Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-01-2013] Nhiều học viên Pháp Luân Công đã thiệt mạng dưới sự bức hại tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Theo báo cáo của trang web Minh Huệ Net, có ít nhất 76 học viên đã chết trong năm 2013. 12 người đã chết trong năm 2012 nhưng cái chết của họ sau này mới được khám phá. Có 9 trường hợp tử vong trong những năm trước nhưng đến 2013 mới được xác nhận.

Trong những vụ tử vong năm 2013, 8 học viên đã bị tra tấn đến chết bởi lính canh trại giam, 10 người bị tra tấn đến chết vì họ từ chối “chuyển hóa” trong trung tâm tẩy não và trại lao động, 29 người chết trong tù, 29 người đã bị bắt một vài lần và chết vì bị bức hại kéo dài. Một phần ba trong số những người này thuộc độ tuổi trung niên.

Trái ngược với những điều chính quyền Trung Quốc nói với thế giới, đàn áp nhân quyền và đàn áp tự do tín ngưỡng ngày nay vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc. Các học viên Pháp Luân Công tiếp tục bị bắt một cách tùy tiện, bị kết án tù hoặc lao động cưỡng bức, và bị đưa đến các trung tâm tẩy não nơi họ bị buộc phải từ bỏ niềm tin bằng tẩy não và tra tấn. Các học viên vẫn tiếp tục tử vong do nguyên nhân trực tiếp từ bức hại. Bởi vì chính quyền Trung Quốc phong tỏa nghiêm ngặt thông tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, nhiều ca tử vong đã không được công chúng biết đến.

Bài viết này tóm tắt những vụ tử vong gần đây của các học viên Pháp Luân Công trong năm 2013 và 2012.

A. Những cái chết không rõ lý do trong thời gian bị cảnh sát giam giữ

Anh Đặng Hoài Dĩnh

Anh Đặng Hoài Dĩnh sinh năm 1970 và tốt nghiệp Đại học Điện lực Bắc Kinh với bằng thạc sĩ tài chính năm 1997. Anh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công năm 1995. Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, anh đã bị giam hai lần, tổng cộng là 12 năm, vì tín ngưỡng của mình.

Anh Đặng lại bị bắt ở khu Hải Điến, Bắc Kinh vào ngày 27 tháng 04 năm 2013, khi đang phân phát tài liệu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Anh bị giam ở Trại tạm giam Hải Điến. Ngày 15 tháng 05 năm 2013, gia đình và bạn bè được thông báo rằng anh đã qua đời ở trại giam.

Trong khi gia đình đang cố tìm hiểu thông tin từ sở cảnh sát về cái chết của anh, trại tạm giam Hải Điến đã bí mật hỏa táng thi thể anh Đặng vào ngày 28 tháng 05 năm 2013. Giờ đây gia đình và bạn bè có thể sẽ không bao giờ biết được điều đã xảy ra với anh. Việc tự tiện hỏa táng mờ ám này làm dấy lên nghi ngờ về nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh khi bị giam giữ.

Anh Dương Trung Cảnh

Anh Dương Trung Cảnh, 38 tuổi, là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Thụy An, tỉnh Chiết Giang. Anh đã từng bị tra tấn dã man 10 năm trước bởi cảnh sát địa phương.

Anh Dương lại bị bắt ở thành phố Trịnh Châu vào ngày 24 tháng 06 năm 2013. Người ta tin rằng anh bị tra tấn đến chết vào ngày 28 tháng 06, chỉ 4 ngày sau khi bị bắt. Khi mẹ anh nhìn thi thể của con trai, bà đã quá đau khổ và ngất đi. Quá sốc trước những gì nhìn thấy, bà đã không thể nói được cho đến ngày hôm nay.

Phòng 610 thành phố Linh Bảo đã cố gắng che giấu sự thật, họ còn khẳng định rằng anh Dương đã tự tử.

