[MINH HUỆ 20-11-2015] Kính thưa Sư phụ!

Kính chào các bạn đồng tu!

Từ những niềm vui tu luyện thuở ban đầu, đến những lần vấp ngã, vượt qua mặc cảm đứng dậy tu tiếp, thấm thoát đã hơn 6 năm trôi qua, điều làm tôi hạnh phúc nhất là sinh mệnh mình được tiếp duyên với Đại Pháp. “Sáng nghe đạo, chiều chết cũng yên lòng”, tạ ơn Sư phụ đã vớt con ra khỏi địa ngục và cho con được bước trên con đường tu luyện, cho sinh mệnh bị mê lạc của con một con đường để có thể trở về nhà.

1. Niềm vui tu luyện

Khi còn là sinh viên đại học năm cuối, một người bạn mới quen đã giới thiệu Đại Pháp và còn đem sách Chuyển Pháp Luân đến tận phòng trọ cho tôi. Tôi đã đọc, đã sốc và ngập ngừng trong quyết định có tu luyện hay không.

Sau khi đọc sách được mấy hôm, khi đang ăn cơm tôi có cảm giác như mình cắn phải sạn và lập tức đưa cục sạn ấy ra. Từ lúc đó tôi luôn có cảm giác như răng mình mắc một cái gì đó, rất khó chịu, lúc nào tôi cũng đưa lưỡi lên chỗ ấy để cố gắng đẩy được thứ đã mắc ở răng ra. Sau vài ngày, khi soi gương tôi mới nhận ra rằng không có gì mắc vào răng mình cả, mà chỗ ấy là do răng tôi bị mẻ một miếng. Tôi nhớ đến hạt sạn hôm trước. Thì ra đó là miếng răng của mình mẻ ra. Kỳ lạ là hôm đó tôi chỉ nhai một món rất mềm, không có lý do gì để mẻ răng cả.

Tôi nhận ra rằng, từ hôm đọc sách đến giờ, tâm tôi rất chấn động và bối rối. Không biết những gì trong sách giảng có thật không? Sư phụ Lý Hồng Chí là ai? Tại sao Ngài lại có thể giảng những lời cao thâm đến vậy?… Tôi ngộ ra rằng trong cõi mê này có những điều mình cứ nghĩ rằng như vậy, nhưng thực ra thì không phải. Giống như trường hợp của tôi, tôi có cảm giác và đinh ninh rằng có thứ gì đó mắc ở răng, nhưng thực tế thì hoàn toàn trái lại. Nhận ra điều đó, tôi nhủ thầm với mình rằng từ hôm nay trở đi, tôi sẽ hoàn toàn tín tâm vào Pháp Luân Đại Pháp.

Sau khi ra quyết định sẽ bước trên con đường tu luyện. Theo lời khuyên của người bạn trên, tôi cố gắng đọc sách Chuyển Pháp Luân hàng ngày. Cứ như vậy, một cách tự nhiên, mỗi ngày tôi lại ngộ ra một chút Pháp lý. Trong cuộc sống, khi gặp tình huống nào đó, tôi chợt nhớ ra những gì Sư phụ giảng trong sách và áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của mình. Một số việc nhỏ xảy ra giúp tôi ngộ ra một Pháp lý rằng khi chúng ta thực tâm nghĩ cho người khác trước, không ích kỷ vì lợi ích của bản thân mình thì kết quả sẽ rất tốt đẹp.

Tôi đã trải qua những ngày đầu đắc Pháp như vậy. Tôi trải nghiệm những niềm vui nho nhỏ và với tôi, đó chính là niềm vui tu luyện.

2. Thay đổi quan niệm biến dị để đạt tiêu chuẩn người tu luyện

Một thời gian ngắn sau khi đắc Pháp, tôi được an bài chuyển đến thành phố khác để làm việc. Tôi đã xin địa chỉ liên lạc của liên lạc viên ở đó và nhanh chóng tham gia luyện công chung, học Pháp nhóm cùng mọi người. Tôi cũng hăng hái giới thiệu Đại Pháp cho mọi người trong công ty, những người tôi gặp, bắt đầu giảng chân tướng về cuộc bức hại và tham gia một số hạng mục với các đồng tu.

