[MINH HUỆ 28-8-2015] Từ ngày 27 tháng 5 đến ngày 23 tháng 8 năm 2015, có tổng cộng 657 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Thất Đài Hà, tỉnh Hắc Long Giang đã đệ đơn khởi kiện hình sự Giang Trạch Dân, theo các báo cáo do Minh Huệ Net tổng hợp.

Các học viên cáo buộc cựu độc tài Trung Quốc này đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công tàn bạo và yêu cầu ông ta phải chịu trách nhiệm cho những đau khổ to lớn mà họ đã phải gánh chịu bởi chiến dịch của ông ta. Các đơn kiện hình sự đã được gửi tới Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Nhiều học viên đã thuật lại việc Pháp Luân Công đã giúp họ phục hồi sức khỏe và mang đến cho họ một cái nhìn mới về cuộc sống. Ước mơ của họ là sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn, tuy nhiên, nó đã tan vỡ khi Giang Trạch Dân phát động chiến dịch xóa bỏ môn tu luyện vào năm 1999.

Chỉ đơn giản bởi họ từ chối từ bỏ đức tin của mình, mà họ đã bị bắt, bị giam giữ, tra tấn, nhà bị lục soát, và đồ đạc cá nhân bị thu giữ. Nhiều người cũng đã phải chứng kiến cảnh gia đình họ bị liên lụy bởi đức tin của họ, trong khi một số khác bị bắt phải trả những khoản tiền phạt khổng lồ.

Tóm tắt lý lịch của ba nguyên đơn

Các học viên ở Thất Đài Hà đã đệ đơn kiện hình sự Giang gồm có nhân viên ngân hàng, quan chức chính phủ, công an, chủ doanh nghiệp, bác sĩ, nông dân, và công nhân.

Dưới đây, chúng tôi tóm tắt tiểu sử của ba trong số các học viên đó:

Bà Kim Lực Hồng (金力红) từng là y tá. Bà bị giam hai năm trong trại lao động cưỡng bức và bị kết án ba năm rưỡi tù giam. Bà bị tra tấn đánh đập tàn bạo, bức thực, và còng tay ra phía sau lưng trong khi bị giam giữ. Theo lệnh của Phòng 610, bà bị nơi làm việc sa thải sau khi được trả tự do vào năm 2008.

Ông Trần Kiện (陈健), 44 tuổi, là nông dân. Ông bị bắt giữ vào tháng 5 năm 2008 và sau đó bị kết án năm tháng tù giam. Một công an đã đánh vào mặt ông mạnh đến nỗi bảy chiếc răng của của ông đã bị lung lay và vài chiếc bị rụng văng ra ngoài. Hiện tại ông đang phải đeo răng giả. Một lần khác, các lính canh đã còng hai tay ông ra phía sau lưng và cùm chân ông trong 37 ngày. Ông cũng chứng kiến ba học viên khác bị bức hại đến chết trong vòng chưa đầy hai tuần. Ông bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn hậu chấn thương.

Ông Trương Thành Hữu (张成有), một thợ mỏ khai thác than đã nghỉ hưu. Kể từ khi cuộc bức hại này xảy ra, ông bị giam giữ ít nhất bảy lần và nhà của ông bị khám xét bốn lần. Mỗi lần ông bị bắt, công an đều tống tiền gia đình ông những khoản tiền lớn. Ông cũng bị tra tấn khi bị giam giữ. Ông và gia đình bị chính quyền địa phương sách nhiễu hết lần này đến lần khác.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/8/28/314659.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/9/6/152407.html

Đăng ngày 25-09-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share