Bài viết của đệ tử Đại Pháp ở Đại lục

[MINH HUỆ 25-11-2014] Có người nói một tác gia lớn phải có tuổi thơ bất hạnh, hoặc có những trải nghiệm đặc thù, như vậy mới có thể nhìn thế giới từ một góc độ khác và trở thành một ký giả của cuộc sống mang theo cá tính mới mẻ. Tôi không có tuổi thơ bất hạnh, cũng không có tuổi thanh xuân và trung niên bất hạnh. So với nhiều người cùng tuổi, tôi có một công việc và gia đình ổn định, khỏe mạnh, không phải lo lắng gì về kinh tế.

Người ta vẫn nói “Quốc gia bất hạnh thi gia hạnh, Phú đáo thương tang cú tiện công” ( Bất hạnh của quốc gia là hạnh phúc của thi gia, nó khơi nguồn những vần thơ tang thương một cách dễ dàng ) (Đề Nguyên Dị Sơn Tập), một xã hội rối ren là nỗi bất hạnh của quốc gia, nhưng đồng thời cũng triển hiện một cách chân thực trăm cảnh đời nhân gian, cung cấp những vật liệu dồi dào không dứt cho các tác gia, há chẳng phải là “hạnh phúc của thi gia” sao? Trong tương lai nếu tôi viết lách có bất kỳ thành tựu nhỏ bé nào cũng đều là nhờ ở trong xã hội hiện thực này của Trung Quốc, trải nghiệm một thời kỳ đặc thù, chứng kiến một giai đoạn lịch sử.

Bài viết này có ghi chép về một biến cố của một người tin theo Vô Thần luận, ghi lại một câu chuyện về một người đang sống trong một môi trường rất thoải mái đã chống chọi với áp lực và bước vào tu luyện Pháp Luân Công. Trong đó có nỗi đau, có hạnh phúc, có ma nạn cũng có những gặt hái, sau khi bão táp qua con người ấy đi vẫn kiên cường bước đều trên con đường này. Toàn bộ ghi chép đều rất chân thực.

Trải nghiệm này có thể nói là nỗi bất hạnh cho sự nghiệp của tôi, chi bằng nói là niềm hạnh phúc to lớn trong kiếp nhân sinh của tôi. Nếu nói đã từng xảy ra thần tích, vậy tôi hy vọng trở thành một ký giả trung thực của thần tích ấy. Xin cảm ơn những người đã từng giúp đỡ tôi, đặc biệt là Sư phụ của tôi. Không lời nào có thể biểu đạt lòng biết ơn của tôi với Sư phụ.

Cuộc gặp gỡ tình cờ trên mạng

Đó là một ngày mùa thu năm 2003, khi tôi ngồi trước màn hình máy tính trong nhà đợi một người bạn từ phương xa tới. Lúc ấy tiếng thông báo phòng chát vang lên, có người xin kết bạn với tôi, thường thì tôi có tâm lý phòng bị với những người lạ nên đều từ chối hết thảy. Nhưng lời nhắn của anh ấy đã khiến tôi chú ý – hãy để chúng ta chúc phúc cho nhau!

Có vô số người lạ muốn kết bạn với tôi, nếu không phải là những lời khẩn cầu nịnh nọt thì là những can nhiễu thô lỗ, hoặc những lời khách sáo ghen tỵ. Lời mời này vừa dễ chịu lại không thấp kém cũng không kiêu ngạo, tôi cảm thấy mình không thể từ chối.

Hóa ra là một học viên Pháp Luân Công hải ngoại, anh ấy vẫn luôn giảng chân tướng Pháp Luân Công trên mạng. Anh ấy dùng cách lựa chọn thành viên trên mạng một cách tự động, tôi là một trong số ít người lắng nghe. Anh ấy nói Pháp Luân Công đã hồng truyền khắp hơn một trăm quốc gia, ngoài Trung Quốc Đại lục, khắp nơi trên thế giới đều có thể tự do tu luyện. Bởi vì số người quá nhiều kẻ lãnh đạo của Đảng Cộng sản sinh lòng đố kỵ mà gia tăng bức hại, có rất nhiều học viên Pháp Luân Công bị bắt bị xét xử chỉ vì họ không chịu từ bỏ tín ngưỡng.

Tôi vốn không thích chính trị, không ưa thủ đoạn chỉnh người đó của Đảng Cộng sản. Do đó không hề biết một chút gì về Pháp Luân Công, tôi còn bảo với anh ấy: “Tôi rất đồng tình, tôi không tán thành kiểu đàn áp này.”