Nhìn lại quãng thời gian ở thành phố đó, tôi có nhiều niềm vui xen lẫn nhiều hối tiếc. Vui vì những cố gắng hồng dương Đại Pháp, chứng thực Pháp và luôn đặt tu luyện là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của mình, điều đó khiến tôi không hổ thẹn khi nghĩ mình là đệ tử Đại Pháp. Tiếc vì lúc đó tôi đã làm việc Đại Pháp với nhiều nhân tâm, tâm hoan hỉ, tâm cầu danh, học Pháp vội vội vàng vàng cho đủ số lượng mà chưa đạt được sự tĩnh tâm và lĩnh hội từ Pháp. Tôi học theo đồng tu và chưa thực sự biết hướng nội như thế nào và cũng chưa đạt được hoàn toàn ‘tín Sư tín Pháp’.

Tuy sinh mệnh tôi may mắn được đắc Pháp, được đọc qua các kinh sách Đại Pháp nhưng vì quá mê lạc trong thùng thuốc nhuộm của xã hội, tôi vẫn còn ôm giữ những quan niệm biến dị của văn hóa hiện đại mà không nhận ra. Trước khi tu luyện tôi thuộc tuýp con gái mà xã hội hiện đại gọi là “cá tính”: cắt tóc con trai, mặc đồ bụi bụi, chơi thân với con trai, trong lớp có tiệc tùng thì tôi là người uống bia từ đầu đến cuối để góp vui và thỏa mãn tính hiếu thắng. Tôi tự tin rằng tôi biết điểm dừng và chỉ để cho vui thôi. Trong quan hệ giữa người nam và người nữ, tôi đã nghĩ rằng chỉ cần không có chuyện gì là được, vô tư và thân thiết với các bạn trai, cho đó là việc quá bình thường. Sau khi tu luyện, tôi đã thay đổi, không còn như trước nữa, nhưng tôi vẫn chưa thật sự thay đổi những quan niệm biến dị đó tận gốc rễ.

Trong công ty, nhóm làm việc của tôi có bảy người nam và một mình tôi là nữ, trong những câu chuyện, những bữa tiệc, sự có mặt của tôi lúc đó có cũng như không. Họ vẫn nói với nhau những câu chuyện khơi gợi, ẩn ý về chủ đề nhạy cảm. Lúc đầu tôi khó chịu, nhưng tính tôi lại vốn hòa đồng và không dám làm người khác phật ý. Từ bị động lắng nghe, đôi lúc tôi cười theo, rồi dần dần thấy vui vui không khó chịu như trước nữa. Con đường tu luyện rất hẹp, chỉ chệch ra một xíu là nguy hiểm ngay. Nhưng lúc đó tôi đã thiếu cảnh giác. Cộng thêm công việc quá bận rộn và hăng hái làm việc thứ ba, tuy vẫn dành thời gian học Pháp nhưng tôi chưa đạt được chất lượng và không duy trì được việc luyện công hàng ngày. Điều đó đã đưa tôi đến một trạng thái nguy hiểm.

Trong khoảng thời gian đó, mặc dù không có ý định kết hôn nhưng tôi vẫn duy trì một mối quan hệ với một người gọi là “bạn trai”. Mối quan hệ của chúng tôi dù tôi có tu luyện hay không thì cũng nên kết thúc. Tuy nhiên, tôi đã nhầm lẫn giữa “Nhẫn” mà Sư phụ dạy với sự cam chịu, không muốn thay đổi, cái kiểu “vì người khác” nông cạn của người thường, cộng với sự sợ hãi không có lối thoát. Tôi đã ráng Nhẫn, đã hướng nội, ráng giữ vững tâm tính, cố gắng để người đó được đắc Pháp một cách cưỡng cầu mà không để tùy kỳ tự nhiên.

