Bài viết của một học viên Tây phương ở Canada

[MINH HUỆ 01-08-2020] Tôi muốn chia sẻ một số nhận thức về nghiệp bệnh liên quan đến chứng đau cổ và lưng của tôi. Tôi là một bác sĩ chuyên khoa về nắn chỉnh xương khớp và hệ thần kinh bằng phương pháp Chiropractic và đang làm việc ở Canada. Tôi chăm sóc mọi người với đủ loại bệnh, từ đau nhức nhẹ cho đến các tình trạng thần kinh nặng hơn. Một trong những điều tôi phải vật lộn kể từ khi tu luyện là vấn đề đau lưng và đau gáy của tôi. Là một chuyên gia nắn chỉnh xương khớp, tôi muốn chia sẻ một số nhận thức của mình.

Tôi học đại học chuyên ngành chỉnh hình cách đây 5 năm. Khi đó, tôi vẫn chưa biết đến Pháp Luân Đại Pháp. Tôi rất thích thú với phương pháp trị liệu Chiropractic, và tôi cũng thường xuyên sử dụng phương pháp này nhằm điều chỉnh cột sống của mình cho thẳng, đảm bảo hệ thống thần kinh hoạt động tối ưu và luôn khỏe mạnh. Lúc đó, tôi cảm thấy rất tốt và rất dễ chịu. Cột sống của tôi cảm thấy rất mềm mại, không bị cứng hoặc kêu răng rắc, tôi không đau và cảm thấy rất khỏe mạnh.

Tôi được giới thiệu về Đại Pháp đúng vào thời điểm tôi đang háo hức tìm kiếm một con đường tu luyện để trở về với chân ngã của mình. Khi tìm thấy Đại Pháp, tôi đã rơi nước mắt vì biết ơn, tôi biết mình đã tìm thấy con đường tu luyện chân chính. Tuy nhiên, tôi đã rơi vào tình huống khó xử ngay lập tức. Khi đọc Chuyển Pháp Luân, tôi minh bạch rằng tôi phải tiêu trừ nghiệp, và việc tiếp tục điều chỉnh thần kinh cột sống là trái ngược với Pháp. Trong khi đối diện với tình huống khó xử này, tôi vẫn tới gặp bác sĩ trị liệu của mình. Không lâu sau đó, những gì giúp tôi cảm thấy khỏe mạnh và dễ chịu đột nhiên không còn hiệu quả nữa. Tôi đã bị đau thắt lưng dữ dội mà không có cách nào thuyên giảm.

Tôi ngộ ra rằng Sư phụ Lý đang giúp tôi tiêu trừ nghiệp, và đang cố gắng điểm hóa cho tôi về nguyên lý này. Tôi đã đưa ra quyết định khó khăn là ngừng trị liệu bằng phương pháp nắn chỉnh thần kinh cột sống. Tôi lo lắng về cột sống, về sức khỏe, và những cơn đau mà tôi sẽ phải gánh chịu trong tương lai. Tôi cũng lo sợ các hậu quả về mặt xã hội khi ngừng sử dụng phương pháp này. Gia đình, đồng nghiệp, nhân viên của tôi sẽ nghĩ gì? Cuối cùng, tôi hiểu rằng họ nghĩ gì không quan trọng, và họ không cần biết về việc đó. Điều quan trọng là liệu tôi có đạt được các yêu cầu của Sư phụ Lý hay không, và tôi có thể làm phần việc của mình để cứu độ chúng sinh hay không?

Sau khi hạ quyết tâm như vậy, tôi đã không còn tìm cách điều chỉnh thần kinh cột sống cho bản thân nữa, trừ những lúc cần huấn luyện thực tập. Khi mọi người hỏi ai là người chăm sóc cột sống cho tôi, tôi nói rằng các bác sĩ chỉnh hình địa phương thường họp mặt, và chúng tôi điều chỉnh cho nhau ở đó. Điều này đúng, vì đôi khi tôi sẽ đưa ra những điều chỉnh tại các cuộc họp này, và đôi khi cho phép ai đó kiểm tra cột sống của tôi vì mục đích thực tập.

