Bài viết của nhóm phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 29-12-2014] Cụm từ “trên đà tiến tới” hiện ra trong trí óc khi chúng tôi điểm lại năm 2014. Sau đây là mười sự kiện đáng chú ý nhất trên mạng lưới Minh Huệ năm nay.

1. Du khách Trung Quốc tìm hiểu và truyền rộng chân tướng

“Tôi biết trong tất cả các nhóm bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp, cuộc bức hại Pháp Luân Công bị bức hại tàn khốc nhất. Các bạn [học viên Pháp Luân Công] đã phải chịu đựng rất nhiều. Tôi thấy thật đau lòng. Các bạn bị ngược đãi tệ hại đến thế nhưng vẫn làm những điều này để giúp người khác,” một du khách Trung Quốc chia sẻ với một học viên đang nâng cao nhận thức về cuộc bức hại trong chuyến thăm của ông tới Thụy Sỹ.

Các điểm du lịch lớn trên thế giới đã trở thành các trung tâm đầu não để công chúng tìm hiểu về cuộc bức hại, đặc biệt là nạn thu hoạch tạng sống từ các tù nhân lương tâm là học viên Pháp Luân Công, mà tội ác này lại do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn và đang che giấu; hầu như các nước ngoài Trung Quốc không biết dư luận tại Trung Quốc thực sự nghĩ gì do tuyên truyền một chiều của chính quyền nước này tới các nước phương Tây.

bd8bbb4a8a057652d9d743e007cbd698.jpg

Du khách Trung Quốc xem các tấm áp phích khuyến khích thoái ĐCSTQ tại điểm du lịch ở Đài Bắc, Đài Loan

Số du khách chọn thoái ĐCSTQ tăng đều ở cả khu vực phía Bắc Châu Mỹ và Châu Âu. Bà Chu, một học viên Pháp Luân Công tình nguyện tại điểm du lịch ở Anh thuật lại một xu thế mà bà quan sát được vào mùa hè năm 2014: “Năm 2008 và 2009, mỗi năm tôi chỉ có thể giúp vài trăm người Trung Quốc thoái ĐCSTQ. Trong năm 2010, con số này tăng lên một nghìn. Sau năm 2012, nó đã tăng lên gấp đôi gấp ba, tới vài nghìn mỗi năm rồi. Từ đầu năm nay là khoảng một nghìn mỗi tháng.”

2. Thêm 40 triệu người Trung Quốc nữa thoái ĐCSTQ

Năm 2014 có thêm 40 triệu người Trung Quốc nữa thoái ĐCSTQ, nâng tổng số người thoái lên đến khoảng 190 triệu. Năm nay cũng đánh dấu 10 năm xuất bản cuốn Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản (Cửu Bình), một cuốn sách làm dấy lên phong trào tam thoái.

Số người Trung Quốc thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó tăng lên hàng ngày, tới giữa tháng 11 là hơn 100.000 người mỗi ngày. Chúng tôi cũng đã thấy các báo cáo về việc các nhóm người dân thường khuyến khích phong trào tam thoái này, điển hình như ở tỉnh Vân Nam có tới hơn 110.000 thành viên.

Cửu Bình chỉ ra lối thoát khỏi ĐCSTQ cho đất nước Trung Quốc. Lối thoát đó là khôi phục lại các giá trị truyền thống của văn hóa Trung Hoa, đó là nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn được giảng trong Pháp Luân Công,” ông John Nania, Tổng biên tậpThời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh, nhà xuất bản Cửu Bình, phát biểu tại một diễn đàn diễn ra vào tháng 12 năm 2014 tại tòa nhà Capitol của Hoa Kỳ.

3. Sự kiện các quan chức ĐCSTQ bị hạ bệ nhìn dưới góc độ nghiệp báo

Đúng như trang Minh Huệ dự đoán, Chu Vĩnh Khang, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, người chỉ huy cuộc bức hại, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Bộ Chính trị, đã bị bắt ngày 06 tháng 12 năm 2014, và một cuộc điều tra tội phạm trong giới quan chức đã bắt đầu.

