Bài viết của Nghiêm Tuân, một học viên tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-09-2011] Bất kể việc gì chúng ta gặp phải trên con đường tu luyện của mình, thậm chí những việc tưởng chừng như tẻ nhạt hay là không liên quan cũng có thể phản ánh những chấp trước của chúng ta. Tôi đã hiểu ra từ kinh nghiệm của bản thân rằng không được bỏ qua những việc nhỏ, mà phải liên tục tu cái tâm của mình.

Tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm minh họa một việc bình thường đã dạy cho tôi cách hướng nội và giúp tôi từ bỏ những chấp trước như thế nào.

Mới đây trường học của con trai tôi khai giảng. Đây là lần đầu tiên con trai tôi đi học tại một trường ở một thị trấn khác. Cháu phải đạp xe đến trường, và kể từ đó cháu gặp phải hàng loạt những trường hợp khó khăn về đường đi, bao gồm đường đông xe cộ, chúng tôi sắp xếp để cho cháu đi đến trường với một cậu bạn học. Chúng tôi thỏa thuận rằng cậu bạn của con trai tôi sẽ đến nhà chúng tôi vào lúc 7 giờ sáng, tuy vậy thậm chí đến 7 giờ rưỡi cậu bé vẫn chưa xuất hiện. Cậu bé đi học muộn và con trai tôi phải đi một mình, nếu không cháu sẽ đến trường muộn. Tôi nói cháu đừng lo lắng tới những khó khăn về đường đi, vì Sư phụ luôn ở bên và chăm lo cho cháu.

Sau khi con trai tôi đi học, một người thân trong gia đình bắt đầu trách móc cậu bé bạn học của con trai tôi, “Nó được nuôi nấng và giáo dục kiểu gì vậy? Chúng ta không thể tin tưởng nó được. Tôi phải nói với cha mẹ nó về chuyện này.”

Thoạt đầu tôi tán đồng việc phàn nàn đó, nhưng ngay lập tức tôi nhận ra rằng điều này không phải là cách hành xử của người tu luyện. Một người tu luyện phải nghĩ đến người khác trước bản thân mình, và hướng nội về những việc mình đã làm sai. Có thể là cậu bạn đó bận một việc bất ngờ nào đó, hoặc đột ngột bị bệnh, hoặc quên mất, hoặc đã gặp phải một vài chuyện khác mà chúng tôi không nghĩ đến. Làm sao mà chúng tôi có thể đưa ra một kết luận tiêu cực về một người trước khi chúng tôi biết được sự thật?

Ngay thời khắc đó, hai từ, hướng nội, vụt lóe lên trong đầu tôi. Gần đây tôi hẳn đã làm điều gì đó tương tự như thế, như không giữ lời hứa của mình chẳng hạn. Sư phụ đang sử dụng những hành vi của người thường để nhắc nhở về những thiếu sót của tôi. Thật thú vị, tôi đã tìm ra được những điều mà tôi đã không làm tốt.

Tôi thường xuyên đến nhà của một đồng tu, cách xa hàng chục dặm, để nhận các tài liệu vào một ngày nhất định trong mỗi tuần. Nhưng tuần này tôi đã không làm việc đó vì tôi phải xử lý một vấn đề nhạy cảm về thời gian mà không liên quan đến công tác Đại Pháp, và tôi quyết định lúc khác sẽ đến chỗ của học viên đó. Tôi nhận ra rằng sự chậm trễ này không chỉ làm cho học viên kia phải làm thêm công việc và phải lo lắng vì phải giữ các tư liệu Đại Pháp lâu hơn thường lệ, mà nó còn là một sự vấp ngã trên con đường tu luyện của tôi. Tôi đã không ưu tiên đối đãi với công tác Đại Pháp và đã đặt các công việc thường ngày lên trên Đại Pháp. Tôi kém xa so với tiêu chuẩn của Đại Pháp đến nhường nào? Tôi thật xấu hổ vì hành động của mình. Sau đó đột nhiên mất điện, tôi nghĩ đây là điểm hóa cho tôi ngay lập tức đi lấy các tài liệu.

Khi nhìn thấy tôi, người học viên reo lên mừng rỡ, “Cuối cùng bạn cũng đến! Tôi đã tập hợp nhiều bài viết cho Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm sắp tới để bạn chỉnh sửa và gửi lên trang web Minh Huệ. Tất cả những cụ bà trong nhóm học Pháp chúng ta ngày nào cũng hỏi tôi rằng khi nào bạn sẽ đến đây…” Cô ấy vừa nói vừa mỉm cười, không có chút nào trách móc tôi. Tôi nhìn vào người đồng tu mà tôi đã quen biết hơn mười năm nay, sự từ bi và bao dung của cô ấy làm tăng thêm cảm giác tội lỗi của tôi vì tôi đã khiến các đồng tu của mình phải thất vọng. Có bao nhiêu chấp trước và nhân tâm mà tôi đã biểu lộ ra trong sự chậm trễ và thất hứa “nho nhỏ” này.

