[MINH HUỆ 04-03-2014] Vào ngày 27 tháng 02 năm 2014, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (DOS) đã công bố “Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Nhân quyền trong năm 2013”. Báo cáo cho thấy nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng từ các tù nhân vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc. Đây là năm thứ ba mà báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc nhắc đến vấn đề mổ cướp nội tạng từ các tù nhân, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công.

Báo cáo tóm tắt tình hình chung về nhân quyền ở Trung Quốc trong năm 2013 như sau: “Chèn ép và áp bức, đặc biệt là với các tổ chức và cá nhân có liên quan đến các hoạt động nhân quyền, chính trị và các vấn đề lợi ích dân sự, các dân tộc thiểu số, các công ty luật nhận bào chữa cho các trường hợp nhạy cảm.”

“Trong năm qua, thân nhân của các nhà hoạt động chính trị, những người bất đồng chính kiến, các học viên Pháp Luân Công, các nhà báo, các tổ chức tôn giáo không đăng ký, và các cựu tù nhân chính trị là mục tiêu cho các cuộc bắt giữ tuỳ tiện, giam giữ, và sách nhiễu.”

Tra tấn các học viên Pháp Luân Công

Báo cáo cho biết: “Ngày 07 tháng 04, tạp chí Ống kính [một tạp chí mới của Trung Quốc đại lục] đã đăng một bài viết về các lạm dụng, bao gồm tra tấn bằng dùi cui điện, bức thực, và biệt giam nhiều ngày tại nhà tù Mã Tam Gia ở tỉnh Liêu Ninh.”

Trại lao động Mã Tam Gia nổi tiếng về việc tra tấn các học viên Pháp Luân Công. Trang web Minh Huệ và các cơ quan truyền thông khác đã liên tục báo cáo về những trường hợp học viên Pháp Luân Công bị tra tấn và chết trong trại lao động.

Từ tháng 07 năm 1999, khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công chính thức khởi động, cho tới tháng 04 năm 2004, đã có hơn 4.000 học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại trại lao động Mã Tam Gia. Từ năm 2000, trang web Minh Huệ đã đăng hơn 8.000 báo cáo về các vụ tra tấn học viên Pháp Luân Công ở đó.

Vào ngày 06 tháng 11 năm 2013, CNN đã đăng câu chuyện về một lá thứ “cầu cứu” giấu trong một gói đồ trang trí Halloween được sản xuất tại trại lao động. Cô Julie Keith ở Oregon đã phát hiện ra lá thư này được viết bởi một học viên Pháp Luân Công. Lá thứ tiết lộ nguồn gốc của các món đồ trang trí được sản xuất bằng nguồn lao động cưỡng bức, và cầu xin sự giúp đỡ.

Các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ trong các bệnh viện tâm thần

Bên cạnh các nhà tù, trại lao động, và trung tâm giam giữ, chính quyền Trung Quốc thường giam giữ các học viên Pháp Luân Công và những nhà hoạt động chính trị trong các bệnh viện tâm thần.

Theo báo cáo của DOS: “Các báo cáo rộng rãi cho biết nhiều nhà hoạt động chính trị và những người thỉnh nguyện đã bị bắt giữ và bị đưa vào các bệnh viện tâm thần vì lý do chính trị.”

“Theo Nhật báo Pháp luật (một tờ báo của nhà nước chuyên về các vấn đề pháp lý), Bộ Công an trực tiếp quản lý nghiêm ngặt 24/24 giờ bệnh viện tâm thần dành cho những phạm nhân tâm thần (còn gọi là các cơ sở An Khang). Từ năm 1998 đến tháng 05 năm 2010, đã có hơn 40.000 người bị đưa đến các bệnh viện An Khang.”

“Các nhà hoạt động chính trị, tín đồ của các tôn giáo bí mật, những nhà thỉnh nguyện, các thành viên của Đảng Dân chủ bị cấm, và các học viên Pháp Luân Công là một trong số những người bị giam giữ trong các viện này.”

Trang web Minh Huệ đã báo cáo rất nhiều trường hợp như vậy. Một số học viên thậm chí đã bị tra tấn đến chết trong các bệnh viện tâm thần, như Lý Nhật Thanh, người đã chết ở bệnh viện tâm thần Tương Đàm vào mùa Xuân năm 2008.

Dưới đây là hai ví dụ được báo cáo trong năm 2013:

Triệu Tương Hải, 43 tuổi, đến từ tỉnh Hồ Nam, bị giam giữ trong bệnh viện tâm thần Tương Đàm trong vòng  06 năm, nơi ông thường xuyên bị xích cả hai tay, hai chân.

Lưu Đông đến từ Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, bị giam giữ trong bệnh viện tâm thần Bảo Định trong 12 năm. Vào ngày 12 tháng 09, hai tháng sau khi được thả ra, ông lại bị bắt giữ tại nhà riêng và một lần nữa bị đưa đến bệnh viện tâm thần.

Ông Triệu Tương Hải bị nhốt trong bệnh viện tâm thần, bị còng tay và xích trong suốt 06 năm.

Đàn áp và ngược đãi các luật sư nhân quyền

Báo cáo của DOS cũng cho thấy rằng chính quyền Trung Quốc không cho phép các luật sư nhân quyền bảo vệ một số đối tượng nhất định, và đe doạ trừng phạt họ nếu họ dám làm việc này.