Ngày 30 tháng 06, Từ Tài Hậu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương ĐCSTQ, đã được giao cho các công tố viên. Từ Tài Hậu là nhân vật quân sự quyền lực nhất trong việc tiến hành cuộc bức hại. Người ta tin rằng ông này có liên quan mật thiết tới việc sử dụng các bệnh viện và cơ sở quân đội để kiến thiết quy trình thu hoạch tạng từ các học viên Pháp Luân Công.

Với nỗ lực của các học viên trong việc giảng rõ sự thực, mặc dù truyền thông [Trung Quốc] che giấu sự thực là Chu và Từ cùng nhiều quan chức khác bị hạ bệ trong năm 2014 đã tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công, song nhiều người trong dân chúng cũng đã biết điều này.

Trên thực tế, nhiều người đã bắt đầu thấy nghiệp quả đang báo ứng theo quan niệm truyền thống Trung Hoa “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Quan niệm này đã bị chế độ cộng sản nỗ lực loại bỏ khỏi hệ thống giá trị của dân tộc Trung Hoa.

Ngay cả một số thủ phạm cũng phải thừa nhận quan niệm này: một báo cáo năm 2014 tiết lộ Thẩm phán Ngạc An Phúc ở Thẩm Dương, năm 2011, trong lúc lâm chung đã giục gia đình: “Mau, đi tìm cho tôi một học viên Pháp Luân Công!” Khi có cơ hội được nói chuyện với một học viên, ông ta bày tỏ sự ân hận vì những hành động sai trái và thừa nhận tình trạng thảm hại của ông ta là do nghiệp báo vì những quyết định sai lầm của mình trước đó.

4. Giết người lấy tạng tiếp tục là mối quan ngại lớn trên toàn thế giới

f9a66818c14a7ceeb02132b51ac69724.jpg

Bà Tamara Lorre (bên phải), đại diện của Canada tại Liên Hợp Quốc, trình bày về vấn đề thu hoạch tạng và cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 12 tháng 03 năm 2014

“Tin tức từ Bắc Kinh về việc đình chỉ hoạt động cấy ghép lấy tạng từ các tử tù bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 [năm 2015] nhằm trấn an các quan ngại về nhân quyền chỉ là lời nói dối”, theo lời ông Huang Song-lih, một cán bộ giám sát các Giao ước và Công ước của Đài Loan phát biểu hồi tháng 12 năm 2014.

Trong chuyến thăm hồi tháng 12 của nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Hoàng Khiết Phu, đã có khoảng 80 bác sỹ Đài Loan ký tuyên bố chung yêu cầu ĐCSTQ ngay lập tức chấm dứt thu hoạch tạng từ các tù nhân lương tâm là học viên Pháp Luân Công. Theo Hiệp hội Chăm sóc Ghép tạng Quốc tế của Đài Loan, có tới hơn 5.000 bác sỹ đã ký tuyên bố chung này.

Quốc hội bang Pennsylvania đã nhất trí thông qua một nghị quyết ngày 08 tháng 10 năm 2014 nhằm hối thúc cộng đồng y khoa giúp nâng cao nhận thức về hoạt động ghép tạng phi đạo đức tại Trung Quốc.

Trong giới y khoa đã có những tiến triển rõ rệt. Hạ viện của Ban Đại diện Hội Y Khoa bang Virginia đã thông qua một nghị quyết ngày 31 tháng 05 năm 2014 nhằm lên án hoạt động thu hoạch tạng tại Trung Quốc diễn ra có hệ thống và được hậu thuẫn bởi chính quyền nước này. Nhiều chuyên gia y tế và chuyên gia luật đã tìm hiểu hoạt động thu hoạch tạng do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn khi tham dự các hội nghị lớn về ghép tạng tại San Francisco, London, và Hague.

e0678241cb82356886c76d48edd1a8fc.jpg

Bảng thông tin “Nguồn tạng cho các ca cấy ghép tại Trung Quốc” của ông David Matas được quyết định chọn làm “Tài liệu Đặc biệt” mà ban tổ chức Hội nghị Ghép tạng Thế giới năm 2014 tại San Francisco yêu cầu các đại biểu tham dự ưu tiên đọc trong thời gian diễn ra hội nghị.

5. Trại lao động đóng cửa chuyển thành “hắc lao”

Khi ông Vương Trị Văn, một học viên Pháp Luân Công, được mãn hạn 15 năm tù vào ngày 18 tháng 10 năm 2014, thay vì thả ông về nhà thì chính quyền đưa thẳng ông đến trung tâm tẩy não.

