Bài viết của Hà Vũ, một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 24-04-2014] Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công tại Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 04 năm 1999 là khởi đầu cho 15 năm phản kháng bất bạo động đối với cuộc đàn áp tàn bạo một nhóm người tuân theo các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt cho những người tham dự cùng các nhân chứng và cũng tạo ra ảnh hưởng lâu dài với phần còn lại của thế giới.

Sợ hãi dẫn đến đàn áp

Trái với hiểu biết thông thường, cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 04 không châm ngòi cho cuộc đàn áp toàn diện đối với Pháp Luân Công. Thay vào đó, cuộc đàn áp là kết quả tất yếu xuất phát từ việc bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mâu thuẫn với các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công.

Ông Trọng Duy Quang – một học giả Trung Quốc và là một nhà văn sống ở Đức – đã bắt đầu nghiên cứu về Pháp Luân Công sau cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 04. Ông đã đọc tin tức về sự kiện này lần đầu tiên trên các tờ báo tại Đức.

Ông Trọng Duy Quang đã rất ấn tượng với thực tế là hơn 10.000 đồng bào Trung Quốc của ông đã vượt qua nỗi sợ hãi chế độ tồn tại phổ biến trong xã hội và tới khu phức hợp chính quyền trung ương tại Trung Nam Hải để kêu gọi khôi phục quyền tự do tín ngưỡng và tu luyện. Ông đã phát hiện điều này còn đáng chú ý hơn ở chỗ nó đưa ra liên hệ đến vụ Thảm sát Thiên An Môn kinh hoàng vào năm 1989.

Ông Trọng Duy Quang nhận xét: “Qua vài thập kỷ, ĐCSTQ đã không chỉ làm đảo lộn hoàn toàn truyền thống Trung Hoa lâu đời mà còn phá hủy nó nhiều lần nhằm gia tăng hậu quả. Trong bối cảnh đó, Pháp Luân Công đã xuất hiện! Tôi đã thấy sửng sốt, ngạc nhiên nhưng không bối rối. Nhiều Hoa kiều không biết được sức mạnh của các học viên Pháp Luân Công đến từ đâu. Khi ấy tôi đã không biết rằng giáo lý cốt lõi của Pháp Luân Công là sự nhấn mạnh vào Chân-Thiện-Nhẫn. Sau đó tôi đã nhận ra rằng sự kháng nghị ôn hòa và có lý trí như vậy không thể đạt được nếu như đức tin này không khắc sâu trong tâm trí họ.”

Các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa và có trật tự tại Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 04 năm 1999 để kiến nghị chính phủ khôi phục lại quyền được tu luyện của họ.

Ông Trọng Duy Quang nói thêm: “Pháp Luân Công có lợi ích cho bất kỳ xã hội nào. Nó không theo đuổi chính trị hay yêu cầu bất kể hình thức cụ thể nào trong xã hội. Tại sao ĐCSTQ phải tiến hành cuộc đàn áp? Đó là vì ĐCSTQ tồn tại dựa trên dối trá và quyền lực. Trái lại, Pháp Luân Công nhấn mạnh vào Chân-Thiện-Nhẫn. Thiện và Nhẫn về bản chất là đối lập với bạo lực. Sự tồn tại của Pháp Luân Công thách thức hai nguyên tắc cốt lõi trên của ĐCSTQ. Pháp Luân Công phấn đấu cho một nền tảng đạo đức cao hơn, điều đó đương nhiên không được ĐCSTQ dung thứ.”

Cuộc thỉnh nguyện hòa bình “chỉ là một phản ứng tự nhiên”

Ông Thạch Thải Đông từng là một nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học Trung Quốc vào năm 1999. Ông là một trong ba người đại diện cho Pháp Luân Công được đưa vào bên trong khu phức hợp Trung Nam Hải khi mà thủ tướng Trung Quốc – Chu Dung Cơ mời họ cùng ngồi thảo luận về lý do của việc tụ tập. Ông Thạch Thải Đông hiện đang sống tại New York.

Ông nói: “Tóm lại, chúng tôi đã chuẩn bị ba yêu cầu: Thả những học viên đã bị bắt giữ tại Thiên Tân, có một môi trường tu luyện hợp pháp và hủy bỏ lệnh cấm các sách Pháp Luân Công.”

Nhìn lại các sự kiện ngày 25 tháng 04 năm 1999, ông Thạch Thải Đông đã phát biểu từ tốn: “Khi một người thực sự hiểu rõ chân lý và có khả năng phân biệt đúng sai, thiện ác thì sự lựa chọn của người ấy sẽ không thay đổi dưới áp lực hay lợi ích cá nhân. Nếu chúng ta có thể quay lại thời điểm đó, tôi sẽ vẫn bước ra duy hộ chân lý và đấu tranh cho quyền lợi trở thành người tốt của tất cả mọi người.”

Khi được hỏi tại sao Pháp Luân Công đã thu hút được rất nhiều người có học vấn cao, ông Thạch Thải Đông nói lên suy nghĩ rằng bên cạnh bản tính thiện lương và lòng hướng về Chân-Thiện-Nhẫn của mọi người thì nguyên do sâu xa hơn là Pháp Luân Công cho thấy các chân lý của vũ trụ: “Tôi được sinh ra với mong muốn bẩm sinh là tìm kiếm chân lý. Tôi đã muốn biết như thế nào và tại sao nhưng có quá nhiều ẩn đố mà tôi không thể tìm thấy câu trả lời. Pháp Luân Công đã giải đáp tất cả câu hỏi của tôi về nhân sinh và vũ trụ. Sau khi nhận ra chân lý, tâm tôi trở nên thanh thản, bình yên và vui mừng.

