Bài viết của Đường Ân

[MINH HUỆ 23-01-2013] Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã ra lệnh cấm Pháp Luân Công vào tháng 07 năm 1999. Để biện minh cho cuộc đàn áp, ĐCSTQ đã liên tục lan truyền những tuyên truyền vu khống phỉ báng Pháp Luân Công, và kích động lòng hận thù đối với các học viên. Sự tuyên truyền mà khiến nhiều người bị lừa nhất là “vụ tự thiêu Thiên An Môn giả mạo.”

Mười một năm trước, vào ngày 23 tháng 01 năm 2001, năm người đã tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Trong vòng vài giờ sau sự kiện này, những cảnh quay rùng rợn đã liên tục phát sóng trên các phương tiện truyền thông nhà nước trên toàn Trung Quốc, cũng như khắp thế giới, với các báo cáo tuyên bố rằng những người tự thiêu là học viên Pháp Luân Công. Sự việc đã gây chấn động toàn thế giới, và tại Trung Quốc, dư luận bắt đầu chuyển từ kính trọng và cảm thông cho Pháp Luân Công thành không tin tưởng và phỉ báng. Tuy nhiên, một phân tích toàn bộ sự kiện đã cho thấy rõ ràng rằng “vụ tự thiêu” là một vở kịch do ĐCSTQ bịa đặt để làm mất uy tín của Pháp Luân Công.

“Vụ tự thiêu” gây khó hiểu với những mâu thuẫn

1. Chỉ bốn ngày sau “vụ tự thiêu,” bé gái Lưu Tư Ảnh, người được cho là đã được phẫu thuật mở khí quản sau khi bị bỏng nặng, đã có thể trả lời phỏng vấn và thậm chí còn hát được.

2. Phân tích một chuỗi những đoạn phim quay chậm cho thấy Lưu Xuân Linh, người được cho là bị chết cháy, đã bị đánh mạnh vào đầu, khiến cô  ngã gục xuống đất.

Hình ảnh quay chậm đoạn phim vụ tự thiêu của đài CCTV cho thấy Lưu Xuân Linh đã bị đánh vào đầu và bị sát hại

3. Công an không thường xuyên mang bình cứu hỏa trong khi đang tuần tra trên Quảng trường Thiên An Môn. Tuy nhiên, chỉ trong vài phút sau khi “vụ tự thiêu” bắt đầu, họ có thể lấy ra hơn 20 bình cứu hỏa và chăn dập lửa từ hai xe công an, để ứng phó với sự việc “bất ngờ”.

4. Trong đoạn phim của CCTV về “vụ tự thiêu Quảng trường Thiên An Môn,” toàn bộ thân thể của “nạn nhân bị bỏng” được băng bó (không phải là cách trị bỏng điển hình), và những phóng viên phỏng vấn không mặc quần áo bảo hộ hay thậm chí là mặt nạ.

5. Chai Sprite bằng nhựa được cho là chứa xăng vẫn còn nguyên vẹn giữa hai chân của “người tự thiêu” Vương Tiến Đông sau vụ cháy. Tóc rất dễ cháy, nhưng sau vụ cháy tóc của Vương Tiến Đông không bị ảnh hưởng. Người công an cầm một chiếc chăn dập lửa xuất hiện đằng sau Vương Tiến Đông để đợi ông ta hô xong khẩu hiệu rồi trùm chiếc chăn lên đầu ông ta. Những cảnh này mâu thuẫn với một vụ cháy thực sự, rõ ràng toàn bộ sự kiện đã được dàn dựng.

So sánh ba bức ảnh của “Vương Tiến Đông” cho thấy ba người khác nhau

6. Ba người được cho là “Vương Tiến Đông” xuất hiện trong các tin tức của phương tiện truyền thông nhà nước. Lần phỏng vấn gần đây nhất cho thấy “Vương Tiến Đông” trông rất khác với người xuất hiện vào năm 2001. Phân tích giọng nói (được thực hiện bởi phòng phân tích giọng nói thuộc Đại học Đài Loan) của lần phỏng vấn “Vương Tiến Đông” gần đây nhất và “Vương Tiến Đông” ban đầu đã chứng minh một cách thuyết phục rằng họ là hai người hoàn toàn khác nhau.

Ngoài ra, tờ Bưu điện Washington đã phát hành một báo cáo vào ngày 04 tháng 02 năm 2001 với tựa đề “Ngọn lửa thắp sáng màn đêm Trung Quốc”. Phóng viên đã đến Khai Phong, quê của Lưu Xuân Linh, một trong những người tự thiêu, để điều tra. Ông ấy báo cáo rằng hàng xóm của cô Lưu cho biết: “…chưa ai từng thấy cô tập Pháp Luân Công.”