Tại các cuộc họp này, nhiều lần tôi đã phải chấp nhận để các bác sĩ khác kiểm tra cột sống của tôi. Tôi đã được một số bác sĩ nắn xương khớp giỏi nhất kiểm tra. Nếu tôi duy trì được chính niệm tại thời điểm đó, họ sẽ nói rằng cột sống của tôi vẫn ổn và không cần phải điều chỉnh gì. Điều này kéo dài trong nhiều tháng liền, cũng phải đến gần một năm. Thông thường, người bình thường sẽ không thể kéo dài được một tuần mà không cần nắn chỉnh. Mỗi lần được bác sĩ cho biết cột sống của tôi “tốt”, tôi đều cảm tạ Sư phụ đã chăm sóc cho tôi. Tôi hiểu rằng những gì tôi đang cảm thấy thực chất chính là nghiệp, chứ không phải là vấn đề về thể chất. Sự đau đớn mà tôi cảm thấy chỉ là giả tướng chứ không phải nỗi đau trên thân thể thực sự.

Những trải nghiệm này đã giúp tôi gia cường thêm chính niệm. Ngay cả những lần được điều chỉnh cột sống tại các cuộc họp này, tôi cũng không cảm thấy khác biệt gì lắm, hoặc cảm giác đó cũng không kéo dài, bởi vì nó là nghiệp, ở tầng thâm sâu hơn, đó mới là nguyên nhân thực sự khiến tôi khó chịu. Nó đòi hỏi tính nhẫn nại và chuyển biến quan niệm từ căn bản, trái ngược với việc điều trị từ bên ngoài.

Ngày nào tôi cũng cảm thấy khó chịu vì cột sống đau, cứng, và kêu răng rắc ở sau gáy và ở giữa lưng. Một số đồng tu tìm đến tôi và chia sẻ rằng họ đã phải vật lộn với các vấn đề ở lưng, một số người còn hỏi liệu có cách nào đơn giản để chữa trị hoặc giảm bớt đau đớn được không.

Tôi hiểu rằng những điều này là để chúng ta tu luyện, và tôi thường xuyên nhắc nhở bản thân như thế. Chúng ta sẽ không khó chịu và đau nhức ở cột sống nếu không có lý do nghiệp lực. Chúng ta đang trong quá trình tu luyện bản thân và đề cao tâm tính. Tôi biết rằng sự chăm sóc mà tôi dành cho những người khác có thể giúp họ sống thoải mái hơn, nhưng đó không phải là điều mà chúng ta truy cầu. Chúng ta biết sứ mệnh của mình, chúng ta có Sư phụ và Pháp! Có một số học viên đã phải vật lộn với chứng đau lưng trong nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Đôi khi nó khiến chúng ta nản lòng và khó chịu đựng, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua được.

Tùy thuộc vào nghiệp lực và chấp trước, đó có thể là một bước cần thiết mà chúng ta cần trải qua trong quá trình đề cao bản thân. Tôi thường bắt gặp mình đang nghĩ về cột sống và cơ thể theo cách nghĩ của người thường, mà quên rằng tôi cần phải từ trong Pháp mà nhận thức vấn đề. Tôi còn sợ bị thoái hóa cột sống và bị còng lưng. Tôi cũng thường thấy mình đang cố gắng giảm bớt sự khó chịu bằng cách tự bẻ lưng.

Những lúc tu luyện tốt và làm tốt ba việc, tôi có thể dễ dàng nắm chắc được các ý niệm này mỗi khi chúng xuất hiện, và thay thế tâm sợ hãi bằng nhận thức có lý trí từ Pháp. Tôi hiểu rằng đó là một trận chiến, một “cuộc chiến” giữa quan niệm người thường và tư duy của một người tu luyện. Tôi nhận thấy rằng tôi vẫn chưa tu bỏ được hoàn toàn tâm sợ hãi và các quan niệm liên quan đến cột sống, và chúng ẩn nấp trong rất nhiều tầng. Tôi nhắc nhở bản thân rằng việc tôi tu luyện không phải là để có được sự thoải mái trong thân thể, nếu chỉ vì điều đó thì tu luyện sẽ là vô ích. Nhiều bài chia sẻ trên trang web Minh Huệ nói về các trải nghiệm hồi phục sức khỏe thần kỳ nhờ tu luyện Đại Pháp. Điều này là một thử thách, bởi vì người tu luyện nhất định phải kiên định tu luyện và không bị lay động, cho dù người đó vẫn còn cảm giác khó chịu trên cơ thể.

