Theo bài viết từ một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11–09–2013] Đã sáu năm kể từ khi ông Triệu Tương Hải, một học viên Pháp Luân Công từ thành phố Tương Đàm, bị chuyển từ trại lao động cưỡng bức nam Tân Khai Phô tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam đến Bệnh viện [tâm thần] số 5 Tương Đàm. Mặc dù ông Triệu không hề vi phạm bất cứ luật pháp nào, nhưng ông đã bị còng tay, xích chân, và bị giam tại trại lao động. Tình huống bi kịch của ông là hoàn toàn không biết đến thế giới bên ngoài. Những điều kiện vô cùng khắc nghiệt nơi ông Triệu bị giam giữ có thể khiến bất cứ người bình thường nào trở nên mất tỉnh táo và nguy cơ suy sụp tinh thần.

Bị mất việc vì kháng cáo chính quyền thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công

Ông Triệu, 43 tuổi, là một người điều khiển cần cẩu tại Xưởng chế biến than thuộc Nhà máy Carbon hóa Tương Đàm và Công ty Sắt thép ở tỉnh Hồ Nam. Ông Triệu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1998, và được hưởng rất nhiều lợi ích về cả tinh thần lẫn thể chất. Ông trở thành một người tốt bụng, thật thà, và khỏe mạnh. Ông có trách nhiệm trong công việc và thích giúp đỡ người khác.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 07 năm 1999. Năm 2000, ông Triệu đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và nói với chính quyền về lợi ích của môn tu luyện. Ông đã bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và sau đó bị giam giữ tại trung tâm giam giữ Tương Đàm. Ông đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Ông bị bất tỉnh vài ngày sau đó và được đưa tới bệnh viện để cấp cứu. Sau khi tỉnh dậy, ông được trả tự do. Ông Triệu đã trở thành người vô gia cư trong một khoảng thời gian, sau đó đi thỉnh nguyện một lần nữa. Lần này, ông bị đưa đến một trại lao động trong một năm và bị ông chủ sa thải.

Bị đưa vào trại cải tạo lao động một lần nữa và chuyển đến bệnh viện tâm thần

Ông Triệu đã tìm được một công việc ở Quảng Châu và đến đó làm việc vào năm 2006. Khi ông trên chuyến tàu tới Quảng Châu, cảnh sát thấy ông đang đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân, và họ đã bắt giữ ông. Ông bị kết án bất hợp pháp 18 tháng tại trại lao động cưỡng bức Tân Khai Phô ở thành phố Trường Sa. Khi bị giam giữ ở đó, ông đã bị tra tấn nghiêm trọng, cả về thể chất lẫn tinh thần. Kết quả, ông trở nên cực kỳ hốc hác và yếu.

Vào ngày 07 tháng 08 năm 2007, Phòng 610 tại thành phố Tương Đàm đã xúi giục cảnh sát từ công ty nơi ông Triệu làm việc tiến hành lập biên bản đưa ông đi kiểm tra y tế. Tại thời điểm đó mẹ của ông, bà Lý Ái Hoa, đã phải nhập viện. Cảnh sát sử dụng điều này như một cái cớ để đưa ông thẳng đến Bệnh viện số 5 tại thành phố Tương Đàm, mà thực chất là một bệnh viện tâm thần.

Bị xích chân và còng tay trong sáu năm

Phòng 610 đã xúi giục nhân viên bệnh viện tiêm và bức thực ông bằng những loại thuốc không rõ ràng. Ông cũng bị các hình thức tra tấn khác. Vì đã cực kỳ gầy yếu, tình trạng của ông Triệu trở nên rất tồi tệ. Ông muốn hoàn toàn thoát khỏi cuộc đàn áp vô nhân đạo này. Ông từng cố gắng trốn thoát bằng cách nhảy từ cửa sổ một căn phòng trên tầng hai của tòa nhà bệnh viện, nhưng đã bị chấn thương ở chân. Ông đã phải chịu đựng đau đớn không thể chịu được nhưng vẫn cố bước từng bước di chuyển dọc theo con đường gần đó. Vào thời điểm lúc ông đang chuẩn bị bước lên một chiếc xe bus, các nhân viên bệnh viện đã bắt được ông và đưa ông trở lại bệnh viện. Các nhân viên sợ ông sẽ trốn thoát một lần nữa, vì vậy họ đã còng tay và xích chân ông lại. Đó là cách đây sáu năm, và giờ ông vẫn đang trong tình trạng đó.