Bà Vương Hiển Ngân, 48 tuổi, là học viên Pháp Luân Đại Pháp ở làng Thạch Lĩnh Tử, thị trấn Đại Trúc, thành phố Vạn Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên. Bà và chồng đã bị bắt bởi 12 cảnh sát của Phòng 610 thành phố Vạn Nguyên, Phòng An ninh Nội địa, sở cảnh sát Hà Tây, sở cảnh sát Đại Trúc và Văn phòng quản lý Đại Trúc vào ngày 25 tháng 10 năm 2012. Bà Vương đã bị đánh đập dã man ngày hôm đó và những ngày sau đó, tình trạng của bà dần xấu đi. Bà đã qua đời ngày 04 tháng 05 năm 2013.

Những học viên sau đã qua đời trong khi bị giam giữ trong năm 2013: Ông Dương Minh Hoa ở khu Thuận Nghĩa, Bắc Kinh; ông Lương Kim Thư ở huyện La Bắc, thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang; bà Mã Xương Nguyệt, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh; ông Chu Trường Khuê, thành phố Ma Thành, tỉnh Hồ Bắc và bà Hoàng Viên Nhiên, giáo viên phân viện mỹ thuật Trường Cương thuộc Đại học Sư phạm Quảng Tây.

B. Bức hại nghiêm trọng, bao gồm cưỡng bức tiêm thuốc trong trung tâm tẩy não và trại lao động dẫn đến tử vong

Ông Đinh Văn Bân, 61 tuổi, là một học viên Pháp Luân Công ở huyện Xạ Hồng, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị cảnh sát ở phòng an ninh nội địa bắt vào ngày 21 tháng 04 năm 2013. Ông bị đưa đến trại giam huyện Xạ Hồng và bị giữ ở đó 15 ngày, sau đó chuyển sang trung tâm tẩy não Toại Ninh. Sau khi bị tra tấn tại đó trong 30 ngày, ông đột nhiên được thả.

Sức khỏe của ông Đinh sụt giảm nhanh chóng trong vòng 104 ngày sau khi được thả, ông đã qua đời vào chiều ngày 16 tháng 09 năm 2013. Theo một nguồn tin nội bộ, ông Đinh đã bị tiêm thuốc độc tại trung tâm tẩy não nhằm buộc ông từ bỏ niềm tin của mình.

Bà Trương Yến, 46 tuổi, là giáo viên dạy toán tại thành phố Bạng Phụ, tỉnh An Huy. Bà bị bắt và đưa đến trung tâm tẩy não vào tháng 05 năm 2010. Bà bị tra tấn dã man và bị tẩy não cường độ cao, nhưng vẫn không chịu khuất phục. Sau một thời gian, bệnh gan của bà, vốn đã được chữa khỏi sau khi tu luyện Pháp Luân Công, đã tái phát và bà qua đời vào ngày 23 tháng 05 năm 2013.

Bà Trương Phúc Anh

Bà Trương Phúc Anh, 66 tuổi, đã bị bắt nhiều lần do đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Bà đã bị kết án lao động cưỡng bức 26 tháng. Bà đã 3 lần bị giam tại trung tâm tẩy não Tây Lệ thuộc khu Nam Sơn.

Bà Trương lại bị bắt một lần nữa và đưa đến trung tâm tẩy não Tây Lệ vào ngày 08 tháng 11 năm 2012. Ở đó bà đã phát bệnh nặng. Cơ thể bà sưng lên và bụng bà căng đầy dịch. Bà được trả về nhà vào ngày 29 tháng 12 năm 2012 và qua đời lúc 10 giờ tối ngày 18 tháng 02 năm 2013.

Ông Ngô Thụy Tường

Ông Ngô Thụy Tường khoảng 50 tuổi, là một học viên ở làng Nam Quan, huyện Lễ, tỉnh Hồ Bắc. Ông đã bị bắt vào ngày 23 tháng 04 năm 2012 và bị đưa đến trại lao động cưỡng bức Hàm Đan.