Cũng như ông Vương, khi các trại lao động đóng cửa, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị chuyển sang “hắc lao” – một dạng trung tâm giam giữ ngoài pháp luật như trung tâm tẩy não và trung tâm cai nghiện ma túy.

Việc thay thế trại lao động bằng “hắc lao” cho thấy cuộc bức hại Pháp Luân Công không những vẫn tiếp diễn mà còn xuất hiện chính sách bức hại bí mật hơn, nghĩa là nếu một “hắc lao” nào đó có quá nhiều tai tiếng, nó sẽ bị đóng cửa để né tránh sự giám sát quốc tế, nhưng chẳng qua nó lại hoạt động tại một địa điểm khác dưới một cái tên khác.

Chẳng hạn, khi “Trung tâm Tẩy não Kiến Tam Giang” bị đưa lên các trang nhất trên thế giới hồi tháng 03, sau khi 11 học viên Pháp Luân Công và bốn luật sư nhân quyền bị bắt vì đòi thả các học viên bị giam giữ tại đây thì một tháng sau đó trung tâm tẩy não này bị đóng cửa. Song ngay sau đó, nó lại được mở ra dưới cái tên “Trung tâm Cai nghiện Ma túy Tề Tề Cáp Nhĩ” và vẫn sử dụng những nhân viên cũ để tiếp tục bức hại các học viên.

6. Các vụ bào chữa của các luật sư cho học viên Pháp Luân Công làm lộ rõ chính sách bức hại vi phạm hệ thống tư pháp của Trung Quốc

Trong vụ nhân quyền Hắc Long Giang thu hút dư luận quốc tế hồi tháng 03 năm 2014, bốn luật sư (Đường Cát Điền, Giang Thiên Dũng, Trương Tuấn Kiệt, và Vương Thành) đã bị bắt giữ cùng bảy học viên Pháp Luân Công vì đòi thả các học viên đang bị giam giữ tại Trung tâm Tẩy não Kiến Tam Giang có tên gọi chính thức là “Trung tâm Giáo dục Pháp lý Nông trường Kiến Tam Giang”.

Trong thời gian bị giam giữ, các luật sư đã bị đánh và tra tấn, bị treo lên và bị đấm đá vào ngực, đầu, lưng và chân. Ông Trương Tuấn Kiệt đã bị gãy ba xương lưng do bị đánh đập tàn nhẫn.

Bốn luật sư được thả vào ngày 06 tháng 04 vì chỉ trích của dư luận quốc tế. Bốn trong số bảy học viên vẫn bị giam giữ tại thời điểm lập báo cáo này. Thông tin mới nhất về vụ việc này là phiên tòa xét xử phi pháp ngày 17, 18 và 19 tháng 12.

Tám luật sư khác đại diện cho bốn học viên bị giam giữ hiện đang bị chính quyền Kiến Tam Giang sách nhiễu nghiêm trọng dưới hình thức liên tục thông báo thay đổi ngày xử án trong thời gian ngắn, bị đe dọa, bị kiểm tra tại nhiều điểm trên đường tới tòa xử án, bị tịch thu chứng minh thư và xe, bị các nhân viên chấp hành cấu véo trong suốt phiên tòa, và bị cảnh sát mặc thường phục theo dõi sau phiên xét xử.

Đe dọa thân nhân của các học viên về khả năng tước quyền đại diện pháp luật đã trở thành thông lệ phổ biến của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc. Chẳng hạn, khi gia đình của học viên Hàn Phúc, một nông dân 48 tuổi ở tỉnh Cát Lâm, đang tìm luật sư bào chữa cho ông Hàn, một cán bộ tòa án cảnh báo họ: “Chúng tôi sẽ không giảm thời hạn tù của ông Hàn ngay cả khi các vị có luật sư bào chữa. Thực ra, chúng tôi sẽ không cho các vị biết thời điểm tiến hành xét xử!”