Vì không nhận ra nguyên nhân gốc rễ, tôi bị can nhiễu liên tục về thời gian, công việc ở công ty thì dự án bị trục trặc, chúng tôi phải làm thêm giờ liên tục, có lúc phải khuya mới về được đến nhà. Hôm nào được về sớm hơn thì bạn trai chờ sẵn ở lối đi và không cho tôi lên nhà dù chúng tôi chẳng có chuyện gì để nói. Trong thời gian này tôi cũng khá thân thiết với một nam đồng tu, vì điều đó mà bạn trai tôi ghen tuông rồi can nhiễu, dọa dẫm, chờ chực sẵn, đôi lúc còn cả bạo lực, khiến tôi không thể có nhiều thời gian cho tu luyện. Tôi bị rơi vào bế tắc, luôn tự nhủ mình phải cố gắng giữ vững tâm tính, phải hòa ái, từ bi, nhưng vì không có một nền tảng tu luyện vững chắc, tôi đã không thể. Sau đó tôi lại hối hận, cố gắng đề cao, nhưng lại thất bại.

Tuy như vậy, tôi vẫn cố gắng hết sức để làm những việc mà một đệ tử Đại Pháp nên làm, đó là chứng thực Pháp. Tôi cùng các đồng tu khác duy trì điểm luyện công để những người hữu duyên có thể đến với Đại Pháp và cố gắng làm những việc như phát tài liệu, gửi thư, xin chữ ký, dịch thuật… Sau 3 lần tôi bị can nhiễu, gia đình tôi biết chuyện và liên tục gây áp lực với tôi. Vì tình và tính cách mau nước mắt, tôi đã không giảng chân tướng cho gia đình được tốt. Hết ba, rồi mẹ, anh chị, rồi họ hàng liên tục xuống thành phố để gặp tôi, “khuyên nhủ” tôi… Khi biết không thể bảo tôi từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, họ dùng tình để khiến tôi không còn thời gian cho tu luyện, bảo tôi chở đi mua sắm, bảo tôi chở đi chơi, đi khám bệnh, có khi còn bảo tôi đi chở bạn của họ đến nhà chơi… tôi không thể từ chối. Cả tuần bận đi làm về trễ, tối bị bạn trai không cho lên nhà cho đến tận khuya, cuối tuần thì trách nhiệm với gia đình. Thời gian học Pháp của tôi chỉ có khi tranh thủ giờ nghỉ trưa trên công ty, và sau giờ làm việc tôi nán lại thật lâu trên công ty để học Pháp, luyện công. Công ty trở thành nơi lẩn trốn của tôi và tôi bị tách dần ra khỏi chỉnh thể.

Khi đã quá mệt mỏi với hoàn cảnh hiện tại, tôi tự hỏi bản thân cuộc đời mình sống để làm gì? Là để tu luyện. Tôi đã được may mắn bước trên con đường tu luyện, tại sao không thể đột phá hoàn cảnh này để tu cho tốt. Lúc đó tôi vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gốc rễ ở trong tâm mình, mặc dù vẫn biết Sư phụ giảng “tướng tự tâm sinh”, nhưng tôi đã không hướng nội đủ sâu. Tôi kiên quyết chấm dứt mối quan hệ với bạn trai, với người khác có thể đó là một quyết định dễ dàng, nhưng đối với tôi, đó là sự buông bỏ chấp trước sinh tử vì bạn trai tôi từng dọa giết tôi, và thực tế cũng đã có hành động. Tôi thầm nghĩ Sư phụ ơi, lần này con đã quyết, số phận con thế nào thì chỉ có Sư phụ định đoạt. Khi biết không thể nào thay đổi quyết định của tôi, anh ta đã làm rất nhiều việc xấu mà khiến tôi không thể tin được. Nhờ Sư phụ bảo hộ, tôi vẫn bình an vô sự, chỉ có một việc tuy đã được Sư phụ điểm hóa nhưng do tôi vẫn chấp mê bất ngộ, nên đã bị hãm hại và để lại một vết nhơ trên con đường tu luyện.

