Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 15-10-2020] Trong cuộc bức hại tàn bạo chưa từng có suốt 21 năm qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Pháp Luân Công, các học viên Pháp Luân Công không chỉ phải đối mặt với việc bị tùy tiện bắt giữ, giam cầm, bỏ tù và tra tấn, mà nhiều người trong số họ còn bị tước đoạt hoàn toàn quyền được sống một cuộc sống bình thường. So với tra tấn về thể xác, sự quấy nhiễu trong cuộc sống hàng ngày của học viên khó nhận biết hơn và xâm nhập vào mọi mặt của cuộc sống người đó. Dưới đây là một số ví dụ.

Bị kiểm soát về mọi phương diện trong những ngày nhạy cảm

ĐCSTQ thường nhắm đến các học viên Pháp Luân Công trên diện rộng vào “những ngày nhạy cảm” nhằm ngăn họ nói với công chúng về cuộc bức hại. Những ngày nhạy cảm này bao gồm các ngày nghỉ lễ, các cuộc họp chính trị lớn, hoặc các ngày kỷ niệm liên quan đến Pháp Luân Công.

Những ngày nhạy cảm điển hình là cuộc họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân và Hội nghị Hiệp thương Chính trị, ngày thành lập ĐCSTQ, ngày 1 tháng 10, ngày đầu năm mới, Tết Nguyên Đán, ngày 25 tháng 4 (kỷ niệm cuộc thỉnh nguyện ôn hòa), ngày 13 tháng 5 (Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, kỷ niệm ngày hồng truyền Pháp Luân Công), và ngày 20 tháng 7 (ngày ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công năm 1999).

Vào những ngày này, chính quyền Trung Quốc sẽ huy động lực lượng cảnh sát và cán bộ khu dân cư khám xét nhà các học viên, bắt giữ họ hoặc ép họ viết tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Chẳng hạn, trong Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13 tháng 5 năm 2020, 51 học viên trên khắp Trung Quốc đã bị bắt giữ. Trong đó, cô Vương Chí Văn ở tỉnh Hà Nam đã bị bắt giữ tại nhà và đã chết trong vòng bốn ngày bị giam giữ do cảnh sát tắc trách dù biết cô bị bệnh tiểu đường nhưng không cho gia đình cô gửi thuốc insulin vào. Trong những học viên này, còn có cô Dương Thục Nhàn ở tỉnh Vân Nam, giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Côn Minh, bị bắt giữ tại nhà. Nhà của cô cũng bị lục soát.

Giám sát việc đi lại và chỗ ở

Chính quyền đã sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để theo dõi cuộc sống và việc đi lại hàng ngày của các học viên. Vì số thẻ căn cước (của những người mà chính quyền đã biết là học viên) được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát quốc gia, nên cảnh sát này sẽ nhận được thông báo khi một học viên cố gắng vượt qua trạm kiểm soát đường bộ hoặc mua vé tại ga đường sắt, bến xe buýt, hoặc bến tàu, cho dù đó có phải là “ngày nhạy cảm “ hay không. Họ sẽ bị bắt giam ngay lập tức và bị đưa trở về chính quyền địa phương, và đôi khi còn bị bức hại hơn nữa ở nơi giam giữ.

Lấy ví dụ về tuyến đường sắt. Khi một học viên mua vé tại nhà ga, tên của họ bị đánh dấu trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát. Theo quy định của cảnh sát, những học viên này phải được kiểm tra riêng tại văn phòng cảnh sát. Hành lý, thẻ căn cước, và hình ảnh trong điện thoại di động của họ sẽ bị lục soát và quay video để lưu vào hồ sơ. Khi đang đi trên tàu, họ phải trải qua một lượt lục soát khác của cảnh sát đường sắt trên tàu. Nếu bất kỳ tài liệu hoặc thông tin nào về Pháp Luân Công được tìm thấy, cảnh sát sẽ bắt giữ người học viên đó và tiến hành bức hại họ hơn nữa.

Khi một học viên đăng ký lưu trú tại một khách sạn bên ngoài thành phố nơi họ sống thì thông tin thẻ căn cước của họ cũng sẽ được chuyển cho cả cảnh sát tại địa phương đó lẫn cảnh sát nơi họ sống.

Ngày 6 tháng 2 năm 2018, cô Thái Vỹ Hoa ở tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt giữ. Khi cô đang lên tàu để thăm cha mẹ vào dịp Tết Nguyên Đán, thì cảnh sát phát hiện ra cô là một học viên Pháp Luân Công thông qua giấy tờ tùy thân bị đánh dấu của cô. Sau đó, cô đã bị kết án bảy năm tù.

Tháng 8 năm 2009, cô Tạ Yến Mẫn ở tỉnh Giang Tô bị bắt khi đang nhận phòng khách sạn trong chuyến công tác đến Bắc Kinh, khi hệ thống kiểm tra thẻ căn cước cho thấy cô là một học viên Pháp Luân Công. Cô đã bị giam giữ tại một trại lao động cưỡng bức trong hai năm từ 2009 đến 2011 và tại một trung tâm tẩy não trong hai tháng vào năm 2010.

