[MINH HUỆ 10-01-2014] Vị doanh nhân Trung Quốc giàu có Trần Quang Tiêu đã nhân việc thương lượng mua tờ báo New York Times để tổ chức một buổi họp báo bất thường vào sáng thứ Ba vừa qua. Các phóng viên được mời đến để nghe về cuộc đấu thầu của ông ấy với tờ báo nổi tiếng này, nhưng khi diễn ra cuộc họp báo, ông ấy đã quay sang vu khống Pháp Luân Công.

Hơn 20 hãng truyền thông có trụ sở đặt tại Mỹ đã nghe và đăng tải câu chuyện này, với những quan điểm khác nhau:

Tờ Wall Street Journal chỉ tập trung vào các khía cạnh kinh doanh, và không hề nhắc đến Pháp Luân Công hay vụ tự thiêu giả diễn ra vào tháng 01 năm 2001 ở Quảng trường Thiên An Môn.

Tờ Forbes đã đăng tải câu chuyện của vị doanh nhân vào sáng ngày 09 tháng 01. Mặc dù bài viết hầu như chỉ nói về việc đấu thầu mua tờ báo New York Times của Trần, đoạn cuối cùng đã tiết lộ rằng hai phụ nữ mà Trần ủng hộ tiền là hai học viên Pháp Luân Công liên quan đến vụ tự thiêu. Bài báo tuyên bố rằng hai người phụ nữ đó “đã tố cáo” Pháp Luân Công.

Cùng ngày hôm đó, bài viết cập nhật thêm chi tiết: “Trương Nhi Bình, một phát ngôn viên tại Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp ở New York, đã phản bác lại câu chuyện của họ bằng lưu ý rằng các bài giảng của Pháp Luân Công nghiêm cấm giết người và tự sát.”

Associated Press thuật lại một chuỗi câu chuyện và tập trung chủ yếu vào “những nạn nhân của vụ tự thiêu”, mặc dù nó đã chỉ ra làm thế nào mà họ có thể “diễu hành qua mặt các phóng viên của chính quyền Trung Quốc”, và “Vở kịch Quảng trường Thiên An Môn đã trở thành trung tâm cho một chiến dịch của chính quyền Trung Quốc nhằm biện minh cho việc đàn áp các học viên Pháp Luân Công”. Chuỗi câu chuyện này đã được một vài hãng truyền thông như tờ Washington Post, philly.com, và Sacramento Bee đăng tải.

Sacramento Bee, sau khi thuật lại một loạt câu chuyện, đã đăng tải hai bài viết của Trung tâm thông tin Pháp Luân Đại Pháp: “Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp bình luận về buổi họp báo của Trần Quang Tiêu” (07 tháng 01) và “Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp: Chế độ Trung Quốc đã lừa dối hãng truyền thông New York City?” (09 tháng 01)

Các hãng truyền thông khác thì tự viết bài, báo cáo về các nạn nhân của vụ tự thiêu và cân bằng các bài viết với lời tuyên bố từ các học viên Pháp Luân Công rằng vụ tự thiêu chỉ là một màn kịch và các nạn nhân đã bị chính quyền Trung Quốc lừa dối và lợi dụng. Tuy nhiên, tờ New York Times vẫn im lặng không bình luận.

Chọn lựa giữa hai phiên bản

Về cơ bản, câu chuyện có hai phiên bản: Một là vụ tự thiêu chỉ là màn kịch được dựng lên bởi chính phủ Trung Quốc để biện minh cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 01 năm 2001 và được sử dụng lại sau hơn một thập kỉ với cùng mục đích. Hai là thuật lại câu chuyện của chính phủ Trung Quốc rằng Pháp Luân Công khuyến khích tự thiêu để tự gây sự chú ý và giống như là một hình thức phản đối. Loạt câu chuyện của Associated Press thiên về phiên bản của ĐCSTQ.

Hiển nhiên, chỉ có một phiên bản của câu chuyện là đúng sự thật. Vì vậy, ai sẽ được lợi hơn khi nói dối, ĐCSTQ hay các học viên Pháp Luân Công?

Nếu các học viên Pháp Luân Công đang nói dối, thì hành động này có thể trực tiếp vi phạm những nguyên lý của họ. Tại sao không có tự thiêu nào hay bất kỳ hình thức phản đối bạo lực nào khác được các học viên Pháp Luân Công thực hiện trong suốt 14 năm qua kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu, ngoại trừ màn diễn rầm rộ ở Quảng trường Thiên An Môn?

Sự lôi cuốn và sức mạnh cốt lõi của Pháp Luân Công đến từ hệ thống đức tin của nó, trong đó đặc biệt nghiêm cấm sát sinh, bao gồm cả tự tử, dưới mọi hình thức. Khuyến khích, ủng hộ, hoặc thậm chí mặc nhiên cho phép một hành động như vậy xảy ra sẽ chống lại tất cả mọi nguyên lý mà một học viên Pháp Luân Công tin theo.