Sau sự việc này tinh thần tôi sup sụp hoàn toàn, tôi đã không đủ tỉnh táo và lý trí trong một khoảng thời gian sau đó và vẫn phải luôn tìm cách trốn tránh để giữ an toàn cho mình. Sau đó tôi nghỉ việc, kết hôn với một đồng tu và chuyển đến một thành phố khác. Từ đây, con đường tu luyện của tôi bước sang một trang mới.

Khi hoàn cảnh thay đổi, tôi mới có thể nhìn nhận lại mọi việc, tìm ra những chấp trước của mình và lý giải nguyên nhân. Điều làm tôi xúc động nhất là Sư phụ vẫn quản tôi, vẫn điểm hóa cho tôi mặc dù tôi đã không ngộ được tốt, không tu bản thân cho tốt, và có lúc đã không xứng đáng làm một đệ tử Đại Pháp. Tôi đã vượt qua mặc cảm và tiếp tục tu luyện, tiếp tục làm các việc Đại Pháp.

Sư phụ giảng trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc vào tết Nguyên Tiêu năm 2003:

“…tôi nói rằng, trượt ngã rồi thì bò lên rồi đi tiếp, Sư phụ không buông rơi chư vị, chư vị cũng không được mất lòng tin, vẫn có cơ hội, dù sao thì tôi là muốn độ thành [công] chư vị, chư vị vẫn còn tín tâm chứ?”

Và:

cựu thế lực biết rằng tôi không thừa nhận, thế vì sao chúng vẫn làm như thế? Nó có thể khởi một loại tác dụng, chính là muốn phá hoại ý chí của học viên. Những học viên làm sai sẽ nghĩ, ‘Ái chà! Mình đã viết cái đó rồi, mình thế là xong rồi, Sư phụ không thể quản mình nữa, mình có lỗi với Đại Pháp rồi’, từ đó trở đi bị tiêu trầm. Đó là thủ đoạn của chúng, tôi là không thừa nhận. Bị ngã cũng đừng lo, đừng lo quá! Mau chóng trở dậy thôi!”

Điều cựu thế lực muốn là phá hoại ý chí tu luyện của học viên. Vì vậy tôi phải làm trái ý họ, tôi đã cố gắng vượt qua mặc cảm bản thân để tiếp tục tu luyện và làm công tác Đại Pháp. Tôi dành thời gian đọc lại từ đầu đến cuối tất cả các kinh văn của Sư phụ mà đã được dịch sang tiếng Việt. Tôi nhìn nhận lại con đường tu luyện đã qua và hiểu ra rằng khổ nạn mà mình đã trải qua chính là do nghiệp lực của bản thân và do bản thân tôi đã không chính, những khó nạn đó đã giúp tôi thức tỉnh và buông bỏ chấp trước.

Sư phụ giảng trong bài Nhân quả trong Hồng Ngâm:

“Phi thị tu hành lộ thượng khổ
Sinh sinh thế thế nghiệp lực trở
Hoành tâm tiêu nghiệp tu tâm tính
Vĩnh đắc nhân thân thị Phật tổ”

Và trong Pháp Luân Đại Pháp Nghĩa Giải, bài Giảng Pháp cho các phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Trường Xuân [1994]), Sư phụ cũng giảng:

“Nạn là bản thân tạo thành, qua các đời tiếp nhau bản thân mình làm những điều bất hảo mà mắc nợ, thì phải hoàn trả. Những cái khổ chư vị chịu trong quá trình tu luyện, đó đều là nghiệp lực bản thân chư vị tạo thành [nay] cản trở chư vị. Nhưng đó cũng là ‘hảo sự’, chúng ta lợi dụng [chúng], dùng để đề cao tâm tính của chư vị, đó chẳng phải hảo sự sao? Có thể tu thành Phật và có thể thành ma, chính là đạo lý này. Có nghiệp lực tồn tại, trong mê thì mới có thể khiến chư vị tu luyện.”