Ghi âm các cuộc điện thoại

Khi các công cụ liên lạc hiện đại đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người, ĐCSTQ đã kiểm soát các công cụ này nhằm thực hiện việc giám sát chặt chẽ các học viên Pháp Luân Công, thông qua điện thoại nhà, điện thoại di động, và mạng internet của họ. Một khi ĐCSTQ phát hiện ra bất kỳ hoạt động nào liên quan đến Pháp Luân Công, họ sẽ tiến hành các hành vi gia tăng bức hại.

Một học viên là hiệu trưởng một trường học, còn chồng và con gái của cô đều là quan chức chính phủ. Cảnh sát đã nghe lén điện thoại nhà cô. Sau khi một người quen nói cho cô biết về điều đó, cô đã trở nên rất lo lắng và chịu áp lực rất lớn. Dù chưa từng bị bắt giữ, nhưng cô đã bị suy sụp tinh thần sau nhiều năm chịu đựng áp lực này. Cuối cùng, cô đã phải từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó, cô bị phát nhiều chứng bệnh, và giờ đây, cô không thể tự chăm sóc cho những nhu cầu hàng ngày của mình.

Cô Địch Tử Tuệ, 29 tuổi, một giáo viên dạy múa ở tỉnh Liêu Ninh, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2019. Cô gửi tin nhắn điện thoại di động về Pháp Luân Công cho một người bạn bằng ứng dụng mạng xã hội WeChat. Ngay sau đó, đầu tháng 8 năm 2019, cô đã bị triệu tập đến đồn cảnh sát địa phương và bị cảnh cáo không được tái phạm.

Bị cấm tiếp xúc với xã hội, bạn bè và gia đình

Các hoạt động xã hội bình thường của các học viên Pháp Luân Công bị hạn chế nghiêm trọng, thậm chí còn bị cấm. Những học viên là bạn bè của nhau hoặc là người nhà sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn khi đến thăm nhau, vì các cuộc gặp gỡ của họ thường được coi là cơ sở cho việc gia tăng bức hại. Một học viên đã bị cảnh sát mặc thường phục theo dõi khi bà đến thăm con trai mình. Bà cùng con trai và con dâu đã bị bắt tại nhà của con trai mình.

Ngày 24 tháng 9 năm 2019, cô Vương Tăng Mỹ, một học viên từ tỉnh Sơn Đông, đã đến thăm một người bạn là cô Trương Tuấn Anh. Cô Vương và cô Trương đã bị bắt tại nhà của cô Trương, cũng là một học viên Pháp Luân Công.

Bị cấm ra nước ngoài

Hoạt động du lịch và kinh doanh quốc tế là rất phổ biến trong xã hội ngày nay, và việc ra nước ngoài với mục đích du lịch hoặc thương mại là một trong những quyền tự do cơ bản của một công dân. Kể từ tháng 7 năm 1999, chính quyền các cấp đã lo sợ các học viên ra nước ngoài và vạch trần tội ác của chính quyền Trung Quốc trên trường quốc tế. Do vậy, ĐCSTQ đã đưa nhiều học viên vào danh sách đen, tước quyền tự do đi lại của họ.

Một học viên đã lên kế hoạch cho một chuyến công tác và đến chính quyền địa phương để làm thủ tục xin các giấy tờ cần thiết. Anh được thông báo rằng anh không được ra nước ngoài. Một nữ cán bộ chỉ vào một chồng giấy cao và bảo anh rằng đó là những giấy tờ liên quan đến các học viên khác cũng bị cấm ra nước ngoài.

Cô Trương Xuân Hòa, một kế toán ở tỉnh Quảng Đông, đã bị kết án tù và bị giam giữ tại trại lao động cưỡng bức vì đức tin của mình. Chồng cô bị ép ly hôn với cô. Mẹ cô đã qua đời sau nhiều năm lo lắng cho sự an nguy của con gái mình. Khi cô đi xin hộ chiếu vào tháng 6 năm 2012, viên cảnh sát phụ trách đã từ chối yêu cầu của cô vì đức tin của cô.

Bị phân biệt đối xử khi xin việc làm

Để lôi kéo cả nước tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã sử dụng hơn 1.000 kênh truyền thông để truyền bá những dối trá và bịa đặt nhằm lừa dối mọi người và kích động thù hận đối với các học viên.

Khi không ngừng bị các loại tuyên truyền chống Pháp Luân Công tấn công dồn dập trong thời gian dài, phần lớn xã hội đã coi các học viên là những kẻ mất trí, thậm chí là quái vật. Hệ quả là, sự phân biệt đối xử đã gây ra nhiều lo ngại và can nhiễu đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của các học viên.

Nhiều công ty, vì sợ chính quyền hoặc lo sẽ “chiêu mời rắc rối”, đã tránh tuyển dụng các học viên. Những học viên bị sa thải vì giữ vững đức tin lại gặp nhiều hạn chế và khó khăn hơn nữa khi tìm việc làm mới.