Thật vậy, nếu hành động này được điều khiển bởi Pháp Luân Công, thì liệu các học viên khác có cổ vũ và làm theo, giống như hành động tự thiêu của 120 tăng nhân Tây Tạng năm 2011?

Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Hành động này ngay lập tức bị Pháp Luân Công phản đối kịch liệt vì chính phủ lừa dối cốt chỉ để khiến công luận chống lại họ.

Không nên nhầm lẫn – “vụ tự thiêu” là một vở kịch tuyên truyền rất hiệu quả. Thủ đoạn này đã thành công trong việc làm cho hàng triệu công dân Trung Quốc chống lại Pháp Luân Công. Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát trong nhiều năm đã liên tục phát sóng và tuyên truyền sự kiện tự thiêu này. Vì trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đều biết rằng sống dưới một chế độ độc tài và bạo chúa, việc bạn thường xuyên lặp đi lặp lại một lời nói dối không sớm thì muộn cũng sẽ khiến người ta tin theo.

Trích dẫn từ những nhà quan sát độc lập về “Vụ tự thiêu”

Dưới đây là một số trích dẫn từ các học giả và các tổ chức nhân quyền liên quan đến cuộc điều tra của họ về vụ tự thiêu:

“Các đại diện của Pháp Luân Công ở bên ngoài Trung Quốc ngay lập tức đã tranh luận về tính chính xác của các báo cáo đến từ đại lục. Họ liên tục khẳng định và hiệu chỉnh rằng các bài giảng của ông Lý Hồng Chí hoặc pháp môn tu luyện Pháp Luân Công không khuyến khích bạo lực – cho dù đó là bạo lực nhắm vào người khác, hoặc vào chính mình,” Giáo sư David Ownby, nhà nghiên cứu tôn giáo người Canada, tác giả của nhiều cuốn sách và bài viết về Pháp Luân Công nhận xét.

Theo nhà nghiên cứu và phân tích cao cấp của Freedom House, bà Sarah Cook: “Câu chuyện của Chính phủ về vụ tự thiêu rất khó hiểu với những tuyên bố đầy mâu thuẫn. Chúng bao gồm việc các bài giảng của Pháp Luân Công cấm bạo lực và tự tử, đoạn băng video về tư thế thiền định của người tự thiêu không chính xác, và một cuộc điều tra do Philip Pan của tờ Washington Post thực hiện, xác định rằng không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy người phụ nữ đã chết trên quảng trường từng tập Pháp Luân Công.”

Chế độ tập trung vào vụ tự thiêu giả ngày 23 tháng 1 năm 2001 ở Quảng trường Thiên An Môn…. Tuy nhiên, chúng tôi đã thu được một đoạn video của sự kiện đó, mà theo quan điểm của chúng tôi, có thể chứng minh rằng sự kiện này là do chính phủ dàn dựng,” tuyên bố của Tiểu ban Liên Hợp Quốc về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền tại kỳ họp lần thứ 53.

“Đáng chú ý là, một trong những nhà sản xuất của CNN tại hiện trường chỉ đứng cách đó 50 mét, nói rằng cô thậm chí còn không nhìn thấy một đứa trẻ nào có mặt ở đó [điều này mâu thuẫn với các phiên bản được truyền hình nhà nước Trung Quốc phát sóng rộng rãi],” theo nhà phân tích truyền thông Danny Schecter tại New York.

Tất cả chúng ta đều có lựa chọn

Mỗi phóng viên, biên tập viên và hãng truyền thông phương Tây, không giống như các đối tác thuộc cơ quan nhà nước ở Trung Quốc của họ, có quyền chọn lựa nên tin theo phiên bản nào và cung cấp nó cho độc giả của họ. Liệu bạn sẽ chọn việc lặp lại những lời dối trá này hay giúp đỡ những người bị bức hại mang sự thật ra ánh sáng?

Rất nhiều người đã bị hại trong cuộc đàn áp này, và hàng trăm nghìn mạng sống vẫn đang bị đe doạ. Cuộc đàn áp – đã giết chết hàng nghìn người, tước đoạt đi tự do thân thể của hàng trăm nghìn người, và cố gắng tước đoạt tự do tín ngưỡng của một trăm triệu người – được xác định là đã lừa dối tất cả mọi người xung quanh nó, cả trong và ngoài Trung Quốc.

Cách tốt nhất để chống lại cuộc đàn áp là phơi bày sự lừa dối vì nó là cốt lõi của vấn đề, và ai có thể làm điều này tốt hơn các phương tiện truyền thông? Chúng tôi khuyến khích tất cả các bạn suy nghĩ cặn kẽ về sự kiện bi thảm này và đặt các câu hỏi để quyết định xem ai đang nói thật, và làm phần việc của mình một cách thích đáng.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/1/10/144275.html

Đăng ngày 21-01-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share