Lính canh Cao Phi và những người khác đã không cho ông Ngô ngủ, ra lệnh cho tù nhân theo dõi ông liên tục. Ông Ngô đã bị ép đứng trong một thời gian dài, ngồi trên ghế nhỏ và tham gia các buổi tẩy não. Ông bị lăng mạ và đe dọa. Lính canh không cho ông tắm, thay quần áo, không cho người nhà vào thăm.

Ông Ngô đã bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc. Tình trạng sức khỏe của ông suy giảm nghiêm trọng trong vòng 10 ngày và ông được thả vào ngày 05 tháng 12 năm 2012. Ông không thể hồi phục và đã qua đời ngày 18 tháng 01 năm 2013.

Bà Từ Đức Tồn, 52 tuổi, là một học viên tại thành phố Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông. Sức khỏe bà rất yếu khi được thả khỏi trại lao động cưỡng bức năm 2012. Bà có triệu chứng bị đầu độc và được đưa đến bệnh viên thành phố Tảo Trang vào ngày 01 tháng 12 năm 2013 trong tình trạng nguy kịch. Bà được đưa đến bộ phận chăm sóc chuyên sâu vào 5 giờ sáng ngày 06 tháng 09, nhưng bác sĩ thông báo ngay rằng não của bà đã chết.

Ông Lý Nhật Thanh, 56 tuổi, là người vận hành cần cẩu tại công ty thép Tương Đàm, đã bị bức hại trong 8 năm. Ông đã 3 lần bị đưa vào bệnh viện tâm thần Tương Đàm để bức hại và cuối cùng bị tra tấn đến chết.

Nhân viên ý tế tại bệnh viện đã được lệnh cưỡng ép tiêm thuốc tâm thần cho ông Lý, dù ông không có triệu chứng hay tiền sử bệnh tâm thần. Ông bị sốc điện bằng gậy, còng tay và bị đánh. Ông đã chịu tra tấn thân thể và tinh thần một cách vô nhân tính cho đến khi qua đời.

C. Chết trong tù, hoặc không lâu sau khi được thả

29 học viên Pháp Luân Công đã được xác nhận thiệt mạng trong tù vào năm 2013. Họ đã phải chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau như đánh đập, tiêm thuốc, biệt giam và bức thực.

Ông Quách Tiểu Văn, một học viên ở làng Thượng Vương, thị trấn Vương Kiều, quận Tương Viên, tỉnh Sơn Tây, đã bị bắt vào tháng 08 năm 2012. Ông bị kết án 3 năm tù và bị đưa đến nhà tù Tấn Trung (còn gọi là Nhà tù số 1 tỉnh Sơn Tây) khoảng ngày 06 tháng 03 năm 2013. Ông đã bị đánh đập dã man, biệt giam, bức thực và tra tấn. Chỉ trong một vài ngày bị giam, ông đã qua đời vào ngày 12 tháng 03 năm 2012, ở tuổi 40.

Khi gia đình ông Quách xem thi thể ông, họ thấy hai vết đỏ trên đầu ông. Khi họ đang định xem xét dưới lớp quần áo ông thì lính canh ngăn họ lại và đuổi họ đi. Họ chỉ được xem thi thể trong một vài phút.

Ông Quách để lại vợ, cha mẹ 70 tuổi, và đứa con trai 10 tuổi. Gia đình của họ đau khổ tột cùng và dày vò bởi những câu hỏi và sự bất công quanh cái chết của ông.

Ông Triệu Bân

Triệu Bân sinh ngày 20 tháng 05 năm 1955. Ông sống ở đường Đông Bắc Cung, quận Khuê Văn, thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông. Ông bị cảnh sát ở đồn cảnh sát đường Giang Tô bắt cóc vào ngày 27 tháng 04 năm 2012, trong khi đang công tác ở Thượng Hải.

Ông Triệu đã bị xét xử tại tòa án quận Trường Ninh, cùng ông Bàng Quang Văn, vào ngày 11 tháng 07 năm 2013. Ông Triệu và ông Bàng vô tội vì không làm điều gì phạm pháp. Tuy nhiên, phiên tòa chỉ là giả tạo và ông Triệu đã bị kết án 4 năm tù còn ông Bàng 5 năm tù.

