[MINH HUỆ 20-12-2014] “Trong bối cảnh chính trị toàn cầu hiện nay, Hungary và Liên minh Châu Âu cần thể hiện các nguyên tắc nhân quyền mà mình coi trọng… Tôi tin rằng đây là vấn đề đạo đức đối với Châu Âu – nếu như Châu Âu ủng hộ người Cơ đốc giáo và các giá trị tự do đến vậy – và vấn đề này không được phép gạt qua một bên”, Tiến sỹ Andrew Schiffer, Nghị sỹ Quốc hội, lãnh đạo Đảng “Chính trị Có thể Khác nhau” (Lehet Más a Politika), phát biểu trong một cuộc họp gần đây với các đại diện của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Hungary và Hiệp hội các Bác sỹ chống Cưỡng bức Mổ cướp Nội tạng (DAFOH).

Ông nói tiếp: “Đó còn là vấn đề về sự ổn định giá trị đạo đức mà Châu Âu duy trì lâu nay, điều này vốn được đa số người dân đồng ý. Câu hỏi đặt ra là: Liệu cho phép người Châu Âu tới Trung Quốc mua tạng từ các tù nhân lương tâm có phải là một biện pháp bền vững không? Nhiều nước Châu Âu đang cấm công dân du lịch tới Trung Quốc để ghép tạng. Sự độc tài của Trung Quốc về bản chất là đi ngược lại với tất cả những gì mà người Cơ đốc giáo hay chế độ dân chủ tự do coi trọng.”

7be83045bd505e9ed7a777fdc0e40e2c.jpg

Tiến sỹ Andrew Schiffer, Nghị sỹ Quốc hội Hungary, người sáng lập kiêm lãnh đạo Đảng “Chính trị Có thể Khác nhau” (Lehet Más a Politika)

Chủ đề chính của cuộc họp tháng 11 là vấn đề thu hoạch tạng sống từ các học viên Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) tại các bệnh viện quân đội Trung Quốc, gây ra cái chết của những người ‘hiến tạng’ không tự nguyện này.

Số tạng bị mổ cướp được bán để thu lợi nhuận khổng lồ cho những người đang trong tình trạng tuyệt vọng và dám làm bất cứ điều gì để được nhanh chóng ghép tạng.

Ông Alan Sucur, đại diện của DAFOH tại cuộc họp, đã trình bày chi tiết về hoạt động thu hoạch tạng sống. Ông đưa ra những bằng chứng được công bố vào năm 2006, đồng thời giải thích văn hóa Á Đông quan niệm thế nào về việc hiến tạng. Ở Trung Quốc, hiến tạng không phải là phong tục phổ biến, vì trong văn hóa Á Đông, thi thể sau khi chết phải được bảo toàn.

Có thể không có gì ngạc nhiên khi Hoa Kỳ là nước thực hiện nhiều ca ghép tạng nhất trên thế giới, song điều đáng ngạc nhiên là Trung Quốc lại là nước đứng thứ hai mặc dù số tạng được hiến chỉ chiếm dưới 1% các ca ghép tạng tại Trung Quốc. Vậy thì người ta phải tự hỏi bằng cách nào mà Trung Quốc có thể lấy được số lượng tạng lớn đến như vậy.

Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc từng thừa nhận rằng ít nhất 90% người hiến tạng là tử tù chờ thi hành án, song điều này bị Tổ chức Y tế Thế giới bác bỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi năm Trung Quốc có 2.000 – 3.000 án tử hình thì không thể đủ để thực hiện hơn 10.000 ca ghép tạng mỗi năm được.

Nhiều tổ chức điều tra quốc tế đã đi đến kết luận rằng tù nhân lương tâm (phần lớn là các học viên Pháp Luân Công) tại các trại lao động ở Trung Quốc là nguồn chủ yếu cho ngân hàng tạng sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nghị quyết năm 2013 của Nghị viện Châu Âu bày tỏ những quan ngại này với lời “kêu gọi Liên minh Châu Âu và các nước thành viên cần xem xét vấn đề thu hoạch tạng tại Trung Quốc; khuyến nghị Liên minh Châu Âu và các nước thành viên công khai lên án hoạt động thu hoạch tạng tại Trung Quốc, đồng thời nâng cao nhận thức về vấn đề này đối với những công dân du lịch tới Trung Quốc; kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch do Liên Minh Châu Âu thực hiện về hoạt động thu hoạch tạng tại Trung Quốc, và truy tố những kẻ liên đới đến hành động vô đạo đức này.”


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/12/20/147381.html

Đăng ngày 31-12-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share