Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-09-2020] Lớn lên trong sợ hãi và phải liên tục thay đổi chỗ ở vì cuộc bức hại nhắm vào đức tin của mẹ mình vào Pháp Luân Công, các con của bà Chu Diễm lại bị giáng thêm một cú sốc khi bà qua đời ở tuổi 57 vào ngày 15 tháng 8 năm 2020.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Bà Chu sống tại thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1998. Vì kiên định đức tin của mình, bà đã liên tục bị bắt giữ và tra tấn. Bà đã hai lần bị bắt vào trại lao động và buộc phải sống xa nhà một thời gian để trốn cảnh sát. Sự đau khổ cả về tinh thần lẫn thể chất do cuộc bức hại gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của bà và cuối cùng bà đã qua đời.

Bà Chu không phải là nạn nhân duy nhất trong gia đình phải chịu đựng nỗi thống khổ từ cuộc bức hại Pháp Luân Công. Sau khi chồng bà không thể chịu nổi áp lực và ly dị bà vào năm 2003, con trai và con gái đang ở tuổi vị thành niên của bà phải vật lộn để kiếm sống khi bà ở trong tù. Vì tìm cách để mẹ mình được thả mà hai người con của bà đã bị cảnh sát đánh đập đến bị thương nghiêm trọng. Con trai của bà đã trải qua ba lần suy sụp tinh thần vì liên tục bị bắt giữ và bị tra tấn.

2020-9-19-mh-jilin-zhuyan.jpg

Bà Chu Diễm

2006-2-16-zhue-family-1.jpg

Bà Chu Diễm (hàng phía sau bên tay phải) và gia đình

Dưới đây là câu chuyện của bà Chu và các con của bà.

Bị bắt vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công tại Bắc Kinh

Hai tháng sau khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại Pháp Luân Công, bà Chu đã đến Bắc Kinh vào tháng 9 năm 1999 để thỉnh nguyện cho đức tin của mình. Bà đã bị bắt và đưa đến Nhà tù Mật Vân. Cảnh sát đánh bà và bắt bà phải ngồi xổm hoặc đứng trong nhiều giờ liền. Rất nhiều sĩ quan đã đá vào hông và dẫm lên chân bà trong khi bà đang ngồi dưới đất.

Sau khi bà Chu bị đưa trở lại Cát Lâm, bà bị giam tại trại tạm giam Khẩu Tiền trong hơn một tháng. Nơi làm việc đã sa thải bà và bà bị phạt 5.000 nhân dân tệ. Kể từ đó, tên bà bị liệt vào danh sách đen và cảnh sát liên tục quấy rối bà.

Bị giam tại trại lao động

Bà Chu bị bắt lần nữa vào năm 2003 vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Bà bị giam tại trại tạm giam số 3 thành phố Cát Lâm và sau đó bị đưa đến trại lao động cưỡng bức hai năm. Vì tình trạng sức khoẻ yếu, trại lao động ban đầu đã từ chối tiếp nhận bà.

Sau khi được thả, chồng bà đã ly dị bà vì sợ bị liên luỵ. Lúc đó Tào Dương, con trai của bà chỉ mới 16 tuổi và con gái của bà, Tào Nguyệt chỉ mới 14 tuổi.

Bà Chu bị bắt lần nữa vào tháng 11 năm 2005 trong khi đang đi trên đường. Cảnh sát đã không hề thông báo cho người nhà về việc bắt giữ và hai người con đã phải đi tìm bà khắp nơi. Một tháng sau bà Chu bị kết án một năm rưỡi và bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Hắc Chuỷ Tử. Bà bị tẩy não cường độ cao, tra tấn thể xác và phải chịu đựng áp lực to lớn mỗi ngày.

Trước Thế Vận hội năm 2008 tại Bắc Kinh, các quan chức đã treo giải thưởng cho những ai bắt được các học viên Pháp Luân Công ở địa phương. Vào ngày 24 tháng 4 năm 2008, cảnh sát đã sách nhiễu bà Chu và đe doạ rằng sẽ không rời đi. Một nhóm cảnh sát đã quay lại vào ngày 12 tháng 5 năm 2009 và đưa bà đến đồn công an, lấy lý do rằng họ muốn hỏi bà một số câu hỏi về một bài viết được đăng trên trang Minh Huệ. Bà Chu đã đi với họ và sau đó bị giam giữ và kết án thêm một năm rưỡi tại trại lao động cưỡng bức.

