[MINH HUỆ 11-03-2013] Ngày 04 tháng 03 năm 2013, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Edward McMillan-Scott đã tham dự một phiên điều trần về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc tại Washington, DC. Ông đã gặp gỡ các học viên Pháp Luân Công là cô Trương Liên Anh và gia đình cô. Trong những năm qua, ông đã rất tích cực trong nỗ lực giải cứu gia đình này, ông rất vui khi được nhìn thấy họ tại DC và nhận định rằng cuộc đàn áp ở Trung Quốc “sẽ không còn kéo dài quá lâu nữa”.

Ông McMillan-Scott và cô Trương Liên Anh cùng gia đình của cô

Ông McMillan-Scott giúp giải cứu họ thoát khỏi Trung Quốc

Ông McMillan-Scott biết đến cô Trương cách đây bảy năm tại Bắc Kinh khi ông gặp chồng của cô là anh Ngưu Tiến Bình, và một học viên khác tên là Tào Đông. Sau khi biết về cuộc đàn áp tàn khốc [đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc], ông đã cảm động sâu sắc và bắt đầu dốc sức vào việc giải cứu cô Trương khỏi cảnh lao ngục. Năm 2011, sau bảy năm trải qua nhiều khổ nạn sinh tử, cô Trương và anh Ngưu cuối cùng đã có thể thoát khỏi Trung Quốc và tới Hoa Kỳ. Vào ngày 08 tháng 06 năm 2012, do vẫn kiên trì tu luyện Pháp Luân Công, anh Tào Đông đã bị cảnh sát Bắc Kinh bắt lần thứ sáu, và bị kết án phi pháp hai năm rưỡi trong trại lao động cưỡng bức.

Cô Trương là một cán bộ thuộc Tập đoàn Quang Đại và là một kế toán viên cao cấp với chứng chỉ CPA. Cô có thu nhập tốt và có một cuộc sống đầy đủ. Năm 1997, cô và chồng cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Họ đã có được một sức khỏe rất tốt và sự an lạc về nội tâm. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc đàn áp quy mô lớn đối với Pháp Luân Công vào năm 1999, mọi thứ đã thay đổi.

Ngày 21 tháng 05 năm 2006, anh Ngưu Tiến Bình đã có cơ hội được gặp ông McMillan-Scott khi ông đến thăm Trung Quốc. Anh đã kể về việc vợ của mình, cô Trương Liên Anh, đã bị bức hại trong nhà tù như thế nào. Ông McMillan-Scott đã công bố các chi tiết về tình hình của cô Trương để thế giới biết đến. Sau đó anh Ngưu đã phải chịu sự giám sát.

Cô Trương đã được thả ra từ trại lao động cưỡng bức nữ ở Bắc Kinh vào ngày 13 tháng 12 năm 2007, và đã viết một bức thư cho ông McMillan-Scott và Ủy ban Nhân Quyền của Nghị viện châu Âu. Trong lá thư dài của mình, cô đã liệt kê hơn 50 phương thức tra tấn mà cô đã phải chịu. Ông McMillan-Scott đã đăng nó lên trang web của Nghị viện, để cộng đồng quốc tế có thể xem được.

Phơi bày cuộc đàn áp tàn nhẫn của ĐCSTQ

Cô Trương và chồng cô đã bị kết án hai năm rưỡi lao động cưỡng bức vào ngày 13 tháng 05 năm 2008, trước thềm của Olympic Bắc Kinh. Anh Ngưu bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Đoàn Hà ở Bắc Kinh. Anh đã bị đánh đến gẫy răng. Trong tháng 07, họ đã bí mật chuyển cô Trương từ trại lao động cưỡng bức nữ Bắc Kinh tới trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh.

Cô Trương đã phản đối bằng cách tuyệt thực. Một nữ cai ngục đã dùng thìa để cạy miệng của cô ra và còng tay của cô lại. Người này cũng đã nhiều lần treo cô lên bằng cách gắn chiếc còng vào một thanh kim loại ở trên cao.

Một lần cô bị treo lên trong ba ngày liên tiếp và đã phải bò ra khỏi phòng bởi các cánh tay và chân của cô đã bị thương và bị tê liệt vì tra tấn.

Cô cũng đã bị sốc bằng dùi cui điện, bị buộc phải đứng trong thời gian dài, và nhiều lần bị đánh bằng gậy gỗ.