Sau khi trở về nhà từ nơi ở của đồng tu, tôi bắt tay vào việc chỉnh sửa các bài chia sẻ ngay lập tức. Tuy thế, điện trong nhà tôi lại mất một lần nữa, và lần này nó mất cho tới tận hai ngày sau, trong thời gian đó tôi không thể chỉnh sửa các bài chia sẻ hay là truy cập Internet.

Cuối cùng thì tôi cũng vào được trang web Minh Huệ, tôi trông thấy bài giảng mới của Sư phụ, “Thế nào là đệ tử Đại Pháp.” Tôi đã quá háo hức đọc đến nỗi mà tôi đã gác lại tất cả các công việc của mình. Tôi đã đọc bài giảng này hết lần này đến lần khác.

Dùng các nguyên lý của Pháp để xét bản thân, tôi nhận ra tôi đã không làm tốt và đã mắc phải nhiều sai lầm. Tâm tôi chứa đầy sự ích kỷ, sợ hãi, và nghi ngờ những thứ mà chưa bị diệt trừ ngay cả khi tôi đã tu luyện một thời gian lâu. Điều này thật tai hại đối với một người tu luyện. Nếu không nhờ sự bảo hộ từ bi của Sư phụ, tôi đã bị cựu thế lực bức hại nhiều lần rồi. Nghĩ tới ơn cứu độ từ bi của Sư phụ, ban đêm tôi không tài nào ngủ được. Tôi hạ quyết tâm rằng tôi cần phải tìm ra và buông bỏ các tâm chấp trước của mình, gia trì chính niệm bằng cách tu luyện thật tinh tấn, và thực sự trở thành một đệ tử Đại Pháp đích thực.

Sư phụ đã giảng trong Kinh văn mới của Ngài

…Trước đây tôi cũng giảng cho chư vị rồi, tu luyện trong các ngành các nghề. Đúng thế, mâu thuẫn chư vị gặp phải, bất kỳ sự việc chư vị gặp phải đều là đang khảo nghiệm nhân tâm chư vị, chư vị làm thế nào có thể phù hợp với người tu luyện? Chư vị làm thế nào có thể xứng đáng làm đệ tử Đại Pháp? Đó chẳng phải là tu luyện ư? Người thường có thể làm như vậy, nghĩ như vậy không? Gặp phải mâu thuẫn, bất kể mình đúng hay sai, đều nghĩ về bản thân: Việc này mình có chỗ nào không đúng? Có phải mình thật sự xuất hiện cái gì không đúng? Đều là đang nghĩ như vậy, niệm đầu tiên nghĩ chính mình, nghĩ vấn đề, ai không như vậy thì chư vị không phải là một người tu luyện Đại Pháp chân chính. Đây là Pháp Bảo của tu luyện, đây là một đặc điểm của tu luyện của đệ tử Đại Pháp chúng ta. Bất cứ gặp phải chuyện gì, niệm đầu tiên trước hết xét về mình, cái này gọi là “hướng nội tìm”. (“Thế nào là đệ tử Đại Pháp”)

Thông qua việc đọc các bài giảng của Sư phụ, tôi đã tìm ra nhiều chấp trước, bao gồm chấp trước truy cầu an nhàn (chẳng hạn như ngủ dậy muộn, ham thích các món ăn ngon), lo lắng về những mất mát của bản thân, sợ gặp nguy hiểm và sợ bị phê bình, và tâm hiển thị. Tôi hay cảm thấy cao hứng về thành công của mình, mặc dù tôi không nói với mọi người. Tôi thực sự đã quên mất rằng chính nhờ Đại Pháp và Sư phụ đã ban trí huệ và năng lực cho tôi để thành công.

Một sự việc nhỏ cũng có thể phản ánh nhiều vấn đề trong tu luyện. Nó cũng có thể biểu lộ được ý nghĩa và nội hàm của nguyên lý hướng nội tìm. Niệm đầu tiên xuất ra trong đầu khi chúng ta gặp phải một chuyện nhỏ sẽ cho thấy trạng thái tu luyện của chúng ta: vị tư hay là vô ngã. Từ những chuyện nhỏ xảy ra với tôi, tôi đã kinh nghiệm được nội hàm vô biên của các nguyên lý Đại Pháp. Sư phụ từ bi vô lượng, sự tu luyện của chúng ta cũng là không ngừng, và những nỗ lực cứu độ chúng sinh của chúng ta cũng trở nên vô hạn. Chúng ta không nên dừng lại, nghỉ ngơi, hay đánh mất chính niệm của mình trên con đường tu luyện thời kỳ Chính Pháp. Lựa chọn của chúng ta là cần làm tốt ba việc để trở thành những đệ tử Đại Pháp chân chính được Sư phụ thừa nhận.
________________________________________
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2011/9/10/莫轻小事-修心无止境-246510.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/9/20/128232.html
Đăng ngày 03-10-2011; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share