Bị buộc phải sống xa nhà và tiếp tục bị quấy rối

Vào ngày 31 tháng 7 năm 2012, bà Quách Anh Kiệt là chị dâu của bà Chu bị bắt. Tuy trốn thoát khỏi việc bị bắt giữ, nhưng bà Chu vẫn phải đi trốn sau khi một lực lượng đặc nhiệm được thành lập để tìm kiếm bà.

Cảnh sát đã lục soát nơi ở của bà Chu và tịch thu các sách Pháp Luân Công, tài liệu, máy tính, và máy in của bà.

Cảnh sát đã không ngừng theo dõi bà Chu. Trong suốt chuyến đi đến thành phố Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh để thăm con gái vào năm 2017, bà đã hai lần bị bảo vệ trạm xe lửa chặn lại và kiểm tra thân thể sau khi các sĩ quan biết được bà là một học viên Pháp Luân Công thông qua việc quét chứng minh nhân dân của bà.

Tình cảnh khó khăn của các con bà

Ngày 12 tháng 6 năm 2006, khoảng 7 tháng kể từ lần bắt giữ thứ ba của bà Chu, các con của bà đã giăng một biểu ngữ trước Đồn công an Hang Diêu, đơn vị chịu trách nhiệm việc bắt giữ bà để yêu cầu thả bà ra.

Bốn sĩ quan đã xuất hiện để đánh đập và đá họ. Người con trai là Tào Dương bị chảy máu miệng và đầu của cháu sưng to và thâm tím. Lưng và cánh tay của cháu cũng bị thương.

Sau khi đánh Tào Dương, những sĩ quan này quay qua người em gái là Tào Nguyệt. Trưởng Đồn cảnh sát Trần Tân Trụ đã kéo tóc cháu, bắt cháu đứng lên và sau đó đẩy cháu xuống. Hắn cũng dậm mạnh vào lưng của cháu. Hầu hết tóc của Tào Nguyệt đã bị giựt đứt hết và quần áo cháu rách nát.

Trần hét vào mặt hai đứa trẻ: “Đánh tụi mày thì có gì ghê gớm đâu?”

2006-8-9-caoyang-01.jpg

Tào Dương giăng biểu ngữ yêu cầu thả mẹ của mình trước Đồn công an Cát Lâm vào ngày 8 tháng 8 năm 2006

Tào Dương đã quay lại Đồn công an Cát Lâm lần nữa vào ngày 8 tháng 8 năm 2006 để yêu cầu thả mẹ mình nhưng đã bị bắt lại.

Sự tàn bạo của cảnh sát và việc liên tục bị quấy nhiễu sau khi bà Chu được thả đã khiến Tào Dương khủng hoảng và bị suy sụp tinh thần.

Bà Chu cùng các con mình đã phải chuyển đến thành phố khác để tránh sự quấy nhiễu không ngừng của cảnh sát. Với sự chăm sóc của mẹ, Tào Dương đã dần hồi phục nhưng sau đó cháu lại bị giáng một cú sốc khi bà Chu bị cảnh sát bắt đi lần nữa vào tháng 5 năm 2008.

Các quan chức không cho phép con của bà Chu đến thăm bà hoặc nhận quần áo mà họ gửi cho bà cho tới tận 3 tháng sau đó khi Tào Nguyệt khóc một cách tuyệt vọng trong trại lao động và yêu cầu được gặp mẹ mình.

Tào Dương lại bị khủng hoảng tinh thần một lần nữa khi nhà của họ bị lục soát và tất cả đồ dùng, kể cả bình gas, đều bị lấy đi. Cháu thường xuyên đi lại trên đường phố và hét lên: “Tôi không còn nhà nữa”. Sau khi một viên cảnh sát nhìn thấy cháu, anh đã đưa Tào vào bệnh viện tâm thần địa phương.

Tào Dương bị bắt lần nữa vào ngày 31 tháng 7 năm 2012 tại nhà của dì mình. Cảnh sát buộc tội cháu vận chuyển các món đồ liên quan đến Pháp Luân Công cho dì mình là bà Quách Anh Kiệt. Bà Chu đã trốn thoát được trong lần bắt giữ này.

Tại đồn công an, cảnh sát đã thẩm vấn Tào Dương. Họ đe doạ cháu bằng các cây kim thép, khủng bố cháu với một con chó dữ tợn và bức thực cháu bằng bột cay và rượu. Tào Dương đã bị tra tấn đến gần chết.

Tào Dương lại khủng hoảng tinh thần lần nữa nhưng các quan chức vẫn giam cháu tại trại tạm giam và tống tù cháu trong năm tháng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/20/412033.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/23/186905.html

Đăng ngày 02-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share