Anh ấy nói về v ụtự thiêu tại Thiên An Môn. “Có bằng chứng chứng minh rằng toàn bộ chuyện này là một vở kịch giả do Trung Cộng tự biên tự diễn, dùng để vu khống Pháp Luân Công, làm cái cớ để bức hại. Mấy người tự thiêu trong vụ đó căn bản không phải là học viên Pháp Luân Công, băng hình mà đài truyền hình phát đi có vô vàn kẽ hở.”

Anh ấy gõ chữ không nhanh nhẹn lắm, mỗi đoạn đều phải rất lâu mới gõ ra, tôi có thể cảm nhận được sự lo lắng và đau lòng ấy. Khi chào tạm biệt tôi dặn anh ấy phải bảo trọng “Đừng cố quá, đánh không được thì chạy. Giữ được rừng xanh, không sợ không có củi đốt.”

Mấy tháng sau chúng tôi không liên hệ với nhau, cũng giống với hàng triệu những người lạ mặt gặp gỡ trên mạng khác, gặp nhau gật đầu mỉm cười là liền biến mất trong biển người. Thậm chí tôi không kịp hỏi cả giới tính của anh ấy.

Mùa xuân năm sau lại tới, trong vô số những thiệp chúc mừng năm mới, tôi lại thấy một tấm thiệp của anh ấy. Những lời chúc phúc đơn giản, ấm áp, trong thế giới hư ảo này cũng giống như một người bạn cũ nhiều năm không gặp. “Còn nhớ năm đó còn nhỏ, bạn cứ thích huyên thuyên tôi thấy liền mỉm cười, rồi một ngày không biết sao lại thiếp đi mất, trong mộng hoa rơi biết bao nhiêu?”

Chúng tôi nhanh chóng làm quen với nhau, nói chuyện về công việc, về cuộc sống, về kiếp nhân sinh, nói chuyện trên trời dưới đất. Anh rất khiêm tốn, lịch sự, hòa ái, cũng giống như ấn tượng ban đầu của tôi về anh ấy. Nói chuyện thường thì không xa khỏi Pháp Luân Công, cho dù tôi không hứng thú lắm, nhưng đó là một phần quan trọng cấu thành sinh mệnh của anh ấy.

Tôi hỏi âm thầm luyện ở nhà không được sao? Anh ấy nói có được sức khỏe tốt là quyền cơ bản của con người, chỉ cần không gây trở ngại cho xã hội thì vì sao phải âm thầm luyện? Tôi hỏi sao cứ phải đối đầu với Đảng Cộng sản? Anh ấy nói nếu trong đầu óc nghĩ gì cũng bị khống chế thì vì sao phải phục tùng? Tôi hỏi anh ấy có phải là người truyền đạo không? Anh ấy nói bản thân được thọ ích vì luyện Pháp Luân Công nên việc giảng chân tướng là hành vi tình nguyện, làm dựa vào lương tâm.

Anh ấy là một kỹ sư, cũng là một nhà doanh nghiệp thành công, thân thể khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, luyện Pháp Luân Công không phải vì mong đạt được điều gì, càng không phải đã nhìn thấu cõi hồng trần. “Đó là một công pháp tịnh hóa tâm hồn. Khi cuộc sống vật chất vô cùng thỏa mãn, tôi lại không thấy hạnh phúc, thậm chí đôi khi còn cảm thấy rất đau khổ.” Anh ấy nói liên hồi không dứt.

“Tôi không hiểu được ngọn nguồn niềm đau khổ này tới từ đâu, cũng không thể làm nó tiêu biến. Tính tôi rất nóng nảy, bạn bè và người thân quanh tôi đều phải run rẩy. Lúc đó tôi mới hiểu rằng trong cõi đời này còn có rất nhiều thứ không thể dùng tiền mà mua được.”

“Sau khi học Pháp Luân Công tôi thấy vô cùng nhẹ nhõm, cảm thấy mọi thứ đều tốt đẹp. Tâm tính phóng khoáng, sống với mọi người cũng hòa hợp hơn, tôi luôn cảm thấy một khung cảnh tươi sáng phía trước.”

Tôi cảm nhận được nỗi nhọc lòng của anh, dù không nhất định tin theo, nhưng tôi lại có thể cảm nhận nhiều hơn những lời mà anh ấy chưa nói ra. Nhưng có thể nào như vậy được? Tôi là một người Vô Thần, trước nay luôn tin rằng con người là chúa tể của vũ trụ, tin rằng khoa học kỹ thuật của con người không gì là không làm được. Tôi không tin vào sự tồn tại của Thần, mà cho rằng tất cả những thứ gọi là kính sợ Thần đều bắt nguồn từ sự vô tri ngu muội của con người. Hơn nữa cuộc sống của tôi cũng không phải lo lắng gì, không có lý do gì cần trốn tránh xã hội; cơ thể tôi khỏe mạnh, không cần phải học một công pháp nào cả; sự nghiệp của tôi đang trong thời kỳ phát đạt, không cần thiết phải đối mặt với nguy hiểm của việc ngồi tù.