Năm năm bị chứng khó chịu ở cột sống lại là hảo sự đối với việc tu luyện của tôi. Nó đã giúp tôi tôi luyện được ý chí của mình, tìm ra các chủng tâm sợ hãi và gốc rễ của các quan niệm bất hảo. Thông qua quá trình này, hiểu biết của tôi đã sâu sắc lên. Nếu đến bước cuối cùng trong tu luyện của mình mà tôi vẫn bị đau và khó chịu, thì đó là an bài của Sư phụ, là điều cần thiết để viên mãn. Sư phụ đã giảng rằng luyện công không phải là việc nhâm nhi chén trà. Ngài đã nói với chúng ta rất nhiều lần, và theo vô số cách khác nhau, rằng tu luyện là phải chịu khổ, bao gồm cả các khổ nạn trên thân thể.

Cũng giống như những cơn đau ở chân khi ngồi đả tọa, có những ngày thân thể chúng ta cảm thấy vô cùng khó chịu, và có lúc lại cảm thấy không quá khó để vượt qua. Tôi nhận thấy rằng, điều đó đơn giản là do ý niệm của chúng ta đặt vào đâu, tâm trí và suy nghĩ của chúng ta nằm ở cảnh giới nào? Đối với tôi, điều này đóng một vai trò quan trọng trong cách tôi ước chế các vấn đề trên thân thể. Tôi có xử lý chúng theo cách của một người thường, và áp dụng những lời khuyên về sức khỏe mà tôi đưa ra cho bệnh nhân của mình, cho chính bản thân tôi hay không? Hay tôi gia cường ý chí, tăng cường tín tâm của mình vào Sư phụ và an bài của Ngài dành cho tôi? Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng nó cho phép chúng ta tu bỏ đi lớp vỏ người thường.

Kết luận

Tôi đã nhiều lần chứng thực được việc tiêu trừ nghiệp lực. Một lần, trên đường về nhà sau một ngày dài làm việc, tôi bị trượt ngã trên mặt đường băng giá và đập đầu rất mạnh vào mặt đường. Mặt tôi bị rách một vết dài và sâu. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là: “Ôi, mình bị ngã. Mình ổn thôi. Con tạ ơn Sư phụ!” Tôi đi lên nhà và ăn tối cùng vợ. Vợ tôi khăng khăng đưa tôi đến bệnh viện để khâu vết thương. Tôi đã từ chối thuốc tê khi họ khâu cho tôi, và nó đã rất đau.

Ba ngày tiếp theo, tôi có các triệu chứng chấn động nặng. Đầu tôi bị đau, và mọi cơ và khớp trên thân thể tôi đều đau nhức khủng khiếp. Tôi duy trì chính niệm mạnh mẽ, trong tâm phủ nhận an bài của cựu thế lực, và dứt khoát rằng tất cả điều này đều là để tiêu nghiệp. Tôi đã xem các bài giảng của Sư phụ và cố gắng hết sức để luyện công. Những gì có thể kéo dài vài tuần cuối cùng đã chỉ kéo dài trong ba ngày. Vào ngày thứ tư, tôi đi làm trở lại và cảm thấy khỏe. Đây là uy lực của Đại Pháp triển hiện ra khi chúng ta có tín tâm vào Sư phụ, và đặt bản thân ở trong Pháp.

Một lần khác, tôi bị đứt ngón tay rất sâu. Các dây chằng và dây thần kinh bị lộ ra ngoài. Tôi đã đến bệnh viện để khâu lại. Vị bác sĩ đã tức giận vì tôi nhất định không đồng ý gây tê. Trong cơn bực bội, ông ấy đã tiến hành khâu mạnh tay hơn. Tôi đã đọc nhẩm các bài thơ của Sư phụ để vượt qua cơn đau.

Điều kỳ diệu trong tình huống này là sau khi khâu, vết cắt lành lại rất nhanh và cơn đau giảm nhanh hơn so với các vết thương trước đây của tôi. Tôi hiểu đây là một khổ nạn mà tôi phải trải qua, và vì tôi đã chịu đựng sự đau đớn trong lúc khâu, nên ngay từ đầu tôi đã hoàn trả phần lớn nợ nghiệp, do vậy quá trình vết thương lành lại về cơ bản là không còn đau nữa. Điều này đã giúp tôi minh bạch hơn về việc tiêu trừ nghiệp lực. Bằng việc từ chối thuốc gây tê và chịu đựng đau đớn ngay từ ban đầu, nợ nghiệp đã được hoàn trả một cách nhanh chóng. Mặc dù cơn đau rất tồi tệ, nhưng không đến mức như tâm sợ hãi đã cảnh báo tôi.

