Bài viết của Phúc Nhất Tân, một đệ tử Đại Pháp ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-8-2015] Tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 17 năm, và đã gặp vô vàn khảo nghiệm cùng khổ nạn trên hành trình [tu luyện] của mình.

Từ khi nghỉ hưu vào cuối năm 2010, tôi để ý thấy các khảo nghiệm của mình trở nên khó khăn hơn, sự đề cao của bản thân thì không đáng kể, và những chấp trước của tôi từng cái một bắt đầu nổi lên. Nói ngắn gọn, tôi đang tiêu trầm.

Vướng vào cảm xúc người thường

Con gái tôi sắp sinh và nhờ tôi giúp đỡ. Lúc đó là tháng 4 năm 2012, và tôi đã ở cùng con gái từ thời điểm ấy.

Ba năm qua, tôi ở cùng con gái. Và để tạo hình tượng bản thân tốt trong ba năm này, tôi cảm thấy mình đã bị mắc kẹt trong chiếc lưới tình {chấp trước tình với người thân}, và không thể đề cao trong tu luyện. Nhiều tâm chấp trước tôi nghĩ mình đã tiêu trừ lại xuất hiện trở lại trong khoảng thời gian này.

Khi một người phụ nữ sinh con, theo truyền thống Trung Hoa thì cô ấy có một tháng để hồi phục. Trong suốt khoảng thời gian ấy, người phụ nữ được nuông chiều và cho phép nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe sau này, trong khi đó tất cả các nghĩa vụ như việc nhà và chăm sóc đứa trẻ đều do chồng và gia đình đảm nhiệm.

Tuy nhiên, ngay sau khi con gái tôi sinh con, tôi nhận ra rằng mình bị buộc làm hầu hết tất cả các việc. Con rể tôi không giúp được gì nhiều. Cháu lấy lý do là không biết làm việc nhà và nếu thử thì chỉ càng làm rối tung lên.

Do đó tôi phải làm tất cả mọi việc – mua thực phẩm, chuẩn bị đồ ăn, lau nhà và giặt quần áo. Mỗi ngày, tôi thức dậy và làm việc từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn, gần 20 giờ mỗi ngày.

Tôi cũng được trông đợi để chi trả tất cả các chi phí ấy, điều ấy rất khó khăn vì con gái tôi yêu cầu năm bữa ăn một ngày.

Tình huống này không tốt với tôi chút nào. Thời gian biểu của tôi bị đảo lộn. Tôi không thể học Pháp với một tâm trí thanh tỉnh và việc luyện công bị cắt bớt hoặc bị bỏ lỡ. Tôi cũng không phát chính niệm nhiều. Tôi trở nên rất lo lắng.

Đỉnh điểm của tất cả những việc này, con gái tôi bị trầm cảm sau sinh. Con tôi bị táo bón nặng khiến cháu rất khó chịu. Tôi phải trở thành y tá chăm sóc cho nó cả về thể chất và tinh thần.

Mặc dù con tôi hồi phục sau đó, nhưng đứa bé vẫn là một trở ngại cho việc tu luyện của tôi. Nó khóc hàng giờ mỗi đêm, và không gì có thể ngăn nó lại được. Nó tiếp tục tình trạng ấy trong bốn tháng.

Sau khi con gái tôi hết phép nghỉ thai sản và quay trở lại công việc, đứa bé được giao hoàn toàn cho tôi. Tôi phải cho cháu ăn, tắm, thay rửa suốt ngày. Tôi phải chăm sóc khi nó ốm – có một lần, tôi đã thức trắng ba đêm liền để chăm sóc khi nó bị sốt. Đứa bé đã khóc om sòm ròng rã suốt ba đêm ấy.

Sau đó, con rể tôi ở lại trường và chỉ về nhà vào các ngày Chủ nhật. Cháu hầu như không làm gì ngay cả khi ở nhà, nhưng điều khiến tôi đau lòng nhất đó là cháu không bao giờ trò chuyện hay cười với tôi. Con rể đối xử với tôi như thể tôi không hề tồn tại. Cháu không bao giờ nhận thức được những cố gắng của tôi và cư xử như thể đó là trách nhiệm của tôi phải chăm sóc gia đình cho cháu.

Con gái tôi cũng vậy. Cháu chưa bao giờ tỏ ra trân trọng những điều tôi đã làm.

Con tôi thường nói những điều khó nghe như: “Không cần biết mẹ đối xử tốt với con thế nào, con vẫn yêu bố con hơn. Nếu mẹ không muốn ở lại đây nữa, mẹ chỉ cần trả tiền cho ai đó đến đây chăm sóc chúng con là được.”