Vào ngày 25 tháng 04 năm 1999, tôi đã không nghĩ rằng mình đang lựa chọn. Dưới hoàn cảnh mà sự thật bị bóp méo và chân lý bị phỉ báng, cuộc thỉnh nguyện chỉ là một phản ứng tự nhiên.”

Bước ngoặt lớn đối với một số học viên

Bà Ngô Diễm Hà, cựu giảng viên ưu tú tại Trường Xây dựng thành phố Thiên Tân đã không tham gia vào cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 04. Tuy nhiên, sự kiện này đã nhắc nhở bà có một cái nhìn mới về con đường tu luyện của bản thân.

“Lúc đó, tôi đã tu luyện hơn hai năm. Tuy nhiên, tôi đã làm đảng viên 26 năm và bị tẩy não nặng nề. Mặc dù bản thân biết rằng ngược đãi Pháp Luân Công là sai lầm, nhưng sự giáo dục của ĐSCTQ về việc ‘phù hợp với đường lối của Đảng’ đã như một sự kiềm chế đè nén tôi. Ai dám chống lại tất cả những “cuộc đấu tranh” mà ĐCSTQ thực thi trong thời gian cai trị của nó? Tất cả chúng ta đều đã lo sợ bị liên lụy. Tôi cũng ấn tượng rằng có nhiều người như vậy đã dám đứng ra và tạo nên một lập trường.

Bà nói thêm: “Dù bản thân không tới Bắc Kinh vào ngày 25 tháng 04 năm 1999 nhưng sự kiện này đã truyền cảm hứng cho tôi và giúp tôi thoát khỏi xiềng xích tinh thần của ĐCSTQ. Như vậy tôi đã có năng lực duy hộ Chân-Thiện-Nhẫn bằng nhân phẩm của mình.”

Bà Kim Tú Lan, người cũng đến từ Thiên Tân và đã tham gia vào cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 04, chia sẻ rằng có một cảnh sát đã nói với bà ấy một vài lần sau sự kiện này: “Các vị [các học viên Pháp Luân Công] đã xuất hiện từ nơi nào đó và giải tán trong một thời gian ngắn. Ngay cả quân đội cũng sẽ không thể có kỷ luật như các vị. Chúng tôi đã trông thấy các vị tốt như thế nào. Khi lịch sử lật sang một trang mới, tôi cũng sẽ tu luyện. Ngày 25 tháng 04 sẽ có được một vị trí quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.”

Vào ngày 25 tháng 04 năm 1999, bà Lucy Zhou sống tại Ottawa, Canada. Bà cùng chồng mình khi nghe tin tức về cuộc thỉnh nguyện ôn hòa đã ngay lập tức viết một lá thư cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada. Họ đã tận tâm nói rõ sự thật về Pháp Luân Công và cuộc đàn áp kể từ đó.

Trước ngày hôm đó, họ đã không bao giờ nghĩ rằng bản thân sẽ trở thành mục tiêu bức hại vì niềm tin của mình. Bà đã chia sẻ: “Tôi phải sống có đạo lý. Không có sự công bằng trong xã hội. Sự kiện ngày 25 tháng 04 đã giúp [tâm tính] tôi thăng hoa xuất phát từ một quan điểm đạo đức. Tôi đã thoát khỏi sự ích kỷ cá nhân để trở thành một người vị tha, sẵn sàng hi sinh bản thân vì người khác và vì lợi ích chung. Thật kỳ diệu làm sao?”

Sự bền bỉ của các học viên truyền cảm hứng cho xã hội Trung Quốc

Nhiều người có thể nghĩ rằng Chân-Thiện-Nhẫn chỉ là một khẩu hiệu. Ai có thể thực sự giữ vững những nguyên lý này khi đối mặt với mối đe dọa rất thực tế từ việc chịu giam cầm, bị cưỡng bức lao động hay thậm chí là cái chết? Tuy nhiên, sự phản kháng ôn hòa kéo dài 15 năm của các học viên Pháp Luân Công đã cho thấy nó có thể và đã làm được.

Ông Trọng Duy Quang đã nói: “Chân-Thiện-Nhẫn là giá trị cốt lõi của các học viên Pháp Luân Công. Tôi đã quan sát họ trong một thời gian dài. Sự phản kháng ôn hoà của họ đã không tàn lụi mà vẫn đang phát triển. Tôi có thể thấy thêm nhiều tác động tích cực của Chân-Thiện-Nhẫn và làm thế nào mà nó có thể thay đổi một cá nhân về cơ bản.”

Ông đã kết luận: “Người dân Trung Quốc đương đại đã bị mất đi cội nguồn của họ. Đạo đức đang tụt dốc nhanh chóng, đặc biệt là trong nửa thế kỷ gần đây. Khi đối mặt với cuộc đàn áp tàn bạo, với sự lừa dối của ĐCSTQ, sự hiểu lầm và xuyên tạc, Pháp Luân Công đã không sụp đổ mà còn truyền rộng khắp thế giới. Các học viên đã đệ đơn kiện đối với thủ phạm chính của cuộc đàn áp. Họ đã cho phép người dân Trung Quốc đạt được sự độc lập về tâm hồn bằng việc thoái xuất ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó, dựa trên nguồn cảm hứng lấy từ Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản. Đây là một ví dụ điển hình của chính nghĩa!”

Video: Sự phản kháng đã làm thay đổi Trung Quốc – một thước phim tư liệu dài 21 phút

Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 04 năm 1999 – thảo luận về chủ đề này dưới nhiều góc độ

Sự kiện ngày 25 tháng 04 – bao quát các sự kiện ghi nhớ ngày kỷ niệm 25 tháng 04


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/4/24/四·二五上访-争取做好人的权利-290460.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/4/25/341.html

Đăng ngày 02-05-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share