[MINH HUỆ 08-02-2013] Ngày 05 tháng 02, Tiểu ban về Nhân quyền Quốc tế thuộc Ủy ban Thường trực Ngoại giao và Phát triển Quốc tế của Quốc hội Canada đã tổ chức một phiên điều trần về nạn mổ cướp nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Phiên điều trần

Ông David Matas (trái), thành viên Quốc hội Judy Sgro (giữa), và ông David Kilgour

Tại phiên điều trần kéo dài một giờ đồng hồ, ông David Matas, một luật sư nhân quyền nổi tiếng, và ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh của chính phủ Canada, đã báo cáo những kết quả điều tra về nạn mổ cướp nội tạng và trả lời các câu hỏi từ những thành viên Quốc hội.

Phiên điều trần được đồng chủ trì bởi ông Scott Reid, ông Irwin Cotler, và ông Wayne Marston. Các thành viên của tiểu ban đã tham dự phiên điều trần.

Các nhà điều tra công bố bằng chứng và kêu gọi giúp đỡ để chấm dứt nạn mổ cướp nội tạng

Ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh của chính phủ Canada

Ông David Kilgour đã điểm lại vắn tắt về cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc kể từ năm 1999. Ông cho biết từ năm 2001, hàng ngàn học viên đã bị giết, và nội tạng của họ đã bị bán cho các bệnh nhân ở Trung Quốc và hải ngoại. Ông Kilgour và ông Matas kết luận rằng giữa năm 2000 và 2005, nguồn gốc số nội tạng của 41.500 ca ghép tạng ở Trung Quốc là từ các học viên Pháp Luân Công.

Ông David Matas, một luật sư nhân quyền quốc tế nổi tiếng

Trong bài phát biểu của mình, ông David Matas nói: “Đảng cộng sản đã tiến hành một chiến dịch liên tục, kéo dài, và cay độc nhằm kích động hận thù của người dân đối với các học viên Pháp Luân Công, khiến họ bị cách ly với xã hội, trở nên mất nhân cách và vô nhân tính trong con mắt của nhiều người dân Trung Quốc. Trước năm 1999, có 70 đến 100 triệu học viên Pháp Luân Công. Nhưng sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, họ đã bị bắt với số lượng lớn lên tới hàng trăm ngàn người và bị đưa vào các trại lao động cưỡng bức. Theo các báo cáo quốc gia của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, những quan sát viên nước ngoài ước tính rằng các học viên Pháp Luân Công chiếm ít nhất một nửa số tù nhân trong các trại lao động cưỡng bức của Trung Quốc, những trại lao động này vừa là những trại lao động nô lệ, vừa là ngân hàng nội tạng sống khổng lồ.”

“Gia đình của nhiều học viên Pháp Luân Công đã đệ đơn về sự biến mất của con em họ. Giới chức trách thường từ chối thông báo cho gia đình của các học viên về việc giam cầm; và những học viên này cũng không được phép liên hệ với gia đình của họ. Còn có nhiều học viên, vì cố gắng bảo vệ gia đình và đồng nghiệp của họ khỏi bị liên đới, đã từ chối cung cấp thông tin cá nhân khi bị bắt giữ. Những người không được nhận diện này thường đối diện với nguy cơ bị tổn thương cao.”

“Những nhà điều tra đã mượn danh nghĩa họ hàng của bệnh nhân cần ghép tạng để gọi điện đến các bệnh viện trên khắp Trung Quốc và hỏi xem các bệnh viện có bán nội tạng của học viên Pháp Luân Công không, lấy lý do là vì các học viên Pháp Luân Công có sức khỏe tốt nhờ luyện tập nên nội tạng của họ sẽ khỏe mạnh. Chúng tôi đã ghi âm, sao chép và phiên dịch lại vô số những lời thú nhận của các bệnh viện trên khắp Trung Quốc.”

“Các học viên Pháp Luân Công từng bị giam giữ và sau này có thể thoát khỏi các trại giam và trốn khỏi Trung Quốc cũng xác nhận rằng họ đã bị xét nghiệm máu và kiểm tra nội tạng một cách có hệ thống khi bị giam giữ. Việc xét nghiệm máu và kiểm tra nội tạng rõ ràng không phải là vì sức khỏe của các học viên Pháp Luân Công, bởi họ đã bị tra tấn; mà là để phục vụ cho việc cấy ghép nội tạng và thiết lập một ngân hàng ‘hiến tạng’ sống.

“Thời gian chờ đợi để có được một nội tạng cấy ghép thích hợp ở Trung Quốc là tính theo ngày và tuần. Trong khi đó, ở tất cả những nơi khác trên thế giới, thời gian này được tính theo năm. Sử dụng nội tạng của những người hiến tặng đã qua đời một thời gian lâu là điều không thể vì những nội tạng sẽ bị hư hại sau khi người ta chết. Thời gian sống của một quả thận là khoảng từ 24 đến 48 giờ và của gan là 12 giờ. Thời gian chờ cấy ghép ngắn đồng nghĩa với sự tồn tại của một ngân hàng nội tạng sống khổng lồ, nơi mà các nạn nhân sẵn sàng bị giết chết để đáp ứng thời gian chờ đợi ngắn.”