Ông Triệu Tương Hải bị nhốt tại bệnh viện tâm thần, bị còng tay và xích trong sáu năm

Công ty nơi ông làm việc đã gửi một vài người đến thăm ông vào năm 2010. Những người này nói với ông: “Nếu anh muốn trở lại làm việc, anh phải có hai điều kiện. Thứ nhất, anh phải từ bỏ niềm tin của mình. Thứ hai, anh phải trong tình trạng sức khỏe tốt.” Ông Triệu đã trả lời: “Tôi đã từng khỏe mạnh. Anh đối xử với tôi như một bệnh nhân tâm thần và giam giữ tôi ở đây. Đó là do anh đã tiêm các loại thuốc này vào cơ thể tôi nên tôi đã thành người ốm yếu.”

“Hiến pháp của Trung Quốc nêu rõ ràng rằng tất cả các công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng. Tôi tu luyện bản thân theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Điều đó có gì sai? Tôi nói rõ một lần nữa: Tôi là một học viên Pháp Luân Công vô tội. Tôi hoàn toàn là một người bình thường với tâm trí sáng suốt, người mà đã từng rất khỏe mạnh. Anh phải trả tự do và thanh danh, sự vô tội cho tôi. Anh nhốt tôi ở đây, tôi bị tước đoạt quyền tự do của mình, không cho phép được kháng cáo, và đe dọa mẹ tôi. Anh cố gắng tìm cách bào mòn ý chí tôi bằng việc khóa tôi ở đây, và dập tắt cuộc sống của tôi trong sự đau đớn cùng cực. Anh mới là người đang phạm tội! Anh đang phạm tội giết người!”

Đơn khiếu nại được viết trên một hộp thuốc lá

Bệnh viện tâm thần không cho phép ông Triệu có bút và giấy. Họ không cho phép ông viết thư hoặc có bất kỳ liên lạc nào với thế giới bên ngoài. Sau khi cố gắng thử bằng nhiều cách khác, với rất nhiều khó khăn ông đã viết được một lá thư thỉnh nguyện và một lá thư khác yêu cầu sự giúp đỡ trên một hộp thuốc lá. Ông cũng nhờ một người nào đó đem hộp thuốc lá ra ngoài và gửi nó đến cho gia đình của ông. Trong những lá thư này, ông đã yêu cầu gia đình liên hệ với một luật sư và những người bạn để cố gắng giải cứu mình. Thư thỉnh nguyện của ông được viết vào ngày 23 tháng 11 năm 2011.

Lá thư của ông Triệu

Gửi Viện kiểm sát và các cơ quan liên quan:

Tên tôi là Triệu Tương Hải. Tôi từng làm việc tại nhà máy Cacbon hóa. Vào ngày 07 tháng 08 năm 2007, Công ty Sắt Thép Tương Đàm đã gửi một người nào đó đến để chuyển tôi từ trại lao động cưỡng bức tới Bệnh viện số 5. Việc đó đã cách đây 4 năm. Bởi vì tôi không phải là bệnh nhân tâm thần, nên tôi không thể bị nhốt trong bệnh viện tâm thần. Tôi không thể bị còng tay và xích vào giường sắt. Tôi hi vọng các phòng ban có liên quan xác minh và điều tra sự thật. Cũng hãy tiến hành một cuộc thẩm định pháp luật và trả tự do cho tôi. Theo quy định của luật “Y tế tâm thần”, bệnh nhân có thể yêu cầu thả về. Vì vậy, ngay bây giờ tôi yêu cầu bệnh viện thả tôi! Xin hãy xem xét đầy đủ mức độ quan trọng của yêu cầu này và hãy duy trì công lý bằng cách giúp tôi.

