[MINH HUỆ 01-04-2014] Cháu là tiểu đệ tử đắc Pháp vào mùa đông năm 2011.

Xem Thần Vận, vui mừng đắc Đại Pháp

Trước khi mẹ cháu đắc Pháp, toàn thân mẹ đầy bệnh tật. Mẹ đã đến tuổi mãn kinh nên tính tình hay nóng nảy, thường hay nổi giận với cháu. Lúc đó, cuộc sống của cả gia đình cháu rất vất vả. Vào một ngày mùa hè năm 2011, mẹ cháu đột nhiên mang về một cuốn “Chuyển Pháp Luân”, nói là có đồng nghiệp đưa cho. Từ nhỏ cháu đã rất thích đọc sách, nên cháu rất trân trọng cuốn sách này. Lúc đầu cháu đọc sách chỉ vì tính tò mò, sau khi xem xong toàn bộ quyển sách, cháu mới thực sự bị lôi cuốn. Mẹ nói với cháu rằng đây là Pháp Luân Công, mẹ phải tu luyện theo pháp môn này.

Trong lòng cháu lúc đó cảm thấy rất mâu thuẫn: một mặt cảm thấy những điều giảng trong sách quả là rất có đạo lý, nội dung cuốn sách đã dạy cháu nhiều điều hơn bất cứ cuốn sách giáo khoa nào; mặt khác vì các sách giáo khoa ở trường học đều tuyên truyền rằng Đại Pháp là không tốt, nên lúc đó cháu cũng không biết như thế nào là đúng. Kể từ ngày hôm đó mẹ cháu chính thức tu luyện Đại Pháp, bà ngoại cháu cũng theo đó mà bước vào tu luyện. Mẹ mang về đĩa hướng dẫn luyện công và một vài quyển kinh văn của Sư phụ, cả sách và đĩa cháu đều xem hết. Mẹ cháu luôn cố gắng khuyên cháu tu luyện. Nhưng cháu khi đó mới 13 tuổi, vẫn còn khá mơ hồ về khái niệm tu luyện là gì, cháu tưởng rằng chỉ có người lớn mới có thể tu luyện, còn trẻ con thì không có liên quan gì. Mà cháu cũng cảm thấy tu luyện quá vất vả, lại còn có tâm thích giữ thể diện nữa, thấy mắc cỡ khi tập các động tác luyện công. Cho nên suốt nửa năm mà cháu vẫn chưa bước vào tu luyện.

Cho đến một ngày mùa đông năm 2011, mẹ cháu mang về đĩa dạ hội Thần Vận. Cháu cùng mẹ và bà ngoại ngồi quanh máy tính để xem đĩa. Trong khi xem Thần Vận, cháu được đắm chìm trong một cảm giác mỹ lệ tuyệt vời, tấm phông nền trên sân khấu giống như chốn thần tiên, những vũ đạo say đắm lòng người, những giai điệu âm nhạc êm ái, tất cả đều khiến cháu chấn động. Cảm xúc của cháu không thể diễn tả thành lời, lúc đó trong đầu cháu chỉ có một niệm, đó là phải cùng tu luyện với bà và mẹ. Vậy là cháu cũng đã bước vào Đại Pháp, trở thành đồng tu của bà và mẹ. Năm 2011 là một năm trọng đại đối với cả gia đình cháu, bởi vì trong năm đó cả nhà cháu đã có ba người trở thành đệ tử Đại Pháp, bố cháu là người thường nhưng cũng rất ủng hộ Đại Pháp. Từ đó trở đi, gia đình cháu đã xảy ra rất nhiều sự thay đổi lớn lao. Mẹ cháu và bà ngoại vốn là những người nóng tính nhưng họ đã trở nên hiền hòa, tất cả các lọ thuốc trong nhà đều bị vứt đi, cả gia đình cháu sống hòa thuận.

Giữ “Chân Thiện Nhẫn” trong tâm, dùng từ bi để đối đãi với mọi người

Sau khi hạ quyết tâm tu luyện, cháu hàng ngày cùng bà và mẹ học Pháp, luyện công, cảm thấy được đắm chìm trong sự tốt đẹp của Đại Pháp. Kỳ nghỉ đông kết thúc, cháu trở lại trường học, mẹ nhắc nhở cháu rằng: “Con nhất định phải ghi nhớ rằng bản thân là một người tu luyện, không thể giống như người thường được”. Cháu ghi nhớ lời dặn của mẹ. Ở trường học cháu đối xử rất tốt với các bạn, buổi trưa nhà trường phát hoa quả cho học sinh, cháu chờ cho các bạn học tranh giành lấy hoa quả xong, cháu mới là người cuối cùng đi lấy. Có hôm cũng chẳng còn quả nào, bởi vì có một số bạn lấy nhiều hơn một phần, nhưng cháu cũng không quan tâm.

