[MINH HUỆ 16-12-2015] Tại buổi họp báo tổ chức tại Tòa nhà Quốc hội Canada vào ngày 9 tháng 12, ông Irwin Cotler, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Canada, Nghị sỹ Quốc hội đã chỉ ra văn hóa miễn trừ trách nhiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đặt nền tảng để cuộc bức hại Pháp Luân Công có thể xảy ra ở Trung Quốc. Ông tin rằng chừng nào cuộc bức hại còn tiếp diễn thì “chính quyền Trung Quốc còn thuộc về phía phản diện của lịch sử.”

db717f424bfc0d8885aa5018c891f64c.jpg
Ông Irwin Cotler, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Canada, Nghị sỹ Quốc hội, tại buổi họp báo tổ chức tại Tòa nhà Quốc hội Canada vào ngày 9 tháng 12.

“Văn hóa miễn trừ trách nhiệm”

Ông Cotler nói: “[Chính quyền Trung Quốc] cần phải có hành động chống lại văn hóa miễn trừ trách nhiệm.” Ông cho rằng chừng nào văn hóa miễn trừ trách nhiệm còn tồn tại, chính quyền Trung Quốc sẽ còn “tham gia vào tội ác thu hoạch tạng cưỡng bức và phi pháp này”, “tạo cơ sở cho việc bức hại và truy tố các học viên Pháp Luân Công” và làm “gia tăng việc bắt giữ và truy tố những người ủng hộ, các nhà bảo vệ nhân quyền, luật sư, những người tham gia vào quy trình khiếu kiện mà chính quyền tuyên bố là họ cam kết [tạo điều kiện].”

Ông Colter nói thêm: “Khi có người nỗ lực tiến hành và thúc đẩy quy trình khiếu kiện đó thì họ lại bị coi như kẻ phạm tội. Vì thế, chúng ta nhận thấy cùng với việc giải quyết văn hóa tham nhũng, là văn hóa miễn trừ trách nhiệm đang tồn tại mà tôi vừa nói là đã tạo cơ sở cho việc bức hại và truy tố đó.”

Ông cho biết: “Nếu chính quyền Trung Quốc muốn thể hiện là họ nghiêm túc trong vấn đề cải cách, nghiêm túc trong đấu tranh với văn hóa tham nhũng, nghiêm túc trong việc ban hành và duy trì quy định pháp luật, thì trước hết phải bắt đầu bằng việc chấm dứt bức hại và truy tố các học viên Pháp Luân Công, và cho phép những người bị cầm tù cùng với thân nhân Canada tại đây được tự do. Đó sẽ là sự kiểm chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc đã thực sự đi trên con đường mới hay chưa.”

“Việc chính quyền Trung Quốc ứng xử với Pháp Luân Công như thế nào sẽ là phép thử cho thấy họ có chân chính bước về phía trước và hoàn thành cam kết của mình hay không.”

Các nạn nhân bị bức hại khởi kiện cựu lãnh đạo Trung Quốc

Hai nạn nhân bị bức hại phát biểu tại cuộc họp báo.

Anh Paul Lý, một công dân Canada, kêu gọi sự trợ giúp giải cứu cha mình ông Lý Hiểu Ba, bị kết án tám năm tù vào năm 2005 vì tu luyện Pháp Luân Công. Vào tháng 5 năm 2015, ông bị bắt giữ lần nữa vì truyền đi thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công rồi bị kết án thêm tám năm nữa.

Theo anh Paul Lý, cha anh đã bị tra tấn tại nhà tù Gia Châu và dì của anh cũng phải chịu những tra tấn khốc hình tại trung tâm tẩy não vì tu luyện Pháp Luân Công.

Anh Paul Lý đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Trung Quốc, vì tội phát động và chỉ huy cuộc bức hại. Tại buổi họp báo, anh Lý kêu gọi sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng quốc tế đối với làn sóng khởi kiện Giang Trạch Dân của gần 200.000 học viên Pháp Luân Công gần đây.

Cô Trần Hy, một học viên Pháp Luân Công tại Toronto, phát biểu trước giới báo chí rằng ông Trần Dũng Ba, cha cô đã nộp đơn kiện Giang vào tháng 8 và bị bắt vào tháng 11 tại nơi làm việc của ông. Sau đó, ông bị đưa tới trung tâm tẩy não nơi chính quyền ép buộc các học viên phải từ bỏ đức tin của mình, thông thường bằng cách tra tấn.

“Kề vai sát cánh”

Ông Cotler ca ngợi sự can đảm của anh Lý và cô Trần “đã thể hiện những giá trị căn bản Chân – Thiện – Nhẫn.”

Ông cho rằng, với tư cách là nghị sỹ quốc hội và công dân Canada: “Trách nhiệm của chúng tôi là kề vai sát cánh cùng các học viên Pháp Luân Công, với tất cả những ai bị bức hại trong tù, để họ biết rằng họ không đơn độc.”

Ông Cotler phát biểu trước chính phủ và các nghị sỹ quốc hội Canada: “Chúng ta đang đứng trước thời điểm mang tính đột phá có thể xảy ra ở Trung Quốc và trong quan hệ của chúng ta với Trung Quốc. Nếu chúng ta giữ vững các nguyên tắc và cam kết của mình, nếu chúng ta cho rằng mối quan hệ của hai bên phải dựa trên cam kết tuân thủ luật pháp cũng như cam kết về thương mại và đầu tư, cam kết tôn trọng dân chủ cũng như cam kết duy trì quan hệ thương mại song phương, cam kết thương mại và nhân quyền phải có quan hệ tương hỗ chứ không phải là xung đột nhau thì không thể có cái này mà bỏ qua cái kia.“


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/12/16/320534.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/12/18/154140.html

Đăng ngày 25-12-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share