Ngày 14 tháng 08 năm 2001, tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế (IED) đã thông báo công khai tại cuộc họp Liên Hợp Quốc rằng: “Cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy chính quyền ĐCSTQ thật sự đã dàn dựng vụ tự thiêu và giết những người này.” Họ cũng tuyên bố: “Chính quyền ĐCSTQ đã cố dùng vụ tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 23 tháng 01 năm 2001 để bôi nhọ Pháp Luân Công. Tuy nhiên, chúng tôi đã có được một video phân tích vụ tự thiêu cho thấy rõ ràng rằng chế độ ĐCSTQ đã chỉ đạo và dàn dựng toàn bộ sự việc.”

Phim “Lửa giả” của Đài Truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV), vốn kiểm tra và phân tích những điểm đáng ngờ của “vụ tự thiêu” trên Quảng trường Thiên An Môn, đã giành được giải danh dự tại Liên hoan Phim Quốc tế Columbia lần thứ 51 vào ngày 08 tháng 11 năm 2003.

Phim “Lửa giả” của Đài Truyền hình Tân Đường Nhân

Ngày càng có nhiều người lên tiếng bằng cách ký đơn kiến nghị phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công

Bị đe dọa bởi chiến dịch tuyên truyền thù hận Pháp Luân Công của ĐCSTQ và sợ hãi chế độ cộng sản Trung Quốc, hầu hết mọi người chọn cách theo dõi âm thầm cuộc đàn áp tàn bạo xảy ra trước mặt họ. Các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới đã kiên nhẫn giảng chân tướng về Pháp Luân Công hơn 13 năm qua. Nhiều người đã dần nhận ra và hiểu rằng các học viên đang nói sự thật về cuộc đàn áp của ĐCSTQ và chính họ bắt đầu phản đối lại cuộc bức hại.

Ông Vương Hiểu Đông đã bị bắt giữ vào ngày 25 tháng 02 năm 2012. Nhà ông bị lục soát và tài sản bị lấy đi vì ông tu luyện Pháp Luân Công. Ba trăm thành viên gia đình từ các hộ trong thôn Chu Quan Truân, xã Phú, Bạc Đầu, quận Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, đã in vân tay lên một bức thư thỉnh nguyện gửi đến văn phòng Viện kiểm sát thành phố, đề nghị thả ông Vương. Lá thư kiến nghị in vân tay này đã gây chấn động đến Bộ Chính trị Trung ương.

Hơn 300 người đứng đầu các hộ gia đình ở thôn Chu Quan Truân, tỉnh Hà Bắc đã in vân tay và con dấu chính thức lên lá thư kiến nghị thả ông Vương Hiểu Đông

Ông Lý Lan Khuê, một học viên Pháp Luân Công ở huyện Định Hưng, tỉnh Hà Bắc, đã bị Phòng 610 bắt giữ vào ngày 07 tháng 06 năm 2012, và bị giam tù ở trại giam huyện Định Hưng. Sau đó ông bị chuyển đến trung tâm tẩy não Thạch Gia Trang, nơi ông tiếp tục bị tra tấn. Hơn 700 người đã ký vào đơn kiến nghị kêu gọi thả ông.

Hơn 700 người ký vào đơn kiến nghị yêu cầu thả ông Lý Lan Khuê

Những vụ kiến nghị quy mô lớn như vậy đang dần trở nên phổ biến tại Trung Quốc. Ngày 29 tháng 05 năm 2012, 562 dân làng ở huyện Đường Hải, tỉnh Hà Bắc đã in dấu vân tay của họ lên một lá thư kiến nghị ủng hộ việc thả học viên Pháp Luân Công là ông Trịnh Tường Tinh.

Trong một ví dụ khác, 15.000 người ở Y Xuân, tỉnh Hắc Long Giang, đã ủng hộ cho cô Tần Vinh Thiến, bằng cách in vân tay lên lá thư kiến nghị vì cha cô. Cha cô, ông Tần Nguyệt Minh, đã qua đời do bị tra tấn trong tù vì từ chối từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công.

15.000 người người dân ở Y Xuân, tỉnh Hắc Long Giang đã ủng hộ cô Tần Vinh Thiến [bằng việc] ký tên và in vân tay lên lá thư kiến nghị, đòi công lý cho cái chết của cha cô

Năm 2011, 2.800 dân làng ở huyện Xương Lê, tỉnh Hà Bắc đã ủng hộ học viên địa phương Chu Hướng Dương chống lại việc tra tấn ông của chính quyền địa phương. Sau khi vợ ông Chu là bà Lý San San bị bắt giữ, 500 người đã ký tên đề nghị thả bà ấy.

Nhiều người dân thường đã chọn ủng hộ các học viên Pháp Luân Công vô tội. Bất chấp áp lực lớn của chế độ độc tài, họ đã chọn đứng về phía công lý. Cũng có nghĩa là họ không còn sợ cuộc đàn áp nữa, và họ bắt đầu thức tỉnh và phản đối cuộc bức hại. Hơn 130 triệu người đã thoái khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó. Và con số này vẫn đang tăng hơn 60 ngàn người mỗi ngày.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/1/23/自焚谎言十二载-人心觉醒真相明-268104.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/3/7/138396.html

Đăng ngày 11-04-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share