác ấy sẽ nhận ra rằng chúng không còn nơi nào để lẩn trốn, ngoại trừ trường không gian của những học viên không tinh tấn trong tu luyện và có những chấp trước người thường mạnh mẽ. Kết quả là, một số học viên sẽ trở thành nạn nhân của những nhân tố tà ác và bị ép buộc phải rời bỏ thân người của họ. Những sinh mệnh mà họ muốn cứu cũng có thể trở thành nạn nhân của tà ác.

Tu luyện vì duyên phận thiêng liêng với Đại Pháp

Sư phụ đã viết trong bài “Nhân sinh vi hà“ (Hồng Ngâm III):

“Nhân sinh bách niên vi thuỳ mang

Danh lợi thân tình quải đoạn trường

Khúc chung hý tán thuỳ thị ngã

Thương thiên vô ngữ lưỡng mê mang.”

Diễn nghĩa:

“Trăm năm đời người vì ai mà bận rộn

Danh lợi thân tình vướng vào làm khổ tâm

Khúc nhạc kết, vở kịch xong thì ai là tôi nhỉ

Trời cao không nói chi, chúng ta đều mê mang.”

Nhờ những mối quan hệ nhân duyên, thế giới người thường này tràn đầy những hy vọng và sự biết ơn. Nhưng dù cho những mối quan hệ này có hấp dẫn thế nào, trong hành trình dài của sinh mệnh, chúng không là gì cả mà chỉ như một giấc mộng thoáng qua. Tu luyện Đại Pháp là duyên phận trân quý nhất bởi vì chỉ có Đại Pháp mới có thể khiến sinh mệnh trở nên vĩnh hằng. Nhưng nhiều người đã để lỡ mất cơ duyên trân quý này.

Trong hàng nghìn năm, có bao nhiêu người đã kiên định với hy vọng của họ? Có bao nhiêu người đã tìm thấy đích đến cho tâm hồn họ? Nhiều Thần Phật đã hạ thế khi địa cầu này được tạo ra. Bao nhiêu người trong số họ đã đạt đến viên mãn? Và bao nhiêu người bị mê hoặc bởi những giả tướng tại thế gian và đánh mất chân ngã của mình?

Để hoàn thành sứ mệnh của chúng ta và không làm Sư phụ thất vọng, chúng ta phải tu luyện bản thân thật tinh tấn.

Tu luyện tinh tấn

Thời gian Chính Pháp là hữu hạn. Khi thời gian đã hết thì sẽ quá muộn để hối tiếc. Sư phụ đã từ bi chờ đợi để cho chúng ta theo kịp. Những học viên tiệm ngộ chia sẻ, hàng chục triệu học viên không tinh tấn đã bị rớt lại vì chấp trước truy cầu an dật và trạng thái tiêu trầm trong tu luyện. Nhiều người trong số họ có tâm tính rất cao trước khi cuộc bức hại bắt đầu. Sư phụ lo lắng rằng họ cứ mãi mê mờ và sẽ không ngộ ra để đề cao tâm tính của mình hơn nữa.

Tiếp tục nuông chiều bản thân đồng nghĩa với tự hủy diệt. Chúng ta hãy cố gắng hết sức để theo kịp và đừng nhìn mãi về quá khứ. Để khích lệ lẫn nhau, tôi xin trích dẫn một số bài giảng Pháp của Sư phụ để chia sẻ với các bạn đồng tu.

“[Chư vị] có thật sự đối đãi bản thân như một người tu luyện không? Chư vị đã đạt tiêu chuẩn này chưa? Có lúc trong tâm chư vị xem trọng việc gia đình hơn Pháp, những gì chư vị nghĩ đến đều là kiếm tiền và chấp trước vào tình cảm gia đình, [tất cả những thứ đó] đều xem trọng hơn Pháp, và đối với nghiệp lực của bản thân thì chư vị không muốn tiêu trừ, không muốn chịu khổ; như vậy có phải là đệ tử chân tu không? Ngay cả tu mười năm như vậy cũng không có gì cải biến.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Úc châu [1999])

“Mọi người thử nghĩ xem, phải chăng hôm nay chư vị luyện Pháp Luân Công rồi, cũng đã xem sách rồi, thì đã là đệ tử Đại Pháp? Chư vị không tinh tấn, chư vị không làm theo tiêu chuẩn mà tôi nói với chư vị, sao có thể là đệ tử của tôi đây? Chư vị có phải là đệ tử của tôi hay không, phải cần tôi chứng nhận chư vị là đệ tử hay không, cũng chính là nói chính chư vị có đủ tiêu chuẩn của một đệ tử hay không? Chư vị luyện công hàng ngày cũng giống như thể thao, mặc dù chư vị xem sách rồi nhưng không nhập tâm, cũng không tinh tấn, chư vị cũng không làm theo yêu cầu trong sách, chư vị có thể là đệ tử của tôi không? Anh ta chẳng phải vẫn là một người thường hay sao?” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