7. Ngày càng nhiều người dân Trung Quốc ủng hộ các học viên

“Cuối cùng chúng tôi cũng hiểu ra ĐCSTQ đã tẩy não chúng tôi như thế nào trong hàng bao nhiêu thập kỷ. Sau khi biết toàn bộ sự thực, tôi đã nhận ra rằng Pháp Luân Công không hề như những gì ĐCSTQ tuyên truyền. ĐCSTQ chẳng qua không để người ta làm người tốt,” một cư dân Bắc Kinh nói khi ký đơn thỉnh nguyện ủng hộ các học viên.

Năm ngoái có 1,5 triệu chữ ký trình lên Liên Hợp Quốc nhằm lên án tội ác thu hoạch tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công. Trên tinh thần đó, năm nay cũng đã diễn ra một đợt thỉnh nguyện chữ ký tại Trung Quốc và nhanh chóng thu hút được hàng nghìn người ủng hộ.

78de6f53f977bc6e842245ba5d63e885.jpg

5.894 người Trung Quốc tại Hà Bắc và Thiên Tân ký đơn kiến nghị phản đối hoạt động thu hoạch tạng sống

Sau khi tìm hiểu Pháp Luân Công và cuộc bức hại, nhiều người tham gia bức hại cũng bày tỏ sự ủng hộ các học viên.

8. Các lãnh đạo ĐCSTQ bị người biểu tình ôn hòa theo sát bên ngoài Trung Quốc; các báo cáo cho thấy các nhà ngoại giao của ĐCSTQ chỉ huy bạo lực và phá đám

Hai nhà ngoại giao của ĐCSTQ đã bị bắt tại Argentinavà Cộng hòa Czech vì sử dụng lực lượng phá đám cuộc kháng nghị ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công tại địa phương trong các chuyến thăm của quan chức Trung Quốc vào mùa hè năm 2014.

e3a1a559d8f098fca1e22d8f7d9d28a2.jpg

Một nhà ngoại giao Trung Quốc bị bắt ngày 19 tháng 07 năm 2014 sau khi cố tình vượt qua băng chắn của cảnh sát để phá đám cuộc kháng nghị của Pháp Luân Công trong cuộc họp của ông Tập Cận Bình với Phó Tổng thống Argentina. Cảnh sát đã xác minh thẻ ngoại giao của người đàn ông này.

1f2941c1ff9539d702a9e8ba57e54ad8.jpg

Vị quan chức Trung Quốc ngồi bệt dưới đường bị cảnh sát Cộng hòa Czech bắt vào ngày 28 tháng 08 năm 2014. Thẻ tên của ông này (trong ảnh bị quay vào trong) cho thấy ông ta làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Prague.

11 công dân Châu Âu bị buộc rời khỏi thành phố Belgrade, Serbia, trước Hội nghị thượng đỉnh Đông và Trung Âu – Trung Quốc ngày 16-17 tháng 12. Họ bị giam giữ bên ngoài thành phố trong suốt hội nghị và bị trục xuất sang Bun-ga-ry, Slovakia và Phần Lan sau khi hội nghị kết thúc. Họ dự định mặc áo phông màu vàng trong hội nghị để kháng nghị khi các học viên địa phương bị từ chối cấp phép biểu tình mà không rõ lý do.

Đây là lời nhắc nhở thế giới rằng ĐCSTQ vẫn tiếp tục đưa bạo lực và đe dọa của nó sang phương Tây. Những hành động này bị lực lượng cảnh sát địa phương ở hầu hết các nước phản đối.

Khi “đội chào đón” do ĐCSTQ thuê tìm cách bao vây và thậm chí tấn công các học viên tại Brisbane và Canberra trong chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 của Tập Cận Bình, cảnh sát địa phương đã di rời họ, quăng cờ của họ đi và cấm họ đến gần người biểu tình Pháp Luân Công. Cảnh sát còn giúp các học viên giương cao biểu ngữ để đoàn hộ tống của Tập nhìn thấy.

Tại Auckland và Wellington, cảnh sát giúp các học viên tìm vị trí tốt nhất để trưng biểu ngữ. Khi “đội chào đón” tới, cảnh sát yêu cầu họ đứng ở bên kia đường. Bảy cảnh sát đã trực ở đó để bảo vệ các học viên Pháp Luân Công.