Tôi đã nhận ra và thay đổi những quan niệm biến dị mà tôi từng thừa nhận. Tôi đọc rất nhiều bài viết trong mục Văn hóa truyền thống trên Minh Huệ hay những câu chuyện tu luyện cổ xưa trên Chánh Kiến. Nhận ra và thay đổi điều này, với tôi, đó là một bước trưởng thành trong tu luyện. Đề cao được ở bước này theo tôi đó mới là lúc bản thân tôi “đạt được yêu cầu về tiêu chuẩn người tu luyện”.

3. Nhận ra chấp trước căn bản

Trong bài Tiến đến viên mãn, Tinh Tấn Yếu Chỉ II, Sư phụ giảng:

“Mang theo chấp trước mà học Pháp thì không phải chân tu. Nhưng có thể trong tu luyện dần dần nhận thức ra chấp trước căn bản của mình, vứt bỏ nó, từ đó đạt đến tiêu chuẩn người tu luyện.”

Tu luyện một thời gian, tôi không nhận ra chấp trước căn bản của mình là gì. Và cũng không hề để ý đến chấp trước căn bản mặc dù đã đọc bài giảng này nhiều lần. Khi nghe các học viên chia sẻ cũng như đọc các bài chia sẻ trên Minh Huệ, tôi tự hỏi bản thân chấp trước căn bản của mình là gì?

Cũng trong bài Tiến đến viên mãn, Sư phụ giảng:

“trong quá trình tu luyện cần phải tự coi mình là người tu luyện; sau khi tinh tấn đọc sách và học Pháp thì nhận rõ được suy nghĩ nào của bản thân đã đưa đến tu luyện Đại Pháp vào lúc bản thân mình nhập môn Đại Pháp. Sau khi tu luyện một [giai] đoạn thời gian rồi, thì phải chăng vẫn còn là những suy nghĩ ban đầu, phải chăng là cái tâm ấy của con người vẫn lưu bản thân tại đó? Nếu như thế, thì không thể tính là đệ tử của tôi; chính vì tâm chấp trước căn bản kia chưa vứt bỏ, không thể ngay từ Pháp mà nhận thức Pháp”

Khi đến với Đại Pháp, tôi nghĩ rằng Đại Pháp giảng về khoa học cao hơn, có thể khiến đạo đức nhân loại nâng cao hơn, có hiệu quả chữa bệnh tuyệt vời, Đại Pháp là Chính Pháp vạn năm khó gặp… Và tôi cố gắng theo học Đại Pháp. Tuy nhiên, tôi chỉ mới có “nguyện vọng tốt đẹp”, chứ chưa bao giờ thực sự xuất tâm muốn phản bổn quy chân, muốn quay trở về thế giới thực của mình, cũng như chưa bao giờ tự tin rằng mình sẽ tu luyện viên mãn. Tôi nghĩ rằng mình nên tu sửa bản thân tốt hơn là được, tôi làm công tác Đại Pháp vì muốn vì Đại Pháp mà phó xuất, tôi đi giảng chân tướng cứu người vì nghĩ trong tương lai nhân loại sẽ có nạn lớn, những ai hiểu lầm Đại Pháp sẽ gặp nguy hiểm. Tôi không dám nghĩ đến việc trở thành Thần, không dám quyết tâm tu thành, nhưng lại bước trên con đường tu luyện, làm những việc để viên mãn một người tu luyện thành Thần. Tôi giống như đi trên một con đường mà không có mục đích vậy.