Ông Triệu bị đưa đến nhà tù Đề Lam Kiều ở Thượng Hải vào ngày 03 tháng 09 năm 2013. Những phương pháp tra tấn tại nhà tù Đề Lam Kiều nhằm buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin, bao gồm việc cấm ngủ thời gian dài, đánh đập bằng nhiều dùi cui điện. Lính canh còn ra lệnh cho những phạm nhân khác đánh đập dã man các học viên. Dưới sự tra tấn và hành hạ đó, ông Triệu đã qua đời ngày 19 tháng 10 năm 2013, ở tuổi 58.

Bà Lưu Thanh Mai là một học viên ở làng Đại Hạ Pha, thị trấn Thạch Đôi, thành phố An Khâu, tỉnh Sơn Đông. Bà đã bị kết án phi pháp 12 năm tù trong năm 2003, nhưng nhà tù từ chối nhận bà do bà bị huyết áp cao.

Năm 2008, bà Lưu bị bắt giam phi pháp, bị đưa đến nhà tù nữ tỉnh Sơn Đông. Ở đó, các lính canh đã lột trần và thường xuyên tra tấn bà.

Bà Lưu bị tổn thương tâm thần do tra tấn và cuối cùng không thể đi lại được. Bà bị cao huyết áp và bị bệnh thận. Bà Lưu đã qua đời ở tuổi 54, ở bệnh viện thành phố An Khâu vào ngày 03 tháng 09 năm 2013.

Bà Hà Thành Ngọc, cũng 54 tuổi, là một học viên ở thị trấn Hà Thị, huyện Đạt, tỉnh Tứ Xuyên. Cảnh sát ở phòng an ninh nội địa huyện Đạt và sở cảnh sát thị trấn Hà Thị đã bắt bà vào ngày 06 tháng 05 năm 2012.

Trong khi bị giam ở trại tạm giam Đạt Châu, bà Hà đã bị bức thực dã man bởi lính canh và phạm nhân. Sau đó bà bị kết án bí mật 5 năm tù và bị tra tấn dã man hơn nữa tại nhà tù Dưỡng Mã Hà. Các lính canh đưa bà đến bệnh viện nhà tù sau khi bà bị đánh đập dã man. Bà Hà đã qua đời tháng 11 năm 2013.

Một số học viên vẫn bị giam trong tù đang ở trong tình trạng hiểm nghèo do bị đối xử tàn nhẫn. Tuy nhiên, nhà tù sẽ không thả cho đến khi họ ở bờ vực của cái chết. Kết quả là các học viên thường qua đời một thời gian ngắn sau khi được thả ra khỏi tù.

Bà Vương Ngũ Huy

Bà Vương Ngũ Huy là một học viên ở quận Bình Giang, thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam. Bà Vương đã bị bắt và bị lục soát nhà một vài lần. Bà bị kết án phi pháp hai lần và bị giam 7 năm ở nhà tù nữ tỉnh Hồ Nam. Do bị bức hại liên tục, bao gồm tra tấn, cơ thể bà sưng lên, bị sốt cao kéo dài, và ho ra máu. Bà không thể ăn, đứng, hay đi lại. Cuối cùng, bà Vương bị chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối.

Nhà tù đã cho bà tại ngoại chữa bệnh vào tháng 11 năm 2010, khi bà đã ở trong tình trạng nguy kịch. Gia đình đưa bà đến bệnh viện, nhưng tất cả nội tạng của bà đều đã ngưng hoạt động. Bà qua đời vào ngày 24 tháng 12 năm 2012, ở tuổi 62.

Bà Vương Xuân Linh chỉ còn da bọc xương. Tay phải của bà bị tê liệt do bị bức hại ở nhà tù nữ Tân Hương

Bà Vương Xuân Linh là một công nhân ở nhà máy dệt huyện Hoài Dương, thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hồ Nam. Bà đã bị kết án phi pháp 10 năm tù vào ngày 08 tháng 07 năm 2004 và bị đưa đến nhà tù nữ Tân Hương, tỉnh Hồ Nam. Nhà tù đã cho bà tại ngoại chữa bệnh vào tháng 06 năm 2011.

