Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-03-2014] Khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, tôi chỉ mới hai mươi tuổi. Mặc dù tôi rất chăm chỉ học thuộc và nhẩm các sách Đại Pháp, nhưng tôi vẫn chưa có nhận thức lý trí về Pháp. Do nhiều chấp trước và cám dỗ của xã hội người thường, tôi đã nghĩ rằng mình nên hưởng thụ cuộc sống một chút khi vẫn còn trẻ. Sau sáu tháng đấu tranh trong tâm, tôi đã từ bỏ tu luyện vào tháng 08 năm 1997.

10 năm sau, tôi đi thăm một người họ hàng đã bị bức hại vì lòng tin của mình vào Đại Pháp và vừa trở về từ trại cưỡng bức lao động. Những ký ức của tôi như quay về và Phật tính tiên thiên của mình lại trỗi dậy. Nước mắt chảy dài trên mặt, tôi mở các sách Đại Pháp đã được cất giữ cả một thập kỷ và quay lại với tu luyện.

Loại bỏ can nhiễu từ vợ mình

Ngay khi tôi quay lại tu luyện, vợ tôi không thể ngủ vào ban đêm. Cô ấy khóc, cãi nhau với tôi, và còn đe dọa đòi ly dị. Cô ấy nằm mơ thấy mình không thể sống sót nếu tôi vẫn tiếp tục tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi nhận ra từ việc học Pháp rằng tà ác đang lợi dụng vợ tôi để can nhiễu tôi, cố gắng cản trở tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi vẫn quyết tâm giữ chính niệm và kiên định vào niềm tin của mình.

Tôi luôn trả lời “Đúng vậy” mỗi khi vợ tôi hỏi có phải tôi vẫn muốn tiếp tục tu luyện Pháp Luân Đại Pháp không. Tôi tin rằng câu trả lời kiên quyết của mình sẽ giúp thanh trừ tà ác đằng sau đang khống chế cô ấy hỏi tôi như vậy. Khi tâm trí cô ấy rõ ràng rồi thì tôi nhân cơ hội đó nói cho cô biết những sự thật về Pháp Luân Đại Pháp. Tôi nói cho cô ấy nghe về sự vĩ đại của Đại Pháp và cuộc bức hại. Sáu tháng sau, tình huống bắt đầu cải thiện.

Tuy nhiên, vợ tôi lại nổi giận khi tôi mang một chiếc máy in vừa mua về nhà dùng cho việc in tài liệu giảng chân tướng. Cô ấy quăng chiếc máy xuống sàn nhà và dẫm lên nó. Tôi không hề buồn bực gì với cô ấy mà chỉ lặng lẽ để chiếc máy in lại chỗ cũ và lau sạch mực in đổ trên sàn. Thật ngạc nhiên, máy in vẫn hoạt động bình thường. Vợ tôi ngồi trên giường và gần như sụp đổ. Tôi nhận ra rằng, nhờ chính niệm của mình, Sư phụ đã thanh trừ tà ác đằng sau vợ tôi và loại bỏ rào cản lớn trong con đường tu luyện của tôi.

Vợ tôi giờ đây đã chấp nhận Đại Pháp, và cô đã đọc Chuyển Pháp Luân với tôi được hai lần. Khi được nghỉ việc, cô chăm sóc máy in cả ngày. Cô tình nguyện giúp tôi bỏ giấy vào máy in để nó có thể chạy liên tục, vì tôi thường khởi động máy trước khi đi làm. Cô ấy cũng giúp tôi sắp xếp và kẹp các tờ rơi. Gần đây, cô còn vui vẻ làm các bùa hộ mệnh giảng chân tướng. Cô nghĩ rằng các bùa hộ mệnh cô làm trông rất đẹp và người ta sẽ nhận nó ngay.

Môi trường gia đình trở nên tích cực

Cũng như vợ tôi, cha mẹ tôi và cha mẹ vợ đã từng phản đối việc tu luyện của tôi. Họ cũng trở nên tích cực và ủng hộ hơn sau khi nhìn thấy những thay đổi của vợ tôi. Họ đã đọc sách Chuyển Pháp Luân và xem các video bài giảng Pháp của Sư phụ. Đứa con trai sáu tuổi của tôi cũng chấp nhận Đại Pháp mà không có chút do dự nào. Khi con trai tôi bắt đầu biết nói, tôi đã dạy nó nói “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân – Thiện – Nhẫn hảo”.

