[MINH HUỆ 05-10-2020] Giáo viên vẫn luôn là một nghề cao quý. Giáo viên gánh vác trách nhiệm giáo dục trẻ nhỏ, giúp chúng học cách giải quyết các vướng mắc trong cuộc sống và ươm mầm tài năng của học sinh trong mọi lĩnh vực.

Năm 1994, UNESCO và Tổ chức Lao động Quốc tế đã chỉ định ngày 5 tháng 10 là “Ngày Nhà giáo Thế giới”. Người dân khắp nơi trên thế giới ca ngợi và tôn vinh nhà giáo vì những đóng góp của họ cho giáo dục và nhân loại.

Trong khi hầu hết các giáo viên trên thế giới có thể chào mừng “Ngày Nhà giáo Thế giới”, ở Trung Quốc có nhiều giáo viên lại không thể, chỉ vì họ tu luyện Pháp Luân Công.

Vì những giáo viên này không chịu từ bỏ quyền tu luyện Pháp Luân Công, họ đã bị đuổi việc, giam giữ, và tra tấn, giống như hàng triệu học viên khác, từ khi chính quyền Trung Quốc phát động cuộc đàn áp đức tin của họ vào năm 1999. Một số người thậm chí đã mất mạng.

Giáo viên bị đàn áp vì đức tin

Khi cuộc đàn áp bắt đầu, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cho trường học các cấp, từ bậc tiểu học tới đại học, công khai bài xích Pháp Luân Công. Giáo viên và học sinh bị buộc phải xem các băng video phỉ báng Pháp Luân Công và công khai tấn công Pháp Luân Công.

Các cán bộ trường học, Phòng 610 (một cơ quan ngoài pháp luật được thành lập để đàn áp Pháp Luân Công), và cảnh sát đã phối hợp để đàn áp những giáo viên tu luyện Pháp Luân Công. Những người từ chối từ bỏ đức tin sẽ bị đưa vào các lớp tẩy não, trại lao động cưỡng bức hoặc các bệnh viện tâm thần. Một số người đã bị bỏ tù.

Ví dụ, tại Đại học Thanh Hoa, một trong những đại học nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, có hơn 300 giáo sư, giảng viên và sinh viên đã bị đưa vào tầm ngắm vì đức tin của họ.

Cô Yu Jia là giảng viên tại trường Kinh tế Quản lý thuộc Đại học Thanh Hoa. Trong dịp Tết năm 2000, cô đã đi đến Quảng trường Thiên An Môn để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị bắt. Cô bị giam hơn một tháng và bị tra tấn dã man. Sau đó, cô còn bị bắt vài lần vì tập Pháp Luân Công ở nơi công cộng. Ngày 27 tháng 11 năm 2000, cô đã bị bắt và bị bí mật kết án ba năm rưỡi tù giam.

Tại Đại học Kinh doanh Công nghệ Bắc Kinh, cô Triệu Hân, một giảng viên của trường Kinh tế, đã bị bắt và bị giam giữ vì luyện Pháp Luân Công ở một công viên tại Bắc Kinh vào tháng Sáu năm 2000. Ba ngày sau đó, cô bị đánh đập nghiêm trọng tới mức gãy đốt sống cổ thứ tư, năm, và sáu và bị mù mắt trái. Cô đã bị liệt và qua đời sáu tháng sau đó ở tuổi 32.

Cô Lưu Lệ Mai từng là phó giáo sư tại Khoa Thú Y, Đại học Nông nghiệp Đông Bắc Cáp Nhĩ Tân. Vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, cô đã bị bắt vào năm 2001 và bị giam giữ tại Trại Lao động Cưỡng bức Vạn Gia Cáp Nhĩ Tân. Mấy tháng sau, cô được thả trong tình trạng thập tử nhất sinh. Cô bị bắt lại vào tháng 2 năm 2003 và bị tra tấn đến chết vào ngày 12 tháng 8 năm 2003 tại một trại giam ở tuổi 41. Cảnh sát đã cảnh báo gia đình cô không được nói với bất kỳ ai về cái chết của cô và không cho phép họ khám nghiệm tử thi của cô.

Cô Trương Yến, giáo viên dạy nhạc của một trường trung học cơ sở ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, từng có những bệnh mãn tính như viêm họng, thấp khớp, đau thần kinh toạ, chóng mặt và suy nhược thần kinh. Những bệnh này đã nhanh chóng biến mất sau khi cô tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 6 năm 1998. Cô đã tuân theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong công việc và giúp học sinh của mình ngoài giờ học mà không lấy tiền. Cô cũng từ chối nhận tiền đút lót và được sự kính trọng của học sinh và phụ huynh.

Vì tu luyện Pháp Luân Công, cô Trương đã bị giam giữ 2.208 ngày trong các trại giam, trung tâm tẩy não, trại lao động cưỡng bức và nhà tù. Cô đã bị sa thải và phải bỏ trốn khỏi quê nhà cùng bố mẹ để tránh cuộc đàn áp. Cô qua đời vào tháng 2 năm 2020 ở tuổi 46.

Bi kịch của ba giáo viên này cho thấy cho cuộc đàn áp tàn bạo đối với hàng triệu học viên Pháp Luân Công, trong đó có hàng ngàn người là giáo viên. Bên ngoài Trung Quốc, các giáo viên tu luyện Pháp Luân Công thu được những lợi ích lớn từ môn tu luyện này và cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác.