Việc không nhận ra chấp trước căn bản đã khiến tôi không thể bước đi tốt trên con đường tu luyện. Rất nhiều lần tôi buông lơi việc học Pháp và luyện công của bản thân để làm công tác Đại Pháp và nhiều lúc không làm công tác nhưng tôi cũng buông lơi vì bị cuốn theo vòng xoáy của xã hội người thường. Tâm an dật khiến tôi không thể tinh tấn. Tôi chưa có một nền tảng tu luyện vững chắc, chưa tu xuất ra chính niệm và tâm từ bi thì làm sao làm tốt công tác Đại Pháp được. Tôi dùng tâm hăng hái của người thường để làm những việc thần thánh thiêng liêng, “không thể ngay từ Pháp nhận thức Pháp” mà lại học theo người khác, tu theo người khác. Chính sơ hở to lớn này đã khiến tôi vấp ngã.

Trong “Giảng Pháp tại Pháp hội Úc châu [1999]”, Sư phụ giảng:

“Chỉ khi bản thân muốn tu luyện, có nguyện vọng đạt viên mãn, đồng thời có hành vi tu luyện thì lúc đó mới gọi là tu luyện.”

Tôi đã không dám nghĩ đến việc có thể trở về nhà, không đủ tự tin để có nguyện vọng đạt viên mãn thì quả thực Phật tính của tôi chưa xuất lai và tôi chưa thể gọi là tu luyện được.

Với tôi, việc nhận ra chấp trước căn bản cũng là một bước trưởng thành trong tu luyện. Nếu việc buông bỏ quan niệm biến dị, trở về với văn hóa truyền thống là một bước giúp tôi đạt tiêu chuẩn người tu luyện, thì việc nhận ra chấp trước căn bản đã giúp tôi xác định được mục đích tu luyện của mình.

Nhưng hành trang trên con đường đó là gì? Những trải nghiệm sau này đã giúp tôi tìm được câu trả lời. Đó là học Pháp và hướng nội. Nói ra có vẻ là ai cũng biết, nhưng để thực sự cảm nhận, lĩnh hội điều đó cũng cần phải trải qua thực tế.

4. Hướng nội vô điều kiện

Tu luyện trong hoàn cảnh mới. Tôi lại có những mâu thuẫn, những khảo nghiệm tâm tính mới. Trong một khoảng thời gian, tôi cũng hướng ngoại và oán trách người khác, vẫn biết rằng người tu luyện phải hướng nội, nhưng tôi chỉ hướng nội một cách hời hợt, và nhẫn với một cái tâm ấm ức, tôi chưa làm được việc hướng nội vô điều kiện.

Sư phụ giảng trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội Chicago [2004]:

“Có người lại còn nhấn mạnh mãi: ‘A, người kia tại sao toàn có thái độ bất hảo như thế? Vị ấy đối với ai cũng thế là sao?’ Cũng có người nói: ‘Ai cũng có ý kiến về vị ấy.’ Nếu Sư phụ là tôi mà nói, thì [tôi nói] là mọi người đều sai hết. [Nếu] chư vị đều không còn cái tâm thích nghe lời ngon ngọt, khi chư vị đều có thể làm được ‘mạ bất động tâm’, thì chư vị thử xem vị kia có thể làm thế không? Chính vì chư vị vẫn còn cái tâm như vậy, nên mới có nhân tố nhắm vào tâm của chư vị mà xung kích; cũng chính vì chư vị vẫn còn khởi cái tâm ấy, nên chư vị mới cảm thấy khó chịu; chư vị đều còn cái tâm ấy, chư vị trở thành người dễ bị sự tức giận của người khác làm động tâm. [Nếu] chư vị đều có thể ngay khi có lời nói mạnh mẽ kích động mà vẫn hạ tâm bình ổn, hoàn toàn không động tâm, thì chư vị thử xem xem có còn có nhân tố như vậy tồn tại nữa không?”

