Bài viết của Thái Hà, học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-11-2015] Kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các bạn đồng tu!

Nhân dịp Pháp hội Trung Quốc trên Internet lần thứ 12, con xin được báo cáo với Sư phụ con đường tu luyện của mình, và cũng mong được giao lưu chia sẻ với các bạn đồng tu. Nếu có điều gì chưa phù hợp với Pháp, mong các bạn đồng tu hãy từ bi góp ý.

May mắn đắc Pháp, toàn gia đình đắm mình trong Phật ân

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp năm 1996 với hy vọng chữa khỏi khối u ở ngực. Sau một tuần, sức khỏe của tôi đã chuyển biến tốt lên. Sang tuần thứ ba, khối u đã biến mất. Tôi cũng khỏi các bệnh viêm họng, suy nhược thần kinh, và viêm khớp vai. Toàn thân tôi cảm thấy nhẹ nhàng.

Chồng tôi cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp sau khi chứng kiến những thay đổi của tôi. Ngay lập tức anh ấy bỏ được rượu và thuốc lá. Anh ấy trông rất khỏe mạnh.

Mẹ tôi đã từng bị bệnh lao và không thể làm được việc gì. Bệnh tật của mẹ tôi đã biến mất và bà trở nên hoàn toàn khỏe mạnh sau khi bắt đầu tu luyện năm 1997.

Chị gái của tôi mắc chứng động kinh năm 1997. Mỗi khi phát bệnh thì mồm chị sùi bọt mép và chị bị bất tỉnh. Sau khi chị ấy đắc Pháp, Sư phụ đã tịnh hóa thân thể và chữa khỏi bệnh cho chị. Kể từ đó chị không bị tái phát nữa. Hiện tại chị đã là mẹ của hai đứa trẻ.

Sư phụ không đòi hỏi một đồng xu nào của chúng tôi, mà lại cấp cho cả gia đình chúng tôi thân thể khỏe mạnh. Điều quan trọng hơn là thông qua việc học Pháp, chúng tôi đã hiểu được mục đích làm người và ý nghĩa của sinh mệnh. Dù có cố gắng thế nào, tôi cũng không thể báo đáp được một phần nhỏ đại ân đại đức đó của Sư phụ.

Phong vân đột biến, gặp ma nạn lần thứ nhất

Khổ nạn của tôi bắt đầu ngay từ ngày đầu tiên của cuộc đàn áp ngày 20 tháng 7 năm 1999.

Hai vợ chồng tôi có một quán cà phê ở trong trường Sư phạm. Sáng hôm đó, trong lúc chúng tôi đang đi thăm một người bà con thì cảnh sát trưởng của sở cảnh sát địa phương tới quán cà phê và hỏi con gái tôi xem tôi đang ở đâu. Họ chặn tôi ngay trên đường và đưa tôi vào một trung tâm tẩy não. Một tuần sau đó, tôi bị đưa đến trại tạm giam của thị trấn. Tôi bị giữ ở đó 14 ngày và cảnh sát còn trấn của tôi 1.360 nhân dân tệ.

Tháng 12 năm 1999, ba người đàn ông từ trên huyện xuống tìm tôi ở quán cà phê. Họ cố gắng ép tôi từ bỏ tu luyện, còn trường học thì bố trí người giám sát tôi. Họ sợ rằng tôi sẽ đi lên Bắc Kinh thỉnh nguyện công lý cho Pháp Luân Công.

Sau Tết Nguyên đán năm 2000, tôi một mình đi tới Văn phòng Kháng cáo ở Bắc Kinh. Tôi bị bắt ngay khi vừa mới đến. Sau đó tôi bị giao cho Phòng lưu trú Bắc Kinh, rồi bị công an hộ tống về nhà và bị giam giữ 15 ngày.

Trường học đã phá hợp đồng thuê nhà với gia đình tôi, chúng tôi bị đuổi ra khỏi nhà từ tháng 2 năm 2000. Tôi và con gái lớn không còn chỗ nào để đi. Lúc đó chồng tôi đang bị giữ trong trại tạm giam còn con gái thứ của tôi thì đang ở nhà của một người bà con.