Chân thành cảm ơn,

Nguyên đơn: Triệu Tương Hải

Gia đình ông Triệu và các bạn đồng tu của ông đã gửi thư thỉnh nguyện của ông cùng một lá đơn yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho ông đến Phòng 610 thành phố Tương Đàm, các đơn vị khác thuộc thành phố, Công ty Sắt Thép thành phố Tương Đàm. Nhưng không nhận được phản hồi nào.

Người mẹ cố gắng giải cứu con trai mình

Mẹ ông Triệu, bà Lý Ái Hoa, 65 tuổi. Bà đã đi lại nhiều lần từ Lưu Dương đến Tương Đàm để thăm và tìm cách cứu con trai khỏi bệnh viên số 5. Mỗi lần bà yêu cầu được nhìn con trai mình và yêu cầu đưa về nhà. Nhưng Phòng 610 thành phố Tương Đàm đã xúi giục Công ty Sắt Thép và bệnh viện để ngăn bà Lý đến thăm con trai. Họ cũng lừa, bắt, giam giữ và đe dọa bà ấy.

Trước đó vào năm 2008, bà Lý khỏi một bệnh và được bệnh viện cho về. Bà đã rất lo lắng sau khi biết rằng con trai mình bị giam giữ trong một bệnh viện tâm thần và bị tra tấn. Từ quê, bà bắt đầu lên đường và đã đi một chặng đường dài đến bệnh viện tâm thần.

Bà Lý yêu cầu được mang con trai về nhà mặc dù bà vẫn còn yếu và chưa bình phục sau một căn bệnh nghiêm trọng. Vào đêm mà bà tới bệnh viện tâm thần, các nhân viên nói với bà ấy ngày hôm đó đã quá muộn, bà nên quay lại vào sáng hôm sau. Khi bà Lý quay trở lại vào sáng hôm sau, bà ấy đã bị cảnh sát và nhân viên Phòng 610 bắt, những người này đã đợi sẵn bà ở đó. Họ đưa bà trở lại Lưu Dương, nơi bà đã bị giam giữ. Phòng 610 đã đe dọa bà. Sau khi bà về nhà, họ đã theo dõi bà suốt ngày đêm.

Trần Thụ Lâm, trưởng Phòng 610, đã đến thành phố Tương Đàm vào ngày 19 tháng 12 năm 2011. Ngày hôm đó, bà Lý đã đi một chuyến tàu từ Lưu Dương tới Tương Đàm để thăm con trai. Một lần nữa, bệnh viện lại từ chối cho phép bà vào thăm con trai mình. Nhân viên đã quát mắng bà và nói: “Trường hợp ông Triệu là đặc biệt. Không ai được thăm viếng. Đó là lỗi do ông ấy tập Pháp Luân Công…” Họ còn ném thức ăn mà bà mang đến cho con trai xuống sàn nhà.

Bà Lý nhận thấy cánh cửa phòng nơi con trai bà bị giam mở, và bà đã lẻn vào trong. Bà thấy người con trai bị cùm và khóa tay ở chiếc giường xa cửa sổ nhất. Khi bà gọi con trai, ông Triệu đã nhìn thấy mẹ mình và cố gắng để đi tới chỗ mẹ với chiếc cùm chân nặng nề. Nhưng những nhân viên y tế đã kéo họ ra và kéo bà Lý ra khỏi phòng.

Bà Lý bật khóc, bà ấy không thể chịu đựng được và kêu lên: “Trời ơi, các người không có con sao? Tại sao các người không cho tôi gặp con trai của mình?! Tại sao các người lại cấm tôi nói chuyện với nó?” Tim bà tan vỡ và bà đau buồn đến mức bắt đầu nôn mửa.

Bà Lý đến thăm con trai lần nữa vào ngày 30 tháng 03 năm 2012. Lần này nhân viên bệnh viện đã khám xét bà mà không được phép và đã đánh bà ấy. Họ đã lấy cắp tất cả số tiền trong túi bà.