Vào học được một thời gian, thầy giáo chuyển bạn A – một bạn nghịch ngợm nhất, không nghe lời nhất đến tổ của cháu. Cháu là tổ trưởng nhưng lúc đó cũng không nghĩ nhiều, chỉ cho rằng mình thật không may. Bạn A ở tổ của cháu không bao lâu sau thì bắt đầu gây chuyện với cháu, trong giờ học cậu ấy khiến cháu không thể tập trung nghe giảng, tan học lại thường quấy rầy cháu. Khi cháu tức tối phê bình cậu ấy, cậu ấy lại còn hung hăng hơn, quay lại mắng cháu. Lúc đó cháu vẫn chưa ngộ ra rằng chính những lời phê bình không thiện chí của mình đã khiến cậu ấy càng thêm hung tợn. Một tháng sau, cháu thực sự chịu không nổi nên đến xin cô giáo cho chuyển chỗ. Cô giáo cũng hết cách với bạn A, nhưng dù thế nào cũng không đồng ý cho chuyển chỗ. Cháu cảm thấy rất uất ức, mà cũng thấy bản thân thật vô dụng. Từ nhỏ cháu đã là một cô bé tính cách rất mềm yếu, theo cách nói của người thường thì là “nhu nhược”. Cháu nghĩ chắc cô giáo cho rằng cháu là một tổ trưởng dễ bị bắt nạn nhất so với các tổ trưởng khác, không biết phản kháng, cho nên mới đưa một nhân vật phiền toái như vậy đến tổ của cháu.

Thời gian đó cháu cảm thấy rất buồn phiền, thường đứng trước ảnh của Sư phụ mà khóc. Sau khi biết chuyện, mẹ liền nói với cháu: “Đây là Sư phụ đang khảo nghiệm con, khi sự việc xảy ra con có nghĩ rằng mình là một người tu luyện không? Đã làm được “Nhẫn” chưa?” Đúng rồi, sao cháu lại không ngộ ra được nhỉ? Sao cháu lại không nghĩ ra câu nói của Sư phụ “Nan nhẫn năng nhẫn, nan hành năng hành” (Chuyển Pháp Luân) nhỉ? Trong lòng cháu lúc đó như được gỡ xuống một tảng đá, thật nhẹ nhõm.

Từ đó cháu không yêu cầu cô giáo đổi chỗ nữa. Cháu cũng khắc ghi trong lòng ba chữ “Chân Thiện Nhẫn”, mọi thời khắc đều nhớ mình là một người tu luyện. Dần dần cháu cảm thấy bạn A đã thuần tính hơn nhiều, mặc dù cậu ấy cứ tan học là lại trêu chọc các bạn khác, nhưng cũng không quấy rối việc cháu học tập nữa. Thậm chí có lúc cháu còn cảm thấy cậu ấy thật đáng thương, cháu bắt đầu kèm thêm cho cậu ấy bài tập về nhà, đồng thời cũng giúp cho các bạn khác trong tổ bớt thiên kiến về cậu ấy. Cháu hiểu rằng làm một người tu luyện, một người đi trên con đường thành thần, thì nên giữ “Chân Thiện Nhẫn” trong tâm, đối đãi với người khác bằng sự từ bi.

Cần chính niệm, không cần nhân tâm

Kỳ hai của năm học mới bắt đầu chưa lâu, giáo viên chủ nhiệm lớp thông báo sắp có một nhóm học sinh được vào đoàn, mỗi lớp ưu tiên hai cán bộ lớp có thành tích học tập ưu tú nhất. Lúc đó cháu đã hiểu chân tướng, biết rõ bộ mặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tránh xa nó còn không kịp huống chi là lại gia nhập nó? Vì thành tích học tập của cháu đứng thứ 3, thứ 4 trong lớp, nên cháu nghĩ dù sao cũng không liên quan đến mình. Không ngờ một tháng sau, thành tích của cháu lại đứng thứ 2 trong lớp, như vậy danh sách vào đoàn có thể là cháu và lớp trưởng. Cháu rất lo lắng, trong lòng nghĩ: “Cái thứ này ai cần thì đến mà lấy, mình không cần cái thứ đáng sợ này.”