Lựa chọn

Chúng tôi cứ nói chuyện như vậy cũng đã nửa năm, một lần anh ấy nhắc tới mẹ mình. Mẹ anh ấy cũng luyện Pháp Luân Công, bây giờ không chỉ bách bệnh tiêu tan mà ngày càng trẻ ra, trên mặt cũng không có nếp nhăn. Điều này đã khiến tôi xúc động.

Tôi đã không còn trẻ nữa, làm thế nào để tôi có thể luôn khỏe mạnh? Thời gian thấm thoắt thoi đưa, những mộng tưởng trước kia làm thế nào mới có thể thành hiện thực? Nhìn những cụ già chậm chạp trong ánh chiều tà, tôi biết rằng đó chính là chốn về trong tương lai của mình, không đạt được điều gì cả, không thể giữ lại bất kể thứ gì, đến và đi với hai bàn tay trắng.

Nếu Pháp Luân Công thần kỳ như vậy, có thể lưu giữ tuổi thanh xuân, mang tới sức khỏe, thì cuộc đời này tôi còn cầu điều gì nữa? Chẳng phải có câu rằng “Giữ lại rừng xanh không lo không có củi đốt” sao?

Sao mình không thử xem? Tôi thầm nói với mình. Tranh thủ khi ánh mặt trời vẫn đang chiếu sáng, tranh thủ khi gió nhẹ không ồn ào, tranh thủ khi còn có thể bước trên con đường thật dài, thật dài.

Một cuốn “Chuyển Pháp Luân” được gửi tới hòm thư của tôi, đồng thời còn gửi cả “Tinh Tấn Yếu Chỉ”. Sau khi in ra, vào một buổi tối ngày thứ s áu, tôi có đôi chút kích động, ôm giữ một niềm tin kiên định vào công hiệu thần kỳ của Pháp Luân Công, tôi bắt đầu đọc.

Mọi chuyện đều không diễn ra theo chiều hướng dự tính. Mới đọc được vài trang tôi đã không thể đọc tiếp, tôi cho rằng quá cao, quá th ần thánh, tôi cần sự trường tồn của tuổi thanh xuân, tôi cần dung mạo xinh đẹp, nhưng trong sách không đàm luận về những vấn đề này. Tôi quyết định từ bỏ.

Ngay đêm hôm đó tôi nằm mơ. Trong một phòng học, một thầy giáo mặc chiếc áo sơ mi trắng giảng bài, bài giảng là những nội dung trong “Chuyển Pháp Luân”. Hôm sau tôi cũng mơ y chang giấc mơ đó. Sau khi thầy giáo giảng bài xong thì bước xuống giữa chúng tôi, tôi nói: “Thưa thầy, con tu luyện chỉ vì muốn lưu giữ tuổi thanh xuân, con không muốn viên mãn.” “Con nói sao?” Thầy giáo có đôi chút kinh ngạc. Tôi nói tiếp: “Con không viên mãn có được không ạ?” Thầy nghiêm nghị trả lời: “Con học đi rồi nói sau!” Ngày thứ ba tôi lại mơ tới người bạn hải ngoại ấy. Anh ấy đeo kính, đứng sau cái bể cá, có rất nhiều chú cá vàng đang bơi lội.

Khi nói chuyện tôi kể những giấc mơ đó, anh ấy nói một cách khẳng khái là tôi là người hữu duyên, không nên đi lướt qua Đại Pháp. Đồng thời còn bảo tôi rằng quả thực là anh ấy có đeo kính, trong nhà có một bể cá, trong đó nuôi vài con cá vàng.

Trùng hợp vậy sao? Tôi không tin, thế giới này chỉ là một giấc mơ không thể tin được. Nhưng tôi vẫn muốn thử một lần nữa, rốt cuộc thì trên thế giới này cũng chẳng còn cách nào khác có thể giúp con người giữ mãi tuổi thanh xuân.