“Tôi vừa giảng rồi, [Lý] của người tu luyện và Lý của người thường là phản [đảo] lại; con người nhìn nhận rằng thoải mái là chuyện tốt, đệ tử Đại Pháp nhìn nhận rằng con người thoải mái là việc xấu đối với [việc] đề cao; không thoải mái đối với đề cao mà giảng là việc tốt. (vỗ tay) Quan niệm căn bản này chư vị đã chuyển biến chưa? Gặp một chút ma nạn, gặp một chút gì đó thì chư vị đều không qua nổi, cuối cùng khi tích đống lại thành rất lớn thì chính là một quan ải lớn, quan ải lớn ấy chư vị không vứt bỏ sinh mệnh thì chư vị không vượt qua được, vậy làm sao đây? Thậm chí như cửa ải lớn đến mức chư vị buông bỏ sinh mệnh rồi vẫn không cân bằng được, cựu thế lực không thả chư vị qua; nhưng chính niệm của chư vị lại không đủ; chư vị thử nói làm sao đây? Chư vị bảo Sư phụ làm sao? Sư phụ bảo hộ chư vị một cách vô điều kiện, mà chư vị vẫn không tinh tấn, thậm chí còn như một người thường! Chư vị nói rằng ‘tôi là đệ tử Đại Pháp’, nhưng mà tư tưởng cùng hành vi của chư vị lại chính là một người thường. Hôm nay tôi độ là đệ tử Đại Pháp, không thể vô cớ bảo hộ một người thường được. Sinh lão bệnh tử của người thường là Thiên Lý, không thể vô cớ can dự. Chư vị có biết hôm nay Sư phụ đang làm gì chăng? Tôi đang Chính lại Pháp của vũ trụ; tôi Chính lại như thế nào? Tôi dùng gì để Chính? Tôi có thể dùng cách làm không đúng để Chính lại Pháp của vũ trụ chăng? Bảo hộ một cách vô điều kiện một người tu luyện chưa đạt tiêu chuẩn thì là chịu trách nhiệm với chư vị chăng? Đó có phải là Chính lại Pháp của vũ trụ không? Đệ tử Đại Pháp vì sao cần tu luyện, vì sao cần vượt quan, vì sao cần chính niệm mạnh mẽ, vì sao cần chịu khổ? Chỉ có như vậy mới có thể tính là tu luyện. Thực ra tu luyện chính là đến để chịu khổ, không phải là vì để đắc bảo hộ tại thế gian con người mà đến. Học Đại Pháp có bảo hộ, tu Đại Pháp cũng cần chịu khổ. Có học viên từng nói rằng gặp nguy hiểm thì Sư phụ sẽ bảo hộ; đúng vậy! Khi chính niệm chính hành thì nhất định sẽ bảo hộ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San – Francisco năm 2005)

“Cuối cùng khi chư vị không đến viên mãn được, bản thân chư vị sẽ phải chịu trách nhiệm về bản thân mình! Sư phụ không dọa ai đâu. Ai lỡ mất cơ duyên lịch sử này, ai trượt mất cơ hội lần này, thì đến lúc chư vị hiểu ra chư vị đã bỏ lỡ những gì, khi ấy có để chư vị sống chư vị cũng không thiết sống nữa! Đừng thấy rằng Sư phụ luôn từ bi mãi, rồi chư vị coi từ bi của Sư phụ là điều đương nhiên! Đệ tử Đại Pháp là có tiêu chuẩn cho mình, Pháp cũng có tiêu chuẩn của nó; không phải mọi người lẫn lộn với nhau rồi cùng có thể vượt qua [khảo nghiệm]. Tâm linh của từng người đều [được] động chạm đến, mỗi cá nhân đều đang tu luyện bản thân mình một cách thiết thực, mỗi cá nhân đều đang suy nghĩ về việc có trách nhiệm như thế nào đối với sinh mệnh của mình! Tại sao một số người trong chư vị lại không thể?! Sư phụ thấy rất lo lắng cho chư vị! Sư phụ thấy rất lo lắng cho chư vị! Đừng nhận rằng mấy lời Sư phụ hôm nay nói nặng nề vậy, cũng là nếu tôi không dùng cái chuỳ nặng ấy thì cũng không được. Tôi không cứu được chư vị thì cũng là ân hận lớn nhất của tôi. Chư vị nếu cũng [biết] lo lắng như tôi thì tốt rồi.” (Giảng Pháp và giải Pháp tại Pháp hội ở trung tâm thành thị New York 2003)

Chúng ta không cảm thấy lòng nặng trĩu sau khi đọc các bài giảng Pháp của Sư phụ sao? Sẽ là một sự bất kính lớn nhất đối với Sư phụ khi chúng ta học Pháp mà lại không tuân theo các yêu cầu của Sư phụ. Cũng thật đáng xấu hổ khi chúng ta không tinh tấn và không thực hiện được những trách nhiệm của mình. Những học viên mà liên tục gây trở ngại tới quá trình Chính Pháp của Sư phụ sẽ không thể trở về nhà cùng các bạn đồng tu khác vào thời khắc viên mãn.

Một bài chia sẻ kinh nghiệm đã kể một câu chuyện nghiệt ngã về một học viên vốn truy cầu an nhàn thoải mái và học Pháp rất ít. Cô ấy đề nghị các bạn đồng tu phát chính niệm cùng mình khi cô ấy phát bệnh ung thư xương. Khi khỏi bệnh, cô ấy lại ngừng chứng thực Pháp và quay trở lại những thói quen cũ. Khi bệnh tái phát, cô ấy lại nhờ các bạn đồng tu giúp đỡ lần nữa. Cô ấy đã trải qua vòng tuần hoàn ấy một vài lần.

Vào ngày mà cô ấy đã đến đoạn cuối của tiến trình sinh mệnh của mình, cô ấy hét lên: “Ta không muốn đi theo ngươi. Ta muốn đi theo Sư phụ.” Tuy nhiên, lúc đó đã quá muộn.

Chỉ những người tu luyện tinh tấn sẽ trở về nhà trên một đài hoa sen sau khi loại bỏ hết nhân tâm và cứu chúng sinh. Những ai vẫn còn mê lạc trong những tư tưởng người thường sẽ phải chịu luân hồi, hoặc thậm chí tệ hơn nữa, sẽ bị hủy diệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/6/21/330262.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/7/2/157650.html

Đăng ngày 25-7-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share