Anh Lý Lực Tráng, một bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Cơ sở Số 1 của Trường Y khoa Cáp Nhĩ Tân, đã phải chịu hai bản án trong trại lao động cưỡng bức và một án tù, tổng cộng là 6,5 năm bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công. Bệnh viện này đã sa thải anh, và khi không thể tìm được việc làm ở các bệnh viện khác, anh đã phải ra bán quần áo trên đường phố.

Ông Trịnh Húc Quân, 43 tuổi, từng là nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Viện Nghiên cứu Điện lực Trung Quốc (CEPRI) ở Bắc Kinh và từng đoạt giải ba trong cuộc thi Giải thưởng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ của Bộ Điện lực. Tháng 11 năm 2000, ông bị trục xuất khỏi viện này vì tu luyện Pháp Luân Công.

Chính quyền cũng đã treo hộ khẩu của ông Trịnh, khiến ông trở thành “người cư trú bất hợp pháp” và không thể tìm được việc làm hay có một cuộc sống bình thường suốt 20 năm qua. Ông Trịnh buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại. Không rõ đến thời điểm này, ông đã trở về nhà hay chưa.

Trẻ em bị liên lụy

Cuộc bức hại không chỉ dừng lại ở các học viên, mà còn khiến con cái của họ bị liên lụy. Chính quyền dùng quyền lực và các nguồn lực nhà nước để kiểm soát con cái của các học viên Pháp Luân Công trong các phương diện của cuộc sống, kể cả công ăn việc làm, việc nhập ngũ, thăng tiến trong công việc và nhập học, nhằm ép buộc các học viên phải từ bỏ việc tu luyện của họ.

Ngày 10 tháng 6 năm 2020, cô Vận Tiệp, nhân viên giữ kho của công ty Đường sắt Thành phố Quý Dương ở tỉnh Quý Châu, đã bị bắt giữ tại nơi làm việc. Nhà của cô bị lục soát và đồ đạc cá nhân, gồm cả tài liệu Pháp Luân Công, bị tịch thu. Cô bị giam giữ tại nhà tù địa phương vào ngày hôm sau. Chính quyền không cho gia đình cô vào thăm và đóng băng tài khoản ngân hàng của cô. Con trai cô, vừa tìm được việc làm tại sở cứu hỏa thành phố, cũng bị sa thải.

Tước đoạt quyền đi học

Chính quyền ĐCSTQ đe dọa tước bỏ quyền đi học của các học viên Pháp Luân Công để buộc họ phải từ bỏ việc tu luyện. Nhiều học viên đã bị đuổi khỏi trường học hoặc bị cấm nhập học vào các trường đại học danh tiếng vì họ từ chối từ bỏ đức tin của mình.

Ngày 1 tháng 5 năm 2019, cô Uyển Xuân Hiểu, 20 tuổi, là sinh viên năm nhất tại Đại học Bưu chính Viễn thông Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô, bị bạn cùng phòng tố cáo khi đang luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công trong phòng ký túc xá. Cô đã bị các cán bộ phòng an ninh của trường đại học này thẩm tra. Sách và tài liệu Pháp Luân Công của cô bị tịch thu. Cuối cùng, khi cô không chịu từ bỏ đức tin của mình, trường đại học này đã đuổi học cô.

Đình chỉ lương hưu

Tước đoạt lương hưu là một biện pháp khác mà chính quyền ĐCSTQ triển khai nhằm ép buộc các học viên phải từ bỏ việc tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Đường Húc Trân, 82 tuổi, một giáo sư đã về hưu của Đại học Y Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên, đã nhiều lần bị bắt và giam giữ vì lên tiếng bảo vệ Pháp Luân Công. Bà đã thụ án hai năm trong trại lao động cưỡng bức và ba năm rưỡi trong tù. Các nhà chức trách tại trường đại học này đã đình chỉ lương hưu của bà vào cuối năm 2009, và nói rằng họ sẽ phục hồi cho bà khi bà chịu viết tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Phân biệt đối xử về nhà ở

Các học viên Pháp Luân Công cũng bị chính quyền phân biệt đối xử về nhà ở. Một số không được duyệt cho thuê căn hộ vì đức tin của họ, trong khi một số khác bị cưỡng chế phải phá dỡ nhà của mình.

Bà Trương Quế Lan ở thành phố Nghi Xuân, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt giữ nhiều lần và bị kết án 5,5 năm tù giam. Bà bị tra tấn dã man trong tù và bị cưỡng bức phải lao động khổ sai.

Nhà của bà bị dỡ bỏ để nhường chỗ cho một công trình xây dựng mới vào năm 2011. Mức bồi thường thông thường của chính phủ ít nhất là 1,2 triệu nhân dân tệ; tuy nhiên, các nhà chức trách chỉ đồng ý trả cho bà 300.000 nhân dân tệ. Khi bà từ chối chuyển đi nơi khác, chính quyền đã cắt các tiện ích sinh hoạt của bà và đe dọa sẽ bắt giữ bà. Bà đã làm đơn khiếu nại đến một số cơ quan chính phủ, nhưng vô ích. Tòa án cũng sẽ không chấp nhận đơn kiện của bà.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/1/409874.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/15/187821.html

Đăng ngày 19-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share