Vào một buổi tối mùa đông, con trai tôi đột nhiên bị mắc kẹo trong cổ họng. Mọi người trong gia đình đều lo lắng vội dốc ngược người nó xuống và đập vào lưng để tìm cách lấy viên kẹo ra. Nhưng viên kẹo vẫn mắc trong đó, mặt nó chuyển sang màu đỏ. Nó thở gấp, nhưng vẫn cố gắng la lên: “Sư phụ ơi, cứu con”. Đột nhiên, viên kẹo biến mất khỏi cổ họng nó và mọi thứ trở lại bình thường. Cả gia đình tôi đều khóc và vô cùng biết ơn Sư phụ vì sự từ bi và độ lượng của Ngài.

Đa tạ Sư phụ đã cho con một môi trường gia đình thật tốt!

Công tác hỗ trợ kỹ thuật

Một điểm in ấn tài liệu được mở ra trong khu vực của tôi vào năm 2008 để in các sách Đại Pháp phục vụ nhu cầu cho các học viên trong vùng. Vì tôi khá trẻ và có chút hiểu biết kỹ thuật về máy tính, nên người phụ trách đã nhờ tôi làm công tác hỗ trợ kỹ thuật cho trung tâm. Lúc đó, tôi đang cố gắng hồi phục những tổn thất suốt 10 năm qua vì đã không tu luyện, và để theo kịp tiến trình Chính Pháp.

Tôi đã xem đó như một cơ hội để đề cao nhanh chóng và trở thành “đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp”. Tôi nghĩ: ”In ấn các sách Đại Pháp thật là một việc vĩ đại. Đây không phải là cơ hội rất tốt để thiết lập uy đức cho mình sao?” Tôi đã ích kỷ và thật sự không có trách nhiệm với Đại Pháp. Tôi dùng Đại Pháp nhằm để đạt được mục tiêu cá nhân.

Tôi đã không nhận ra rằng mình đã sai, và đã rớt lại phía sau trong việc học Pháp. Tôi chỉ thích làm cho xong việc, như Sư phụ đã giảng:

“…rất nhiều người nghĩ vấn đề, xét vấn đề, xử lý vấn đề đều là dùng nhân tâm mà làm, tu luyện không lên theo kịp.” (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp – Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị Washington DC 2011)

“…Làm một lô các việc xong rồi, quay đầu lại nhìn một cái, [chư vị có thể thấy] đều là dùng nhân tâm mà làm. Con người làm việc con người, mà lại không dùng chính niệm, không có uy đức của đệ tử Đại Pháp ở trong đó. Nói cách khác, trong con mắt của chư Thần, đó đều là những việc hồ lộng cho qua mà thôi, chứ không là uy đức, cũng không là tu luyện, đành rằng là đã làm rồi. Chư vị nói xem đó chẳng phải làm mà phí công sao? (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp – Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị Washington DC 2011)

Khi chiếc máy in có gì đó không ổn, các đồng tu đều hướng nội và phát chính niệm để thanh trừ can nhiễu. Mặc dù tôi đã phát chính niệm với những người khác, tôi cũng vẫn nghĩ chỉ có sửa chữa cái máy mới khắc phục được vấn đề. Tôi đã không nhìn chiếc máy in như một Pháp khí, nhưng thực sự, nếu một học viên vận hành máy mà tu luyện không tốt, ắt sẽ có can nhiễu.

Có trách nhiệm và đề cao bản thân

Kể từ khi người phụ trách bị bắt vào năm 2009 và một học viên khác đảm nhiệm việc in sách Đại Pháp cũng bị bắt vào năm 2010, tôi đã lãnh trách nhiệm in sách, còn hai học viên lớn tuổi khác thì vẫn tiếp tục đóng sách và làm bìa. Vì tôi không bận rộn lắm với công việc, nên tôi làm ở xưởng in gần như cả buổi chiều.

Tôi cảm thấy rất tốt trong những ngày đầu, nhưng bắt đầu nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi vì cứ phải bận rộn mà công việc thì đơn giản và cứ lặp lại. Đôi khi tôi cảm thấy mình cô đơn và vô dụng đến mức muốn dừng lại. Tôi đã phải khắc phục các vấn đề một mình và lo tất cả các quy trình, bao gồm cả việc mua các vật liệu, xử lý sự cố, in ấn, cắt xén, xếp hàng và giao hàng. Tôi không có thời gian để buông lơi.