Con gái lớn của tôi hỏi: “Mẹ ơi, tối nay mình ngủ ngoài đường à? Ngày mai trường học bắt đầu rồi. Mình phải làm gì bây giờ?”

Thực ra tôi cũng đang tự hỏi mình đúng như thế: Biết phải làm gì bây giờ?

Trời tối đen như mực. Tôi đẩy xe đạp đi, trên đó chất đầy chăn gối và các vật dụng học tập của con gái tôi. Chúng tôi đi bộ về hướng thị trấn dưới trời tuyết. Đường thì trơn, còn trời thì rất lạnh. Tuyết đang rơi và nước mắt cũng rơi trên khuôn mặt của con gái tôi. Tôi cảm thấy buồn.

Tôi nhớ lại bài thơ của Sư phụ:

“Quan quan đô đắc sấm
Xứ xứ đô thị ma
Bách khổ nhất tề giáng
Khán kỳ như hà hoạt
Cật đắc thế thượng khổ
Xuất thế thị Phật đà.” (Khổ kỳ tâm chí, Hồng Ngâm)

Khi đi qua cầu để vào thị trấn, chúng tôi gặp một đồng tu, và cô ấy đã đưa chúng tôi về nhà cô ấy.

Ngày hôm sau, tôi trở về nhà chăm mẹ chồng, bà đã bị bệnh do quá lo lắng vì chúng tôi bị bức hại. Thế nhưng vừa vào đến cửa, cảnh sát từ trên huyện cũng vừa tới và bắt tôi đi. Tôi bị đưa tới sở cảnh sát và bị bắt ngồi trên ghế sắt trong ba ngày ba đêm. Họ dùng năm cái còng tay khóa tay tôi ở phía sau lưng rồi tra tấn tôi.

Sau khi được thả ra, tôi chuyển tới thôn Nam Quan, nhưng cảnh sát ở Sở cảnh sát Nam Quan cũng liên tục sách nhiễu chúng tôi, họ thường xuyên đến quấy nhiễu chúng tôi vào giữa đêm. Không lâu sau, tôi lại bị bắt cóc vào trại tạm giam một lần nữa. Tôi tuyệt thực để phản đối, mãi chín ngày sau họ mới thả cho tôi về nhà.

Thập tử nhất sinh

Khoảng 4 giờ chiều ngày 9 tháng 7 năm 2000, hơn 30 người từ Ủy ban Chính trị và Pháp luật của huyện xông vào nhà tôi, bắt hai vợ chồng tôi, và đưa chúng tôi tới Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình của huyện.

Họ nhấc chúng tôi khỏi xe tải và ném chúng tôi xuống đất. Chúng tôi bị kéo lê trên đường, gót chân của chúng tôi chảy máu không ngừng. Họ đặt chúng tôi lên ghế sắt, trói hai tay lại phía đằng sau, buộc hai chân duỗi ra, và đặt một cái ghế ở phía dưới. Sau đó họ đặt một chậu nước đầy trên cẳng chân của chúng tôi, họ trói cổ chúng tôi sát vào cẳng chân bằng dây thừng để chúng tôi không thể ngẩng đầu lên được, đầu chúng tôi gần như chạm vào nước ở trong chậu. Cứ một chốc, họ lại lấy chậu nước đổ lên đầu chúng tôi và lại đặt một chậu nước khác lên cẳng chân của chúng tôi.

Đến tối, họ kéo tôi vào trong phòng. Năm hay sáu người đánh tôi một cách điên cuồng không ngừng trong hai giờ đồng hồ. Họ lấy giầy của tôi đánh vào mặt tôi, lấy chổi vụt tôi liên tiếp, dùng dây thừng ni-lông quất tôi, và giẫm đạp mạnh trên chân tôi bằng bốt da của họ. Chân tôi thâm tím khắp nơi. Tôi bị bất tỉnh.

