[MINH HUỆ 01-04-2014] Các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một cuộc biểu tình ngay phía trước Toà thị chính Thành phố Dusseldorf, và một buổi thắp nến tưởng niệm tại Quảng trường Heinrich Heine vào ngày 29 tháng 03 năm 2014, cùng ngày mà ông Tập Cận Bình, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tới thành phố trong chuyến viếng thăm châu Âu của ông. Tuy nhiên, lịch của ông Tập đã thay đổi, và chuyến viếng thăm của ông đến Toà thị chính đã bị huỷ bỏ.

Theo sau cuộc biểu tình của họ ở Berlin một ngày trước đó, các học viên đã lặp lại yêu cầu mang những thủ phạm chủ chốt trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công ra trước công lý.

Kênh truyền hình WDR Fernsehen đã đưa tin về sự kiện này. Các cuộc phỏng vấn và cảnh quay được phát sóng trong buổi tối cùng ngày, như một phần của báo cáo đặc biệt về chuyến viếng thăm thành phố của ông Tập. Tin tức kéo dài khoảng ba phút trên một kênh địa phương ở bang Bắc Rhine-Westphalia, thuộc thủ phủ Dusseldorf. Thông tin về cuộc biểu tình của các học viên chiếm khoảng một phút.

Nhiều cư dân và du khách đã ghé ngang cuộc biểu tình và ký tên vào đơn thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là tội ác mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.

Biểu tình ôn hoà ngay phía trước Toà thị chính thành phố Dusseldorf

Các đại diện Pháp Luân Công phát biểu tại cuộc biểu tình ngay phía trước Toà thị chính Thành phố Dusseldorf

Nhiều người hiểu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã xếp hàng để đợi ký tên vào đơn thỉnh nguyện phản đối cuộc bức hại

Các phóng viên của Kênh truyền hình WDR Fernsehen tại cuộc biểu tình

Tại cuộc biểu tình ngay phía trước Toà thị chính thành phố Dusseldorf, đại diện Pháp Luân Công bà Biergötter nói về mục đích của cuộc tập họp: “Trong khi người lãnh đạo Trung Quốc viếng thăm Dusseldorf, chúng tôi tập họp nơi đây để nâng cao nhận thức về các vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công của chế độ.”

Bà đã giới thiệu Pháp Luân Công và nói về việc cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân đã bắt đầu cuộc đàn áp tàn bạo đối với môn tu luyện này vào năm 1999 như thế nào. Hơn 3.700 học viên Pháp Luân Công được xác nhận đã chết do hậu quả của cuộc đàn áp, có nhiều trường hợp tử vong nhưng chưa được xác nhận.

Ông Ralf Gronner đến từ Cologne, một thành viên của Hiệp hội Quốc tế về Nhân quyền và cũng là một học viên Pháp Luân Công nói: “Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết vào ngày 12 tháng 12 năm 2013, lên án và kêu gọi chấm dứt hành động cưỡng bức mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Các học viên Pháp Luân Công là nhóm nạn nhân lớn nhất của tội ác này.”

Nghị quyết kêu gọi Trung Quốc “Ngay lập tức chấm dứt hành động mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm và các thành viên của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số,” và ngay lập tức trả tự do cho “tất cả các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công.”

Thắp nến tưởng niệm tại Quảng trường Heinrich Heine

Thắp nến tưởng niệm tại Quảng trường Heinrich Heine (ảnh trên), biểu diễn các bài công pháp ngay phía trước Toà thị chính (ảnh dưới)

Khoảng 30 học viên đã tổ chức một buổi thắp nến tưởng niệm tại Quảng trường Heinrich Heine từ 3 giờ chiều đến 9 giờ tối. Họ ngồi ngay phía trước một tấm biểu ngữ mang dòng chữ: “Tưởng nhớ các học viên Pháp Luân Công đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp,” và trưng bày những bức ảnh của một số học viên. Nhiều khách qua đường đã dừng lại để tìm hiểu sự thật và ký tên vào đơn thỉnh nguyện kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp.