Bởi vì tôi đã bận rộn với việc in ấn và không học Pháp tốt, nên rất khó để tiếp tục. Tôi thậm chí còn phàn nàn: “Sao tôi bận rộn quá vậy? Tại sao hai người học viên kia thì chỉ làm chút ít và chậm chạp như vậy?” Tuy nhiên, tôi đã ngộ ra khi đọc một bài chia sẻ trên Tuần báo Minh Huệ. Một học viên đã học Pháp mỗi ngày dù anh ta có bận rộn đến đâu, kể cả không ngủ. Tôi bất chợt nhận ra mình đã lệch khỏi Pháp và cần học Pháp tinh tấn hơn.

Tôi bắt đầu học Pháp ít nhất một bài một ngày. Sau một thời gian, tôi đã nhìn nhận lại vấn đề trên khía cạnh khác. Hai học viên kia đã rất cố gắng để hỗ trợ điểm in ấn. Mặc dù họ còn phải chăm sóc các cháu của họ và làm việc ngoài đồng, họ vẫn đến giúp lúc 7 giờ sáng vào những ngày được xếp lịch (dù phải đi hết khoảng một tiếng để tới nơi) bất kể thời tiết ra sao. Công việc của họ tẻ nhạt, nhưng trước đây tôi lại hay phàn nàn họ.

Khi vợ tôi được nghỉ, tôi thậm chí còn không đến xưởng in và thay đổi lịch để ở nhà với vợ. Hai người học viên kia vẫn không bao giờ phàn nàn về tôi. Thay vào đó, họ còn cố gắng đáp ứng yêu cầu của tôi. Khi hướng nội, tôi nhận ra sự vị kỷ của mình, và tôi đã không còn thấy cô đơn hay không vui nữa.

Khi tâm tôi không thuần khiết thì ắt sẽ có gì đó bất thường xảy ra. Khi làm việc với hai người học viên lớn tuổi kia, tôi thường trông đợi mọi thứ hoàn thành càng sớm càng tốt. Một ngày nọ, máy in có dấu hiệu bị kẹt giấy. Tôi cảm thấy bối rối vì khi kiểm tra, tôi không hề thấy giấy bị kẹt trong đó. Tôi đã mất hơn bốn tiếng đồng hồ để tìm cách sửa chiếc máy, đột nhiên nó lại hoạt động vào buổi chiều hôm đó.

Tôi chợt nhận ra tâm thái của tôi ngày hôm đó không phải là của đệ tử Đại Pháp chân chính. Tôi cảm thấy lười biếng khi thức dậy vào buổi sáng. Tôi cứ nghĩ đến việc tới điểm in ấn, rồi sẽ học Pháp được bao nhiêu, khi nào làm việc, lúc nào sẽ nghỉ trưa, và khi nào thì về nhà. Việc in sách Đại Pháp là một công việc thiêng liêng, nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ đến bản thân mình.

Tôi hối hận vì đã hao phí quá nhiều thời gian. Thêm nữa, tôi cũng nhận thấy mình thật vị kỷ và không xem điểm in ấn là một chỉnh thể và tôi là một phần của chỉnh thể đó. Thật sự thì mỗi học viên đều là một phần của điểm in ấn và phải xem đó là trách nhiệm của mình. Nếu một cá nhân không làm tốt, điểm in ấn sẽ không thống nhất và cựu thế lực sẽ lợi dụng để can nhiễu.

Lời kết

Cảm tạ Sư phụ đã cho con cơ hội nhận ra chấp trước căn bản của mình là sự vị kỷ. Bởi khi vị kỷ, chúng ta sẽ không thể chứng thực Pháp trên khía cạnh của Pháp và có trách nhiệm cứu độ chúng sinh.

Tôi đã loại bỏ rất nhiều chấp trước trong quá trình tham gia in sách Đại Pháp, nhưng tôi vẫn còn con đường dài phía trước để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng thật tốt và đạt tiêu chuẩn của Pháp. Khi viết ra bài chia sẻ này, tôi vẫn còn nhận thấy tâm vị kỷ của mình và tôi quyết tâm sẽ loại bỏ nó.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/3/9/新学员-加入“正法时期大法弟子”的行列-288410.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/3/28/146108.html

Đăng ngày 22-04-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share