Khi đó là giữa mùa hè nóng bức. Ban ngày, họ bắt chúng tôi phải đứng giữa trời nắng gay gắt. Họ quất vào mặt chúng tôi bằng một cành cây. Mặt của chúng tôi bị biến dạng và hoàn toàn thâm đen, mắt chúng tôi bị sưng đến mức chỉ còn là một đường ngang. Quần áo của chúng tôi đều bị rách nát, máu khô lại dính bết vào quần áo nên không cởi ra được. Cách một tối họ đánh tôi một lần nhằm bắt tôi từ bỏ niềm tin của mình. Nhưng tôi đã quyết định sẽ tu luyện đến cùng. Họ tra tấn tôi không biết bao nhiêu lần. Khắp lưng của tôi bị thâm đen sứt sẹo, và toàn bộ chân của tôi cũng bị thâm đen. Mỗi khi có cấp trên đến thăm, họ lại mang chúng tôi đi nơi khác để giấu, sợ người ta nhìn thấy bộ dạng khủng khiếp của chúng tôi. Tôi và chồng thậm chí còn bị tra tấn cùng một lúc, chúng tôi bị buộc vào ghế sắt, đặt cạnh nhau.

Sau đó vài ngày, phó giám đốc của sở cảnh sát huyện, người phụ trách bức hại Pháp Luân Công, đã tới đó để tăng cường ép buộc chúng tôi từ bỏ tu luyện. Dù vậy, tôi vẫn nói với ông ta về sự tốt đẹp của Pháp Luân Đại Pháp, và sự tuyệt vời của Sư phụ. Tôi lại bị tra tấn một lần nữa. Do bị tra tấn, tôi bị đi ngoài không cầm được và cứ thế chảy ra khỏi quần. Họ còn cười nhạo tôi, nói rằng tôi không biết xấu hổ.

Lần bức hại này kéo dài 20 ngày. Họ cho chồng tôi về nhà và đòi 10.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Khi tôi về nhà, tôi được biết rằng chị gái tôi, anh rể tôi, và cả mẹ tôi đều đã bị bắt và bị phạt tiền. Chị gái của tôi thậm chí còn bị đánh đến bất tỉnh.

Mẹ chồng qua đời vào ngày tôi được thả ra

Tháng 12 năm 2001, trưởng Phòng 610 và phó giám đốc sở cảnh sát của huyện đưa tôi đến trung tâm tẩy não. Họ bố trí vài học viên đã từ bỏ tu luyện nói với tôi những điều tà ngộ, thuyết phục và uy hiếp tôi. Tôi không bị động tâm bởi những mánh khóe của họ, do vậy họ kết án tôi 3 năm trong trại lao động cưỡng bức.

Chồng tôi đã trải qua một giai đoạn khó khăn khi tôi bị kết án. Anh ấy phải chăm sóc mẹ già và hai cô con gái mới có mười mấy tuổi, và anh ấy phải trông nom quán cà phê nữa. Quả thực anh ấy không xoay sở nổi, cuối cùng phải nhờ đến sự giúp đỡ của những người bà con thì mới duy trì được cuộc sống.

Mẹ chồng tôi hàng ngày đều ra ngồi ngoài đường chờ tôi về. Gặp ai bà cũng hỏi: “Con dâu tôi đã về chưa?” Cứ như vậy ngày này qua ngày khác, hướng mắt trông ngóng tôi trở về. Cuối cùng cũng đến ngày tôi được thả ra, chồng và hai con gái của chúng tôi đến trại lao động cưỡng bức để đón tôi. Thế nhưng đang trên đường đi thì chồng tôi nhận được một cuộc điện thoại thông báo rằng mẹ anh ấy đã qua đời. Anh ấy lập tức quay về, còn hai con gái thì đến đón tôi. Vậy là mẹ chồng và tôi đã ở hai thế giới cách biệt khi tôi trở về nhà.