“Chính phủ đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép của các luật sư hoặc đóng cửa các công ty của họ để ngăn họ nhận các trường hợp nhạy cảm, chẳng hạn như bảo vệ cho các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, các nhà hoạt động tôn giáo, các học viên Pháp Luân Công, hoặc chỉ trích chính phủ.”

Báo cáo nhân quyền còn đưa ra hai ví dụ liên quan đến trường hợp của các học viên Pháp Luân Công.

“Trong tháng Năm, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đã bắt giữ và đánh đập các luật sư như Đường Cát Điền và Giang Thiên Dũng khi họ cố đến thăm một hắc lao ở Tử Dương, nơi được báo cáo là giam giữ các tín đồ của phong trào bị cấm Pháp Luân Công.”

“Trong tháng Tư, một phiên toà ở tỉnh Giang Tô đã xét xử và giam giữ luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương 10 ngày trong một nhà tù tư pháp vì ‘vi phạm nghiêm trọng thủ tục toà án’. Các hành vi vi phạm bao gồm sử dụng điện thoại di động của ông để chụp lại một tập tài liệu gốc mà ông đã nộp cho toà trong vụ xét xử một học viên Pháp Luân Công.”

Luật sư nhân quyền Trung Quốc biện hộ cho các học viên Pháp Luân Công thường bị dò thám, bắt giữ và đánh đập. Những yêu cầu hợp pháp xin được tiếp cận thân chủ của họ để lấy bằng chứng thường bị từ chối, và phần biện hộ của họ thường gặp phải trở ngại.

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ VOV, toà án quận Trung Sơn, thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã huỷ một phiên toà và gửi thông báo vào đêm trước ngày diễn ra phiên toà xét xử 13 học viên Pháp Luân Công.

Sáng hôm sau, cảnh sát đã bắt và giam giữ hai luật sư bào chữa. Một người trong số họ là luật sư Trịnh Hải, ông này đã bị nhiều cảnh sát đánh đập.

Vào ngày 07 tháng 11 năm 2013, nhà tù thành phố Cát Lâm đã từ chối đề nghị của một luật sư xin được đến thăm thân chủ của mình là anh Bảo Văn Tuấn, một học viên Pháp Luân Công. Luật sư đã chỉ ra rằng tước quyền thăm viếng như vậy là bất hợp pháp. Nhưng trung tâm giam giữ tuyên bố rằng họ đã nhận lệnh từ Cục An ninh Quốc gia, cấm luật sư đến thăm các học viên Pháp Luân Công.

Hai luật sư từ Bắc Kinh đã giương một biểu ngữ ngay phía trước Viện kiểm sát quận Hải Cảng ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, vào ngày 17 tháng 10 năm 2013 nhằm tố cáo hành vi vi phạm của Viện kiểm sát.

Viện kiểm sát đã bốn lần cản trở không cho luật sư xem xét lại các trường hợp của 05 học viên Pháp Luân Công trong khoảng thời gian từ ngày 17 tháng 07 đến ngày 17 tháng 10 năm 2013.

Trang web Minh Huệ đã đăng 08 loạt bài: “Phụng sự bất công: Hệ thống toà án ngày nay ở Trung Quốc.

Những học viên Pháp Luân Công lưu vong

Trong suốt 15 năm dài của cuộc đàn áp Pháp Luân Công, nhiều học viên hải ngoại đã  không thể trở về Trung Quốc. Một số thậm chí còn bị từ chối khi họ cố gắng gia hạn hộ chiếu của mình tại lãnh sự quán hoặc đại sứ quán Trung Quốc.

Ví dụ như cô Đan Tất Ngang, một học viên người Mỹ gốc Hoa, đã bị từ chối nhập cảnh vào Trung Quốc tại hải quan Hồng Kông hồi tháng 06 năm 2002. Các cán bộ hải quan đã quấn cô trong một cái túi đựng quần áo, mang cô lên một chiếc máy bay, và đưa cô ngược về Mỹ.

Lâm Toàn và Thất Vi, một cặp vợ chồng người Hoa cùng tu luyện Pháp Luân Công đến từ Virginia, đã nộp đơn xin gia hạn hộ chiếu của họ vào năm 2003. Nhưng đại sứ quán đã giữ hộ chiếu của họ lại mà không đưa ra bất kỳ lý do nào.

Năm 2003, các học viên Pháp Luân Công là Quảng Kỉ Vân và vợ của anh đến từ Kansas tố cáo rằng lãnh sự quán Trung Quốc ở Chicago đã vĩnh viễn đình chỉ gia hạn hộ chiếu của họ.

Theo báo cáo nhân quyền: “Chính phủ tiếp tục từ chối tái nhập cảnh đối với các công dân Trung Quốc bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động Pháp Luân Công và ‘những người gây rối’.”

Mỗi năm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều công bố báo cáo nhân quyền thường niên của hơn 200 quốc gia trên thế giới. Đây là báo cáo năm thứ 38.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/3/4/美国国务院人权报告-中共强摘被监禁者器官-288357.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/3/6/145719.html

Đăng ngày 11-03-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share