Cựu thế lực

Một yếu tố khác trong tất cả những điều này là vai trò của cựu thế lực. Chúng đang theo dõi chúng ta rất chặt chẽ, đang chờ đợi để chộp lấy bất kỳ sơ hở nào của chúng ta. Có thể chúng ta cho rằng thiếu sót kia rất nhỏ, nhưng nó có thể nhanh chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chúng ta, vì một quan niệm có thể dẫn tới nhiều quan niệm khác. Khi điều này xảy ra, quan niệm cố hữu của chúng ta bám rễ sâu hơn, và chúng ta tin vào nó một cách sâu sắc hơn. Chúng có thể nằm trong tiềm thức, hoặc được coi như các suy nghĩ bình thường trong cuộc sống hàng ngày.

Trong vấn đề về cột sống và lưng của tôi, quan niệm hậu thiên biểu hiện ở việc tôi cố gắng vươn người để kéo giãn cột sống, hoặc luôn chú ý tới tư thế của mình vì sợ bị còng lưng. Thậm chí nó biểu hiện ở việc tôi lo lắng mình đã bị lệch đốt sống khi nhớ lại cách tôi nằm ngủ vào đêm hôm trước. Đây là cách nghĩ rất bình thường của một người thường. Khi cựu thế lực thấy chúng ta suy nghĩ theo cách này, chúng liền nhảy vào và khiến chúng ta bám chắc hơn vào những quan niệm này. Lưng của tôi sẽ bắt đầu đau hơn, và chu kỳ đau đớn cứ lặp đi lặp lại như thế. Tôi biết cựu thế lực đang thao túng tôi, và tôi cần phải gia cường chính niệm cũng như tín tâm vào Sư phụ và Pháp. Chính niệm chính là chìa khóa mở ra cánh cửa này. Nhưng chính niệm chỉ mạnh mẽ và hiệu quả khi chúng ta thực hiện tốt ba việc.

Luyện công tập thể

Kể từ khi bắt đầu tu luyện cách đây 5 năm, tôi đã không thể luôn giữ kiên định và tinh tấn. Tôi ước mình có thể kiểm soát được tốt hơn ngay từ đầu. Tôi chú trọng đến việc học Pháp hàng ngày, nhưng đôi khi lại bỏ bê việc phát chính niệm và luyện công. Khi luyện công, đôi khi tôi chọn những bài dễ luyện hơn. Gần đây tôi đã quyết tâm thay đổi, trở thành một người tu luyện tinh tấn theo yêu cầu của Sư phụ.

Tôi đã phối hợp với hai đồng tu khác ở gần nhà, và hiện giờ chúng tôi luyện công và học Pháp cùng nhau hầu như mỗi sáng. Nếu chúng tôi bỏ lỡ một buổi sáng, chúng tôi sẽ bù đắp vào thời gian của riêng mình. Nỗ lực luyện công và học Pháp nhóm mang lại lợi ích to lớn cho tất cả chúng tôi. Khi có thêm thời gian vào buổi tối, chúng tôi sẽ cùng nhau học Kinh văn của Sư phụ. Vợ tôi, một người ủng hộ Đại Pháp nhưng không tu luyện, đã tham gia học Pháp cùng chúng tôi nhiều hơn vào các buổi sáng. Đây là một bước tiến lớn và tôi tin rằng Sư phụ đang khuyến khích cô ấy tu luyện. Cô ấy cũng tin rằng Sư phụ đang cứu độ cô ấy. Đó là một phước lành lớn lao và tôi vĩnh viễn biết ơn Sư phụ và tất cả những gì Ngài đã hy sinh cho chúng ta.

Thời gian Chính Pháp đã gần kết thúc, tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta đều có thể tinh tấn hơn nữa, gia cường chính niệm của mình và tham gia vào nhiều hơn vào các hạng mục giảng chân tướng để thức tỉnh thế nhân.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/1/186140.html

Đăng ngày 13-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share