Nhưng lại có một vấn đề nảy sinh, nếu không vào đoàn thì phải viết đơn giải thích lý do, cháu có thể giải thích thế nào với giáo viên chủ nhiệm đây? Cô giáo là người rất nghiêm khắc, lời nói có phần cay nghiệt, cháu đã tưởng tượng ra rất nhiều lần, nếu cháu nói với cô giáo rằng cháu không vào đoàn, cô sẽ xử trí thế nào, cô có chỉ trích cháu trước cả lớp không? Mấy hôm đó cháu rất lo lắng, cô giáo yêu cầu viết đơn gia nhập đoàn, cháu không có ý định vào đoàn thì tất nhiên sẽ không viết thứ đó, nhưng cháu lại chưa dám giải thích với cô chủ nhiệm. Lớp trưởng hỏi cháu là có chuyện gì, cháu cũng không nói, chỉ tìm cách trì hoãn. Đúng lúc cháu đang lo lắng nhất thì cô chủ nhiệm lại thường xuyên đến thăm lớp, thêm thắt rằng nào là nếu không vào đoàn, không vào đảng thì sau này sẽ ra sao, nào là sẽ bị cả xã hội đào thải. Cháu không nghe, trong tâm liên tục niệm câu thơ của Sư phụ “Kiên tu Đại Pháp tâm bất động; Đề cao tầng thứ thị căn bản; Khảo nghiệm diện tiền kiến chân tính; Công thành viên mãn Phật Đạo Thần” (Kiến chân tínhTinh Tấn Yếu Chỉ 2), và phát chính niệm thanh trừ đám hắc thủ lạn quỷ, tà linh ở đằng sau cô giáo. Cháu biết rằng đây là một lần khảo nghiệm đối với mình, nhưng tâm sợ hãi mạnh mẽ khiến cháu không cách nào tỉnh ngộ. Thậm chí cháu còn nghĩ cứ vào đoàn đã, sau đó lại thoái ra. Sau đó tĩnh tâm học Pháp, cháu mới hiểu ra rằng đây là một suy nghĩ rất không nên, làm như vậy sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình tu luyện của cháu.

Vào hai ngày nghỉ cuối tuần, tinh thần cháu cũng nhẹ nhõm đôi chút. Cháu dành rất nhiều thời gian tĩnh tâm nghe băng ghi âm Sư phụ giảng Pháp, đọc Chuyển Pháp Luân. Dần dần cháu cảm thấy thực ra không có gì phải sợ. Đến lúc nhà trường tổ chức đại hội dự bị gia nhập đoàn, cháu vẫn chưa viết lý do không vào đoàn, nên đành phải đi cùng lớp trưởng. Cháu không muốn nghe cô giáo nói về nó. Do vậy cháu vừa phát chính niệm, vừa giảng chân tướng cho lớp trưởng. Cuối cùng, cháu đã làm thay đổi những ấn tượng không tốt của bạn ấy về Đại Pháp.

Tối hôm đó, cháu cảm thấy sự việc này nên đến hồi kết thúc rồi. Cháu vừa niệm Pháp của Sư phụ: “Nhĩ hữu phạ — Tha tựu trảo; Niệm nhất chính — Ác tựu khoa” (Phạ xáHồng ngâm 2), vừa viết cho cô giáo một mảnh giấy, nói rằng cả gia đình cháu đều không tham gia bất cứ tổ chức chính trị nào kiểu như vây. Ngày hôm sau, cháu không chút sợ hãi đưa mảnh giấy cho cô giáo. Không ngờ cô giáo rất thoải mái vui vẻ trả lời “Đồng ý”, còn trách cháu tại sao không muốn vào đoàn mà không nói sớm. Cháu đột nhiên nhận ra rằng, hóa ra sự việc này giải quyết thật đơn giản như vậy, thật đúng như Sư phụ giảng: “Thiên địa nan trở Chính Pháp lộ; Chỉ thị đệ tử nhân tâm lan” (Ma phiềnHồng ngâm 3)

Tu luyện đã hơn hai năm nhưng cháu vẫn chưa thành thục, đôi lúc cháu thường nghĩ, nếu cháu sinh ra sớm hơn một chút, đắc Pháp sớm hơn một chút thì tốt quá. Nhưng cháu cũng biết rằng đắc Pháp vào thời gian này chính là sự lựa chọn của cháu. Cháu tin rằng dù là đắc Pháp sớm hay muộn, chỉ cần có thể luôn luôn tu luyện như thuở ban đầu thì đều là tốt nhất, cũng là điều Sư phụ mong mỏi nhất, cho nên cháu phải dũng mãnh tinh tấn, sau khi viên mãn được cùng Sư phụ trở về nhà.

Trên đây chỉ là thể ngộ của cá nhân cháu, mong các đồng tu từ bi chỉ ra những điều chưa đúng. Con xin hợp thập trước Sư phụ từ bi vĩ đại. Con xin cảm tạ Sư phụ, cảm ơn các đồng tu.


Bản tiếng Hán:  https://www.minghui.org/mh/articles/2014/4/1/小弟子-“我不入团”-289374.html

Bản dịch tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/5/5/469.html

Đăng ngày 06-07-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share