Một phụ nữ cùng với cậu con trai và cô con gái của cô đi ngang qua buổi thắp nến và đã dừng lại để tìm hiểu về cuộc đàn áp ở Trung Quốc. Cô đã bị sốc: “Tôi không biết rằng nó đã diễn ra trong 15 năm qua. Thật tuyệt là các bạn đã ở đây để cho chúng tôi biết tình huống thật sự này. Cảm ơn các bạn.” Cô và các con của mình đã ký tên vào đơn thỉnh nguyện.

Cảnh sát Đức: “Tôi đang lắng nghe”

Các nhân viên cảnh sát đang làm nhiệm vụ “giữ trật tự” cho cuộc biểu tình ngay phía trước Toà thị chính Thành phố. Vào buổi chiều, một người trong số họ đã nói chuyện với một học viên và bày tỏ sự ủng hộ của anh ấy. Anh nói: “Tôi đang lắng nghe. Hoạt động của các bạn không có vấn đề gì cả, và chúng tôi không có lý do để phải lo lắng. Nếu có bất kỳ ai cố gắng gây rắc rối ở đây, xin vui lòng báo cho chúng tôi biết ngay lập tức.”

Sau khi buổi thắp nến tưởng niệm kết thúc, một nữ cảnh sát nói với một học viên: “Chúng tôi đã trải qua rất nhiều cuộc biểu tình, và cuộc biểu tình của các bạn rất là đặc biệt và khác lạ. Tôi muốn biết Pháp Luân Công là gì và chuyện gì đã xảy ra. Bạn có thể đưa cho tôi một số tài liệu được không? Tôi đã quan sát các bạn và có vẻ như bất cứ ai cũng có thể học những bài tập này,” cô nói thêm.

Nhiều người đã ký tên vào đơn thỉnh nguyện phản đối cuộc đàn áp

Vào ngày diễn ra cuộc biểu tình, ông Tập đã huỷ bỏ chuyến viếng thăm của mình đến Toà thị chính Thành phố,  tuy nhiên nhiều người vẫn có thể biết được chuyện gì đang diễn ra ở Trung Quốc. Những người đi ngang qua quầy của các học viên đã lắng nghe thông tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Nhiều người đã xếp hàng để chờ ký tên vào đơn thỉnh nguyện phản đối cuộc đàn áp.

Một phụ nữ đến từ Aachen đã tò mò về thiền định khi bà nhìn thấy phần biểu diễn. Bà nói mình là một học viên Yoga, và tự hỏi tại sao chính phủ Trung Quốc lại ngăn chặn một môn luyện tập lành mạnh như Pháp Luân Công. Sau khi biết được sự thật, bà chỉ vào đầu mình và nói: “Não của lãnh đạo Trung Quốc có vấn đề.” Bà đã ký vào đơn thỉnh nguyện và hỏi về việc học các bài công pháp.

Hai thanh niên trẻ người Đức đã nói chuyện với các học viên: “Chúng tôi nhìn thấy đoàn xe hộ tống của ông Tập và chúng tôi khinh thường những người đó. Tôi phản đối các vi phạm nhân quyền.” “Tất cả mọi người đều có quyền được sống và lên tiếng. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công là sai.” Cả hai đều ký tên vào đơn thỉnh nguyện.

Khoảng 12 học sinh trung học người Đức đến vào buổi chiều. Tất cả họ đều đã ký tên vào đơn thỉnh nguyện sau khi nghe các học viên giải thích tình huống thật sự. Họ đã chụp một tấm hình với các học viên đang ôm bức ảnh của Lữ Khai Lợi, một học viên hiện đang bị bức hại đến tàn phế trong một nhà tù ở Trung Quốc.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/4/1/习近平访德-法轮功呼吁法办江泽民-289425.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/4/2/146166.html

Đăng ngày 08-04-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share