Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-06-2015] Một cựu nhân viên của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) tại thành phố Thiên An, tỉnh Hà Bắc gần đây đã khởi kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vì đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công dẫn đến việc bà bị thương tật vĩnh viễn.

Bà Vạn Vĩnh Hồng bị thương tật vĩnh viễn ở cột sống và ở chân vào năm 2007 trong khi cố gắng để trốn thoát khỏi đồn công an từ cửa sổ tầng bốn. Tám năm sau, bà vẫn phải đặt hai miếng nẹp kim loại ở lưng và chân, chân trái của bà vẫn bị tê liệt. Bà không thể ngồi xổm và rất khó khăn để giữ thăng bằng trong khi đi bộ.

Bà Vạn đã phạm “tội” gì để bị bắt giữ? Bà bị bắt giữ vì đã từ chối từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công. Bà Vạn đã khởi kiện Giang Trạch Dân vì những thiệt hại kinh tế và tổn thương về tinh thần mà bà phải gánh chịu bởi những thương tật của bà.

2015-6-8-mh-sujiang-hebei-wanyh-1--ss.jpg

Bà Vạn gửi thư khởi kiện đến Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao

2015-6-8-mh-sujiang-hebei-wanyh-2--ss.jpg

Đơn khiếu nại hình sự cựu Tổng bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân của bà Vạn

Bị tàn tật vĩnh viễn bởi cuộc bức hại

Bà Vạn bị bắt rất nhiều lần và nhà của bà cũng bị lục soát trong suốt cuộc bức hại. Lần bà bị bắt giữ gần đây nhất là vào ngày 09 tháng 10 năm 2007, khi đó công an thành phố Thiên An bắt giữ bà tại nơi làm việc. Ở trong đồn cảnh sát, bà bị sốc bằng dùi cui điện trong gần ba giờ đồng hồ trước khi bị chuyển đến trung tâm tẩy não.

Trong nỗ lực tuyệt vọng để trốn thoát khỏi sự tàn bạo của trung tâm tẩy não, bà Vạn đã cố gắng leo qua cửa sổ để thoát ra ngoài nhưng bà đã bị ngã xuống từ tầng bốn. Cú ngã đó đã khiến xương ở phần lưng dưới và gót chân của bà bị vỡ vụn.

Bà Vạn phải nhập viện trong 41 ngày và trải qua hai cuộc phẫu thuật lớn – bác sỹ phải đặt các miếng kim loại để cố định cột sống và chân phải của bà. Do có một miếng kim loại đặt ở xương sống, bà đã không thể cúi người xuống được.

Các mẩu xương bị gãy ở gót chân cũng phải loại bỏ, khiến phần xương phía cuối gót chân của bà không bằng phẳng. Chính vì gót chân bị khuyết tật này, bà cảm thấy đau đớn tột cùng mỗi khi đứng hoặc di chuyển dù chỉ một bước.

Bà Vạn phải nằm liệt giường hơn sáu tháng và phải có người chăm sóc thường xuyên. Hầu như lúc nào bà cũng phải dùng nạng. Ngay cả khi dùng nạng, bà vẫn thường bị ngã và cần giúp để có thể đứng lên. Chân trái của bà giờ đây gần như đã bị tê liệt và bà rất yếu, điều này cũng khiến bà giữ thăng bằng rất khó khăn. Bà cũng không thể ngồi xổm được.

Bà Vạn đã phải chi hơn 70.000 nhân dân tệ tiền thuốc, nhưng ngân hàng nơi bà làm việc cho đến nay vẫn từ chối bồi thường cho bà. Thêm vào đó, do bị Phòng 610 gây áp lực, nên họ cũng đình chỉ việc trả bà lương, lương hưu và các khoản phúc lợi khác. Bà ước tính trong tám năm qua, chỉ riêng về kinh tế, bà đã bị thiệt hại tới hơn 500.000 nhân dân tệ.

Bối Cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã bỏ ngoài tai ý kiến của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác và phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc bức hại đã dẫn đến cái chết của rất nhiều học viên Pháp Luân Công trong suốt 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, Phòng 610, vào ngày 10 tháng 06 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/6/9/310633.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/6/20/151171.html

Đăng ngày 02-07-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share