Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[Minh Huệ 13-4-2016] Năm nay tôi 79 tuổi và đã tu luyện Pháp Luân Công được hơn 10 năm. Gần đây trên thân thể tôi xuất hiện nghiệp bệnh, từ trải nghiệm đó tôi đã ngộ ra rằng một niệm trong khổ nạn sẽ quyết định người tu luyện có thể tiến về phía trước hay bị rớt lại phía sau trong tu luyện. Tôi xin chia sẻ về trải nghiệm của mình.

Gần đây tôi có một số vấn đề về sức khỏe. Lúc đầu tôi bị đau răng, đau bụng, không ăn được gì, cũng không ngủ được. Tiếp đó tôi bị đau tuyến tụy, đau đến mức nghiến răng nghiến lợi, thật khó mà chịu đựng được. Tuy nhiên, dù thế nào tôi cũng không quản, tâm tôi bất động, cũng không thấy sợ. Tôi nói với chồng: “Dù tôi thế nào thì ông cũng đừng lo lắng, tôi sẽ ổn thôi. Ông đừng ép tôi đi bệnh viện.”

Hai năm trước tôi đã từng vượt qua quan nghiệp bệnh, nên tôi nghĩ rằng lần này tôi cũng sẽ nhất định vượt qua. Tôi xem thống khổ này như là việc thân thể tôi đang được thanh lý. Tôi vẫn kiên trì học Pháp, phát chính niệm và giảng chân tướng. Một đồng tu về hưu đã từng làm việc trong bệnh viện nói với tôi rằng: “Viêm tuyến tụy đau nhức lắm. Để tôi nói với một số đồng tu phát chính niệm cho chị.” Tôi không đồng ý, bởi vì then chốt là phải do tự thân khởi tác dụng. Một đồng tu khác còn hỏi tôi có muốn đến bệnh viện kiểm tra không. Tôi hỏi lại: “Kiểm tra gì chứ? Muốn bị bệnh hay sao?” Đồng tu đó nói: “Chị thực sự tín Sư tín Pháp.” Tôi nói: “Đúng vậy, tín Sư tín Pháp không phải là lời nói suông.”

Sư phụ giảng:

“Nhưng có một điểm là, dù sao đi nữa, chư vị cứ chính niệm chính hành, chư vị sẽ không có ‘quan’ nào là không qua nổi.” (Giảng Pháp tại Pháp hội San-Francisco năm 2005)

Tôi kiên định tín Sư tín Pháp, tâm tôi vẫn bất động cho dù đau nhức đến cực điểm. Một đêm nọ, tôi bị đau tuyến tụy đến quằn quại, đau đến mức toàn thân run rẩy như thể sắp bị nổ tung. Vừa khi tôi xuất ra một niệm: “Mình còn có một số việc vẫn chưa nói với người nhà…” thì tôi liền bị bất tỉnh. Vài giây sau đó tôi tỉnh lại và lập tức nhận ra rằng niệm kia không chính. Tôi liền phát chính niệm phủ nhận sự an bài của cựu thế lực.

Chính niệm vừa xuất ra, sự đau đớn kia nhanh chóng chấm dứt. Đêm đó tôi ngủ khá ngon giấc, và sáng hôm sau tôi cảm thấy đói khi vừa thức dậy. Sau đó việc ăn và ngủ trở lại như bình thường. Cảm tạ Sư phụ, cuối cùng tôi đã vượt qua được một khảo nghiệm lớn.

Trong tu luyện, không có gì xuất hiện là ngẫu nhiên, tôi đã hướng nội tìm để xem vấn đề nằm ở đâu. Tôi phát hiện rằng tôi đã có tâm sợ thống khổ và tôi đã không tu luyện tinh tấn. Tôi là một người tu luyện lớn tuổi, nhưng từ trước đến nay lại sợ luyện công. Tôi thường bị đổ mồ hôi và bị nhức mỏi khi luyện bốn bài công pháp đầu tiên. Tôi cũng bị đau chân khi ngồi đả tọa, đau đến mức không nhẫn được. Tôi nghĩ rằng tôi có thể đi đường tắt bằng cách “tu tâm” thay cho “tu thân” [khỏi phải chịu thống khổ trên thân].

Đôi khi tôi khổ sở, bất lực và tự hỏi phải chăng mình chỉ có thể tu cao đến thế thôi.

Một buổi tối, mặc dù đã đến thời gian luyện công nhưng tôi vẫn cố xem tiếp một bộ phim truyền hình về người địa cầu và người ngoài hành tinh. Tôi biết rằng tôi nên luyện công nhưng tôi vẫn nán lại xem tiếp. Bỗng nhiên màn hình tivi bị tắt tối đen trong vài giây, tôi nhanh chóng ngộ ra rằng Sư phụ đang thúc giục tôi đi luyện công. Tôi tự trách bản thân rằng tại sao tôi lại không thể điều khiển được bản thân như thế.

Tôi hạ quyết tâm phải kiên trì luyện công. Khi đả tọa mà chân bị đau, tôi cắn răng kiên trì, trong tâm nghĩ: “Như thế mới có thể chuyển hóa nghiệp lực.” Dần dần tôi đã có thể gia tăng thời gian ngồi đả tọa từ ba mươi phút lên một giờ đồng hồ. Hiện nay tôi không còn đau chân khi ngồi đả tọa nữa. Luyện công không còn là một gánh nặng đối với tôi nữa.

Sau khi trải qua khổ nạn này, tôi ngộ ra rằng khi đối diện với khảo nghiệm trong tu luyện, tiến hay thoái chỉ cách biệt ở một niệm.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/4/9/326451.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/13/156262.html

Đăng ngày 27-4-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share