Bà Vương gần như ở trạng thái thực vật khi được đưa về nhà. Bà không thể nghe được, bị teo cơ cánh tay phải, bà không thể dùng bàn tay phải do co giật liên tục. Chân phải của bà bị tê liệt, bà chỉ có thể cử động đầu một chút. Bà hoảng sợ mỗi khi nghe nhắc đến nhà tù. Bà qua đời lúc 3 giờ 40 sáng ngày 03 tháng 05 năm 2013, ở tuổi 52.

Ông Khúc Thiện Lâm, 67 tuổi, là công nhân nghỉ hưu ở thành phố Phượng Thành, tỉnh Liêu Ninh. Ông Khúc bị kết án tù 3 năm vào tháng 12 năm 2010. Ông đã phải chịu một số phương thức tra tấn dã man ở nhà tù Đông Lăng. Kết quả là sức khỏe ông suy giảm nhanh chóng, cuối cùng ông bị chẩn đoán ung thư dạ dày. Gần hai phần ba dạ dày của ông đã phải phẫu thuật cắt bỏ.

Để trốn tránh trách nhiệm, quản lý nhà tù cuối cùng cũng thả ông tại ngoại chữa bệnh vào cuối năm 2011. Lúc đó, ông đã cực kỳ yếu và tiều tụy. Ông Khúc đã qua đời ngày 16 tháng 05 năm 2012.

Ông Mã Thiên Quân là giáo viên ở thành phố Lục Bàn Thủy, tỉnh Quý Châu. Tòa án quận Nam Minh ở thành phố Quý Dương đã kết án ông cùng vợ, bà Lý Nghị, 11 năm tù. Ông Mã bị đưa đến nhà tù Đô Quân còn vợ ông bị đưa đến nhà tù Dương Nghệ.

Ở nhà tù Đô Quân, ông Mã bị còng tay sau lưng, còn chiếc còng được gắn vào song sắt cửa sổ. Việc tra tấn này đã kéo dài trong 25 ngày. Ông còn bị bức thực bằng nước pha bột ớt, sốc điện và đánh đập bằng thắt lưng. Vào mùa đông, ông không được dùng chăn. Ông còn bị buộc vào hai chiếc giường trong tư thế tay bị kéo căng ra trong 40 ngày. Nhà tù thả ông tại ngoại chữa bệnh khi ông đang hấp hối. Sau đó, ông không thể hồi phục và đã qua đời ngày 03 tháng 07 năm 2013 ở tuổi 54.

D. Bức hại trường kỳ dẫn đến kết quả đau lòng

Nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị chính quyền ĐCSTQ bắt nhiều lần trong hơn 14 năm, và cuộc sống của họ bị tàn phá ở các trại lao động và nhà tù. Một số đã qua đời do những tổn thương liên tục vì bị bức hại.

Bà Quách Ba Cầm

Bà Quách Ba Cầm, sinh năm 1966, là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam. Bà đã bị bắt và giam giữ hơn 10 lần từ khi cuộc đàn áp bắt đầu năm 1999. Bà đã bị kết án phi pháp 2 lần và bị giam tổng cộng gần 6 năm. Trong khi ở trong tù và bị giam giữ, bà Quách đã chịu những phương thức tra tấn dã man, gồm việc bị còng tay thời gian dài, giam trong phòng nhỏ, bức thực, đánh đập, lao động cưỡng bức cường độ cao, ở ngoài nắng thời gian dài và bị bỏ đói thời gian dài.

Khi được thả ra khỏi Nhà tù nữ Trường Sa, bà Quách đã rất tiều tụy và không thể đi lại. Tóc bà chuyển sang xám và bà bị nhiều bệnh tái diễn, bao gồm sa tử cung và trực tràng và nhiễm dịch trong khoang phúc mạc.