Mỗi lần người khác nói lời khó nghe về mình, hay oán trách mình, ở ngoài tôi không đáp trả, vẫn im lặng, nhưng tôi không làm được việc hoàn toàn không động tâm và nghĩ sao người đó tu luyện mà lại như thế nhỉ. Sau đó, nhờ Sư phụ an bài, có một khoảng thời gian tôi đến thành phố khác ở chung với một đồng tu, tôi đã học hỏi được rất nhiều từ chị ấy. Trong một lần chị ấy chia sẻ với tôi rằng trong một sự việc chị ấy thấy rằng các bạn đồng tu như thế như thế, chị ấy nhìn lại mình và thấy mình cũng có như thế. Tôi như người chết đuối vớ được cọc. Đúng rồi, từ bây giờ mình cũng như thế. Khi thấy người khác abc, tôi đối chiếu lại bản thân mình có abc không, tôi xem mọi biểu hiện mà mình nhìn thấy là một tấm gương phản ánh mình có như thế không. Kết quả khiến tôi thật bất ngờ, đúng là tôi cũng có như thế, có lẽ chỉ khác nhau ở mức độ thôi. Nhờ vậy mà tôi đã nhận ra những thiếu sót ở mình mà trước đây tôi đã không nhận ra được.

Từ khi biết hướng nội vô điều kiện, hoàn cảnh của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Môi trường tu luyện của tôi hòa ái từ bi hơn, mâu thuẫn về tâm tính giữa hai vợ chồng là đồng tu không còn như trước nữa và bản thân ai cũng đề cao hơn. Tôi không còn phải nghe những lời khó nghe và không cần phải bận tâm vào những mâu thuẫn không đáng có nữa. Cả hai chúng tôi hiện đang toàn tâm toàn ý dành thời gian cho công việc, tu luyện và làm các hạng mục Đại Pháp.

Từ khi biết hướng nội, tôi cảm thấy trưởng thành hơn trong tu luyện rất nhiều. Từ một người hoàn toàn mê lạc trong thùng thuốc nhuộm của xã hội, tôi có thể tự tin nói rằng mình là một đệ tử Đại Pháp, tôi biết mình đang đi trên một con đường có mục đích, và để đến được đích đến ấy, tôi lấy việc học Pháp và hướng nội làm hành trang.

5. Đề cao trong hạng mục

Trong những năm qua tu luyện, tôi có tham gia một số hạng mục. Quá trình tham gia hạng mục đã giúp tôi thành thục bản thân mình rất nhiều. Có một hạng mục mà tôi muốn chia sẻ ở đây là hạng mục dịch thuật.

Lúc bắt đầu tham gia, tôi không có kỹ năng, kinh nghiệm, cộng với tâm lý ỷ lại đã có người hiệu chỉnh nên tôi vội vội vàng gửi bài rồi đi làm, nên kết quả rất tệ. Sau được đồng tu chia sẻ là cần phải làm tốt hơn. Tôi mới hiểu ra là mình đã hiểu nhầm ý, tôi không cần phải nộp một sản phẩm chưa hoàn chỉnh trong ngày hôm đó, mà cần phải hoàn chỉnh rồi mới nộp. Nghĩ vì mình mà đồng tu phải vất vả nhiều, tôi đã cố gắng dụng tâm nhiều hơn vào việc này. Sau đó được một đồng tu khác khích lệ: “Em tiến bộ nhanh đấy, cố gắng nhé,” tôi đã rất vui.

Sau đó vì ôm đồm nhiều việc tôi đã không thể duy trì được việc này đều đặn, nhiều lúc gặp bài khó, tôi đâm nản. Nhiều lúc tâm tính rớt xuống, tôi cũng không thể làm tốt hạng mục, bẵng đi một thời gian không tham gia, việc trở lại hạng mục rất khó, sau một thời gian quay lại được, hoàn cảnh tu luyện cá nhân không tốt cũng là một trở ngại, rồi lại bẵng đi một thời gian.