Mẹ chồng tôi vì tôi mà đã phải chịu đựng quá nhiều. Bà đã trải qua sự sợ hãi, hăm dọa và lo âu. Tinh thần bà bị giày vò, vậy mà hàng ngày bà vẫn mòn mỏi trông chờ tôi trở về. Tôi đã không rơi một giọt nước mắt nào trong suốt ba năm ở trong trại lao động cưỡng bức, vậy mà vào giây phút nghe tin bà qua đời tôi đã bật khóc. Khi cuối cùng tôi đã có thể chăm sóc bà, thì bà lại ra đi.

Trải qua kiếp nạn, vẫn bất động như kim cương

Vào ngày 4 tháng 7 năm 2007, một nhóm cảnh sát tới quán cà phê của chúng tôi và bắt cóc tôi đưa đến trại lao động cưỡng bức. Tôi hỏi họ lý do bắt tôi, một người nói rằng bởi vì Olympic Bắc Kinh năm 2008 đang tới gần cho nên bắt giữ tôi thì họ sẽ yên tâm hơn.

Thế là tôi lại bị giữ trong trại lao động cưỡng bức trong hai năm và trải qua những bức hại còn tàn khốc hơn nữa.

Một lần, tôi bị bắt phải đứng cạnh hố xí trong nhà xí trong 10 ngày liền. Một lần khác, tôi bị bắt phải đứng ở đó trong 9 ngày. Các lính gác xúi bẩy những người nghiện ma túy tra tấn tôi. Những người nghiện không được phép ngủ cho đến khi tôi chịu “chuyển hóa”. Chính vì vậy họ rất căm ghét các học viên Pháp Luân Đại Pháp, đôi khi họ đổ cả bữa ăn của tôi vào hố xí. Họ lập thành các nhóm gồm hai người, thay phiên nhau giám sát tôi và không cho tôi ngủ.

Vì không được ngủ trong một thời gian dài, đôi khi tôi ngủ gật trong lúc đứng và đầu tôi bị đập vào tường. Khi họ nhìn thấy tôi ngủ, họ liền đấm và đá tôi. Đầu tôi phồng giộp lên khắp nơi và thường xuyên bị chảy máu. Khi họ thấy thế, họ còn chọc đầu bút bi vào đầu tôi. Hai bàn chân của tôi bị họ giẫm lên tím bầm, tôi ngất đi và ngã xuống đất vì quá đau đớn, hai răng cửa của tôi bị gẫy. Do bị phạt đứng trong thời gian quá lâu, chân và đùi của tôi bị phù thũng đến mức tôi không thể cởi quần ra được, lục phủ ngũ tạng đều đau buốt.

Đôi khi không thể chịu đựng được nữa, tôi đã nghĩ đến việc vứt bỏ nhục thân này đi. Nhưng ngay lập tức, tôi ý thức được rằng suy nghĩ như vậy là không đúng, đó không phải là những suy nghĩ thực sự của tôi. “Tôi cần phải theo Sư phụ trở về nhà. Bất luận như thế nào tôi cũng cần phải sống mà ra khỏi trại lao động cưỡng bức. Có Sư phụ ở bên, tôi vẫn là đệ tử Đại Pháp tại nhân gian.”

Mỗi khi vượt quá khả năng chịu đựng, tôi thầm nhẩm đi nhẩm lại bài thơ của Sư phụ ở trong tâm:

“Đại Giác bất úy khổ
Ý chí kim cương chú
Sinh tử vô chấp trước
Thản đãng Chính Pháp lộ” (Chính niệm chính hành, Hồng Ngâm II)

Tạm dịch:

“Bậc Đại Giác không e ngại khổ
Ý chí vốn hun đúc bằng kim cương
Không có chấp trước vào sống và chết
Đi trên con đường Chính Pháp một cách ung dung thanh thản.”

Một ngày nọ, họ bắt tôi phải tham gia lớp tẩy não, tôi không chịu, họ lôi tôi vào và bắt tôi đứng sau cánh cửa, tôi không nghe theo, cuối cùng họ bắt tôi ngồi xổm ở đó và vứt giầy của tôi đi. Họ nói họ sẽ không cho tôi tắm rửa nếu tôi không chịu nói “bất luyện”. Tôi nói rằng tôi sẽ không từ bỏ dù họ có không cho tôi tắm rửa trong hai năm. Tôi bị ngồi sau cánh cửa trong 72 ngày và không được tắm trong 72 ngày. Họ không cho tôi đụng tới nước và thức ăn.