Những lời nói của cháu thực sự khiến tôi đau lòng. Tôi nhận ra mình đã bị vướng vào mớ tình cảm của người thường. Nó giữ chặt và nhấn chìm tôi xuống tận đáy của một biển chấp trước.

Tôi nên làm gì để vượt qua? Tôi biết mình phải thay đổi môi trường và không thể bị quật ngã. Con đường tu luyện là vô cùng trân quý và không thể bị hủy hoại theo cách này. Tôi đã nghĩ: “Tôi sẽ theo Sư phụ để hoàn thành thệ ước tiền sử của mình.“ Tôi không muốn bị mê lạc trong thế giới trần tục; tôi phải tinh tấn trở lại.

Đột phá

Tôi bắt đầu bằng cách tăng cường học Pháp. Bất cứ lúc nào đứa bé ngủ, tôi học Pháp không kể tôi mệt mỏi hay buồn ngủ thế nào. Tôi học Chuyển Pháp Luân và cũng học thuộc Hồng Ngâm. Thậm chí lúc làm việc nhà và chăm sóc đứa bé, tôi cũng nhẩm Pháp trong đầu; tôi lấp đầy tâm trí của mình bằng Pháp mọi lúc.

Tôi đảm bảo phát chính niệm đều đặn. Tôi cố gắng phát chính niệm vào giờ đã định, và cũng phát chính niệm thêm lúc nào tôi có thể. Khi đứa bé ngủ giấc ngắn, tôi dành thời gian ấy để phát chính niệm.

Tôi phát chính niệm thời gian dài hơn để tiêu trừ những can nhiễu quấy rối việc tôi học Pháp và luyện công. Tôi cũng tìm thời gian để cứu chúng sinh.

Môi trường quanh tôi cải thiện khi tôi đề cao bản thân. Giống như Sư phụ đã giảng:

“Tướng do tâm sinh.” (Giảng Pháp tại Hội nghị Đại Kỷ Nguyên)

Con gái tôi bây giờ tôn trọng và bày tỏ sự biết ơn đối với tôi. Cháu cũng chăm sóc đứa trẻ khi có thời gian do đó tôi có thể học Pháp và luyện công. Tôi có thể học một bài giảng trong Chuyển Pháp Luân mỗi ngày, cũng như những bài giảng mới, và phát chính niệm vào những thời gian đã định.

Cháu gái tôi bây giờ đã hai tuổi, và nó nghe các bài giảng của Sư phụ và các bài hát của Đại Pháp mỗi ngày. Nó cũng học nói: “Pháp Luân Đại Pháp Hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.”

Nó là một đứa trẻ khỏe mạnh và vui vẻ. Con rể tôi cũng thay đổi, và bây giờ trưởng thành hơn. Tôi có thể làm ba việc rất tốt. Tôi dùng các tờ tiền giấy có in chân tướng về Pháp Luân Công trên đó. Tôi phát tài liệu Pháp Luân Công và đĩa DVD Thần Vận cho người dân ở quanh khu nhà mình.

Thông qua việc tôi nói với mọi người về Pháp Luân Công và cuộc bức hại, một vài người đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Tôi cuối cùng đã vượt quan và bước trở lại con đường tu luyện tinh tấn. Tôi vô cùng tạ ơn Sư phụ đã dõi theo tôi.

Thể ngộ của tôi

Sau quá trình đấu tranh dữ dội và đột phá trong suốt ba năm qua, tôi nhận ra rằng là một người tu luyện, việc tu luyện và cuộc sống của một người có liên quan chặt chẽ với nhau. Miễn là chúng ta chiểu theo Pháp và làm theo các yêu cầu của Sư phụ, chúng ta có thể tu luyện dù chúng ta ở bất cứ đâu. Vấn đề mấu chốt là liệu chúng ta có tinh tấn hay không.

Tu luyện là đề cao từng bước và tiến bộ từng chút một. Chúng ta trải qua từng khảo nghiệm, tiêu trừ từng chấp trước, và thông qua quá trình này, cuối cùng bước từng bước từ người thành thần.

Sư phụ đã giảng:

“Hết thảy những gì các đệ tử Đại Pháp làm hôm nay, hết thảy những [ai] chư vị tiếp xúc ở xã hội hôm nay, tôi nói với chư vị, chư vị đang cứu độ chúng sinh.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Atlanta năm 2003)

Chúng ta, những người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, phải cứu chúng sinh. Chúng ta không thể bỏ rơi họ, và chúng ta cũng không thể bỏ rơi chính bản thân mình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/8/15/314136.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/8/25/152236.html

Đăng ngày 25-09-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share