Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-02-2015] Năm 1992 là năm đầu tiên Sư phụ Lý Hồng Chí giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công) ra công chúng. Trong hai năm sau đó, Sư phụ Lý đã đi khắp Trung Quốc và tổ chức tổng cộng 56 lớp giảng dạy các Pháp lý của Pháp Luân Công.

Trong khoảng thời gian từ tháng 04 năm 1993 tới tháng 12 năm 1994, Sư phụ đã tới tỉnh Quảng Châu, Quảng Đông năm lần, dạy Pháp Luân Công cho hơn 8.000 người từ khắp nơi trong nước.

Mỗi khóa học thường kéo dài từ bảy đến mười ngày, với hai giờ giảng Pháp mỗi buổi chiều. Chúng tôi là những người đã may mắn được tham gia vào một hoặc vài khóa giảng Pháp của Sư phụ tại Quảng Châu muốn chia sẻ những thể ngộ mà mình thu hoạch được.

Lớp học đầu tiên: Từ ngày 13 tới ngày 22 tháng 04 năm 1993

Chuyến đi đầu tiên của Sư phụ Lý tới Quảng Châu vào tháng 04 năm 1993, chúng tôi đã không những rất ấn tượng trước nhân cách cao thượng của Sư phụ trong và sau khi khóa học, mà còn được chứng kiến những chuyện thần kỳ.

Sư phụ khi giảng Pháp

Sư phụ thường mặc bộ comple sẫm màu khi giảng Pháp. Ngài chỉ mang theo một tờ giấy với vài dòng ghi chú đơn giản. Tuy nhiên, các bài giảng rất có tính hệ thống và logic. Sau đó, Ngài đứng giữa đám đông học viên chúng tôi và kiên nhẫn giải đáp các câu hỏi.

Có khoảng 180 người đã đăng ký và tham gia buổi hội thảo đó. Nhiều người không đăng ký rất tò mò và tụ tập bên ngoài phòng họp, cố gắng lắng nghe. Sư phụ nói họ hãy vào phòng và ngồi nghe mà không hề thu phí.

Sư phụ cũng nhắc các học viên lâu năm không được dẫn theo người nhà và người thân tới các khóa học Pháp Luân Công. Ngài nói rằng tu luyện là một việc nghiêm túc và thiêng liêng nhất, do đó những người tới tham dự phải do họ tự nguyện, chứ không được ép buộc.

Sư phụ trong cuộc sống thường ngày

Sau bài giảng, chúng tôi thường ăn trong quán ăn tự phục vụ của giảng đường. Thông thường, bữa ăn hàng ngày của Sư phụ thường là mì ăn liền. Ngài thỉnh thoảng mới tới quán. Đồ ăn của quán rất đạm bạc nên nhiều học viên không ăn được, nhưng Sư phụ thường kết thúc bữa ăn với một nụ cười.

Vào một bữa cơm chiều, một học viên mang món trứng tráng tới mời Sư phụ, nhưng Sư phụ đã đưa cho một học viên khác. “Chúng ta đều làm việc vất vả,” Ngài nói. Mặc dù Sư phụ thường ăn mì gói và đồ ăn của quán nhưng có lần Sư phụ đã dẫn năm thành viên đi ăn ở nhà hàng.

Khi không phải giảng Pháp, Sư phụ thường dẫn vài học viên đi du lịch trong thành phố. Chúng tôi đã tới thăm vài di tích lịch sử, trong đó có một ngôi chùa 1.400 năm tuổi.

Điều kỳ diệu trong bài giảng

Trong một buổi giảng Pháp, Sư phụ vẽ một biểu tượng Pháp Luân lên bảng đen và hỏi chúng tôi nhìn thấy gì. Vài học viên với thiên mục khai mở nhìn thấy biểu tượng chữ Vạn và thái cực bên trong một Pháp Luân đang xoay chuyển. Vào buổi chiều thứ hai, toàn giảng đường tràn ngập trong những mùi hương mát mẻ, thơm ngát.

Vào buổi chiều ngày thứ ba của khóa giảng, một phụ nữ bị liệt đã tới giảng đường trên một chiếc xe lăn. Vì đó là lần đầu tiên Sư phụ tới giảng Pháp tại Quảng Châu, nên Ngài đã làm một việc ngoại lệ sau khi kết thúc bài giảng là chữa trị cho người phụ nữ đó để chứng thực quyền năng của Đại Pháp. Nhiều học viên đã được chứng kiến những gì xảy ra.

Sư phụ vỗ nhẹ vào chân bà ấy hơn mười lần và sau đó yêu cầu bà đứng dậy bước đi. Bà không dám, nhưng Sư phụ khuyến khích bà làm thử. Do đó, bà đã đứng dậy và bắt đầu bước đi. Đám đông đã vô cùng sửng sốt và kinh ngạc.

Vào ngày cuối cùng của khóa học, người phụ nữ đó đã đọc một bức thư dài để bày tỏ sự cảm ơn tới Sư phụ. Bà nói mình đã phải tiêu tốn rất nhiều tiền và uống rất nhiều thuốc, với hy vọng có thể chữa trị được căn bệnh. Tuy nhiên, Sư phụ đã chữa trị cho bà mà không lấy một xu hay tự quảng cáo cho mình. Bà nói Sư phụ đã ban cho bà cuộc đời thứ hai bằng cách giúp bà có thể tự đi lại được.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/2/25/回忆李洪志师尊五次广州传功传法-1–304864.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/3/10/149265.html

Đăng ngày 05-05-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share