Hơn 10 cảnh sát từ Sở An ninh Nội địa thành phố Sâm Châu đã đột nhập và lục soát nhà bà vào ngày 27 tháng 10 năm 2012, và bắt bà một lần nữa. Sức khỏe bà suy giảm nhanh chóng và bà qua đời ngày 18 tháng 04 năm 2013, ở tuổi 47.

Người mẹ 71 tuổi của bà Quách đã chứng kiến việc con gái mình bị bắt một cách bạo lực. Bà đã quá đau buồn đến nỗi bị co giật. Bà có triệu chứng đột quỵ và phải nằm liệt giường. Cái chết của bà Quách Ba Cầm là một đòn nặng cho mẹ bà, vốn đang bệnh và già yếu, và bà cụ cũng qua đời ngày 05 tháng 06 năm 2013, hơn một tháng sau khi con gái bà qua đời.

Bà Tống Mỹ Lan

Bà Tống Mỹ Lan, 69 tuổi, là công nhân nghỉ hưu ở nhà máy hóa chất Bàn Giang tỉnh Quý Châu. Bà đã bị bắt 4 lần vì niềm tin vào Chân-Thiện-Nhẫn. Bà bị đưa đến trại cưỡng bức lao động nữ Quý Châu vào tháng 09 năm 2002. Chỉ 3 tháng sau, bà Tống ở trong trạng thái hấp hối, bị sưng vùng bụng nghiêm trọng. Bà được thả sau khi gia đình bị ép nộp 8.000 tệ.

Bà Tống lại bị bắt vào tháng 03 năm 2003 và bị đưa đến trung tâm tẩy não Lạn Nê Câu. Bà bị bức hại nghiêm trọng trong 2 tháng tại đó và lại ở trong tình trạng nguy kịch khi được thả.

Bà Tống lại bị bắt vào tháng 04 năm 2005 và bị giam 7 ngày. Bà bị bắt lần cuối vào tháng 08 năm 2012 và bị giam 2 ngày do phân phát đĩa DVD Thần Vận. Sau khi bị bức hại kéo dài, bà đã qua đời ngày 13 tháng 09 năm 2012.

Ông Mã Đông Quyền, cùng vợ, bà Kim Nhuận Phương, và con trai Mã Quốc Bưu là học viên Pháp Luân Công ở Thượng Hải. Cảnh sát địa phương đã bắt họ tại nhà vào ngày 22 tháng 02 năm 2008, trong khi hơn 12 học viên đang ở đó xem biểu diễn mừng năm mới của Đài truyền hình Tân Đường Nhân.

Ông Mã bị giam trong 8 tháng, trong thời gian đó ông đã phát bệnh nặng. Sau đó ông bị kết án 3 năm tù và hưởng án treo 4 năm. Con trai ông bị kết án 6 năm, vợ ông 4 năm. Cả con trai và vợ ông đều đang bị giam giữ.

Trong khi hưởng án treo tại nhà vì lý do sức khỏe, ông Mã Đông Quyền bị giám sát bởi các viên chức địa phương từ Ủy ban Chính trị Pháp luật, Phòng 610 và ủy ban khu dân cư. Ông bị giám sát quá chặt chẽ đến mức bạn bè và gia đình không thể giúp đỡ ông. Ông đã bị đưa đến trung tâm tẩy não Thanh Phổ vào ngày 04 tháng 08 năm 2009.

Trong lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế năm 2010, ông Mã đã được lệnh phải ở trong văn phòng của ủy ban khu dân cư.

Ông Mã bị xe đâm vào mùa xuân năm 2011, và được đưa đến bệnh viện phẫu thuật. Các cảnh sát sau đó đưa ông đến một nơi không ai biết. Năm 2013, ông nằm liệt giường vì căng thẳng kéo dài do bức hại. Ông mất vào ngày 13 tháng 12 năm 2013.