Tôi lên Minh Huệ Net tải xuống những bài giảng Pháp của Sư phụ tại các nơi trên thế giới in thành một cuốn. Sau đó tôi bắt đầu đọc theo thứ tự từ đầu tới cuối, đọc hết cuốn này tới cuốn khác. Bài “Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc vào tết Nguyên Tiêu năm 2003” tôi hầu như không hiểu Sư phụ nói gì, nhưng vẫn gắng gượng đọc hết; bài “Giảng Pháp luân lưu tại Bắc Mỹ” tôi còn hiểu một chút, khi xem xong “Đạo hàng” tôi đã có một ấn tượng cơ bản nhất. Những bài sau đó như “Giảng Pháp tại Pháp hội Mỹ Quốc”, “Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney”, “Giảng Pháp tại Pháp hội Âu Châu”, “Giảng Pháp tại Pháp hội các phụ đạo viên tại Trường Xuân”, tôi cơ bản có thể hiểu được, càng ngày càng thêm hứng thú.

Hóa ra Pháp Luân Công chỉ là một quần thể tu luyện: họ tin vào sự tồn tại của Thần, tin rằng mọi điều mình làm đều có Thần trên trời đang chăm chú dõi theo; họ tin rằng Chân – Thiện- Nhẫn là chân lý của vũ trụ; họ tin rằng thông qua tu luyện có thể tiêu trừ bệnh tật, có một sức khỏe tốt, nhưng tiền đề phải là tu luyện đề cao tâm tính của mình; họ mong rằng tư tưởng của mình thánh khiết, hành vi đoan chính và không ngừng sửa chữa thiếu sót nhằm đạt tới một cảnh giới cao hơn; họ có những lý giải của bản thân mình về nỗi đau và niềm hạnh phúc, về hạnh phúc và ma nạn, lấy khổ làm vui, lấy mất làm được. Họ không thể chấp nhận việc gọi Pháp Luân Công là tà giáo, bởi vì Pháp Luân Công không phải là tôn giáo, càng không phải là tà ác; họ không chấp nhận việc đàn áp các học viên vô căn cứ, bởi vì đó là một nhóm người tốt, lương thiện; họ không chấp nhận việc bôi nhọ và công kích Sư phụ, bởi vì Sư phụ dạy họ đi trên con đường chính đạo, ai cũng nhờ đó mà thọ ích. Họ cho rằng mình có nghĩa vụ đứng ra giảng rõ chân tướng, để con người có cơ hội phân biệt, đánh giá.

Tôi quyết định tu luyện, trở thành một đệ tử Đại Pháp. Lần đầu tiên xem băng hình học luyện công, tôi học “Pháp Luân Chu Thiên Pháp”. Khi hai tay tôi đi xuống vòng qua hai gót chân thì đột nhiên tôi cảm thấy một luồng nhiệt nóng bừng. Ban đầu tôi cho rằng đó là ảo giác, nhưng sau vài lần vòng qua chỗ đó, đều nóng bừng lên, cuối cùng thì tôi đã tin đó không phải ảo giác. Mấy ngày sau chứng viêm âm đạo gây rắc rối cho tôi nhiều năm qua đã dần biến mất, tới nay không còn tái phát.

Khi luyện bài công pháp thứ năm, tôi không thể ngồi xếp bằng. Khi ngồi xuống đất, hai chân tôi vắt chéo nhau chỉ hơi xiên chừng 60, 70 độ, chỉ cần hơi xếp bằng một chút là đau thấu xương thấu tủy, nhìn những học viên trên mạng xếp bằng rất nhẹ nhàng, tôi thầm nghĩ chắc phải luyện vài năm mới có thể theo kịp. Một lần tôi ngồi trên sàn nhà đọc bài “Giảng Pháp tại pháp hội Úc Châu 1999”, tôi đọc được một đoạn như sau: “Nếu trong quá khứ chư vị học công [pháp] khác hoặc học vũ đạo, thể thao, trước kia ngồi vắt chéo chân không bị đau, và giờ đây vắt chéo chân cũng cảm thấy giống như hồi trước, không có gì thay đổi, thì đây không phải là một chuyện nhỏ! Chư vị không thể để Đại Pháp lướt qua người chư vị và rời đi!

Lúc này đôi chân bắt chéo trước ngực tôi dần dần hạ xuống, cho tới khi đầu gối dần sát vào sàn nhà, không hề cảm thấy đau đớn. Tôi thử nhấc chân phải gác lên chân trái, sau khi điều chỉnh lại vị trí tôi lại nhấc chân trái gác lên chân phải, giữ được nửa tiếng mà hoàn toàn không đau chút nào. Từ đó tôi luyện bài công pháp thứ năm rất nhẹ nhàng.

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/11/25/300674.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/12/14/147298.html

Đăng ngày 14-03-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share