9. Pháp hội Chia sẻ Kinh nghiệm Tu luyện diễn ra khắp thế giới

Năm 2014 có năm hội nghị quốc tế quy mô lớn được tổ chức. Các học viên đã tinh tấn hơn nữa trong tu luyện cá nhân và giảng chân tướng. “Tu luyện như thuở đầu” là mục tiêu mà nhiều học viên hướng tới.

Ngày 13 tháng 05, nhân kỷ niệm 22 năm hồng truyền Pháp Luân Đại Pháp ra công chúng và sinh nhật lần thứ 63 của Sư phụ Lý Hồng Chí, hơn 7.000 học viên từ hơn 50 nước và 200 khu vực trên thế giới tới tham dự Pháp hội New York 2014 tại Trung tâm Barclay ở Brooklyn, New York. Sư phụ Lý Hồng Chí xuất hiện tại Pháp hội và giảng Pháp gần 1 giờ 40 phút cho các học viên.

1494d664a74d57457234a4dbe3721669.jpg

Pháp hội New York 2014, nơi các học viên chia sẻ kinh nghiệm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại Trung tâm Barclays tại Brooklyn, New York

Đây là lần đầu tiên Pháp hội được tổ chức vào ngày trong tuần. Pháp hội và các hoạt động khác được tổ chức tại các điểm công cộng suốt cả tuần lễ đã cho công chúng cơ hội chứng kiến sự nở rộ của Pháp Luân Đại Pháp tại Hoa Kỳ cũng như các nước trên thế giới, bất chấp cuộc bức hại tàn khốc vẫn đang tiếp diễn tại Trung Quốc.

aedc1e6e00fe77a768682fe4e0967ac6.jpg

Học viên từ mọi giai tầng xã hội và dân tộc luyện công tập thể tại Công viên Trung tâm vào sáng thứ Bảy ngày 10 tháng 05 năm 2014

Ngày 16 tháng 10 năm 2014, Pháp hội San Francisco được tổ chức tại Thính phòng Bill Graham tại khu trung tâm San Francisco. Sư phụ Lý Hồng Chí giảng Pháp cho 4.000 học viên trong khoảng hai giờ mười phút.

Từ ngày 08-16 tháng 11, Pháp hội trực tuyến Trung Quốc lần thứ 11 được tổ chức trên trang Minh Huệ. 54 bài chia sẻ đã được công bố. Các bài viết bày tỏ niềm vui chân thành của các học viên khi biết họ đã giúp những người bạn Trung Quốc của mình hiểu rõ cuộc bức hại, về vẻ đẹp của Pháp Luân Công, và trạng thái thoát khỏi sự kiểm soát tư tưởng của ĐCSTQ. Những kết quả này lớn hơn nhiều những rủi ro và khó nạn xảy ra trong quá trình phổ biến nhận thức về cuộc bức hại tại Trung Quốc.

Hai Pháp hội quy mô lớn khác được tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 05 tháng 10 và tại Đài Bắc, Đài Loan ngày 09 tháng 11. Học viên từ 35 nước Châu Âu tề tựu tại Tây Ban Nha và hơn 7.500 học viên đã hội tụ tại Đài Loan.

10. Người Trung Quốc Đại lục chờ đón Thần Vận

Khi Nghệ thuật Biểu diễn Thần Vận nổi tiếng trên thế giới bên ngoài là khôi phục văn hóa truyền thống Trung Hoa thì danh tiếng của nó cũng lan sâu vào Trung Quốc Đại lục, nơi đoàn nghệ thuật Thần Vận vẫn chưa tới biểu diễn trong các chuyến lưu diễn toàn cầu hàng năm.

Các thành phần xã hội tại Trung Quốc Đại lục, bao gồm các quan chức chính phủ, doanh nhân, nghệ sỹ, đã xem biểu diễn Thần Vận tại Hàn Quốc và Đài Loan – nhiều người đã xem qua đĩa DVD do các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc tặng. Cảm động bởi vẻ đẹp thuần khiết và năng lượng tích cực của màn biểu diễn, họ đã tận dụng cơ hội công tác và du lịch ngoài Trung Quốc để xem các buổi biểu diễn Thần Vận trực tiếp.

Ngoài ra, nhiều người cũng ra nước ngoài để xem Thần Vận, nhiều người Trung Quốc cũng nóng lòng mong nhận được đĩa DVD Thần Vận.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/12/29/147497.html

Đăng ngày 31-12-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share