[MINH HUỆ 01-07-2015] Cùng với nhiều người khác đang kiện cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân, sáu người Trung Quốc đang sống ở Sydney đã đệ đơn khởi tố ông ta vì đã phát động và chỉ đạo cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Các nguyên đơn đã thuật lại chi tiết việc họ bị tra tấn.

Mẹ và con gái đệ đơn kiện

Bà Vương Hiểu Phương, một giáo viên nghỉ hưu, cùng con gái là cô Trang Vỹ, đã đệ đơn khởi tố Giang Trạch Dân, vì sự tra tấn tàn bạo mà gia đình họ đã phải chịu đựng trong cuộc đàn áp.

e285416b146f78194b1298e47b00b47d.jpg

Bà Vương Hiểu Phương (phải) cùng con gái là cô Trang Vỹ, cầm trên tay một biên nhận chuyển phát đơn kiện của họ và một biểu ngữ có dòng chữ “Kiện Giang Trạch Dân.”

Cô Trang là sinh viên tốt nghiệp Đại học Giao Thông Thượng Hải (một trong các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc) khi cuộc đàn áp bắt đầu. Sau khi cô đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, cô đã bị giam tại Trại giam Phong Đài ở Bắc Kinh. Cô đã bị sốc bằng dùi cui điện và bị đốt bằng thuốc lá.

Công an nói với cô: “Chính quyền có lệnh – nếu cô chết vì bị đánh đập, thì cái chết của cô sẽ được xem là tự sát.” Do bị đánh đập tàn bạo, mặt cô Trang trở nên sưng phồng đến nỗi cô không thể mở mắt.

Tháng 01 năm 2002, cô Trang bị đuổi khỏi trường đại học. Sau đó công an khu Lô Loan ở Thượng Hải đã gửi cô đến một trại lao động cưỡng bức vì cô đã nói với quản lý trường đại học và công an rằng: “Lịch sử sẽ chứng minh rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Giang Trạch Dân là sai.” Cô đã bị giam hai năm trong trại lao động.

Cô Trang bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998 khi thấy mẹ mình hồi phục sức khỏe. Trong đơn kiện bà Vương nói rằng, lãnh đạo của bà đã gây áp lực bắt hai vợ chồng bà phải từ bỏ Pháp Luân Công và đe dọa sa thải họ.

“Chồng tôi bị ép phải rời khỏi vị trí giảng viên và trở thành người gác cổng tại ngôi trường mà ông đã giảng dạy. Nhà chúng tôi bị giám sát chặt chẽ. Năm 2001, Sở Công an Khố Nhĩ Lặc đã lục soát nhà và đưa tôi đến một trại giam.

Bà Vương viết: “Con gái tôi bị bắt giữ phi pháp năm lần, bị giam hai năm trong một trại lao động, và bị cầm tù hai năm, để lại con gái sáu tuổi cho chúng tôi chăm sóc. Cháu gái tôi mỗi ngày đều khóc đòi mẹ”.

Mẹ và con trai yêu cầu thả chồng và cha

Bà Lưu Xuân Lợi nhớ lại cuộc sống yên bình trước khi cuộc đàn áp bắt đầu. Cả gia đình bà – mẹ, các chị em gái, và chồng – tất cả đều được hưởng lợi ích nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Nhưng cuộc đàn áp đã phá vỡ gia đình hạnh phúc này.

5ad5307920fc6b2608ebf1b654db1b0e.jpg

Bà Lưu Xuân Lợi và con trai, anh Cổ Minh, đệ đơn kiện Giang Trạch Dân.

Trong đơn của bà và con trai là anh Cổ Minh, bà Lưu nói: “Mẹ tôi bị bắt giữ năm lần. Chị gái bị kết án năm năm, và chồng bị kết án tám năm. Ông ấy bị giam ở Nhà tù Vị Nam, tỉnh Thiểm Tây.”

“Chúng tôi đang kiện Giang Trạch Dân, không chỉ vì ông ta bức hại Pháp Luân Công, mà còn vì ông ta đã hủy hoại đạo đức ở Trung Quốc.”

Giang Trạch Dân nên bị lên án và xét xử

Tháng 12 năm 2005, bà Ngô Ngọc Mai ở Đại Liên, Trung Quốc, đã bị bắt và giam giữ 15 ngày trong một trại giam. Vì muốn người khác biết sự thật về cuộc đàn áp, bà đã dán các thông tin về Pháp Luân Công ở những nơi công cộng.

bb13c4e6d4a2ea508864f3b0f5425f2b.jpg

Bà Ngô Ngọc Mai cầm biên nhận chuyển phát đơn kiện của bà.

Trong đơn, Bà Ngô cho biết: “Năm 2008, một lần nữa tôi bị bắt và giam giữ hai năm trong trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng. Tôi bị ép phải lao động nặng nhọc và bị giám sát 24/7. Các viên chức thường xuyên đánh đập và lăng mạ tôi. Có lúc họ không cho tôi đi vệ sinh. Gia đình không được phép thăm tôi.”

Bà Thiệu Hoa nhiều lần bị giam ở các trung tâm tẩy não tại thành phố Quảng Châu từ năm 1999 đến 2009. Nhà bà liên tục bị lục soát, và người con trai tuổi niên thiếu của bà bị Sở Công an Đông Sơn ở Quảng Châu bắt giữ. Bà Thiệu cũng đệ đơn kiện.

Cả bà Thiệu và bà Ngô tin rằng Giang đã phạm tội ác chống lại nhân loại và ông ta nên bị toàn thế giới lên án và xét xử.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/7/1/311761.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/7/7/151436.html

Đăng ngày 19-07-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share