Dù họ đối xử với tôi như thế nào, tôi vẫn luôn từ bi đối đãi với họ, cứ có cơ hội là tôi lại giảng chân tướng cho họ. Tôi gắng sức giúp đỡ họ trong sinh hoạt hàng ngày. Tôi đã giảng chân tướng cho một người nghiện ma túy và cho cô ấy một phiếu mua hàng trị giá 60 nhân dân tệ. Tôi cũng giúp vá lại chăn mền cho cô ấy. Cô ấy ghi nhớ rằng tôi đã đối xử tốt với cô ấy. Hàng ngày, nhân lúc mọi người đều đi vào trong phân xưởng làm việc, cô ấy đã tìm cách lén lút cho tôi uống nửa bình nước.

Có những ngày mà những người nghiện ma túy giám sát tôi rất gắt gao và không cho tôi uống một chút nước nào. Nhưng bất luận như thế nào tôi cũng quyết không phối hợp với họ. Khi lính gác thấy tôi trong tình trạng sắp chết, họ đành phải đưa cho tôi nước và thức ăn để tránh bị liên đới. Tôi chỉ còn lại da bọc xương. Mỗi ngày tôi chỉ được phép đi vệ sinh một lần duy nhất.

Chính tín đối với Đại Pháp và ý chí kiên cường của tôi đã phủ định khảo nghiệm mà cựu thế lực áp đặt lên tôi, làm cho lính gác và các phạm nhân giám sát tôi cũng phải xúc động. Họ chuyển từ căm ghét và hành hạ tôi sang bội phục tôi. Đội trưởng còn không bắt tôi phải viết tuyên bố “bất luyện công” cho đến ngày tôi được thả ra.

Hết hai năm, vì tôi đã không chịu viết bất cứ điều gì cho nên họ lại gia hạn bản án của tôi thêm một tháng nữa. Tôi đã không được gặp gia đình trong suốt hai năm bị giam giữ. Gia đình tôi có tới thăm nhưng họ không cho vào bởi vì tôi đã từ chối “chuyển hóa”.

Bài thơ “Mai” của Sư phụ luôn hiện lên trong tâm trí tôi:

“Trọc thế thanh liên ức vạn mai
Hàn phong tư cánh thúy
Liên thiên tuyết vũ Thần Phật lệ
Phán mai quy
Vật mê thế trung chấp trước sự
Kiên định chính niệm
Tùng cổ đáo kim
Chỉ vì giá nhất hồi.” (Mai, Hồng Ngâm II)

Tạm dịch:

“Hàng ức vạn đoá hoa mai như hoa sen thanh cao trong thế gian ô trọc
Gió lạnh càng tỏ ra tư thái thanh thuý hơn
Mưa tuyết suốt ngày, nước mắt Thần Phật
Ngóng chờ hoa mai về
Chớ mê vào các việc chấp trước thế gian
Kiên định chính niệm
Từ xưa đến nay
Chỉ vì một dịp này.”

Mặc dù tôi đã trải qua vô số khổ nạn, nhưng chính tín đối với Đại Pháp và ý chí tu luyện của tôi chưa bao giờ lay động một chút nào.

Ngay sau khi được thả ra, tôi nhanh chóng tiếp tục làm tốt ba việc mà Sư phụ yêu cầu. Năm năm trong trại lao động cưỡng bức – cựu thế lực đã lấy đi quá nhiều thời gian cứu độ chúng sinh của tôi. Tôi cần phải nỗ lực gấp bội để bù đắp lại quãng thời gian đã mất này.

Con xin cảm tạ Sư phụ!

Xin cảm ơn các bạn đồng tu!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/11/7/318560.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/11/13/153647.html

Đăng ngày 30-11-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share