Sau khi đưa ra nhiều bằng chứng cụ thể, ông Matas chỉ ra rằng: “Không có cách giải thích nào khác cho nguồn gốc của số nội tạng này, ngoại trừ các học viên Pháp Luân Công. Trung Quốc là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, về số lượng các ca ghép tạng. Nhưng cho đến năm 2010, Trung Quốc vẫn chưa có hệ thống hiến tạng từ người đã mất, và thậm chí cho đến ngày nay, số lượng nội tạng hiến tặng thống kê được từ hệ thống đó vẫn không đáng kể. Theo quy định của pháp luật, việc hiến tặng nội tạng chỉ được giới hạn với thân nhân của người hiến tặng và được chính thức khuyến cáo bởi vì người hiến nội tạng sống sẽ gặp phải các biến chứng khi mất đi nội tạng.”

Ông nói: “Trên thực tế, chính phủ Trung Quốc cũng thừa nhận rằng phần lớn nội tạng phục vụ cho các ca cấy ghép ở Trung Quốc có nguồn gốc từ các tù nhân, và họ cam đoan rằng tất cả các tù nhân cung cấp nội tạng đều là các tử tù. Nhưng số tù nhân lãnh án tử hình và sau đó bị hành hình cần có để đáp ứng cho các ca cấy ghép ở Trung Quốc là vượt xa cả những thống kê được thổi phồng nhất về số lượng tử tù. Hơn nữa, trong những năm gần đây, số lượng án tử hình đã giảm, nhưng số lượng các ca cấy ghép, trừ một sự sụt giảm nhẹ vào năm 2007, thì vẫn giữ nguyên.”

Ông Matas nói: “Trong báo cáo của chúng tôi có rất nhiều đề xuất. Tôi muốn đề nghị Hội đồng ban hành một nghị quyết nhằm lên án việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân, bao gồm các học viên Pháp Luân Công. Tôi cũng muốn nêu bật một vài chi tiết đến Quốc hội và Chính phủ Canada, trong đó có việc xin Quốc hội ban hành luật nhằm chống lại việc lạm dụng cấy ghép nội tạng quốc tế; quy định hướng dẫn cho Viện Kiểm sát khởi tố việc tra tấn; ban hành luật tước bỏ quyền công dân đối với những cá nhân vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất, bao gồm việc giết hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng; cấm nhập cư với những người tham gia mổ cướp nội tạng cưỡng bức; thiết lập đường lối cho đầu tư nước ngoài trên cơ sở tôn trọng nhân quyền. Canada nên sử dụng mọi kênh và cơ hội có thể để yêu cầu chính phủ Trung Quốc chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công, đặc biệt là trong những cuộc đàm thoại với các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc và trong những diễn đàn quốc tế, như diễn đàn Đánh giá Định kỳ Toàn cầu của Liên Hợp Quốc.”

Ông Matas kết luận: “Chúng tôi đánh giá cao việc Tiểu ban triệu tập phiên điều trần này. Vấn đề này đủ nghiêm trọng để chúng ta hành động. Về nguyên tắc, những nạn nhân bị bức hại nghiêm trọng nhất cần được chú ý nhiều nhất, được ưu tiên hàng đầu. Tiểu ban nên làm theo nguyên tắc đó khi nhắm vào những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc bằng việc liên tục tập trung vào vấn đề lạm dụng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, việc ngược đãi tàn nhẫn các tù nhân lương tâm và đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công.”

Các thành viên Quốc hội cho rằng các bằng chứng có sức thuyết phục

Sau phiên điều trần, một vài thành viên quốc hội đã được phỏng vấn. Tất cả họ đều bày tỏ rằng bằng chứng mổ cướp nội tạng có tính thuyết phục và chính phủ Canada nên hành động để chấm dứt nó.

Ông Scott Reid, Chủ tịch Tiểu ban

Ông Scott Reid, chủ tịch Tiểu ban, phát biểu: “Nạn mổ cướp nội tạng ngày càng được nhiều người biết đến. Việc đó phần lớn là nhờ nỗ lực của hai nhân chứng này, ông Matas và ông Kilgour. Và đó đúng là một ví dụ rõ ràng về vấn đề nhân quyền mới. Vấn đề này không tồn tại vài năm trước đây, nhưng vì ngày càng dễ dàng để thực hiện những hoạt động mổ cướp nên nó ngày càng là một vấn đề lớn hơn.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng họ đã trình bày khá hiệu quả các bằng chứng của họ.”

Ông Wayne Marston, Phó chủ tịch Tiểu ban

Ông Wayne Marston, Phó chủ tịch Tiểu ban, bày tỏ rằng ông đồng ý với những kết luận của ông Kilgour và ông Matas. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng thấy được sự thay đổi lớn ở Trung Quốc, nhưng các bằng chứng có được cho đến nay không cho thấy điều đó. Việc này thúc đẩy ủy ban nhìn sâu vào tình hình này hơn nữa. Thông tin mà các điều tra viên cung cấp phù hợp với những câu chuyện mà chúng tôi đã nghe được trước đây. Họ thậm chí còn mang đến cho chúng tôi một số bằng chứng vượt xa những điều mà chúng tôi đã nghe được trước đó và họ cũng chỉ cho cộng đồng quốc tế chúng ta, ngoài Hoa Kỳ và Úc và những nơi khác đang xem xét điều này. Vì vậy việc Canada xem xét kỹ càng tình hình là rất quan trọng.”

