[MINH HUỆ 25-1-2016] Theo các báo cáo được tổng hợp bởi Minh Huệ Net, gần 700 học viên Pháp Luân Công từ Nam Kinh đã khởi kiện hình sự Giang Trạch Dân kể từ tháng 5 năm 2015.

Các học viên kiện cựu độc tài Trung Quốc vì đã phát động cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công, đồng thời yêu cầu ông ta phải chịu trách nhiệu về những thống khổ đã gây ra cho họ trong chiến dịch đàn áp này. Những đơn kiện hình sự này đã được gửi tới Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Nhiều người trong số các học viên này đã thuật lại việc Pháp Luân Công phục hồi sức khỏe cho họ và giúp họ hiểu được ý nghĩa của cuộc sống như thế nào. Tuy nhiên giấc mơ về một cuộc sống khỏe mạnh hơn và vui vẻ hơn của họ đã đổ vỡ khi Giang Trạch Dân phát động chiến dịch có quy mô trên toàn quốc nhằm tiêu diệt môn tu luyện này vào năm 1999.

Đơn giản vì từ chối từ bỏ đức tin của mình, họ bị bắt, bị giam giữ, tra tấn, lục soát nhà và bị tịch thu tài sản cá nhân. Nhiều người phải chứng kiến cảnh gia đình bị liên lụy vì đức tin của họ, trong khi một số người bị ép phải nộp một số tiền lớn.

Các học viên Nam Kinh đệ đơn khởi kiện hình sự đến từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm: Bộ đội, giáo viên, bác sỹ, công chức, kỹ sư, kế toán, doanh nhân, nông dân, người làm tự do và nội trợ.

Dưới đây, chúng tôi tóm tắt lý lịch của một số học viên:

Ông Hồ Nguyên Cần, 61 tuổi, bị bắt vào tháng 3 năm 2015 và bị xét xử vào tháng 6. Ông bị kết án ba năm tù và hiện vẫn còn đang bị giam. Vợ của ông Hồ, bà Hạ Tiểu Phượng, đã chết do bị bức hại. Ông Hồ từng là giám đốc của một công ty bất động sản và là chủ tịch của Tập đoàn Song Ninh. Vì kiên quyết không từ bỏ Pháp Luân Công, ông đã bị sa thải. Trước lần bị bắt gần đây nhất, ông đã bị giam giữ bốn lần và bị tra tấn hai lần trong một trung tâm tẩy não.

Bà Phan Tiểu Cầm, 69 tuổi, nguyên là một nhân viên tại một trung tâm cai nghiện của tỉnh. Bà bị bắt vào tháng 3 năm 2015 và bị đưa ra xét xử vào tháng 9. Bà đã đệ đơn kiện khi bà được tạm tha vì lý do sức khỏe trước phiên xử. Bà đã bị kết án bốn năm tù, bị cưỡng bức lao động một lần và bị tra tấn năm lần ở trong một trung tâm tẩy não. Cảnh sát đã lục soát nhà và giam giữ bà bảy lần.

Ông Vương Tái Nguyên chết vì bệnh tim năm 2008 ở tuổi 72. Ông Vương là giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Nam Kinh. Ông bị bắt ba lần, bị tra tấn hai lần ở trong một trung tâm tẩy não và bị đưa vào một trại cưỡng bức lao động trong vòng hai năm sau khi cuộc bức hại bắt đầu. Vợ ông, bà Thang Chí Lan, đã thay mặt ông đệ đơn khởi kiện.

Ông Phương Chí Văn, 59 tuổi, nguyên là đại tá thuộc Quân đội Nam Kinh. Vì tu luyện, ông đã bị ép buộc rời khỏi quân đội, sau đó bị giam giữ và tra tấn trong một trại cưỡng bức lao động.

Ông Cao Quảng Tư, 71 tuổi, là một bác sỹ quân y về hưu. Vợ ông chết do bị bức hại. Ông liên tục bị sách nhiễu, giám sát và quản thúc tại nhà.

Bà Vương Tú Hoa bắt đầu tu luyện năm 2014. Kể từ đó bà bị bắt và bị cảnh sát theo dõi. Gia đình bà cũng thường xuyên bị sách nhiễu và bị đe dọa vì bà.

Ông Từ Ngọc Cường bắt đầu tu luyện vào năm 2012. Bởi cuộc bức hại nên ông đã bị tra tấn trong một trung tâm tẩy não.

Ngoài các học viên kể trên, những học viên sau đây cũng đệ đơn khởi kiện:

Ông Chu Di, 79 tuổi, giáo sư đã về hưu của Viện Kỹ thuật Hàng không Hải quân

Ông Chu Sỹ Đạt, 69 tuổi, nguyên cán bộ của Sở Nghiên cứu Số 63 thuộc Tổng Tham mưu Giải phóng quân

Bà Thành Hải Yến, 60 tuổi, phó giáo sư, nguyên giám đốc của một công ty dệt may

Bà Trương Ái Đông, nguyên kỹ sư tại Viện Nghiên cứu số 14 Nam Kinh

Bà Thủy Lỵ, 72 tuổi, kỹ sư, nguyên là cảnh sát và kỹ sư công trình

Bà Phiền Ngân Trân, 67 tuổi, bà Chu Mỹ Lan, 61 tuổi

Ông Dương Quốc Dụng, 80 tuổi

Bà Chu Mỹ Lan, 61 tuổi

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/1/25/322658.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/2/2/155035.html

Đăng ngày 7-2-2016 ; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share