Bài của Tha Sơn

[MINH HUỆ 13-12-2014] Một nam học viên Pháp Luân Công xuất hiện tại Tòa án Bồng Lai ở thành phố Yên Đài vào ngày 13 tháng 08 năm 2014 với trang phục chỉnh tề và tâm thái thản nhiên.

Ông Trần Quang Vỹ, 77 tuổi, đã bị bắt giữ phi pháp vì bị cáo buộc “phá hoại việc thực thi pháp luật,” một tội danh thường được sử dụng tại Trung Quốc để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Ông cho rằng mình không phạm tội và đã tự biện hộ cho mình.

Các thẩm phán cúi đầu xấu hổ khi ông Trần giải thích lý do ông tu luyện Pháp Luân Công, những vấn đề về sức khỏe mãn tính của ông đã được chữa lành ra sao, ông cũng nhấn mạnh rằng các học viên không vi phạm pháp luật và là người tốt.

Ông đã nói với các thẩm phán về trách nhiệm mà họ phải gánh chịu trước những tội ác họ gây ra trong cuộc bức hại. Một thẩm phán ngắt lời: “Đừng nói đến ‘Pháp Luân Công.’“ Phiên điều trần chỉ diễn ra trong 20 phút, phiên tòa đã bị hoãn lại.

Trường hợp của ông Trần không phải là cá biệt. Trong các phiên tòa về Pháp Luân Công tại Trung Quốc, các thẩm phán thường xuyên cảnh báo các học viên, người thân của họ, và nếu họ có đại diện luật pháp, thì luật sư đại diện không được đề cập đến hai vấn đề: Pháp Luân Công và cuộc bức hại là trái hiến pháp.

Bà Trịnh Hồng Hà đã gặp các quan chức tòa án ở Tòa án khu Thanh Phổ, tỉnh Giang Tô trước phiên xét xử của chồng bà, ông Trần Thiều, hồi tháng 10 năm 2009. Bà đã yêu cầu một bản sao của bản cáo trạng để chuẩn bị cho luật sư. Các quan chức đã từ chối cung cấp bản cáo trạng hay chi tiết về tội danh mà chồng bà bị cáo buộc.

Chánh thẩm Phùng Kiến Đông hăm dọa bà Trịnh: “Tất cả nhân viên Phòng 610 sẽ có mặt vào ngày xử án. Bà sẽ không được nói về vấn đề Pháp Luân Công tại phiên tòa.”

Bà Trịnh đã bị một thẩm phán khác ngăn tại cửa vào phòng xét xử vào buổi sáng ngày diễn ra phiên xét xử (20 tháng 10 năm 2009). Ông ta đã tịch thu những ghi chú mà bà đã chuẩn bị để biện hộ cho chồng bà, giật chúng ra khỏi tay bà.

Trong phiên tòa, Phùng Kiến Đông đã yêu cầu bà Trịnh không được nói về Pháp Luân Công, vì toàn bộ nhân viên Phòng 610 đã đến để quan sát phiên xét xử.

Bà Trịnh không quan tâm đến lời cảnh cáo của Phùng. Bà đã nói về quyền được tu luyện Pháp Luân Công của chồng bà theo Hiến pháp Trung Quốc, vốn bảo đảm quyền “tự do tín ngưỡng” cho mọi công dân.

Bà đã nói tại tòa rằng Pháp Luân Công được tập luyện và được chào đón trên khắp thế giới, bà cũng nói về tội ác mổ cướp nội tạng các học viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Công an, nhân viên Phòng 610 và thực tập sinh pháp lý đều đã nghe lời biện hộ của bà. Cả tòa án lẫn công tố viên cũng không bác bỏ.

Các luật sư được thuê để biện hộ cho các học viên cũng bị cảnh báo không được nhắc đến Pháp Luân Công tại tòa.

Ông Lý Hải Quân và bốn học viên khác bị xét xử tại Tòa án khu Võ Lăng, tỉnh Hồ Nam vào ngày 11 tháng 06 năm 2010. Họ và các luật sư luôn bị một thẩm phán ngắt lời mỗi khi đề cập đến Pháp Luân Công.