Bà Diêm Tống Phương

Bà Diêm Tống Phương ở huyện Thương Khê, thành phố Quảng Nguyên, tỉnh Tứ Xuyên, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công năm 1997, sau đó tất cả bệnh tật của bà đã biến mất. Bà Diêm đã bị giam gần 11 năm trong hơn 14 năm ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công.

Qua nhiều năm, bà Diêm đã trải qua nhiều lần tra tấn thể xác và tinh thần, trải qua những nỗi đau không thể chịu đựng, bị cưỡng bức tiêm thuốc. Lúc qua đời, bà đang phải chịu “án lao động cưỡng bức ngoài trại lao động” của Phòng 610. Bà mất ngày 05 tháng 06 năm 2013, ở tuổi 65.

E. Một phần ba những người tử vong là trụ cột của cộng đồng và gia đình

Trong hơn 70 cái chết năm 2013, gần 30 học viên ở độ tuổi 40 và 50, chiếm hơn một phần ba. Họ là những chuyên gia thành công: các viên chức, bác sĩ, giáo viên và quản lý doanh nghiệp. Sự ra đi của họ để lại một lỗ hổng trong xã hội và mang đến sự đau buồn to lớn cho gia đình.

Những học viên đó bao gồm:

Ông Đặng Hoài Dĩnh, 41 tuổi, tốt nghiệp đại học Điện lực Bắc Kinh, bằng thạc sĩ ngành tài chính năm 1997. Ông qua đời do bị tra tấn ở trại tạm giam Hải Điến vào ngày 15 tháng 05 năm 2013.

Ông Dương Trung Cảnh, 38 tuổi, ở thành phố Thụy An, tỉnh Chiết Giang đã bị đánh đập đến chết ngày 28 tháng 06 năm 2013.

Ông Quách Tiểu Văn, 40 tuổi, ở làng Thượng Vương, thị trấn Vương Kiều, khu Tương Viên, tỉnh Sơn Tây, đã chết ngày 12 tháng 03 năm 2013 sau khi bị bức hại và tra tấn.

Ông Ngô Thụy Tường, khoảng 50 tuổi, ở làng Nam Quan, quận Lễ, tỉnh Hồ Bắc, qua đời ngày 18 tháng 01 năm 2013.

Bà Từ Đức Tồn, 52 tuổi, ở thành phố Tảo Trang, tỉnh Sơn Đông, mất ngày 06 tháng 09 năm 2013.

Bà Trương Yến, 46 tuổi, giáo viên dạy toán ở thành phố Bạng Phụ, tỉnh An Huy, đã bị tra tấn và qua đời ngày 23 tháng 04 năm 2013.

Ông Trịnh Hồng Xương, ở Đức Châu, qua đời ở tuổi 37.

Những học viên khác đã thiệt mạng do bị bức hại trong vòng một đến hai năm vừa qua:

Bà Trịnh Quý Hữu, 48 tuổi, ở huyện Huệ Đông, thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, đã bị bức hại đến chết tại nhà tù nữ Quảng Đông khoảng ngày 30 tháng 12 năm 2012.

Ông Tào Tĩnh Vũ, 40 tuổi, sống ở khu Kiệu Khẩu, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ông đã bị giam 7 năm do niềm tin vào Pháp Luân Công. Ông Tào đã bị thương trong tù. Khi ông được thả, các nhân viên Phòng 610 tiếp tục quấy rối ông tại nhà, và sức khỏe ông dần suy giảm. Ông đã qua đời ngày 22 tháng 09 năm 2013.

Bà Vương Tú Thanh, 44 tuổi, một học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt giữ phi pháp và giam giữ nhiều lần, bị kết án lao động cưỡng bức hai lần, bị đe dọa hàng ngày và bị quấy rối vì kiên định với đức tin của mình. Bà bị bắt một lần nữa vào đầu tháng 07 năm 2013 bởi nhân viên Sở cảnh sát đường sắt Tề Tề Cáp Nhĩ và sở cảnh sát đường sắt A Mộc Nhĩ. Bà qua đời ngày 18 tháng 07 năm 2013.