Bất chấp tình trạng vô vọng, bà vẫn luôn cố giải cứu con trai mình

Bà Lý liên tục yêu cầu Công ty Sắt Thép đưa con trai mình trở về và được quay lại với công việc. Khi họ đi tới bệnh viện để đón ông Triệu, bệnh viện nói với họ: “Nếu mọi người muốn đưa ông ấy về nhà, thì phải trả bệnh viện 38 nghìn nhân dân tệ.”

Đây là một khoản tiền lớn đối với một phụ nữ nông dân, mà bà không có. Bà và con trai sống phụ thuộc vào thu nhập ít ỏi mà ông Triệu kiếm được tại nhà máy thép. Sau khi con trai bà bị mất việc làm trong cuộc đàn áp, bà bị khánh kiệt, hầu như không còn gì ở nhà. Làm thế nào bà có đủ khả năng để chi trả cho số tiền này?

Gia đình bà đang bị theo dõi rất chặt chẽ từ cảnh sát. Đây là một cái bẫy của Phòng 610 và các phòng ban liên quan. Họ biết một phụ nữ lớn tuổi từ một làng quê nghèo như thế sẽ không thể có được sự giúp đỡ, vì vậy bà sẽ phải từ bỏ tất cả hi vọng để cứu con trai mình. Mười tám tháng đã trôi qua kể từ nỗ lực cuối cùng của bà để vào thăm con trai mình. Bà đã trở về nhà và mất liên lạc với thế giới bên ngoài. Tại thời điểm này, cũng không ai biết bà còn sống hay không.

Điều kiện bất hợp lý để thả ông Triệu là bằng chứng của một tội ác

Với mọi người, rõ ràng là những người đưa ông Triệu đến bệnh viện tâm thần chính là những người phải chịu trách nhiệm cho tất cả những chi phí phát sinh. Tội ác này liên quan đến việc giam giữ một người vô tội trong một bệnh viện tâm thần và tra tấn ông tại đó. Thực tế này, và số tiền chi tiêu, là bằng chứng không thể chối cãi về sự bức hại của Công ty Sắt Thép và của bệnh viện tâm thần đối với ông Triệu.

Thậm chí những người tội phạm hình sự bị giam giữ còn có kỳ hạn tù. Tuy nhiên, Phòng 610 thành phố Tương Đàm, Công ty Sắt Thép, cũng như Bệnh viện số 5 đã yêu cầu ông Triệu trả tiền cho họ để được trả về. Điều kiện để ông được thả là phải trả tiền.

Ông Triệu, người đang chịu những tra tấn đau đớn và sự bức hại vô nhân đạo không thể chịu đựng được. Trong khi lại không có được sự giúp đỡ hoặc can thiệp từ bên ngoài, chỉ đơn độc phản kháng. Sự điều trị tồi tệ này có thể biến ông trở thành một bệnh nhân tâm thần thực sự bất cứ lúc nào. Chúng ta không thể để điều này xảy ra mà không hành động. Chúng ta không thể im lặng dung nạp cho loại tội ác này.

Chúng tôi muốn kêu gọi tất cả mọi người trong thành phố Tương Đàm xin hãy mở rộng bàn tay của các bạn, hãy lên tiếng vì công lý, trừng phạt những tên tội phạm bức hại ông Triệu Tương Hải, và giải cứu ông ấy ra khỏi bệnh viện tâm thần! Nếu tất cả mọi người có chính niệm này thì nó có thể mang lại cho họ một tương lai tươi sáng. Đồng thời, chúng tôi hi vọng các nhân viên Phòng 610 thành phố Tương Đàm, Bệnh viện số 5 và Công ty Sắt Thép hãy lắng nghe lương tâm của mình, phân biệt giữa tốt và xấu, ăn năn về những tội ác đã phạm phải, trả tự do cho ông Triệu, và bồi thường mọi tổn thất cho ông ấy.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/9/11/精神病院中孤独的反抗-279353.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/11/29/143424.html

Đăng ngày 02-02-2014. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share