Cô Trương đã từ chối tuân theo điều lệ của nhà tù như ký vào bản “đánh giá”, hoặc đeo bảng tên. Cô cũng từ chối ăn. Kết quả là, cô đã bị đánh đập. Bàn tay cô không còn hoạt động bình thường được nữa. Vào năm 2009, cô đã bị chuyển giao cho một bộ phận đặc biệt khác và bị tra tấn tồi tệ hơn.

Ông McMillan-Scott đã biết về tình huống của cô và một lần nữa nói với thế giới về việc cô đang phải chịu đựng như thế nào.

Bị tra tấn đến gần chết

Cô Trương nói rằng khi cô bị bắt và bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức, đứa con của cô mới được một năm rưỡi tuổi. Trong trại, họ bật âm thanh của một đứa trẻ đang khóc với âm lượng lớn suốt cả ngày. Cô bị nhốt trong một xà lim đơn độc nhỏ hẹp. “Nếu tôi không tu luyện Pháp Luân Công, có lẽ tôi đã bị mất trí,” cô nói.

Cô Trương nhớ lại lúc ở trong trại, cô đã nhiều lần bị thiếu không khí đến mức ngất đi. Cô nói rằng cô không sợ chết; cuộc chiến bền bỉ giành lấy cuộc sống còn tồi tệ hơn thế. Bị các lính gác xúi giục, các tù nhân đã nhiều lần ghìm cô xuống, bịt mũi và miệng cô lại bằng khăn ẩm cho đến khi cô không thở tiếp được nữa thì mới buông ra.

Khi cô đang cố gắng lấy lại hơi thở của mình, họ ngay lập tức bịt miệng và mũi của cô trở lại. Họ hành hạ cô như vậy hết lần này đến lần khác, cho đến khi cô mất khả năng kiểm soát tiểu tiện của mình. Nhiều người trong số các học viên ở trong trại hiện tại vẫn còn đang bị tra tấn theo cách thức này.

Ông McMillan-Scott đã hỏi cô Trương về tình hình sức khỏe của cô. Ông nói với cô ấy rằng khi chồng cô kể với ông về những tra tấn mà cô đã phải chịu đựng, ông đã bị sốc. McMillan-Scott đã đi qua hơn 40 quốc gia, và bất cứ nơi đâu ông đến, ông đều nhắc đến tên của họ.

Ông cũng cho biết, cho đến nay, ông vẫn lo ngại rằng nỗ lực của ông nhằm phơi bày vụ bức hại cô Trương càng khiến họ bị tra tấn tồi tệ hơn ở Trung Quốc. Ông cũng lo ngại rằng sự chú ý đến trường hợp của anh Tào Đông sẽ khiến anh không ngừng bị bức hại thêm.

Cảnh sát Bắc Kinh đã bắt giữ anh Tào Đông lần thứ sáu vào ngày 08 tháng 06 năm 2012. Anh Tào tốt nghiệp từ trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh và đã gặp ông McMillan-Scott sáu năm trước đây. Anh đã kể với ông McMillan-Scott về cuộc bức hại mà anh, vợ anh, và nhiều học viên Pháp Luân Công khác đã phải chịu đựng. Hai giờ sau, nhân viên an ninh nội địa đã bắt giữ anh Tào và bỏ tù anh trong vòng năm năm. Vợ của anh, cô Dương Tiểu Linh, đã qua đời vào ngày 01 tháng 10 năm 2009, đó là kết quả của việc bị bỏ tù dài hạn, bị quấy nhiễu, và chịu cơ cực trong suốt thời gian dài bức hại.

Cô Trương đã nói với Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu: “Nếu không có sự giúp đỡ của ông, gia đình tôi sẽ không thể có mặt ở đây ngày hôm nay. Khi còn ở trong các trại lao động cưỡng bức ở Bắc Kinh và Mã Tam Gia, tôi đã nhiều lần bị ép buộc phải làm xét nghiệm máu và kiểm tra sức khỏe. Nếu không có nỗ lực giải cứu của ông, có lẽ tôi đã bị họ mổ cướp nội tạng rồi.”

Ông McMillan-Scott nói rằng ông tin tưởng cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ sẽ không còn kéo dài quá lâu nữa.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/3/11/欧议会副主席美国首府会见获营救的法轮功学员-270856.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/3/17/138532.html

Đăng ngày 23-03-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share