Bà Đổng Diễm Liên, 50 tuổi, học viên Pháp Luân Công ở thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, đã bị bức hại một vài lần. Bà đã qua đời ngày 01 tháng 08 năm 2013.

Ông Viên Hoành Vĩ, 45 tuổi, là học viên ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hồ Nam. Ông đã bị ép phẫu thuật não trong khi bị giam tại nhà tù Tân Mật ở Trịnh Châu. Ông Viên bị liệt khi được thả ra vào năm 2011. Ông mất ngày 23 tháng 01 năm 2013.

Ông Phương Chinh Bình, 57 tuổi, ở thành phố Tây Thành, tỉnh Tứ Xuyên, đã chết sau khi bị bức hại tại Nhà tù số 1 tỉnh Vân Nam.

Bà Ngô Thục Diễm, 47 tuổi, khu Đại Đông, thành phố Thẩm Dương, bị bức hại tại Nhà tù nữ Liêu Ninh. Bà bị sưng ở vùng bụng và qua đời ngày 02 tháng 06 năm 2013.

Ông Lý Tân Bằng, 47 tuổi, ở thành phố Bắc Kinh, đã phải chịu tra tấn trong khi bị giam giữ trong tù. Ông qua đời ngày 15 tháng 08, 2013, chỉ sáu tháng sau khi được thả.

Ông Mạnh Khánh Phúc, 57 tuổi, ở thành phố Đường Sơn, là cựu phó thư ký văn phòng thành phố Khai Bình. Ông đã bị tra tấn ở nhà tù Ký Đông và nhà tù Bảo Định. Ông qua đời ngày 22 tháng 03 năm 2013.

Ông Lý Mẫn, 52 tuổi, là cựu nhân viên tại Phòng tài chính quận Hô Lan ở thành phố Cáp Nhĩ Tân. Ông đã qua đời ngày 26 tháng 05 năm 2009 tại nhà tù Đại Khánh.

Bà Quách Ba Cầm, 47 tuổi, đến từ thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam, đã qua đời vào 18 tháng 04 năm 2013.

Ông Đảng Ái Dân, 50 tuổi, là cựu nhân viên tại công ty khai thác mỏ Triệu Các Trang ở khu Cổ Dã, thành phố Đường Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Ông bị giam nhiều lần và bị tra tấn trong các trại cưỡng bức, trung tâm tẩy não. Ông đã qua đời ngày 18 tháng 10 năm 2012.

Bà Lưu Vinh Hương, 46 tuổi, ở thành phố Đại Khánh, đã bị bắt giam và phải lao động cưỡng bức nhiều lần trong 12 năm qua. Bà bị tổn thương trầm trọng cả thể chất lẫn tinh thần, và qua đời ngày 10 tháng 05 năm 2013.

Bà Ngô Thụ Diễm, 47 tuổi, ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã bị biệt giam ở nhà tù nữ Liêu Ninh trong 3 năm. Bà cũng phải lao động nặng nhọc 12 giờ một ngày. Đến ngày 11 tháng 02 năm 2013, bà bị tích nước vùng bụng và không thể nằm hay ngủ. Bà mất vào ngày 02 tháng 06 năm 2013.

Bà Tu Kim Thu, 52 tuổi, ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, đã bị bắt và tra tấn bởi bí thư khu dân cư Lâm Giang, và cảnh sát ở khu Chấn Hưng vào ngày 05 tháng 09 năm 2013. Bà được thả cùng ngày. Bà Tu cùng chồng và con gái lại bị bắt vào ngày 09 tháng 09. Sức khỏe của bà suy giảm do bị bức hại nặng nề và bà qua đời ngày 28 tháng 11 năm 2013.

Ông Dương Chấn Lộc, 27 tuổi, ở huyện Vạn Toàn, tỉnh Hồ Bắc, do bị bức hại đã qua đời ngày 07 tháng 06 năm 2013.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/1/3/2013年至少76位法轮功学员被害死-285135.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/1/12/144309.html

Đăng ngày 17-03-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share