Sau khi hoàn cảnh tu luyện thay đổi. Tôi cũng nhận ra rằng một lúc ôm đồm nhiều việc mà không làm tốt việc nào thì cũng không ổn, tôi quyết tâm làm tốt hạng mục này, dành thời gian dịch thật nhiều và hoàn thiện kỹ năng. Lúc này cũng là lúc mà các đồng tu trong hạng mục cải tiến cách làm việc. Đồng tu hiệu chỉnh bài chịu trách nhiệm sửa rồi so sánh những gì đã sửa, rồi gửi lại cho người dịch rút kinh nghiệm. Nhờ những cố gắng của đồng tu, tôi đã học hỏi được rất nhiều và biết được cách làm tốt công việc.

Sau đó vì hoàn cảnh cá nhân, tôi lại không thể tham gia đều đặn như trước. Tuy nhiên, đợt sau này, việc quay lại đối với tôi không còn khó khăn như trước nữa. Bởi vì tôi không còn sợ khó và tự tin vào kỹ năng của mình. Xin cảm ơn người đồng tu đã sửa bài giúp tôi vì sự giúp đỡ vô tư vô ngã của đồng tu.

Nhờ những gì nhận được từ trước, thời gian qua, tôi đã tận tình giúp đỡ các bạn mới tham gia. Tôi kỹ lưỡng sửa bài, so sánh, chỉ ra các điểm ngữ pháp mà các bạn ấy chưa biết cũng như truyền đạt lại những kinh nghiệm của mình để làm sao cho tốt. Khi bài của đồng tu nhiều sai sót, nhiều lỗi chính tả, đôi lúc tôi cũng ngại, nhưng nghĩ lại trước kia mình cũng như thế nên tôi thường không phàn nàn mà chỉ khích lệ. Khi đồng tu bẵng đi một thời gian không tham gia, tôi lại nhớ đến mình trước đây, bởi vậy tôi luôn cố gắng động viên các bạn ấy cố gắng vượt quan, quay lại làm cho tốt.

Tôi luôn trân quý cơ hội được tham gia hạng mục này. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, tuy không được suôn sẻ và những đóng góp của tôi không được nhiều, nhưng hiện tại tôi rất hạnh phúc khi biết rằng những sự giúp đỡ của mình, tuy là rất nhỏ, nhưng biết đâu sẽ rất có ý nghĩa đối với người khác. Giống như tôi trước đây vậy.

Phần kết

Hiện tại, tôi vẫn là một người tu luyện chưa được tốt. Tâm an dật của tôi còn nhiều và tôi không thực sự nghiêm khắc với bản thân. Đôi lúc tôi thấy mình rơi vào tình huống như Sư phụ giảng trong bài Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015:

“Mọi người đều muốn thêm quầng sáng cho các hạng mục của đệ tử Đại Pháp, [mà] chư vị nơi đây không khởi được tác dụng quầng sáng, lại còn có tác dụng phản lại, cái đó là không nên.”

Để giữ được “chính niệm chính hành” trong tu luyện thật khó. Tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết phải cố gắng bước đi thật tốt trên con đường phía trước, học Pháp thật nhiều, tĩnh tâm học Pháp, hướng nội vô điều kiện và nghiêm khắc đề cao bản thân.

Con xin cảm tạ Sư phụ vì đã ban cho con cơ hội được tu luyện trong Đại Pháp.

Xin cảm ơn các bạn đồng tu đã đồng hành, đã giúp đỡ, đã chia sẻ, đã cùng học Pháp, luyện công với tôi, và cảm ơn các bạn đồng tu đã mâu thuẫn với tôi, cho tôi cơ hội đề cao bản thân mình. Chúng ta hãy cùng nhau trân quý cơ duyên được cùng nhau tu luyện nơi đây, trân quý thời khắc cuối cùng này để làm tốt ba việc, bỏ qua hết những tư tâm để hòa mình vào chỉnh thể các đệ tử Đại Pháp.

Trên đây là những thể ngộ cá nhân của tôi. Xin các bạn đồng tu từ bi chỉ ra những điều không phù hợp.

Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu! Hợp thập!

Share