Giáo viên ở thế giới tự do

Cô Laurel là một giáo viên trung học ở Queensland, nước Úc. Cô cùng chồng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1999. “Đó là một sự tình cờ”, cô kể lại. “Một người bạn Trung Quốc đã đưa cho vợ chồng tôi cuốn sách Chuyển Pháp Luân. Chúng tôi đã bị thu hút bởi các đạo lý trong cuốn sách và cùng nhau học. Lúc đó, tôi có một số vấn đề sức khoẻ và không làm việc được. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi nhanh chóng hồi phục và trở lại trường để dạy học. Khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã học được cách cân nhắc tới người khác trong mọi việc tôi làm. Tôi cố gắng trở thành một người tốt hơn ở nhà và ở nơi làm việc”.

aa94c0b2e79292768675830eb5595d98.jpg

Cô Laurel (bên trái) và ba thế hệ gia đình cô chúc mừng sinh nhật nhà sáng lập Pháp Luân Công.

Cô Mary Manthey là một giáo viên tiểu học ở Ann Arbor, Michigan. Cô nói: “Trước kia, tôi thường cảm thấy căng thẳng và bị trầm cảm. Tôi đã có một thời gian chật vật với cuộc sống. Sự quan tâm và ủng hộ của gia đình và bạn bè cũng không cứu được tôi. Vào tháng 4 năm 2017, tôi bắt đầu tập Pháp Luân Công. Tôi đã đọc các sách của Pháp Luân Công, và Sư phụ Lý Hồng Chí đã giúp tôi vượt qua những ngày tăm tối nhất trong đời. Ngài đã dạy cho tôi trở nên chân thành, thiện lương, mạnh mẽ, và trở thành một người tu luyện Pháp Luân Công tinh tấn. Tôi không thể diễn đạt hết lòng biết ơn của mình với Sư phụ Lý bằng lời. Pháp Luân Công đã đem lại cho tôi hạnh phúc vĩnh hằng.”

Cô Trương Mỹ Quyên, một giáo viên tiếng Trung ở Trường Trung học Phổ thông Chung Cương, Đài Loan, đã trải nghiệm những cải thiện đáng kể cả về sức khoẻ lẫn tinh thần sau khi cô tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2002. Chứng đau đầu gối và đau bụng kinh do lạc nội mạc tử cung của cô đã biến mất. Mẹ cô nói với mọi người rằng con gái bà đã khỏi sau khi tu luyện Pháp Luân Công.

Cô Trương bắt đầu làm giáo viên chủ nhiệm vào năm 2006 và kể từ đó, cô đã dạy học sinh của mình hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Cô đối xử với học sinh của mình bằng sự chân thành, thiện ý, và nhẫn nại. Lớp của cô từng được công nhận là “lớp gương mẫu” của trường trong suốt ba năm học, và cô đã giành giải thưởng Cán bộ Giáo dục Xuất sắc Thành phố Đài Trung năm 2009.

Cô Lý Mẫn Du là giáo viên tại Trường Tiểu học Minh Nghĩa, quận Hoa Liên, Đài Loan. Từ nhỏ, cô đã có những câu hỏi về cuộc sống và luôn đau đáu tìm câu trả lời cho tới năm 2001, khi cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân, cô hiểu ra rằng mục đích của cuộc sống là để quay trở về với con người thật ban đầu của mình. Sau một thời gian cô tu luyện, chồng và họ hàng của cô đều nhận xét rằng cô trở nên trẻ trung, xinh đẹp hơn.

Cô Lý thích giới thiệu Pháp Luân Công với họ hàng, đồng nghiệp và học sinh của mình. Cô dạy học sinh phải chân thành, thiện ý trong cả lời nói lẫn hành động. Tại các buổi họp câu lạc bộ hàng tuần, cô dạy học sinh năm bài công pháp Pháp Luân Công và đọc các bài thơ Hồng Ngâm. Cô cũng kể những câu chuyện minh hoạ về lòng chân thành, thiện lương, khoan dung. Sự dạy dỗ và ảnh hưởng của cô đã khiến học sinh cố gắng trở nên tốt hơn. Cô đã giành được giải thưởng Giáo viên Xuất sắc Quận Hoa Liên vào tháng 9 năm 2003.

Tại ngày hội thể thao của trường tổ chức vào tháng 4 năm 2004, cô Lý và hơn 300 em học sinh lớp bốn đã cùng nhau biểu diễn năm bài công pháp Pháp Luân Công. Họ đã nhận được sự tán thưởng của các giáo viên, học sinh, phụ huynh và khách mời. Ảnh cùng video giới thiệu về Pháp Luân Công và phơi bày cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc cũng được trình chiếu.

Tại sự kiện, cô Lý xúc động nói: “Trẻ em Đài Loan có thể tự do học và luyện Pháp Luân Công vì được thụ ích cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Nhưng ở bờ bên kia, học sinh Trung Quốc lại bị đuổi học hoặc bắt giam vì nói ‘Pháp Luân Công là tốt’ hay ‘Chân-Thiện-Nhẫn là tốt’. Đó là hai thế giới hoàn toàn khác biệt.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/5/413291.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/12/187783.html

Đăng ngày 15-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share