Ông Irwin Cotler, Phó chủ tịch Ủy ban

Ông Irwin Cotler, phó chủ tịch Ủy ban, nói: “Tôi nghĩ rằng bài thuyết trình hôm nay của họ rất tiêu biểu. Tôi nghĩ rằng họ đã đưa ra thêm nhiều bằng chứng về tính bất hợp pháp của nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc và đòi hỏi các nhà cầm quyền Trung Quốc phải có câu trả lời. Chừng nào các nhà cầm quyền Trung Quốc còn chưa bác bỏ được những bằng chứng đó, thì chúng vẫn đứng vững.”

Ông David Sweet

Ông David Sweet và ông Judy Sgro đều tin rằng hai nhà điều tra đã cung cấp các bằng chứng mạnh mẽ và có sức thuyết phục về vấn nạn mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Ông Reid tin rằng phiên điều trần là bước đầu tiên cần phải thực hiện để chấm dứt vi phạm nhân quyền. Ông nói: “Đây là bước đầu tiên. Ngoài ra, còn có một vài đề xuất thú vị có thể xem xét. Ông Matas đề nghị rằng Canada nên làm việc với những công ty nước ngoài mua lại những công ty Canada. Giả sử Canada có một lượng đầu tư lớn, ồ, chúng ta là một thị trường đầu tư hấp dẫn. Có rất nhiều hãng nước ngoài đang đầu tư vào đây. Cenoc là một ví dụ. Chúng ta nên xem hồ sơ nhân quyền của họ là một trong những tiêu chí đánh giá của chúng ta, điều này chưa từng có trong lịch sử. Có lẽ những tiêu chí nên được điều chỉnh cho phù hợp.”

Ông Sgro phát biểu: “Ông Cotler, đồng nghiệp trong Đảng Tự do của tôi, đang soạn thảo một dự luật riêng mà ông ấy sẽ giới thiệu ngay sau khi nó được hoàn thành. Và chúng ta hãy mang nó đến Tòa nhà Chung và hy vọng rằng nó sẽ được ủng hộ bởi tất cả các thành viên trong Tòa nhà Chung. Đó sẽ là một thông điệp rất mạnh mẽ rằng Canada sẽ đứng lên vì nhân quyền và sẽ đứng lên để bảo vệ những người đang bị đàn áp và lạm dụng.”

Ông Gary Ralph Schellenberger

Ông Gary Ralph Schellenberger nói: “Mỗi lần Thủ tướng của chúng ta đàm thoại với chính phủ Trung Quốc, vấn đề nhân quyền đều được đưa ra. Đề nghị của tôi đến Bộ trưởng Ngoại giao là chúng ta cần làm tất cả những gì có thể để chấm dứt nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc.”

Ông David Kilgour và ông David Matas nói với các phóng viên rằng nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đã hành động để phản đối nạn mổ cướp nội tạng, bao gồm Liên Hợp Quốc, Quốc hội châu Âu, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Canada, Đài Loan, Israel, và Bỉ.

Ông Matas nói với các thành viên quốc hội rằng ông đã nộp 166.000 chữ ký từ 36 quốc gia châu Âu đến Cao Ủy Liên Hợp Quốc, yêu cầu Liên Hợp Quốc tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nạn mổ cướp nội tạng.

Các thành viên Quốc hội: Nhiều người hơn nữa cần biết về tội ác này

Ông Sgro phát biểu: “Chúng ta có cơ hội để tiếng nói ở đó trở nên mạnh hơn và hy vọng vào thời điểm này năm sau, sẽ có thêm hàng triệu người biết về những điều đang xảy ra ở Trung Quốc và việc các học viên Pháp Luân Công đang bị đàn áp và giết hại trong cuộc đàn áp ở Trung Quốc. Vì vậy, tôi rất mừng khi quan sát sự kiện hôm nay và thật sự hoan nghênh Ủy ban vì đã chủ động đưa vấn đề nay ra phía trước. Người ta có thể bỏ qua những việc mà họ không biết. Nhưng khi có đủ số người nghe về những việc như thế này, họ sẽ kinh hoàng như tôi khi thấy những điều này đang được phép tiếp diễn.”

Ông Brent Rathgeber nhận xét rằng các nhà điều tra đã trình bày một cách chi tiết và thuyết phục về những bằng chứng của nạn mổ cướp nội tạng. Ông hy vọng rằng những thông tin này sẽ được lan truyền rộng rãi hơn nữa để nhiều người cùng biết. Ông tin rằng càng có nhiều người biết về tội ác này, thì nó sẽ càng sớm chấm dứt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/2/8/加拿大国会听证会-揭中共活摘黑幕-269301.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/2/10/137602.html

Đăng ngày 19-2-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share