Ông Lý đã nói với tòa: “Tôi đang tuân theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn để trở thành một người tốt hơn, một người vị tha. Điều này có gì sai?” Khi ông đang nói, một nữ thẩm phán đã đến gần và giật mạnh còng tay của ông, cố ngăn không cho ông nói

Những học viên này đều bị bắt giữ và bị bức hại vì niềm tin của họ, nhưng tại phiên tòa, họ không được phép đề cập đến tín ngưỡng của mình.

Trưởng Phòng 610: “Luật pháp không áp dụng cho những trường hợp của Pháp Luân Công”

Một luật sư biện hộ đang chuẩn bị đại diện cho một số học viên (Trương Đức Diễm, Tôn Hải Phong, Mục Quốc Đống, Vương Ngọc Mai, Uông Quế Hoa) tại Tòa án khu Vọng Hoa, thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh hồi tháng 07 năm 2013.

Chánh thẩm đã cảnh báo luật sư trước phiên xử: “Đừng nói luật với tôi.” Vị luật sư hơi sốc và trả lời: “Nếu chúng ta không nói đến luật, vậy thì kể chuyện cười chăng?”

Đây không phải là trường hợp cá biệt. Có nhiều thẩm phán ở Trung Quốc phải chịu áp lực từ Phòng 610.

Tòa án khu Bắc Hồ, tỉnh Hồ Nam đã tiến hành cái gọi là xét xử bí mật đối với ông Lý Huy, một học viên Pháp Luân Công vào ngày 23 tháng 07 năm 2004. Một người làm trong hệ thống thực thi pháp luật đã nói với một người thân của ông Lý về phiên xét xử, và nhiều người trong gia đình đã đến tòa án. Một người hỏi thẩm phán: “Hiến pháp là dựa trên luật và nó cho phép tự do tín ngưỡng. Vì mọi người phải tuân theo luật, vậy thì cuộc bức hại Pháp Luân Công không phải là phạm pháp sao?”

Vị thẩm phán nói: “Chúng tôi không rõ về những vấn đề của Pháp Luân Công, vì chúng tôi chỉ nghe về nó từ truyền hình và báo chí.”

Trưởng Phòng 610 thành phố, Bành Quang Hoa nói thêm: “Đừng nói luật với tôi. Luật pháp không áp dụng cho những trường hợp của Pháp Luân Công.”

Nhiều quan chức cũng có một thái độ tương tự.

Ông Lưu, Phó giám đốc Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, đã nói với một luật sư: “Hãy ngừng nói luật với tôi và đừng trông chờ chúng tôi tuân theo luật.”

Ông Mã, Trưởng Phòng 610 huyện Nông An ở tỉnh Cát Lâm, nói với một luật sư: “Tin tôi đi – chúng tôi theo chính trị, không theo luật. Nếu muốn kháng cáo thì các anh cứ đi mà làm!”

Phùng Tiểu Lâm, chánh thẩm của Tòa án thành phố Thiên An, tỉnh Hà Bắc, nói với người nhà của một học viên: “Luật pháp không áp dụng cho những trường hợp của Pháp Luân Công.”

Những cuộc nói chuyện khác cũng cho thấy mức độ của sự bất lương.

Một nữ học viên, cô Khâu Lập Anh, bị xét xử tại Tòa án khu Trường An, thành phố Thạch Gia Trang vào ngày 16 tháng 04 năm 2013.

Luật sư của cô đã chất vấn phó chủ tọa Vương Húc tại phiên tòa: “Ông sẽ không làm sai luật, đúng không?” Vương trả lời: “Nếu tôi không làm sai, thì làm sao được trả tiền?”

Vương đã nói với luật sư trước phiên xử: “Dù cho có biện hộ như thế nào, thì tôi luôn có thể đưa ra phán quyết khi cần thiết.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/12/13/301415.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/12/30/147502.html

Đăng ngày 21-04-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share